Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Đại diện IFC: Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam

Đại diện IFC: Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam

Chúng tôi đã có trao đổi ngắn với đại diện IFC ôngGeorge Joseph Ghorra về thương vụ đầu tư này và góc nhìn của IFC về cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.


Thưa ông, danh mục đầu tư tại Việt Nam của IFC trước đây chủ yếu là các định chế tài chính lớn như các ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây IFC bắt đầu xu hướng tìm kiếm các khoản đầu tư vào các công ty midcap nhưPAN Pacific. Theo ông, điều gì đã thay đổi xu hướng đầu tư của IFC?


Ông George Joseph Ghorra: Không có sự thay đổi nào trong chiến lược của IFC. Mục tiêu nhất quán của chúng tôi luôn là đầu tư vào khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển.


Các khoản đầu tư của IFC, ngoài việc phải khả thi về mặt tài chính, bền vững và có lợi nhuận, còn cần phải có tác động tích cực đến sự phát triển. Nhiệm vụ của IFC là hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân giàu tiềm năng và cơ hội tăng trưởng, bởi IFC có thể giúp các công ty này gia tăng giá trị và phát triển một cách bền vững.


Ông tìm thấy điểm gì hấp dẫn ở PAN và ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian tới?


Một trong những trụ cột đầu tư chiến lược của IFC là "An toàn thực phẩm và an ninh lương thực". Chúng tôi thấy rằng chiến lược này là phù hợp với chiến lược "Gia đình Thực phẩm" của Pan Pacific . PAN đã chứng minh được khả năng của mình trong việc mua lại và quản lý các công ty kinh doanh nông nghiệp một cách thành công.


Điều thứ hai đó là PAN có cổ đông lớn có tầm nhìn rộng. Các cổ đông lớn và SSI hiểu rất rõ thị trường nội địa và có mạng lưới mạnh có tiềm năng mang lại thêm các cơ hội M&A hấp dẫn để hỗ trợ Pan Pacific và các mục tiêu của Pan Pacific để có thể tăng tưởng mạnh hơn.


Thứ ba, ở thị trường Việt Nam hiện nay, kinh doanh nông nghiệp, hàng tiêu dùng hiện là mảng đầu tư rất hấp dẫn và đang tăng trưởng ở mức hai con số. Việt Nam có lợi thế so sánh về sản xuất các nông sản chính.


Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh, nhưng các công ty trong nước như PAN, muốn trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, sẽ không chỉ phải cải tiến quy mô doanh nghiệp mà còn phải theo đuổi sự phát triển bền vững.


Và IFC có thể hỗ trợ sự phát triển bền vững của PAN thông qua việc áp dụng bộ tiêu chuẩn hoạt động về môi trường và xã hội, quản trị công ty và sự hiểu biết về các thông lệ quốc tế tốt nhất trong ngành.


Ông đánh giá ra sao về cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới?


Các chuyên gia kinh tế dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,5-5,7% trong vòng 2-3 năm tới. Tuy tốc độ này là dưới mức tăng trưởng cao mà Việt Nam từng đạt được trong quá khứ, nhưng rất nhiều rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới rất muốn đạt được tốc độ tăng trưởng như thế này.


IFC tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Việt Nam đang có một cơ cấu dân số vàng với tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và tầng lớp trung lưu tăng nhanh.


Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về mức tăng của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi có tài sản khả dụng ngày càng tăng (68% hay 60 triệu người có độ tuổi dưới 40), đồng thời có một lực lượng lao động được đào tạo khá tốt và có nhiệt huyết (76% hay 68 triệu người có độ tuổi 15-60).


Theo OECD, số người tiêu dùng trung lưu của Việt Nam sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ, qua đó phản ánh tiêu chuẩn sống sẽ cao hơn, cùng với đó là nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, và an toàn cho sức khỏe sẽ tăng theo.


Ngành ngân hàng Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong 6 tháng đầu năm 2015. IFC đánh giá thế nào về việc NHNN Việt Nam đẩy mạnh dùng nội lực để tái cơ cấu ngân hàng nhỏ thay vì trông chờ vào vốn ngoại?


IFC ủng hộ chiến lược và nỗ lực của NHNN Việt Nam trong việc củng cố khu vực ngân hàng và xử lý nợ xấu và các vấn đề về sở hữu chéo vốn đã cản trở sự phát triển bền vững của ngành tài chính tại Việt Nam.


Chúng tôi đồng ý rằng việc huy động các nguồn lực trong nước là rất quan trọng đối với những nỗ lực như vậy. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng sẽ là quan trọng không kém khi huy động cả các nhà đầu tư nước ngoài do nguồn vốn trong nước còn hạn chế; và sẽ là tốt hơn nếu ngành ngân hàng trong nước mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào ASEAN và nền kinh tế thế giới.


Đầu tư nước ngoài sẽ mang lại không chỉ là nguồn tài chính dài hạn mà còn cả kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực quan trọng như quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, cũng như tạo sự minh bạch cho sự phát triển bền vững lâu dài của ngành ngân hàng.


Xin cảm ơn ông.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á