Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2015 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, tuy nhiên các yếu tố hỗ trợ không còn mạnh như năm 2014. VN-Index năm 2015 có khả năng tăng trở lại mức cao nhất đạt được trong năm 2014 ở ngưỡng trên dưới 650 điểm
Đó là nhận định của ông Yun Hang Jin - Giám Đốc khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities, Hàn Quốc tại buổi hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2015” do CTCK KIS Việt Nam tổ chức chiều 26/01.
|
Ông Yun Hang Jin cho biết, trong năm 2014 VN-Index đã tăng được trên 8%, tuy nhiên đà tăng so với các năm trước đã chậm lại (năm 2012 VN-Index tăng 17.7%, 2013 tăng 22%) và nếu xét với các nước trong cùng khu vực thì đà tăng của TTCK Việt Nam trong năm 2014 là yếu hơn nhiều.
Ông đánh giá, năm 2015, các yếu tố chính sách vĩ mô sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến TTCK, nhưng mức độ tác động đến thị trường sẽ không mạnh như năm 2014. Trong đó, trọng tâm của chính sách trong năm 2015 sẽ hướng đến các chính sách tài khóa tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thay vì các chính sách tiền tệ, bởi lẽ theo ông Jin, mức độ nới lỏng của các chính sách tiền tệ đã bị hạn chế hơn do dư địa không còn nhiều.
Về triển vọng TTCK trong năm 2015, ông Jin cho rằng khó có sự biến động mạnh, nhiều khả năng kết thúc năm 2015, VN-Index sẽ dao động quanh mức đỉnh của năm 2014. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm để cơ cấu lại danh mục đầu tư, thay vì để thị trường dẫn dắt, việc lựa chọn mã và điều chỉnh danh mục mới là quan trọng, ông Jin nói thêm.
Các nhân tố tác động
Về khối ngoại , theo ông Jin, trong nửa đầu năm 2015 sẽ khó có sự giải ngân mạnh. Các yếu tố tiêu cực như Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách Chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt tăng, bùng nổ tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro… sẽ tác động mạnh đến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi và Việt Nam cũng sẽ chịu tình trạng chung này.
Về tâm lý nhà đầu tư (NĐT) , năm 2015, tâm lý giải ngân của NĐT cá nhân sẽ được hỗ trợ. Theo ông, với bối cảnh thanh khoản thị trường tăng, CTCK hỗ trợ thêm margin, trong khi lãi suất tiền gửi tiếp tục có xu hướng giảm sẽ thúc đẩy NĐT cá nhân tăng cường giải ngân.
Về nguồn cung , áp lực trong năm 2015 sẽ không lớn do tốc độ thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khá chậm. Trong năm tới, tốc độ có thể tăng nhưng Chính phủ vẫn khó đạt mục tiêu đề ra.
Về doanh nghiệp , những tác động tích cực đến từ yếu tố vĩ mô như: Lãi suất giảm, tổng cầu tăng lên, chi tiêu ngân sách mở rộng, FDI tiếp tục chảy vào trong nước, giá dầu giảm, chi phí nguyên vật liệu giảm… sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Minh Tuấn
Theo Vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét