“Chính phủ đã hoạch định nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp tiếp nhận rất yếu.”
Tóm tắt:
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp – đơn vị thực hiện “Báo cáo chỉ số kinh doanh năm 2014” – cho biết:
- Theo kết quả khảo sát năm 2014, số lượng DN phát triển theo chiều hướng tích cực và số lượng DN rơi vào tiêu cực là cân bằng
- Cách thức huy động vốn không quan trọng bằng năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp và cách để nâng cao năng lực đó. Hiện tại, doanh nghiệp chưa đánh giá được vị trí của họ đang ở đâu. Cơ quan quản lý cũng không biết.
- Xu hướng phát hành cổ phiếu tăng vốn, huy động vốn từ thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015
- Doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự hội nhập quốc tế và đón nhận cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do
Ngày 27/01/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức hội thảo Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015 và công bố kết quả “Báo cáo chỉ số kinh doanh năm 2014”.
Bên lề Hội thảo này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Inbus) – đơn vị thực hiện Báo cáo này.
Thưa ông, Báo cáo Chỉ số kinh doanh năm 2014 cho thấy tình hình các doanh nghiệp năm vừa qua ra sao?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân : Báo cáo này cho thấy nếu lấy các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán làm chuẩn thì bức tranh nền kinh tế nhìn từ bên ngoài dường như không có nhiều thay đổi lắm so với năm 2013. Nhưng nếu phân tích kỹ có thể thấy, các doanh nghiệp đang phát triển theo các hướng khác nhau. Có doanh nghiệp phát triển theo chiều hướng tích cực, các chỉ số được cải thiện.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp đạt được thị giá trên 10.000 đồng có xu hướng tăng lên. Trong khi có những doanh nghiệp đi theo chiều ngược lại. Số lượng này trong cùng một ngành cơ bản là bằng nhau nên sẽ thấy không có gì thay đổi.
Tuy nhiên theo tôi đánh giá thì những ngành tưởng chừng không có sự thay đổi như bất động sản chẳng hạn, lại có rất nhiều sự tiến bộ. Đó là dấu hiệu tích cực với nền kinh tế.
Tôi cho rằng trong năm vừa rồi, nhiều ngành đã xuất hiện nhân tố mới, có những đóng góp tích cực và trong thời gian tới, dù vẫn còn doanh nghiệp khó khăn nhưng lại có những doanh nghiệp tạo ra được đà phát triển cho chính ngành của mình đồng thời tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế.
Theo ông, thách thức của các doanh nghiệp trong năm 2015 là gì?
Thách thức rất nhiều, không chỉ đối với Doanh nghiệp mà còn đối với cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan nghiên cứu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đối với cơ quan hoạch định chính sách, việc tìm ra được những doanh nghiệp, những ngành, những nhân tố tích cực có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế sẽ là thông tin hữu ích để chọn ra giải pháp thiết thực.
Ví dụ bộ Kế hoạch đầu tư hàng năm có chương trình phát triển và hỗ trợ Doanh nghiệp nhưng thường không phân loại Doanh nghiệp. Thiết kế nội dung chương trình cũng không chỉ ra được các Doanh nghiệp nào nên nghe, nên được bồi dưỡng. Báo cáo “Chỉ số kinh doanh năm 2014” sẽ giúp xác định mỗi doanh nghiệp mạnh ở điểm nào, yếu về cái gì để hỗ trợ.
Từ đó, cơ quan làm nghiên cứu cũng có thể dựa vào sự đánh giá này để đề xuất giải pháp, tư vấn cho chính phủ cũng như doanh nghiệp.
Còn đối với Doanh nghiệp, tôi cho rằng lợi ích là lớn hơn nhiều vì công cụ mà chúng tôi đang xây dựng cùng với báo cáo này sẽ giúp Doanh nghiệp tự đánh giá, tự biết mình đang đứng ở đâu trong hệ thống kinh tế để xác định cơ hội phát triển của mình.
Trong vai trò là người tư vấn cho doanh nghiệp, theo ông, với tình hình kinh tế hiện nay, doanh nghiệp nên chọn cách huy đông vốn nào?
Vốn tại thị trường Việt Nam không thiếu, ngay vốn trong nước chứ chưa nói đến quốc tế.
Điều quan trọng, theo tôi, hiện nay có 2 yếu tố mang tính chất quyết định đối với doanh nghiệp. Thứ nhất là năng lực hấp thụ vốn. Thứ hai là làm thế nào để nâng cao năng lực đó?
Doanh nghiệp chưa đánh giá được vị trí của họ đang ở đâu. Cơ quan quản lý cũng không biết. Vì vậy, bộ chỉ số hiện nay mà chúng tôi đang sử dụng chính là bộ chỉ số đầu tiên trong 5 nhóm chỉ số khác để đánh giá vị trí của doanh nghiệp, giúp họ biết cần thay đổi như thế nào
Việc tiếp cận đối với nguồn tài chính quốc tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong thời gian tới nếu chúng ta sử dụng bộ chỉ số này như một bằng chứng về việc hội nhập của Việt Nam và năng lực của Doanh nghiệp.
Trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu để tăng thêm vốn gấp nhiều lần. Theo ông, xu hướng phát hành cổ phiếu tăng vốn liệu có tiếp tục trong năm 2015?
Có, tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục đối với các doanh nghiệp đang niêm yết. Còn với doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, chưa niêm yết, họ cũng đã có thời gian đối chiếu hoạt động của mình với các Doanh nghiệp trên sàn để đủ vững tâm để gia nhập. Và theo đó, xu hướng lên sàn niêm yết sẽ gia tăng bất chấp yếu tố tâm lý e dè trong thời gian qua.
Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của Doanh nghiệp Việt Nam trước những cơ hội về hội nhập quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại tự do?
Rất tiếc, theo đánh giá của tôi thì dường như các Doanh nghiệp chưa sẵn sàng lắm. Các động thái trong khu vực cũng như quốc tế liên quan đến việc hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, thu hút dòng vốn… xuất hiện rất nhiều nhưng các Doanh nghiệp mà tôi tiếp cận thì chưa thấy điều đó thiết thực với mình.
Chính phủ đã hoạch định nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp tiếp nhận rất yếu. Trong một đánh giá về chỉ số kinh doanh toàn cầu, về chính sách, trong 70 quốc gia được đánh giá, điểm số của Việt Nam đứng trong top 13 trong khi doanh nhân và doanh nghiệp chỉ xếp thứ 50. Tức là có khoảng cách rất lớn từ chính sách đến sự tiếp nhận của Doanh nghiệp. Đôi khi doanh nghiệp biết chính sách rồi nhưng cũng không biết làm như thế nào để hấp thụ được nó.
Chúng tôi hy vọng Doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ đánh giá để biết được mình yếu ở đâu và chính sách của Chính phủ sẽ hỗ trợ được như thế nào.
Xin cảm ơn ông!
Trung Thành
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét