Khoảng nửa đầu năm nay thì nhà đầu tư nước ngoài khó có thể giải ngân tích cực vào thị trường chứng khoán Việt, nhưng họ sẽ không rút vốn hoàn toàn. Trong nửa cuối năm với những yếu tố hỗ trợ tích cực, dòng vốn khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường…
Nhận định trên được ông Yun Hang Jin, Giám Đốc khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities, Hàn Quốc đưa ra tại hội thảo xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam 2015 do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức.
Giá dầu giảm “góp” 0,5% cho GDP Việt Nam
Tại hội thảo, ông Yun Hang Jin cho rằng có 4 yếu tố chính tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015. Thứ nhất là lợi nhuận của doanh nghiệp, thứ hai là dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thứ ba là các chính sách tài khóa, tiền tệ và thứ tư là giá dầu trên thế giới cùng với các chính sách của các nước phát triển.
Theo chuyên gia này, nếu như trong năm 2014 những chính sách của Chính phủ chủ yếu tập trung vào chính sách tiền tệ, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thì đến năm nay chính sách quan trọng sẽ là chính sách tài khóa.
“Thay vì chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa quan trọng hơn nhiều. Trong 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ tăng chi ngân sách nhưng chỉ trong lĩnh vực liên quan tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, đó là đầu tư cơ bản”, ông nói.
Ông Yun cho biết nhà đầu tư Hàn Quốc khá quan tâm đến quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua bất động sản tại Việt Nam…
Liên quan đến chủ đề khác, theo vị chuyên gia từ Hàn Quốc, việc giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực lên nền kinh tế Việt Nam nói chung. Thống kê cho thấy mặc dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhưng kim ngạch nhập khẩu dầu tinh chế thì khá lớn cho nên giá dầu thế giới giảm thì giá nhập khẩu xăng dầu giảm theo, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và theo đó gián tiếp tác động đến nền kinh tế.
“Theo tôi tính toán việc giá dầu giảm trong thời gian qua có thể cộng thêm 0,5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam”, ông nhận định.
Với những phân tích của mình, ông Yun nhận định mục tiêu của quốc hội Việt Nam đề ra về mức tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2% là khá khả thi và khả năng sẽ đạt cao hơn con số này.
VN-Index sẽ lấy lại “đỉnh” năm 2014
Nhận định về thị trường chứng khoán trong năm 2015, ông Yun Hang Jin cho rằng thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng tuy nhiên mức tăng điểm của VN-Index sẽ không mạnh như những năm trước do động lực tăng trưởng không bằng 2014.
“Tôi cho rằng động lực thúc đẩy tăng trưởng bị yếu đi nhưng khả năng chỉ số VN-Index sẽ có thể hồi phục ngưỡng cao nhất năm 2014 đạt được, tức sẽ từ khoảng 580 điểm hiện tại lên vùng 650 điểm”, ông nói.
Mặc dù chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đã tăng lên mức cao so với những năm trước đây tuy nhiên nếu so sánh tương quan với các nước mới nổi và lân cận khác thì vẫn ở mức hấp dẫn. Xét về mặt giá trị thì VN-Index vẫn có động lực để tăng lên.
Ông cũng đưa ra hai tác động từ việc giá dầu giảm lên thị trường chứng khoán. Thứ nhất, với doanh nghiệp xuất khẩu dầu thô đang niêm yết trên sàn sẽ bị ảnh hưởng. Tác động thứ hai là khi giá dầu giảm thì với các nước xuất khẩu dầu mỏ bị kém đi vì nguồn thu từ dầu mỏ mất đi, khiến cho dòng vốn đầu tư vào các nước mới nổi bị rút ra và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi xu thế này.
“Nhà đầu tư nên loại khỏi danh mục những cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu giảm và quan tâm ở những mã được hỗ trợ tích cực từ giá dầu giảm như vận tải. Với chi phí nhiên liệu lớn, khi bớt được gánh nặng về chi phí thì lợi nhuận của nhóm này sẽ được cải thiện hơn.”, ông Yun đánh giá.
Về khối ngoại, vị chuyên gia KIS nhận định khoảng nửa đầu năm nay thì nhà đầu tư nước ngoài khó có thể giải ngân tích cực vào thị trường chứng khoán Việt được nhưng họ sẽ không rút vốn hoàn toàn. Ông cho rằng trong nửa cuối năm với những yếu tố hỗ trợ tích cực, dòng vốn khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường…
HUYỀN TRÂM
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét