PV tiếp tục đăng tải nhiều khuyết điểm, vi phạm "khủng" tại Tập đoàn VNPT và các đơn vị thành viên mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận.
Báo cáo tài chính thiếu chính xác
Khi hợp nhất báo cáo tài chính của các đơn vị phụ thuộc, VNPT chưa loại trừ hết các khoản công nợ phải thu, phải trả nội bộ các năm từ 2006 đến 2011 (như: năm 2006, nợ công phải thu chưa loại trừ 148,9 tỷ đồng, phải trả 49 tỷ đồng. Năm 2010, nợ phải thu chưa loại trừ 490,2 tỷ đồng, phải trả 398,2 tỷ đồng…); hạch toán doanh thu, chi phí tại một số đơn vị được thanh tra không đúng thời điểm các năm từ 2006 đến năm 2011 (như: năm 2006 giảm 83,44 tỷ đồng, năm 2009 tăng 275,436 tỷ đồng); chưa điều chỉnh số liệu doanh thu và chi phí chuyển sang năm sau theo kết quả kiểm toán các năm từ 2006 đến 2011, dẫn đến tài sản, nguồn vốn và kết quả kinh doanh của VNPT trên báo cáo tài chính thiếu chính xác (như: năm 2006 tăng 111,302 tỷ đồng, năm 2010 tăng 17,560 tỷ đồng).
Phân bổ vào chi phí tài chính khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại số dư ngoại tệ tiền gửi ngắn hạn năm 2006 trị giá 25,586 tỷ đồng không đúng quy định, giảm lợi nhuận, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 7,184 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thiếu so với quy định lũy kế đến năm 2011 là 202,462 tỷ đồng; thực hiện xử lý công nợ phải thu khó đòi tại nhiều đơn vị chưa đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định; chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị và các nhân liên quan trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, hợp đồng thu cước viễn thông…, dẫn đến phát sinh công nợ khó đòi giá trị lớn (như: Công ty Viễn thông Quốc tế…)
Trích vượt Quỹ khen thưởng phúc lợi, theo đó thiếu Quỹ đầu tư phát triển năm 2007 là 567,275 tỷ đồng và năm 2009 là 532,836 tỷ đồng, tổng cộng 2 năm là 1.100,111 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh không đạt chỉ tiêu
Kết quả hoạt động kinh doanh của VNPT từ năm 2006 đến năm 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2010 chưa bổ sung đủ, thiếu 2.739 tỷ đồng so với quy định tại Văn bản số 307/VPCP-KTTH ngày 14/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tăng vốn điều lệ được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế các năm 2009 và năm 2010, nhưng VNPT chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Theo đó, việc thực hiện trích quỹ lương theo doanh nghiệp xếp loại A là không đúng quy định tại Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện khuyến mại vượt giới hạn
Một số đơn vị hạch toán phụ thuộc VNPT đã chi phí khuyến mại vượt thời gian quy định, không phát sinh nguồn thu dẫn đến phải chịu thuế thu nhập tăng thêm 1.918,37 tỷ đồng.
Công ty VMS thực hiện khuyến mãi vượt giới hạn giá trị dịch vụ so với quy định (từ năm 2006 đến năm 2011) là 6.336,211 tỷ đồng và hạch toán doanh thu dịch vụ di động trả trước khi chưa cung cấp dịch vụ 1.010 tỷ đồng. Dẫn đến phải nộp thêm một khoản thuế thu nhập, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một số đơn vị được thanh tra đã kê khai, nộp thuế chưa đủ quy định gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp tại VNPT Hà Nội năm 2006 là 28,651 tỷ đồng, VNPT Bình Dương 13,475 tỷ đồng; một số đơn vị chưa kê khai thuế VAT đối với khoản doanh thu khuyến mại 57,514 tỷ đồng và kê khai, nộp thuế sai mức thuế suất 0,258 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý
Căn cứ Kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ và VNPT thực hiện một số nội dung sau đây:
Bộ Thông tin và Truyền thông: Thẩm định và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT, ban hành, điều chỉnh cơ chế nhất là đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc do đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, thiếu tự chủ trong hoạt động kinh doanh, đánh giá thiếu chính xác, khách quan về hiệu quả kinh doanh và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại các đơn vị. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bằng việc phân cấp cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về quảng cáo, khuyến mãi, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các Bộ Tài chính và Tài nguyên - Môi trường ban hành cơ chế, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn về công tác đầu tư, quản lý đất đai; chỉ đạo VNPT lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông, trong đó có nội dung về phạm vi, loại công trình chiếm đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Tài chính: Rà soát lại các quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ hạch toán kế toán và xử lý các khoản doanh thu, chi phí đối với dịch vụ viễn thông nhất là doanh thu, chi phí khuyến mãi, chỉ tiêu đánh giá xếp loại doanh nghiệp nhằm bảo đảm chính xác và khách quan. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo VNPT rà soát, điều chỉnh và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nội dung khác đã phát hiện qua thanh tra liên quan đến trách nhiệm của hai Bộ.
Đối với VNPT kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm các nhân tại Công ty Mẹ và đơn vị thành viên liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nêu trong phần kết quả thanh tra. Trong quá trình kiểm điểm đặc biệt chú ý đến các sai phạm trong đầu tư mua sắm và đầu tư tài chính, những sai phạm cụ thể tại Công ty tài chính Bưu điện, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI).
Về xử lý kinh tế: Xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản thuế do VNPT và các đơn vị thành viên chưa thực hiện chưa đúng quy định trị giá 105,836 tỷ đồng (trong đó: VAT là 57,772 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 48,064 tỷ đồng);
Giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất giải pháp và xử lý theo thẩm quyền các khoản:
Bổ sung vốn điều lệ còn 2.739 tỷ đồng so với quy định tại Văn bản số 307/VPCP-KTTH ngày 14/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng tại Công ty VTI 45.963.484,25 USD.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất biện pháp và xử lý theo thẩm quyền các khoản:
Giá trị dịch vụ viễn thông công ích còn chưa thanh toán cho VNPT 111 tỷ đồng.
Giá trị sản lượng dịch vụ viễn thông công ích được Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích thuộc Bộ đã ký hợp đồng và VNPT đã thực hiện lớn hơn dự toán được duyệt 453,4 tỷ đồng.
Quỹ Viễn thông công ích các đơn vị chưa nộp 496,645 tỷ đồng.
Giao VNPT đề xuất biện pháp, thực hiện xử lý theo trách nhiệm và thẩm quyền các khoản gồm: Khoản trích vượt quỹ khen thưởng phúc lợi (2007 và 2009) 1.100,122 tỷ đồng; Trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi thiếu 202,462 tỷ đồng; Chênh lệch do xác định lại giá trị Công ty Tiết kiệm Bưu điện 253,818 tỷ đồng; Khoản công nợ phải thu khó đòi tại Công ty Eurasia (Đức) 244.272,99 USD.
Các khoản thuế nộp thừa, chênh lệch lợi nhuận sau thuế chia theo vốn nhà nước, thiếu tiền trợ cấp dịch vụ bưu chính công ích.
Xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các các nhân và đơn vị liên quan đến những khuyết điểm và vi phạm thuộc thẩm quyền.
Đối với VNPT thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm theo kết luận thanh tra.
Theo Báo Xây Dựng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét