Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Ngân hàng lãi lớn từ đâu?

Ngân hàng lãi lớn từ đâu?


Lãi khả quan nên ngay từ tháng 1/2015, các ngân hàng đã dồn dập báo lãi năm 2014. Những con số bất ngờ về lợi nhuận cho thấy góc sáng tối trong hoạt động ngân hàng.


Tín dụng tăng sốc và sự trở lại của khối ngân hàng quốc doanh


Bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2014 đánh dấu sự trở lại của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.


Trong số các ngân hàng công bố lãi sớm năm 2014, khối ngân hàng quốc doanh chiếm tỷ lệ cao nhất và Agribank là cái tên mở màn. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2014 đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Bên cạnh tín dụng (tăng 8,5%), hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Agribank đều mang lại lợi nhuận. tổng thu dịch vụ tăng gần 20%. Đặc biệt, lãi hoạt động kinh doanh vốn, đầu tư giấy tờ có giá tăng 40% so với năm 2013.


Sau Agribank, BIDV cũng công bố lợi nhuận rất ấn tượng: 6.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20% so với năm 2013. Lợi nhuận của BIDV đến một phần từ tín dụng (tăng 18,9%).


Là năm đầu tiên niêm yết, BIDV đã đảm bảo được mức chia cổ tức theo cam kết với nhà đầu tư trước đó. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của BIDV (ROE) đạt 14,4%, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,8%, EPS đạt 1.700 đồng/cổ phiếu.


Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV cho biết, năm 2014, lợi nhuận ngành ngân hàng nhìn chung “ấm” hơn so với năm 2013, nhiều ngân hàng đã cán đích lợi nhuận. Điều này có được là nhờ nền kinh tế đang có dấu hiệu ấm lên.


Bên cạnh BIDV, cả hai ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh khác là VietinBank và Vietcombank đều có mức lợi nhuận khả quan. Điểm chung của 3 ngân hàng này là tăng trưởng tín dụng năm 2014 đều đạt trên 18%. Việc đạt được tốc độ tín dụng “sốc” như trên (cao hơn mức 13% của toàn hệ thống) giúp lợi nhuận của các ngân hàng lớn giữ được phong độ.


Theo thông tin chưa chính thức, năm 2014, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận của Vietcombank đạt 5.680 tỷ đồng (tăng 2%). Ngoài mảng khách hàng doanh nghiệp truyền thống, năm 2014, nhiều ngân hàng lớn đã phát triển mạnh mảng cho vay cá nhân. Đơn cử, tại Vietcombank, tín dụng từ khách hàng cá nhân năm 2014 tăng tới 36% so với cùng kỳ năm trước.


Khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã bắt đầu báo lãi. Cụ thể, theo báo cáo của TPBank, lợi nhuận của ngân hàng này năm 2014 đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, trong khi nợ xấu chỉ 1%. Đại diện TPBank cho hay, sở dĩ lợi nhuận của TPBank tăng tốt một phần là do tín dụng tăng trưởng tốt (tăng hơn 50%).


Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh ngân hàng cá nhân, cũng như doanh nghiệp đều khởi sắc. Hoạt động đầu tư, kinh doanh nguồn vốn và ngoại hối mang lại lợi nhuận đáng kể. Năm 2014, TPBank cũng giành được nhiều hợp đồng tín dụng lớn với Vietjet Air, Flexcom…


Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh, có thể thấy, lợi nhuận của các ngân hàng năm 2014 chủ yếu đến từ tín dụng, dịch vụ, ngoại hối, tập trung ở nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, tăng trưởng tín dụng cao.


Đảo nợ và “ăn gian” trích lập dự phòng rủi ro


Về lợi nhuận của các ngân hàng vừa công bố, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đây là bức tranh chưa hoàn hảo, bởi số ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh còn ít. Trên thực tế, năm 2014, vẫn có nhiều ngân hàng hiệu quả kém và mức độ sinh lời chưa cao.


Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chỉ số lợi nhuận trung bình của ngành ngân hàng (ROE) năm 2014 chỉ khoảng 5,5%, cao hơn mức 5,2% của năm 2013, song vẫn chỉ tương đương mức lãi suất tiết kiệm.


Dù mức tăng trưởng lợi nhuận mà nhiều ngân hàng công bố hiện nay là 15-20%, song theo ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, mức tăng trưởng lợi nhuận phổ biến của các ngân hàng (nếu có) chỉ vào khoảng 10%.


Mặt khác, lợi nhuận của từng ngân hàng phụ thuộc vào mức độ “chơi đẹp” với trích lập dự phòng rủi ro. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nói: “Có ngân hàng lợi nhuận cao, song thực chất là lợi nhuận ảo, vì họ chưa trích lập đầy đủ dự phòng nợ xấu. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chặt chẽ hơn trong yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro, song tôi biết, có những ngân hàng mới trích lập được dự phòng rủi ro cho khoảng 50% khoản nợ xấu”.


Điều đáng lo nhất là, lợi nhuận của năm 2015, theo đánh giá của lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn sẽ rất khó khăn. Cụ thể, năm 2015, Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN (về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ) của NHNN về cơ cấu lại nợ chính thức hết hiệu lực.


Thông tư 02/2013/TT-NHNN (về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) và Thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có hiệu lực, đồng nghĩa với việc nợ xấu sẽ bị siết chặt. khi nợ xấu tăng lên, các ngân hàng chắc chắn sẽ phải chi ra một khoản lợi nhuận không nhỏ để trích lập dự phòng rủi ro.


Điều này rất đáng quan ngại, vì theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dựa trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tranh thủ thực hiện đảo nợ các khoản vay có chất lượng tín dụng thấp ngay khi Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cấu trúc các khoản vay quá hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy, các ngân hàng đã chưa thực hiện nghiêm các chỉ tiêu về phân loại nợ.


Theo Báo Đầu tư




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á