Việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản và ngân sách chính phủ của các nước dầu mỏ bị thâm hụt nặng khiến cho tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao đã bùng nổ. Do đó, tâm lý đầu tư tại toàn bộ khu vực thị trường mới nổi sẽ trở nên bi quan.
“Năm nay, VN-Index có khả năng tăng trở lại mức cao nhất đạt được trong năm 2014, ở ngưỡng trên dưới 650 điểm. Chỉ số khó có thể vượt qua đỉnh của năm trước do các yếu tố hỗ trợ đã giảm đi”.
Đó là nhận định của ông Hang Jin Yun – Giám đốc khối thị trường mới nổi của CTCP Chứng khoán KIS tại buổi hội thảo về triển vọng thị trường chứng khoán 2015 tổ chức ngày 28/01 tại Hà Nội.
Theo ông Hang Jin Yun, các nhân tố nền tảng như lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, kỳ vọng về các chính sách mở cửa thị trường, duy trì các gói hỗ trợ lấy ngân sách làm trọng tâm… sẽ đẩy thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, những yếu tố tiêu cực như Mỹ tăng lãi suất, cường độ mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài suy yếu, giá dầu duy trì ở mức thấp, các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng cung tiền kém hiệu quả … sẽ làm hạn chế đà tăng của chỉ số.
Cụ thể, theo tổng hợp của KIS, con số tổng kết báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy mức tăng trưởng doanh thu là 14%, cải thiện hơn so với mức 3% của cùng kỳ năm 2013. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ, nhưng ông Hang Jin Yun cho rằng, trong năm 2015, doanh thu vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và lợi nhuận cũng sẽ tăng nhẹ do sức ảnh hưởng lớn của sự phục hồi kinh tế, chi tiêu ngân sách được mở rộng, chi phí đầu vào giảm.
Đánh giá riêng về hoạt động của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại thị trường Việt Nam, chuyên gia của công ty chứng khoán KIS nhận định, NĐT nước ngoài khó có thể giải ngân mạnh trong nửa đầu năm và hiện tại cũng không có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy NĐT nước ngoài sẽ tích cực giải ngân trong nửa đầu năm 2015.
Cơ sở của nhận định này trước hết là từ dữ liệu về giá trị mua ròng của khối ngoại. Năm 2012, khối ngoại mua ròng 154 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau đó đã tăng vọt lên 263 triệu USD trong năm 2013 nhưng trong năm 2014 chỉ có 136 triệu USD.
Bên cạnh đó, ông Hang Jin Yun nêu lên một số tiêu cực như việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt nặng, tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao đã bùng nổ. Do đó, tâm lý đầu tư tại toàn bộ khu vực thị trường mới nổi sẽ trở nên bi quan. Về cơ bản, thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu chung tình trạng này.
Dù vậy, quan điểm đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam vẫn bền vững nhờ các yếu tố hỗ trợ dài hạn. Đồng thời, rủi ro đầu tư giảm xuống nhờ cán cân thương mại cải thiện, tỷ giá ổn định, khả năng trả nợ nước ngoài tốt, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên. Chuyên gia này cũng đánh giá, khả năng nới room khối ngoại (cuối 2014 vẫn là 49%), IPO các Doanh nghiệp lớn cũng là các yếu tố hỗ trợ tích cực.
Mai Linh
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét