Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Cổ phiếu Ngân hàng: Chờ 'ông lớn' gõ cửa

Cổ phiếu Ngân hàng: Chờ 'ông lớn' gõ cửa


Ông Hoàng Đình Kế, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VSM cho rằng, năm 2014 không có cổ phiếu NH nào nổi bật. Lý do là vì NĐT vẫn đánh giá các NH đang trong giai đoạn tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Kết quả kinh doanh của các NH cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng.


Dài cổ chờ niêm yết


Năm 2014, UBCKNN đã làm việc với NHNN để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các NHTM đại chúng. Thời gian qua, NHNN cũng có văn bản hối thúc NH đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu lên sàn, nhưng xem ra, các tiến trình đều không suôn sẻ như mong đợi. Nếu có, điểm sáng duy nhất liên quan đến câu chuyện niêm yết là những ngày cuối cùng của năm 2014, Nam A Bank công bố sẽ niêm yết trong năm 2015.


Quyết tâm là có, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, câu chuyện niêm yết vẫn là một chặng đường dài đối với Nam A Bank vì từ khi được đồng ý về mặt nguyên tắc đến khi hoàn tất thủ tục cũng mất chừng 6 - 9 tháng. Và câu chuyện lỗi hẹn niêm yết cũng xảy ra triền miên ở các NH có cổ phiếu OTC suốt nhiều năm qua, khiến cổ đông chán nản.


Chẳng hạn như trường hợp của SCB, có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch với giá rất cao trên thị trường OTC và trở thành cổ phiếu nóng để nhà đầu tư (NĐT) săn lùng. Nay, NĐT luôn kỳ vọng SCB lên sàn để họ có thể giải phóng được mớ cổ phần đầu tư suốt nhiều năm qua. Nhưng, chuyện SCB có niêm yết được như lãnh đạo NH này tuyên bố không vẫn là một ẩn số bởi tỷ lệ nợ xấu đã được kéo giảm xuống mức thấp nhất từ sau khi khi sáp nhập, nhưng để xử lý được triệt để nợ xấu đòi hỏi NH này phải mất một quá trình.


Một số NH có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ nhiều năm trước, nhưng tình hình hiện tại cũng chẳng hơn gì. DongA Bank (DAB) là một trong số đó, khi NH này kên kế hoạch niêm yết trên HSX từ nhiều năm trước và đã được ĐHCĐ thông qua. HĐQT DongA Bank còn cho rằng, niêm yết là điều kiện cần thiết để minh bạch thông tin và tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu DAB.


Tuy nhiên, khi kế hoạch trên của DongA Bank chưa kịp được thực hiện thì khủng hoảng xảy ra và chứng khoán sụt giảm khiến NH không còn mặn mà với việc lên sàn. Vì vậy, DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết… vô thời hạn. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank khẳng định, niêm yết là điều kiện cần thiết để minh bạch, song không có nghĩa là NH sẽ phải niêm yết bằng mọi giá, nếu cảm thấy bất lợi cho cổ đông.




NĐT vẫn đánh giá các NH đang trong giai đoạn tái cấu trúc và kết quả kinh doanh cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng


Nói là vậy, song khi TTCK khởi sắc, NĐT vẫn thấy DongA Bank “chưa chịu” lên sàn. Đã vậy, nay Dong A Bank lại vướng vào một rào cản lớn đối với việc niêm yết đó là nợ xấu tăng rất mạnh. Năm 2014, có thời điểm nợ xấu của DongA Bank tăng trên 6%. Điều này phạm vào quy định niêm yết là tỷ lệ nợ xấu phải dưới 3% so với tổng dư nợ trong thời gian 2 quý liền trước…


Trước bối cảnh TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu của nhiều NH tăng mạnh và trở thành cổ phiếu nóng khiến NĐT trên thị trường OTC càng “nóng ruột”. Theo ông Kỳ, một NĐT, nhiều cổ phiếu NH dù giảm giá mạnh nhưng khi niêm yết trên sàn đều tạo được tính thanh khoản tốt. Trong khi đó, một số NH “chây ỳ” trong việc niêm yết, khiến cổ đông thiệt thòi...


Lững lờ vì thiếu “ông lớn”


Ông Hoàng Đình Kế, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VSM cho rằng, năm 2014 không có cổ phiếu NH nào nổi bật. Lý do là vì NĐT vẫn đánh giá các NH đang trong giai đoạn tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Kết quả kinh doanh của các NH cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng. Đơn cử như ACB, mức giá ở thời điểm cuối năm so với đầu năm gần như được giữ nguyên. Mặc dù ACB mua cổ phiếu quỹ khá nhiều, nhưng cũng không tạo ra được sự đột biến.


“Cổ phiếu NH không có điểm gì nổi bật trong giai đoạn vừa qua, nhưng cũng phải đánh giá các NH đã rất tích cực thực hiện đúng chủ trương của NHNN để tái cấu trúc và xử lý, kiểm soát nợ xấu. Vì chỉ tiêu an toàn tài chính, nên việc đầu tư của các NH cũng rất dè dặt theo đúng quy định của NHNN. Không có kinh doanh gì đột biến nên cổ phiếu NH cũng không có đột biến”, ông Kế nhìn nhận.









Hiện trên cả 2 sàn HSX, HNX mới có 9/40 NH đã niêm yết và giao dịch cổ phiếu, gồm VietinBank, Vietcombank, Eximbank, ACB, MB, Sacombank, SHB, BIDV, Navibank (vừa xin hủy niêm yết). Các NH đã niêm yết từ trước năm 2012 và tận dụng khá tốt nguồn vốn huy động trên TTCK.

Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Tuấn, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, diễn biến của cổ phiếu NH trong năm qua không thấy có điểm nào đột biến. Mỗi cổ phiếu sẽ có một cách biến động riêng, tuy nhiên hầu như cổ phiếu NH đi ngang cả năm, biến động giá không nhiều.


ACB có tăng được từ 15.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm lên đỉnh điểm là 17.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2014. MBB được gọi là mã có sóng tương đối mạnh của dòng cổ phiếu NH, tăng từ quanh khu vực khoảng 11.600 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 15.700 đồng/cổ phiếu là thời điểm cao nhất. Sacombank đầu năm ở mức giá 16.900 đồng/cổ phiếu sau đó tăng lên đỉnh ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó lại đi ngang, hoặc tăng giảm với biên độ hẹp, đóng cửa năm 2014 ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu.


Nhìn về VCB, cổ phiếu này có tăng giảm với biên độ tương đối lớn, khi đầu năm 2014 giá cổ phiếu này ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu, đến tháng 3/2014 đã tăng lên 26.000 đồng/cổ phiếu; nhưng cũng có lúc giảm khá mạnh, từ 26.000 đồng/cổ phiếu giảm về 21.000 đồng/cổ phiếu; cuối năm đã tăng lên 33.000 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng này, VCB trở thành cổ phiếu tăng giá tốt nhất từ đầu năm đến cuối năm.


Song, sóng lớn nhất của cổ phiếu NH có lẽ là SHB, khi có mức giá biến động từ khu vực khoảng 6.200 đồng/cổ phiếu tăng lên 11.500 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cao nhất. “Trong các dòng cổ phiếu NH, chỉ SHB có biến động mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm. Còn lại từ tháng 5 trở đi, giá cổ phiếu NH tăng giảm xen kẽ.


Chỉ có duy nhất đầu năm khi cả thị trường lớn tăng điểm thì cổ phiếu NH cũng tăng theo. Nhưng điểm đáng lưu ý là trong khi đầu năm 2014, có rất nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá mạnh, nhưng riêng cổ phiếu NH cũng có được đầu cơ nhưng biên độ tăng trung bình là thấp nhất so với các dòng cổ phiếu khác”, ông Tuấn nói.


Tăng thì tăng ít hơn và nếu có giảm thì cũng giảm ít hơn nên NĐT đầu tư vào cổ phiếu NH từ đầu năm đến cuối năm có lãi, nhưng không nhiều vì biến động cổ phiếu NH ít. “Đây là điểm khác biệt so với các năm trước”, một chuyên gia nhìn nhận. Tuy thế, một số ý kiến khác lại cho rằng, sự thiếu máu lửa của thị trường với cổ phiếu NH hay thiếu sóng đơn giản là để có sóng cổ phiếu NH đòi hỏi lượng tiền rất lớn. TTCK Việt Nam năm 2014 hoàn toàn thiếu cơ sở này.


2015 không nhiều triển vọng


“Đặc điểm lớn nhất của cổ phiếu NH trong năm 2014 là tăng giảm rất ổn định ở mức giá vừa phải. Vì vậy, khi chưa nhìn thấy có đột biến nào thì với tất cả bằng chứng từ 2014 đến nay, có thể nhận định diễn biến giá cổ phiếu NH năm 2015 sẽ tiếp diễn như năm 2014”, một chuyên gia phân tích.


Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn cũng cho rằng, có thể sẽ không xuất hiện nhiều sóng mạnh. Còn tất nhiên, chưa nhìn thấy dấu hiệu NĐT lớn “hăng máu” với cổ phiếu này. “Muốn thấy cổ phiếu có NĐT lớn hay có đầu cơ phía sau hay không thì nhìn vào khối lượng giao dịch và biên độ tăng và giảm giá sẽ đánh giá được”, ông Tuấn cho hay.


Nhìn nhận về kỳ vọng các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và hành động quyết liệt của NHNN trong việc cơ cấu lại các NHTM liệu có giúp cổ phiếu NH hấp dẫn hơn với NĐT hay không, một chuyên gia cho biết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống NH khả quan hơn. Tuy nhiên, trong phần nợ xấu này có rất nhiều khoản nợ DN mất khả năng thanh toán. Do vậy, kết quả kinh doanh của các NH có cải thiện nhưng chỉ là bớt một phần xấu.


Ông Hoàng Đình Kế thì cho rằng, năm 2015 các NH sẽ đẩy mạnh cho vay bất động sản và tiêu dùng. Điều này sẽ khiến cho kết quả kinh doanh năm 2015 sẽ khả quan hơn năm 2014. NĐT thích đầu tư vào cổ phiếu tài chính, NH sẽ chọn cổ phiếu NH để đầu tư vì năm 2015 thực sự ngoài lĩnh vực bất động sản là có thể có tích cực thì cũng không còn ngành nào có thể có điểm đáng để đầu tư. Nên đầu tư cổ phiếu NH vẫn an toàn cho NĐT hơn. Tuy nhiên, NĐT đầu tư cổ phiếu NH thường là NĐT lớn, NĐT tổ chức.


Ông Kế cũng nhận định, cổ phiếu NH ít có cơ hội tạo sóng. “Vì nếu có lượng vốn lớn, NĐT sẽ quan tâm hơn đến lượng cổ phiếu lên IPO lần đầu hơn quan tâm đến cổ phiếu ngành NH. Nên rất khó có sóng cổ phiếu ngành NH trong năm 2015”, ông Kế nói.









Theo thông tin từ Nam A Bank, NH này đã có đủ điều kiện và đang tiến hành hoàn tất thủ tục để được cho phép lên sàn sớm nhất trong năm 2015. Về nguyên tắc, Nam A Bank đang thúc giục đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ. Lãnh đạo NH Nam Á cũng cho biết, năm 2014 dù có nhiều khó khăn nhưng Nam A Bank vẫn quyết định hoàn tất hồ sơ đăng ký niêm yết tại sàn HSX trong năm 2015 để mở ra cơ hội kinh doanh tốt hơn cho NĐT.



Theo Thời báo Ngân hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á