Tính đến cuối tháng 8/2014, các ngân hàng trên địa bàn TP HCM đã báo lãi 12.156 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, riêng các ngân hàng có hội sở chính trên địa bàn TP HCM đã lãi trên 4.600 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng có nhiều cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2014.
Bên cạnh đó, quy mô vốn và dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn thành phố đều đạt mức triệu tỷ, tăng cao so với những năm trước đây. Tính đến cuối tháng 8/2014, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.226.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tăng 6% so với đầu năm 2014; tổng dư nợ tín dụng đạt 1.010.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, tăng 6,05% so với đầu năm 2014.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đánh giá, nguồn tín dụng tập trung chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ là tín hiệu rất tích cực cho thấy nguồn vốn vay đã đi đúng mục đích. Đặc biệt, cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng ngày càng cao đáp ứng yêu cầu cung cấp vốn phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 9/2014, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 49% tổng dư nợ trên địa bàn.
Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực trên, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng nhanh là vấn đề rất đáng lo ngại. Tính đến cuối tháng 8/2014, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM là 60.900 tỷ đồng, tăng 16.200 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Trong đó, các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có tỷ lệ nợ xấu ngất ngưởng (21 – 37%); tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng thương mại ở mức (2 – 8%).
Các tổ chức tín dụng nhận định, trong thời gian tới việc xử lý nợ xấu sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, do hoạt động của tổ chức mua bán nợ VAMC sẽ có nhiều cải thiện, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng bán nợ nhiều hơn; Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hiệu lực từ tháng 7/2014, giúp cho việc xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng thuận lợi hơn; hoạt động của các ngân hàng được cải thiện sẽ giúp cho việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro cho xử lý nợ xấu được tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong những tháng cuối năm, tại TP HCM ngành ngân hàng tiếp tục tập trung hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, đảm bảo an toàn hệ thống, đáp ứng tốt nguồn vốn phục vụ cho sản xuất cuối năm khoảng 45.000 – 50.000 tỷ đồng; cùng với đó là tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng, ổn định tỷ giá và thị trường vàng.
Theo Petrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét