Cải cách hệ thống ngân hàng cũng có nghĩa là phải đi cùng với câu chuyện có thị trường mua bán nợ rõ ràng. Nếu không mua bán được nợ thì các ngân hàng không có cách tự làm sạch được giá trị sổ sách (book value), bảng cân đối tài sản (balance sheet) và tăng tính thanh khoản.
Trước hết, cần khẳng định rằng nợ xấu là hiện tượng chung của rất nhiều quốc gia chứ không chỉ có riêng Việt Nam; đó là bong bóng đầu tư, là khi trị giá một loại tài sản nào đó tăng vọt một cách bất thường vượt sức mua của người dân. Các loại bong bóng bị thổi căng phồng phổ biến nhất là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, và có lẽ nghiêm trọng nhất, là bong bóng bất động sản. Nó nghiêm trọng nhất vì liên hệ đến ngành xây dựng và cả khu vực kinh tế liên quan đến người dân và có thể gây ra nạn thất nghiệp cao, khiến tăng trưởng GDP bị suy giảm.
Xây dựng và bất động sản là một trong những ngành chủ chốt của bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới, kể cả 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới là EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Khi một dự án xây dựng được thực hiện, các ngân hàng, các nhà thầu xây dựng, kỹ sư, người thợ đủ mọi loại ngành nghề như thợ điện, thợ ống nước, thợ xây đều có công ăn việc làm, các công ty cung cấp vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng..., những công ty sản xuất và bán lẻ thiết bị gia dụng như bếp, tủ lạnh, TV, máy lạnh, bàn ghế, giường tủ, vật dụng trang trí nhà cửa… đều ăn nên làm ra và tăng tuyển dụng nhân viên, như nhân viên kế toán, nhân viên môi giới bất động sản… tạo công ăn việc làm cho mọi người, mọi nhà và giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Nguyên nhân bởi nạn đầu cơ và giảm giá tài sản, cũng như nghiệp vụ ngân hàng kém
Người ta có nhiều cách gọi khác nhau về hiện tượng này, là khi mà giá cả một số tài sản đầu tư gia tăng phi lý vì không có cơ sở thực tế và do đó sẽ có lúc sụt, đó là nạn "bong bóng đầu cơ", nạn "giá ảo".
Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, khi thị trường tăng trưởng nóng quá, mà nguyên nhân phổ biến là do tâm lý hồ hởi sảng, là sự lạc quan thiếu cơ sở khi người ta nghĩ rằng trị giá bất động sản sẽ tăng mãi nên đầu cơ theo triển vọng gia tăng đó để kiếm lời mà không nghĩ gì đến rủi ro. Thuần về kinh tế mà nói thì đầu cơ cũng chỉ là đầu tư, tức là không có ý nghĩa xấu về hàm ý đạo đức, mà chỉ là muốn đầu tư có lời thật nhiều trong thời gian ngắn và nhanh nên chịu rủi ro lớn.
Nguyên nhân cơ bản nhất của sự hồ hởi đó là khi thấy tiền nhiều và rẻ, tức là tín dụng dồi dào và dễ dãi với lãi suất thấp. Vì vay tiền quá dễ và tin rằng phần lãi suất đi vay còn thấp hơn kỳ vọng sinh lời nhờ trị giá tài sản gia tăng, người ta đi vay để đầu cơ, và khi thị trường đảo chiều sụt giá thì hết trả được nợ, làm ngân hàng kẹt vốn, sinh ra nợ xấu và có thể sụp đổ.
Chẳng hạn như ở Việt Nam trước đây, khi thị trường chứng khoán bùng nổ và nhiều người thành công kiếm được tiền nhờ cổ phiếu được thổi giá quá cao ở quãng những năm 2006-2007, người ta bắt đầu sợ giá sụt nên bán cổ phiếu để lấy tiền mặt dồn qua thị trường bất động sản. Đây cũng là chuyện đã từng xảy ra tại Mỹ từ năm 2001, khi bong bóng dot-com bị vỡ và thổi lên trái bóng nhà đất, và 7 năm sau, tức là năm 2008 thì bắt đầu xì bóng và bóng bể.
Vấn đề cực kỳ nguy hiểm là người ta cứ thế say sưa làm giàu, đầu tư trong vòng luẩn quẩn, họ làm giàu không vì đồng lương do dịch vụ trung gian đưa lại mà vì đã thành công trong việc tạo ra được sự tăng giá một cách vô lý cho những tờ giấy tài chính hay tài sản phi tài chính không do sản xuất tạo ra như tín dụng, cổ phiếu... và các công cụ tài chính khác. Đây đều là những công cụ tài chính mang tính trung gian (financial intermediary), gây ra ảo giác về thịnh vượng và bong bóng đầu cơ như một tòa tháp xây trên cát.
Lẽ dĩ nhiên, nếu vay tiền với lãi suất rẻ và thấp trong thời gian ngắn hạn để sau đó phải tái tài trợ (refinance) thì lại có những bất lợi, có thể gặp những lúc lãi suất cho vay đã gia tăng do lạm phát, người vay không đủ khả năng trả. Nếu giá nhà đất đi xuống, bán không được, người vay không đủ khả năng trả nợ thì cả người vay lẫn ngân hàng đều bị mắc kẹt. Nếu ngân hàng có tịch biên tài sản thế chấp, chẳng hạn như một bất động sản hay cổ phiếu thì cũng không thu hồi được vốn vì giá giảm, nên sinh ra nợ xấu khó đòi và sẽ mất khoản cho vay. Vì khi cho vay, ngân hàng đã thẩm định giá tài sản đảm bảo cao hơn thực giá, tới khi cổ phiếu hoặc bất động sản sụt giá vì trái bóng đầu cơ bị bể thì ngân hàng lâm nạn.
Nguyên nhân cội nguồn của vấn đề chuyên môn là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng tại Việt Nam thấp, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, số lượng ngân hàng được thành lập và bung ra quá nhiều nên thiếu nguồn nhân lực am hiểu lĩnh vực tài chính, dẫn đến việc thẩm định các dự án đầu tư không đúng nghiệp vụ chuyên môn, như cổ phiếu hay bất động sản hoặc các tài sản khác so với sức mua và thu nhập của người dân.
Nhưng cơ bản vẫn là một vấn đề khác. Đó là nhiều ngân hàng ở Việt Nam hay các công ty tài chính đánh giá sai rủi ro, vì tin vào thực lực tài chính của khách vay tiền mà "không thẩm định thế chấp" (no-appraisal mortgage).
Cụ thể, các ngân hàng thường ưa thích "nắm anh có tóc", chứ không "nắm anh trọc đầu", nôm na là "chỉ nên cho người giàu vay tiền", vì ngân hàng tin rằng đấy là những người có khả năng trả nợ. Do vậy, những ai có tài sản thường là người dễ đi vay vì tài sản ấy là vật đảm bảo cho chủ nợ ngân hàng, chẳng hạn như một bất động sản hay cổ phiếu làm "tài sản thế chấp" (collateral), và khi tài sản thế chấp này bị sụt giá thì sinh ra nợ khó đòi và mất vốn.
Mà không chỉ có vậy, đa số các ngân hàng bỏ ngoài tai về nghiệp vụ nhiều kẽ hở này, các ngân hàng vẫn chủ yếu tự tin cho nhà giàu vay tiền vì tin vào khả năng trả nợ của thành phần gọi là "những người có nhiều tóc" này. Thế rồi sau đó, các khoản tiền đó chảy đi đâu thì người ta không thể hết được nữa. Thực tế là nhiều đại gia đã đi vay bừa bãi với lãi suất có khi là 20% (khi lạm phát ở Việt Nam gia tăng trước kia) để đầu cơ, như vào chứng khoán, vàng, hay vẫn chủ yếu là bất động sản và mất vốn khi thị trường này đảo chiều, bị bể bóng như đã thấy. Một số người còn tuyệt vọng hơn vậy, họ vay tiền với lãi suất cao mà không nghĩ đến chuyện trả nợ.
Các ngân hàng cho cho vay như vậy cũng sẽ mất vốn và gieo họa dây chuyền cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, mà bị thiệt hại nặng nhất là những người gửi tiền nếu các ngân hàng này bị vỡ nợ.
Đấy chỉ là một phần cơ bản nợ xấu do giảm giá tài sản thôi, còn nguyên nhân sâu xa hơn đó là nạn "sở hữu chéo", nó nghiêm trọng vì nếu tình trạng kéo dài sẽ chuyển từ nợ xấu sang nợ công quốc gia, nên dễ gây ra nạn bể bong bóng đầu tư.
Tác động đến sự trì trệ kéo dài của nền kinh tế
Thông thường, nếu quả bóng bất động sản bị bể, nó sẽ thổi qua bong bóng tài chính ngân hàng và gây ra nạn bể bóng cổ phiếu của mọi lĩnh vực ngành nghề khác và tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoàng tài chính trong hệ thống ngân hàng.
Đơn giản và dễ thấy là khi một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tài chính vì giảm giá tài sản như giá bất động sản được thổi lên quá cao, vượt khỏi khả năng chi trả của người mua, thì tất nhiên đến thời điểm nào đó giá ảo đấy sẽ phải giảm xuống và thường nó sẽ xuống dưới giá thành ban đầu.
Gặp trường hợp nợ xấu kéo dài thì doanh nghiệp sẽ gọi vốn trên thị trường chứng khoán, có thể trong trung hạn đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, kèm theo cái bẫy thanh khoản (liquidity trap) tăng cao nhưng rất dễ bị bể bóng cổ phiếu. Bởi vì, "nếu nhà đầu tư không còn tự tin vào thị trường và khả năng tồn tại của nó, họ sẽ rút tiền ra" (if investors are not confident in the market and its viability, they'll pull their money out), dẫn đến khủng hoảng tài chính như trường hợp giảm giá tài sản tại Mỹ năm 2008 - 2009, do ảnh hưởng của nợ xấu.
Nói cho dễ hiểu là có quá ít doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, mà lại có quá nhiều người đổ tiền vào thị trường chứng khoán, và mọi thứ trở nên kém thanh khoản khi nhà đầu tư thất vọng khi đã đổ nhiều tiền cho cổ phiếu nhưng bế tắc về đầu ra cho sản xuất kinh doanh.
Lúc này, cho dù các ngân hàng có hạ lãi suất để kích cầu tiêu dùng thì người vay cũng chẳng dám đi vay, mà chủ yếu người đi vay phải tập trung vào trả nợ, giảm tiêu dùng, thay vì đầu tư thêm. Khi người ta đã làm sạch giấy nợ rồi thì mới nghĩ đến đầu tư cho sản xuất, nên dẫn đến tình trạng trì trệ tăng trưởng, như trường hợp của Nhật Bản xưa kia bị nợ xấu khi lãnh hậu quả bong bóng cổ phiếu và bất động sản bị bể kéo dài cả hơn 20 năm và đến tận ngày nay vẫn chưa hồi phục do sức tiêu thụ của người dân Nhật Bản suy giảm.
Nhà nước cần có biện pháp rõ ràng hơn nữa
Việc giải quyết nợ xấu không dễ một sớm một chiều nếu hệ thống thu thập, thống kê số liệu nợ xấu vẫn tiếp tục trong tình trạng "mơ hồ" (ambiguity). Vấn đề quan trọng lúc này là vẫn phải cải tổ triệt để về nghiệp vụ ngân hàng. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang gánh chịu tình trạng lòng tin của công chúng xuống thấp, sự yếu kém về quản lý để thẩm định doanh nghiệp đi vay, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức mạnh vốn, và không có kiểm toán quốc tế.
Nếu cần thì làm đợt sát hạch (stress test) để xác định được chính xác sức khỏe của từng ngân hàng một, thì khi đó mới đưa ra giải pháp chính xác cho từng trường hợp. Ngân hàng nào đáng phải cứu, ngân hàng nào buộc phải sáp nhập, ngân hàng nào tự tồn tại được, ngân hàng nào có thể cho phá sản...
Và quan trọng hơn, để giảm thiểu rủi ro nợ xấu gia tăng sau này thì vẫn chủ yếu do chính các ngân hàng phải tự đánh giá khách hàng đi vay, và doanh nghiệp đi vay phải dựa vào "điểm số tín dụng tiêu dùng, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, và xếp hạng tín dụng ngân hàng" (consumer credit scores, business credit ratings, and bank credit ratings).
Cải cách hệ thống ngân hàng cũng có nghĩa là phải đi cùng với câu chuyện có thị trường mua bán nợ rõ ràng. Nếu không mua bán được nợ thì các ngân hàng không có cách tự làm sạch được giá trị sổ sách (book value), bảng cân đối tài sản (balance sheet) và tăng tính thanh khoản.
Hiện nay, cơ quan quản lý cũng chưa tạo đủ sức ép đối với các ngân hàng có nợ xấu, cụ thể là vẫn còn đắn đo nên hay không nên giữ các ngân hàng yếu kém, hay tự để cho các ngân hàng đó phá sản. Chính vì lý do này mà các ngân hàng cũng không có động cơ bán nợ. Nếu ngân hàng "đóng gói đông lạnh" che dấu các khoản nợ xấu thì không bị mang tiếng là mất tài sản và khi sắp đổ vỡ thì sẽ ỷ lại nghĩ rằng Nhà nước sẽ ra tay cấp cứu. Còn bây giờ nếu bán đi thì ngay lập tức ngân hàng phải hạch toán vào thành một khoản lỗ và trở thành một việc tai tiếng.
Cho nên, cơ chế này đang khuyến khích các ngân hàng cố ém nhẹm các khoản nợ xấu thay vì tham gia vào thị trường mua bán nợ để cải thiện thanh khoản. Vấn đề hiện nay vẫn là sức ép từ phía Nhà nước sẽ là cần thiết để tạo động cơ thích đáng cho các ngân hàng tham gia bán nợ. Không thể nói là nợ xấu mà xấu cỡ nào cũng chẳng ai biết chính xác, đến khi thị trường đảo chiều vì lý do một vài ngân hàng mất khả năng thanh toán là hết ai dám mua nợ xấu nữa và có thể gây ra hậu quả ngoài ý muốn (unintended consequences).
Theo Vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét