Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Từ 1/6: Sẽ liên tục thanh tra, giám sát ngân hàng

Từ 1/6: Sẽ liên tục thanh tra, giám sát ngân hàng


Theo Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 (thay thế Nghị định 91/1999/NĐ-CP ngày 4/9/1999), việc giám sát ngân hàng sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục.


Nghị định nêu rõ, nguyên tắc thanh tra, giám sát ngân hàng phải bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương; tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục.


Đồng thời, thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật sẽ kết hợp với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng...


Nghị định cũng quy định để thực hiện kiểm toán độc lập phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng phải thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán một, một số hoặc tất cả các nội dung về tổ chức hoạt động, tài chính khi xét thấy cần thiết trong các trường hợp, tổ chức tín dụng có nguy cơ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; công ty con, công ty liên kết, đơn vị trực thuộc của tổ chức tín dụng có dấu hiệu ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của tổ chức tín dụng...


Thành Hưng



Máy bay Trung Quốc đe dọa tàu Việt Nam

Máy bay Trung Quốc đe dọa tàu Việt Nam


Mặc dù đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra xa thêm 23 hải lý theo hướng đông đông bắc so với vị trí ban đầu, nhưng tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc vẫn bám vị trí cũ và tỏ ra sẵn sàng tấn công tàu Việt Nam tại vị trí này.


Trưa 30-5, tàu cảnh sát biển 2016 đã nhận được lệnh cơ động di chuyển đến vị trí cũ nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để quan sát, nắm tình hình. Suốt dọc đường đến khu vực này, tàu 2016 ghi nhận có rất nhiều tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đang hoạt động, ngăn cản các tàu cá và quấy nhiễu các tàu chấp pháp của Việt Nam.


Mục đích của việc quay lại vị trí này nhằm tìm kiếm các vết dầu loang, vật thể từ vị trí hạ đặt của giàn khoan Hải Dương 981. Khi đến gần vị trí này, tà


u 2016 đã phát hiện hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc vẫn án ngữ tại đây. Khi phát hiện tàu 2016, một trong hai tàu hộ vệ tên lửa này đã lao ra đe dọa. Đến 15g, tàu 2016 đã được lệnh rời vị trí để trở về gia nhập lại biên đội tàu của Việt Nam đang hoạt động tại khu vực gần vị trí mới của giàn khoan Hải Dương 981.


Hai mũi tàu cách nhau 50m


Trước đó vào 7g30, một cuộc đối đầu quyết liệt giữa các tàu Việt Nam và các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xảy ra.


Khi đó, các tàu Việt Nam đang ở cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý, sử dụng loa công suất cao để tuyên truyền thì Trung Quốc điều các tàu hải cảnh 46001, 13101, 31101 và hai tàu kéo lao ra đuổi theo các tàu Việt Nam, đồng thời một loạt tàu ở phía trong cũng tăng tốc, tiếp tục sử dụng chiến thuật "lấy thịt đè người".


Trong đó tàu hải cảnh 13101 và 31101 của Trung Quốc đuổi theo tàu kiểm ngư HP51 của Việt Nam. Tuy nhiên tàu HP51 đã cơ động luồn lách và tránh được tất cả các cú quặt lái cố tình đâm va của các tàu Trung Quốc, kiên quyết không rời khỏi khu vực hiện trường gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.


Cùng thời điểm này, tàu hải cảnh 46001 lao thẳng với tốc độ cao về tàu cảnh sát biển 2016. Tuy nhiên, khi tàu hải cảnh 46001 còn cách tàu 2016 khoảng 1 liên (184m) thì giảm tốc độ và tiến đến vị trí đối đầu với tàu 2016, hai mũi tàu cách nhau chỉ khoảng 50m.


Việc ghìm giữ nhau giữa hai tàu kéo dài khoảng năm phút, không tàu nào chịu lui trước. Song khi tàu hải cảnh 13101 lao đến thì tàu 2016 của ta đã chủ động lui để tránh việc đâm va nhằm tránh gây thương vong thiệt hại.


Theo đánh giá của trung úy Quản Đình Dương - thuyền trưởng tàu 2016, tàu Trung Quốc tiếp cận các tàu của Việt Nam với mục đích đe dọa, nhưng đã hạn chế việc sử dụng vòi rồng và đâm va. Theo trung úy Dương, có thể do truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin, lên án hành động này của Trung Quốc nên các tàu Trung Quốc đã có phần xuống nước.


Trong cuộc đối đầu sáng 30 -5, tàu Trung Quốc chỉ ghìm giữ tàu Việt Nam với mục đích gài bẫy, để tàu Việt Nam khi nổ máy di chuyển hoặc do dòng chảy của các dòng hải lưu sẽ có những va chạm tạo cho Trung Quốc có cớ để vu cáo. Tuy nhiên các tàu Việt Nam đều mưu trí, khôn khéo tránh được. Cuộc đối đầu này kéo dài khoảng 30 phút cho đến khi các tàu Việt Nam di chuyển ra xa hơn 10 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981.


Máy bay Trung Quốc xuất hiện nhiều lần


Cũng trong ngày 30-5, máy bay Trung Quốc đã nhiều lần xuất hiện, bay ở độ cao thấp, đe dọa các tàu Việt Nam. Từ tàu cảnh sát biển 2015, PV Tuổi Trẻ cho biết lúc 13g, Trung Quốc đã điều máy bay quân sự số hiệu 3843 áp sát trên nóc tàu cảnh sát biển 8003 và 2015, bay vòng ở độ cao 700-800m. Trước đó từ 11g30-11g50, máy bay 3843 bay trên các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam sáu vòng liên tiếp ở độ cao rất thấp 250-300m.


Đáng lưu ý, vào 8g sáng, ở khu vực quanh các tàu cảnh sát biển Việt Nam, rađa ghi nhận có 80 tàu Trung Quốc, trong đó có hai tàu quân sự. Nhưng đến 17g chỉ ghi nhận được 45 tàu, điều này được các sĩ quan trên tàu cảnh sát biển giải thích có thể các tàu Trung Quốc đã lắp thiết bị nhận dạng mục tiêu nên trên màn hình rađa không xuất hiện tín hiệu của các tàu này.


Đánh giá về tình hình tàu Trung Quốc bố trí đội hình, trung tá Phan Duy Cường - trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - cho biết Trung Quốc vẫn bố trí tàu gồm ba lớp, lớp thứ nhất canh giàn khoan, lớp thứ hai cách 3 hải lý, lớp thứ ba cách 8 hải lý.


MINH QUANG - MY LĂNG - HỮU KHÁ


(từ Hoàng Sa, Việt Nam)


Tàu kiểm ngư đã cách giàn khoan 2,8 hải lý


Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết trong ngày 30-5, dù bị các tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt nhưng lực lượng kiểm ngư đã tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 2,8 hải lý để thực hiện nhiệm vụ.


Báo cáo nhanh của Cục Kiểm ngư cũng cho biết ngày 30-5, các tàu của lực lượng kiểm ngư đã di chuyển từ khu vực đông nam tiến về phía giàn khoan, vào cách giàn khoan 5-6 hải lý thì bị nhóm tàu hải cảnh, ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc áp sát, vây ép. Tuy nhiên, tàu kiểm ngư vẫn tiếp cận gần giàn khoan nhất có thể để thực hiện công tác tuyên truyền với cường độ cao.


Theo Cục Kiểm ngư, ngày 30-5 phía Trung Quốc duy trì 117 tàu các loại gần khu vực để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 tàu quân sự, 13 tàu vận tải, 33 tàu hải cảnh, 17 tàu kéo, 50 tàu cá vỏ sắt. Số tàu này có giảm so với hôm trước do Trung Quốc đã đưa một số tàu về.


Đ.BÌNH


Theo Tuổi trẻ




Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Các quỹ mở chào bán ngày càng nhanh

Các quỹ mở chào bán ngày càng nhanh


Các quỹ mở ngày càng rút ngắn thời gian chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), với mức độ tham gia của nhà đầu tư nhích dần lên so với thời điểm cách đây 1 năm.


Không cần 90 ngày


Tuần trước, quỹ mở cổ phiếu Công ty Liên doanh Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) vừa thông báo phát hành chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu VCBF-BCF. Theo đó, thời hạn chào bán được ấn định chỉ trong 43 ngày, thậm chí có thể kết thúc sớm hơn.


Thời hạn này chỉ bằng một nửa thời hạn cho phép 90 ngày của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc VCBF gần như đã chắc chắn đạt đủ giá trị bán được tối thiểu (50 tỷ đồng và 100 nhà đầu tư) trước khi chào bán.


Ngay trước đó, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) của Vinawealth đã kết thúc sớm IPO vào ngày 23/5, chỉ 46 ngày sau khi bắt đầu chào bán.


Kết quả chào bán đạt 58 tỷ đồng và trên 200 nhà đầu tư tham gia; trong đó, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, đại diện phát ngôn của VinaWealth cho biết. Kết quả này cao hơn đợt IPO quỹ mở đầu tiên của VinaWealth là VFF cách đây hơn 1 năm, khi đó VFF huy động được khoảng 50 tỷ đồng và 150 nhà đầu tư, dù VinaWealth đã tổ chức quảng bá khá rộng rãi.


MBCapital, đối thủ ra sản phẩm gần như song song với VinaWealth, thậm chí chỉ mất 24 ngày để kết thúc IPO quỹ mở cổ phiếu MBVF của mình vào tháng trước. Quỹ huy động được 54,42 tỷ đồng và tổng số 174 nhà đầu tư tham gia, cao hơn kết quả 50 tỷ đồng và khoảng 150 nhà đầu tư của quỹ mở trái phiếu trước đó.


Cũng chào bán trong năm nay, quỹ mở VCAMBF của VietCapital cũng đã kết thúc chào bán. Tuy nhiên, Quỹ chưa thông báo kết quả chào bán cụ thể trên website và cũng chưa đi vào giao dịch. Đại diện của VietCapital cho biết, VCAMBF sẽ được đưa vào giao dịch sau khi Công ty tổ chức Đại hội nhà đầu tư thường niên, dự kiến diễn ra đầu tháng 6.


Các quỹ mở ngày càng tỏ ra nhanh gọn trong việc chào bán chứng chỉ quỹ, thời hạn IPO ngày càng rút ngắn xuống chỉ còn 1-1,5 tháng so với thời gian 2-3 tháng trước kia. Với việc tìm kiếm các đối tác cam kết góp vốn trước khi chính thức chào bán, các công ty quản lý quỹ hầu như chắc chắn có đủ số vốn huy động được theo yêu cầu (50 tỷ đồng) trước khi thông báo chính thức chào bán ra công chúng.


Trong khi các đối tác sẵn sàng góp vốn cho các quỹ mới, nhà đầu tư đại chúng – đối tượng khách hàng chính của quỹ mở - cũng bắt đầu rục rịch mua loại sản phẩm tài chính này.


Nhà đầu tư rục rịch mua thêm


Trong các quỹ mở hiện tại, VCBF đang tỏ ra là công ty duy nhất thu hút được đều đặn nhà đầu tư trong nước. Số chứng chỉ quỹ đã tăng liên tục được thêm 1,2 triệu chứng chỉ sau 5 tháng đi vào hoạt động kể từ đầu năm 2014. Tổng số chứng chỉ của VCBF-TBF tính đến ngày 23/5 đã đạt 7,2 triệu chứng chỉ.


Ngoài ra, hai công ty khác là MBCapital và Eastspring Investments, mặc dù không tăng được đều đặn số chứng chỉ, nhưng lại huy động được thêm một hai khoản đầu tư lớn của nhà đầu tư nước ngoài. MBBF của MBCapital phát hành được thêm khoảng 2 triệu chứng chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài vào giữa tháng 3 vừa rồi. Trong khi đó, ENF của Eastspring Investments cũng phát hành được thêm 2,5 triệu chứng chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài vào giữa tháng 4, sau 1 tháng khi Quỹ vừa kết thúc IPO.


Việc mua thêm này không quá gắn với kết quả hoạt động của quỹ. Vì thực tế VCBF-TBF lại là quỹ đang có kết quả hoạt động thấp hơn các quỹ mở khác và thấp hơn so với thị trường: giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ chỉ tăng 0,88% trong gần 5 tháng từ đầu năm tính tới ngày 21/5, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng 7,4% trong cùng thời gian và chỉ số Bond Index 2 năm của VFM đã tăng 4,9% trong 4 tháng đầu năm.


Giá trị tài sản ròng của ENF thậm chí đang giảm 4,1% sau 2 tháng đi vào hoạt động, do tác động của đợt sụt giảm bất ngờ của thị trường trong tháng 5 này.


Tuy nhiên, động thái tích cực này của nhà đầu tư vẫn chỉ là rất nhỏ. Đối tượng khách hàng chính của quỹ mở là các nhà đầu tư đại chúng trong nước, trong khi đó vẫn tỏ ra thờ ơ với sản phẩm này.


Quỹ năng động BVFED của Baoviet Fund hầu như vẫn giữ nguyên số lượng 7,2 triệu chứng chỉ quỹ phát hành ban đầu, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động. Quỹ trái phiếu VFMVFB của VFM bị rút ròng gần 2 triệu chứng chỉ sau gần 1 năm hoạt động. Các quỹ mở chuyển từ quỹ đóng của VFM vẫn tiếp tục chịu tình trạng rút ròng.


Hải Linh - ĐTCK




Nhận định thị trường ngày 2/6: 'Tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn'

Nhận định thị trường ngày 2/6: 'Tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn'


Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch ngày 2/6/2014.


Thị trường sẽ mất vài phiên để xác lập trạng thái cân bằng


(Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV - BSC)


Sau những diễn biến bùng nổ tại phiên đầu tuần, tâm lý thị trường đã trở lại thận trọng điều này được phản ánh rõ rệt trên HNX qua thanh khoản và diễn biến giá đều sụt giảm. Nếu theo góc nhìn thuần về PTKT thị trường đang đứng trước nguy cơ điều chỉnh tương đối lớn khi quỹ ETF iShares đã kết thúc đợt cơ cấu danh mục. Dù vậy, BSC cũng lưu ý về thông tin từ Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore sẽ bàn về vấn đề Biển Đông với sự tham gia của 2 cường quốc Mỹ và Nhật vào cuối tuần kết sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường bất ngờ.


Với diễn biến vận động tăng giá bất ngờ và không bền vững của VN-INdex, BSC đã tư vấn chốt lãi một phần danh mục cho cả hoạt động đầu tư vào phiên cuối tuần. Nhiều khả năng thị trường sẽ mất vài phiên để xác lập trạng thái cân bằng sau phiên biến động mạnh hôm nay. Hoạt động trading ngắn hạn sẽ được cân nhắc tùy theo diễn biến tiếp theo của thị trường.


Thận trọng hơn trong vùng giá hiện tại


(Công ty Chứng Khoán SHB - SHBS)


VNI-Index đã lấy lại được điểm số đã mất sau đợt sụt giảm do có thông tin Trung quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. SHBS cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng hơn trong vùng giá hiện tại do các mã đã có mức tăng khá và xu hướng tăng giá chưa thực sự vững chắc.


Tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn


(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)


Bước sang các phiên đầu tháng 6, thị trường được dự báo có thể sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục ngắn hạn nhưng xen kẽ các phiên điều chỉnh. Diễn biến phân hóa có thể sẽ là đặc điểm nổi bật của thị trường trong tháng 6 với triển vọng KQKD của các doanh nghiệp dần được hé lộ cùng hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn, tranh thủ các phiên thị trường trùng xuống để tích lũy cổ phiếu cho vị thế ngắn hạn nhưng tránh các hành động mua đuổi trong các phiên thị trường tăng mạnh.


Thị trường đã ít rủi ro hơn


(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)


Điểm đáng chú ý của phiên hôm qua là khối ngoại tiếp tục tăng mạnh mua ròng trên HOSE, giá trị mua ròng lên tới 243 tỷ đồng tập trung tại nhiều cổ phiếu lớn cũng là nguyên nhân giúp VN-Index giữ vững đà tăng điểm. Tuy nhiên, động thái này khả năng cao bắt nguồn từ việc các quỹ chốt NAV cuối tháng và chuẩn bị cho kỳ cơ cấu danh mục sắp tới, theo đó thì trạng thái mua ròng này sẽ ít có khả năng kéo dài sang các phiên giao dịch đầu tuần kế tiếp.


Về xu thế, khu vực 575-580 sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo của VN-Index, đây cũng là khu vực có xác suất đảo chiều cao đối với xu hướng ngắn hạn. Tuy nhiên, FPTS cho rằng thị trường đã ít rủi ro hơn so với giai đoạn nửa đầu tháng 5, vùng 540-560 điểm có thể coi là cân bằng trong bối cảnh hiện tại khi mà các thông tin vĩ mô và vi mô chưa có gì mới hơn, vì vậy nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh thì vùng giá 540 sẽ là vùng hỗ trợ tốt và là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.


Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.


Bình Minh - NDH




FPT: 4 công ty con tăng vốn điều lệ thêm 710 tỷ đồng

FPT: 4 công ty con tăng vốn điều lệ thêm 710 tỷ đồng


HĐQT của CTCP FPT (mã FPT - HOSE) quyết định tăng vốn điều lệ của 4 công ty con thêm 710 tỷ đồng. Ngoài ra, FPT sẽ có thể mua hoặc xây mới tòa nhà văn phòng FPT tại Hà Nội.


Trong 4 công ty con, công ty TNHH Hệ Thống thông tin FPT được tăng vốn điều lệ mạnh nhất 310 tỷ đồng sau đó là công ty TNHH Thương mại FPT (210 tỷ đồng).


Ngoài ra, HĐQT của FPT cũng thông qua chủ trương mua/xây mới tòa nhà văn phòng FPT tại Hà Nội.


Kết thúc 4 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 9.775 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 112% kế hoạch 4 tháng. Lợi nhuận sau thuế đạt 636 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 475 tỷ đồng, đều tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013. Kết thúc 4 tháng đầu năm, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.727 đồng/cổ phiếu.



Trong một tháng qua, giá cổ phiếu FPT đóng cửa dao động trong biên độ 40.800 – 68.500 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân là 1.079.961 đơn vị, trị giá giao dịch bình quân là 51,8 tỷ đồng/phiên.


Học Khiêm - NDH




Trung Quốc 'gạ' tàu Việt Nam 'rút về vì tình hữu nghị'

Trung Quốc 'gạ' tàu Việt Nam 'rút về vì tình hữu nghị'


Những ngày qua, rất nhiều lần các tàu của Trung Quốc phát đi những dòng tin xuyên tạc với luận điệu: Các tàu của Việt Nam hãy rút về vì tình hữu nghị giữa 2 nước. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp (!).


Những ngày qua, bên cạnh những hành động ngang ngược, hung hăng tấn công gây tổn thất cho tàu của ta, Trung Quốc còn liên tục chơi trò "tâm lý chiến" trên biển Đông. Trên các kênh quốc tế mà tàu Cảnh sát biển của ta bắt sóng được, rất nhiều lần các tàu của Trung Quốc phát đi những thông tin xuyên tạc với luận điệu: Các tàu của Việt Nam hãy rút về vì tình hữu nghị giữa 2 nước. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp (!).


Thật nực cười khi Trung Quốc vừa phun vòi rồng, đâm vỡ tàu của ta, vừa tung ra những luận điệu xảo trá về "tình hữu nghị"!


Đáp lại những luận điệu mưu mô, các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta vẫn vững vàng, tiếp tục kiên trì làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Trung Quốc chấm dứt những hành động xâm phạm ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế.


Việt Nam giữ vững quan điểm đấu tranh hòa bình, chủ động tránh đâm va.


Trong những lần giáp mặt giữa đôi bên, các tàu chấp pháp của ta đều dõng dạc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và lực lượng ra khỏi vùng biển của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn trơ tráo tuyên bố đó là vùng biển Trung Quốc đang quản lý, cho rằng các tàu của Việt Nam đang đi vào vùng có tranh chấp. Trung Quốc đang muốn biến vùng biển của Việt Nam thành vùng đang tranh chấp hoặc có tranh chấp. Đó chính là mưu đồ đã được tính toán của Trung Quốc.


Trong một diễn biến khác, sáng nay 30/5, theo quan sát của PV vẫn có hơn 100 tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu cá trá hình của Trung Quốc vây quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ngoài ra các tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến cũng vẫn thường xuyên có mặt trên vùng biển Việt Nam.


Cũng trong sáng nay, PV quan sát thấy 1 tàu hàng không rõ quốc tịch đang đi vào vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.


Ghi nhận trong ngày 29/5, tại khu vực giàn khoan không xảy ra các vụ


Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Một phần do phía Việt Nam giữ vững quan điểm đấu tranh hòa bình, chủ động tránh đối đầu.


Theo Dân trí




Chính sách tài chính mới có hiệu lực thi hành trong tháng 6

Chính sách tài chính mới có hiệu lực thi hành trong tháng 6


Bắt đầu áp dụng trần giá sữa; vốn 15 tỷ đồng trở lên mới được tự in hóa đơn; cơ quan thuế ngừng phát hành hóa đơn xuất khẩu; sửa đổi biểu mẫu khi giao dịch với kho bạc; siết chặt hoạt động công ty tài chính... là những chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 6.

* Từ 1/6, bắt đầu áp dụng trần giá sữa


Từ 11/6/2014 thực hiện giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá bán lẻ các sản phẩm này được thực hiện sau đó 10 ngày. Tất cả các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, căn cứ mức giá trần đối với 25 sản phẩm trong danh mục được quy định tại Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để tính toán mức giá trần phù hợp cho cả bán buôn và bán lẻ.


Giá bán buôn các mặt hàng sữa không được vượt quá mức giá trần, giá bán lẻ các mặt hàng sữa không được vượt quá 15% mức giá trần. Việc quản lý giá sữa theo mức giá trần này sẽ áp dụng trong thời hạn 12 tháng, biện pháp đăng ký giá đối với sản phẩm sữa sẽ được thực hiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 1/6/2014, ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC chính thức có hiệu lực.



Từ 21/6, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bán lẻ trên thị trường sẽ phải thực hiện theo giá trần.


* Vốn 15 tỷ đồng mới được tự in hóa đơn


Từ 1/6/2014, Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp, ngân hàng có mã số thuế muốn tự in hóa đơn phải có vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên. Riêng doanh nghiệp mới thành lập từ ngày này có số vốn nhỏ hơn 15 tỷ đồng muốn tự in hóa đơn thì phải có tài sản cố định, máy móc, thiết bị từ 1 tỷ đồng trở lên và các điều kiện tại điểm b, Khoản 1, Điều 6 Thông tư này. Đối với hóa đơn tự in, đặt in đã thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư 153, 64 thì tiếp tục được sử dụng


Cũng từ ngày 1/6, cơ quan thuế không tiếp nhận thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu. DN muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn xuất khẩu đã đặt in và thực hiện thông báo còn tồn thì chậm nhất là 31/07/2014 phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.


* Điều kiện để dự thi thẩm định viên về giá


Từ ngày 1/6/2014, công dân Việt Nam được đăng ký dự thi thẩm định viên về giá khi có đủ các điều kiện như: Có năng lực hành vi dân sự, có lý lịch rõ ràng; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá (TĐG), kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật do Việt Nam hoặc nước ngoài cấp;


Thời gian công tác lĩnh vực học từ 36 tháng trở lên; có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ TĐG còn thời hạn, trừ trường hợp đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về chuyên ngành vật giá, TĐG; hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành TĐG.


Người đăng ký dự thi lần đầu phải đăng ký dự thi tối thiểu 3/5 môn thi chuyên ngành. Kỳ thi được tổ chức ít nhất một lần/năm. Nội dung trên được quy định tại Thông tư 46/2014/TT-BTC, thay thế Quyết định số 55/2008/QĐ-BTC.


* Giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 1/6/2014


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, hiệu lực thi hành từ 1/6/2014. Trong đó việc tính giá bán lẻ điện sinh hoạt cụ thể như sau:


Giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính trên tỷ lệ phần trăm (%) so với mức giá bán lẻ điện bình quân dựa theo từng bậc tiêu thụ điện.


Các bậc tiêu thụ và mức áp % như sau: Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50: 92%; Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100: 95%; Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200: 110%; Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300: 138%; Bậc 5: Cho kWh từ 301 - 400: 154%; Bậc 6: Cho kWh từ 400 trở lên: 159%


Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng khác được quy định chi tiết trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định.


* Phí thẩm định dịch vụ quan trắc môi trường cao nhất là 105,84 triệu đồng


Tổ chức khi nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải nộp phí thẩm định theo quy định tại Thông tư 52/2014/TT-BTC.


Theo quy định, đối với trường hợp cấp mới, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy chứng nhận (nếu hồ sơ năng lực của tổ chức không còn giá trị) thì mức phí thẩm định thấp nhất sẽ là 42 triệu đồng, mức thu phí cao nhất là 105,84 triệu đồng.


Mức phí cụ thể sẽ được tính theo công thức sau: Mức thu phí = Chi phí thẩm định x K x M. Trong đó, K là hệ số vị trí địa lý theo khu vực, còn M là hệ số điều chỉnh theo số lượng thông số môi trường đề nghị chứng nhận.


Phí thẩm định cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp Hồ sơ năng lực của tổ chức vẫn còn giá trị tối đa là 23,4 triệu và tối thiểu là 13 triệu.


Thông tư 52 sẽ áp dụng từ ngày 10/6/2014.


* Hướng dẫn thực hiện đăng ký giá


Theo quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 177/2013/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật giá, việc đăng ký giá nhằm mục đích bình ổn giá được thực hiện như sau:


Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, CTCP, công ty TNHH mà DN đó có mạng lưới sản xuất, kinh doanh rộng trên địa bàn từ 2 tỉnh, TP trực thuộc TW; DN độc quyền; DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật cạnh tranh sẽ đăng kí tại Cục Quản lý giá. Các DN còn lại sẽ thực hiện đăng ký giá tại Sở Tài chính, Sở quản lý ngành, UBND cấp huyện tuỳ theo sự phân công của UBND tỉnh.


Biểu mẫu đăng ký giá thực hiện theo Phụ lục 01, lập thành 02 bản gửi trực tiếp, gửi qua đường công văn hoặc gửi qua thư điện tử đến cơ quan tiếp nhận. Cơ quan tiếp nhận thực hiện việc kiểm tra đăng ký giá trong thời gian 05 ngày làm việc, hết thời hạn mà không có ý kiến yêu cầu giải trình thì cá nhân, tổ chức được mua bán bằng giá đã đăng ký.


Ngoài ra, thông tư còn quy định hồ sơ, trình tự thủ tục định giá; hiệp thương giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kê khai giá.


Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 14/6/2014.



Tổ chức, cá nhân đăng ký giá hàng hóa trong danh mục bình ổn giá, trong vòng 5 ngày làm việc cơ quan quản lý không yêu cầu giải trình, cá nhân, tổ chức được mua bán bằng giá đã đăng ký. Ảnh minh họa


* Sửa đổi biểu mẫu khi giao dịch với Kho bạc


Từ 26/6/2014, các biểu mẫu sử dụng khi đăng ký, sử dụng tài khoản tại Kho bạc sẽ được áp dụng theo Thông tư 61/2014/TT-BTC.


Ngoài nội dung trên, Thông tư còn có quy định mới về: Hồ sơ chi tiết đăng ký sử dụng tài khoản; Phương pháp ghi chép Bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách, Bảng đối chiếu tình hình sử dụng kinh phí ngân sách tại KBNN.


Thời hạn thực hiện đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản: Chậm nhất vào ngày 05 tháng sau đối với Tài khoản tiền gửi và tài khoản có tính chất tiền gửi; Chậm nhất vào ngày 05 đầu quý sau đối với tài khoản dự toán. Riêng thời hạn đối chiếu số liệu NSNN khi kết thúc năm ngân sách chậm nhất đến hết ngày 10 tháng 2 năm sau.


Thông tư này thay thế Thông tư 109/2011/TT-BTC hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước trong điều kiện áp dụng Tabmis./.


* Siết chặt hoạt động công ty tài chính


Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính đã được Chính phủ ban hành có quy định chặt chẽ các điều kiện đối với hoạt động ngân hàng của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.


Đơn cử như: Quy định cụ thể điều kiện để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng. Để được hoạt động bao thanh toán/ tín dụng tiêu dùng thì công ty tài chính phải có dư nợ bao thanh toán/ tín dụng tiêu dùng tối thiểu chiếm 70% tổng dư nợ cấp tín dụng hoặc một tỷ lệ khác do NHNN quy định. Quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong cho thuê tài chính, cách xử lý trường hợp chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn.


Các công ty tài chính, cho thuê tài chính đã thành lập phải đảm bảo đủ các điều kiện để được hoạt động trong thời hạn 12 tháng, chấm dứt các hoạt động không được thực hiện trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực - 25/6/2014.


* Từ 25/6, phí chung cư tính theo diện tích thông thủy


Sau khi ban hành cách tính diện tích căn hộ theo cách tính thông thủy, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 05/2014/TT-BXD ngày 9-5-2014 hướng dẫn cách tính phí chung cư tương đồng với quy định đã ban hành. Thông tư có hiệu lực từ 25/6/2014.


Theo đó, mức đóng góp kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được phân bổ theo diện tích thông thủy của căn hộ.


Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 05 là việc quy định kinh phí quản lý vận hành chung cư sau khi DN quản lý vận hành xây dựng trên cơ sở khung giá chung của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải được báo cáo Hội nghị Nhà chung cư và được thông qua.


Như vậy, đối với các dự án đã đi vào hoạt động thì mức phí sẽ không có gì thay đổi. Tuy nhiên, đối với những dự án dở dang, đang xây dựng và đang bán hàng hoặc dự án ký hợp đồng với khách hàng theo cả 2 cách tính thông thủy và tim tường thì chủ đầu tư sẽ điều chỉnh lại mức giá./.


Theo TBTC




Khối ngoại mua mạnh MSN và GAS trong phiên cuối tuần

Khối ngoại mua mạnh MSN và GAS trong phiên cuối tuần


Giao dịch nhà đầu tư trong phiên cuối tuần và cũng là phiên cuối cùng của tháng 5 khá sôi động. Dòng tiền rót ròng lên đến gần 250 tỷ đồng, trong đó, các trụ cột dẫn dắt thị trường là “lựa chọn” hàng đầu của khối này.


Cụ thể, tính chung trên cả hai sàn , khối ngoại đã mua ròng 6.629.610 đơn vị, gấp hơn 2 lần so với phiên trước và tổng giá trị tương ứng 243,59 tỷ đồng, tăng 97,72% so với phiên trước.


Trong đó, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 9.913.050 đơn vị, trị giá 404,19 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,52% về lượng và 57,14% về giá trị so với phiên trước. Ngược lại, khối này bán ra 4.376.440 đơn vị, trị giá 182,06 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,89% về lượng và 37,65% về giá trị so với phiên trước. Qua đó, khối này mua ròng 5.536.610 đơn vị và tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 222,14 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,26% về lượng và 77,76% về giá trị so với phiên trước.


Điểm đáng quan tâm trong phiên giao dịch cuối tuần chính là dòng vốn ngoại tập trung chảy mạnh vào các largecap giúp các trụ cột này tăng mạnh và là lực đỡ chính kéo VN-Index vượt xa ngưỡng kháng cự mạnh 560 điểm.


Trong đó, hai cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường là MSN và GAS cùng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất về giá trị. Cụ thể, MSN được mua ròng 621.390 đơn vị, trị giá 61,11 tỷ đồng, còn GAS được mua ròng 392.760 đơn vị, tương ứng 38,41 tỷ đồng.


Nếu xét về khối lượng STB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 1.854.800 đơn vị, trị giá tương ứng 37,99 tỷ đồng. Điểm này khá đúng với dự đoán danh mục cơ cấu định kỳ quý II/2014 của MBKE. Theo nhận định của MBKE, quỹ ETF VNM sẽ không thêm mới/loại bỏ cổ phiếu nào trong danh mục hiện tại. Với ETF FTSE, khả năng quỹ này sẽ thêm mới HVG và loại bỏ PET. Đồng thời, cổ phiếu dự kiến được mua ròng mạnh nhất sẽ là STB, HVG…


Trong khi đó, cổ phiếu HAG liên tiếp bị bán ròng mạnh nhất từ đầu tuần thì đến phiên cuối tuần đã được khối ngoại gom vào. Khối ngoại đã mua ròng 123.320 cổ phiếu HAG với tổng giá trị 2,93 tỷ đồng.


Ở chiều ngược lại, VHC bị bán ròng mạnh nhất về giá trị với 11,96 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 369.310 đơn vị. Còn, hai cổ phiếu IJC và SBT cùng bị bán ròng mạnh nhất về khối lượng với hơn 370.000 đơn vị.


Không chỉ dừng ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HOSE, dòng vốn ngoại cũng rót tiền khá mạnh trên sàn HNX.


Cụ thể, khối ngoại mua vào 1.312.500 đơn vị, trị giá 24,04 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,26% về lượng và 28% về giá trị so với phiên trước. Ngược lại, khối này bán ra 219.500 đơn vị, trị giá 2,59 tỷ đồng, lần lượt giảm 89,22% về lượng và 87,4% về giá trị so với phiên trước. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng 1.093.000 đơn vị, trị giá tương ứng 21,45 tỷ đồng. Trong khi phiên trước bán ròng 865.938 đơn vị, trị giá tương ứng 1,77 tỷ đồng.


Khối ngoại đã hãm đà mua vào SHB. Nếu phiên trước mua ròng gần 1,4 triệu cổ phiếu, trị giá 12,58 tỷ đồng thì trong phiên cuối tuần, khối này chỉ còn mua vào hơn 1,9 tỷ đồng SHB.


Trong khi đó, PVS là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với khối lượng 470.500 đơn vị, trị giá 12,74 tỷ đồng.


Ngoài ra, các cổ phiếu khác cũng được mua ròng khá lớn gồm CSC và VCG cùng được mua ròng hơn 2 tỷ đồng, DBC và VND cùng được mua ròng hơn 1 tỷ đồng.


Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất PVC với 77.200 đơn vị, trị giá 1,17 tỷ đồng.


Theo ĐTCK




Việt Nam chịu đựng được đến đâu?

Việt Nam chịu đựng được đến đâu?


"Phải làm rõ sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trong một thế giới biến động như hiện nay. Trong tình hình này, phải có sáng tạo, đổi mới. Liệu Việt Nam có năng lực để làm 1 công cuộc đổi mới để quốc tế ngưỡng mộ như cuộc đổi mới năm 86 – 90 hay không? TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dưới mức tiềm năng. Nền kinh tế phải sớm thay đổi mô hình phát triển, đồng thời, phải tính toán rõ và lường trước sức đề kháng của nền kinh tế đến đến đâu trong bối cảnh các quan hệ kinh tế quốc tế có thể căng thẳng.


Phục hồi mong manh


Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hóm hỉnh nói: "Dự báo tăng trưởng năm nay của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP- Đại học Kinh tế Hà Nội) gây xúc động "ác" chứ không đùa, bởi con số đã xuống đến mức thấp bất ngờ. Điều này sẽ cần phải được giải thích cẩn thận".


Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 6 của VERP vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao nhất được dự báo chỉ đạt 4,88% và lạm phát chỉ đạt 5,51%. Trong khi đó, theo kịch bản cơ bản, tăng trưởng GDP cũng sẽ chỉ đạt 4,15% và lạm phát 4,76%.


Các mốc này đều cách xa so với mục tiêu lạm phát dưới 7% và GDP khoảng 5,8% mà Chính phủ đề ra hồi đầu năm.


Trước đó, hôm 7/4, Ngân hàng Thế giới cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam sẽ ở mức khiêm tốn, nhưng cũng là mức 5,5%. Nếu như, các dự báo của VERP diễn ra trên thực tế thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay tụt xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua.


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một kịch bản kinh tế mang màu sắc bi quan như vậy. Theo VERP, bên cạnh những rủi ro có thể gặp phải do quan hệ kinh tế với bên ngoài căng thẳng thì có nguyên nhân nội tại, là năng lực sản xuất căn bản của nền kinh tế - gốc rễ của sự phục hồi- vẫn chưa thực sự vững chắc. Khối doanh nghiệp trong nước vẫn đang tỏ ra yếu đuối và tụt hậu, chưa tìm được hướng đi và thị trường. Do đó, các hoạt động kinh tế quay trở lại vẫn còn rụt rè.


Đáng chú ý, có một sự thất vọng trong các nhận định của nhóm nghiên cứu khi nhấn mạnh, các khuyến nghị chính sách về tái cấu trúc nền kinh tế đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, nhưng rốt cục, đến hết năm vừa qua, vẫn chưa có sự xuất hiện động thái chính sách khả dĩ nào cho vấn đề này. Việc chỉ xử lý duy trì môi trường vĩ mô ổn định, khôi phục niềm tin tiêu dùng là chưa đủ nếu không xử lý các vấn đề nền tảng.


Trước các dự báo này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương băn khoăn, cần rạch ròi việc dự báo. Một mặt khẳng định sự phục hồi kinh tế từ giữa năm 2013 có vẻ mong manh nhưng mặt khác, dự báo lại cho kết quả, tăng trưởng vẫn tiếp tục thụt lùi. Vậy thì đà phục hồi ở đây là như thế nào? Ông cũng đồng tình,ngay cả mức dự báo 5,5% của các tổ chức quốc tế cũng là một mức tăng trưởng yếu ớt.


Sức đề kháng của nền kinh tế đến đâu?


TS Võ Trí Thành lo ngại, trước ta chưa có cú sốc ở bên ngoài. Giờ, nếu có cú sốc từ bên ngoài thì sẽ tác động bao nhiêu % đến nền kinh tế Việt Nam? Đây là điều cần phải được tính toán, nghiên cứu sâu hơn trong báo cáo kinh tế.


TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng chia sẻ, câu hỏi mở trong đầu tôi là đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu? Hiện nay, năng suất lao động thấp, chỉ 2% chưa đủ bù đắp cho cắt giảm đầu tư và suy giảm kinh tế. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, không bù đắp được sụt giảm vừa qua, dẫn đến thất nghiệp do không giải quyết được việc làm. Kèm theo đó, giảm tiêu dùng..., dẫn đến bất ổn xã hội, suy giảm niềm tin, càng dẫn đến tăng trưởng thấp.


"Có 2 câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay, mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết cho Việt Nam để giải quyết công ăn việc làm là bao nhiêu? Thứ hai là trong 2-3 năm tới, liệu Việt Nam có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không hay vẫn cứ tăng trưởng thấp như hiện nay", TS Ngoạn băn khoăn.


Ông cho biết, một số tác giả trước lạc quan cho rằng, tăng trưởng tối thiểu để đạt được các mục tiêu trên phải là 6%. Song, thực tế con số mà VERP hay các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á đưa ra hồi đầu năm nay, đều cho thấy Việt Nam khó chạm được tới mức tăng trưởng cần thiết đó.


TS Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng: "Với tất cả các vấn đề hạn chế trong nền kinh tế hiện nay, từ tăng trưởng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán cho đến nợ xấu, bất động sản, tái cơ cấu thì cần phải kết luận rõ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng".


Theo phác hoạ sơ bộ của TS Doanh, nông nghiệp Việt Nam chưa được phát huy. Tình trạng phá sản của doanh nghiệp ngày càng nhiều và có xu hướng mua bán, sát nhập gia tăng, nhưng nhiều công ty đã thành danh lại nằm trong tay nước ngoài. Chứng khoán là tấm gương lồi phản ánh sự phóng đại của nền kinh tế....


"Phải làm rõ sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trong một thế giới biến động như hiện nay. Trong tình hình này, phải có sáng tạo, đổi mới. Liệu Việt Nam có năng lực để làm 1 công cuộc đổi mới để quốc tế ngưỡng mộ như cuộc đổi mới năm 86 – 90 hay không? TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.


Theo Vietnamnet




Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

'Liên minh Hải quan sẽ đẩy mạnh đàm phán FTA với Việt Nam'

'Liên minh Hải quan sẽ đẩy mạnh đàm phán FTA với Việt Nam'


Quá trình đàm phán để thiết lập Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Không gian kinh tế thống nhất của ba nước Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) sẽ được đẩy mạnh.


Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau lễ ký thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Âu-Á (EAEC) giữa ba nước trên tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 29/5.


Ông Putin cho biết EAEC của ba quốc gia trên cũng có thể lập quy chế ưu đãi thương mại với Israel và Ấn Độ, củng cố hợp tác với Trung Quốc.


Theo lời nhà lãnh đạo Nga, định hướng trên nằm trong kế hoạch hợp tác với những nước thứ ba của các nước thuộc EAEC.


Tổng thống Nga tin tưởng rằng các nước thuộc Liên minh đủ khả năng "tạo điều kiện thuận lợi nhất" để phát triển nền kinh tế vì mục tiêu chung đảm bảo ổn định, an ninh và phồn vinh trên không gian Âu-Á.


Trước đó, tại hội nghị Bộ trưởng thương mại của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Uliukaiev cho biết Hiệp định về Khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam có thể được ký kết vào cuối năm 2014-đầu năm 2015.


Ông nêu rõ hai bên có chung mục đích tăng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD trong năm 2015, tiến tới đạt 10 tỷ trong năm 2020 theo kỳ vọng của Tổng thống Vladimir Putin.

Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu là năng lượng và dầu khí.


Đầu tháng Tư vừa qua, hai bên đã kết thúc vòng đàm phán thứ 5 hoàn tất các vấn đề kỹ thuật chuẩn bị cho Hiệp định.


Trong trường hợp ký kết được văn kiện trên, Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký Hiệp định Khu vực thương mại tự do với Liên minh Hải quan./.


Vietnam+




5 tháng: SSI ước lãi 495 tỷ, HSC ước lãi 258 tỷ

5 tháng: SSI ước lãi 495 tỷ, HSC ước lãi 258 tỷ


Theo nguồn tin của chúng tôi, CTCP Sài Gòn SSI 5 tháng ước lãi riêng công ty mẹ đạt 495 tỷ đồng (tăng 192 tỷ so với thời điểm cuối tháng 3).


Mặc dù thị trường giảm sâu trong tháng 5, đã có thời điểm VN-Index giảm xuống 508,8 điểm (giảm 82 điểm so với cuối tháng 3) tuy nhiên chỉ trong 2 tuần cuối tháng 5 thị trường phục hồi đáng kể, lên 558 điểm (tăng 50 điểm so với đáy, tương đương tăng gần 10%) đã khiến nhiều CTCK lãi lớn.


Theo nguồn tin của chúng tôi, CTCP Sài Gòn SSI 5 tháng ước lãi riêng công ty mẹ đạt 495 tỷ đồng (tăng 192 tỷ so với thời điểm cuối tháng 3). Tự doanh vẫn là mảng mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho SSI trong thời gian qua.


HSC hôm qua công bố ước LNTT 5 tháng đạt 258 tỷ đồng, (con số này tăng 100 tỷ so với cuối tháng 3). Lợi nhuận của HSC cũng từ mảng tự doanh và môi giới.


Khối tự doanh CTCK đã mua rất mạnh tại vùng 508 điểm (8/5/2014) tuy nhiên 2 tuần trở lại đây khối này chốt lời khá mạnh, tự doanh đã có 4 phiên bán ròng liên tiếp với giá trị bán ròng hơn 293 tỷ đồng.


Tháng 5/2014, theo thông lệ hàng năm, tạp chí tài chính hàng đầu châu Á The Asset công bố danh sách giải thưởng Tripple A dành cho các ngân hàng, công ty và quỹ đầu tư tốt nhất trong năm. Năm nay, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) tiếp tục được vinh danh là Công ty Quản lý Quỹ tốt nhất (Best Asset Management Company) tại Việt Nam.


Phương Mai




[Góc nhìn môi giới] Thị trường chốt lời, cập nhật CSM, TCM và HVG

[Góc nhìn môi giới] Thị trường chốt lời, cập nhật CSM, TCM và HVG


VN Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ mạnh tại khu vực 550-560 điểm và cần thêm thời gian để vượt qua ngưỡng cản MA50 ngày tại vùng 570 điểm.


Thị trường tăng phiên thứ 4 liên tiếp, đạt 558.5 điểm (+0.2%), tâm lý chốt lời đã tạo nên lượng cung mạnh sau khi những số liệu về vĩ mô tăng trưởng chậm được công bố: (i) Tín dụng chỉ tăng 1.31% trong 5 tháng, thấp hơn cùng kỳ là 3.13% và (ii) Tăng trưởng tiền gửi 4.2% đóng góp phần lớn ở các khoản vay cá nhân hơn doanh nghiệp cho thấy các công ty đang thận trọng hơn trong việc vay vốn sản xuất, đồng thời các ngân hàng cũng dịch chuyển trong tâm cho vay sang cho cá nhân trong năm nay.


VN Index tiến gần đến đường trung bình MA 50 ngày 570.2 điểm và lượng cung tại khu vực này đặc biệt lớn, nhất là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và đầu cơ. Nhóm cổ phiếu này có mức điều chỉnh nhẹ 3-5% từ đỉnh nhưng vẫn cao hơn 30-35% kể từ đáy ngày 13/5.


VN Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ mạnh tại khu vực 550-560 điểm và cần thêm thời gian để vượt qua ngưỡng cản MA50 ngày tại vùng 570 điểm. Một cổ phiếu có thể xác định xu hướng vượt đường MA 50 gần đây là PVX. Cổ phiếu này đã vượt đường MA 50 là 5.600 đồng/cp trong phiên giao dịch 28/5 nhưng đã giảm trở lại và đóng cửa sát trên đường trung bình động MA5 ngày 5.200 đồng/cp.


ETFs và những dự báo mới nhất


Vietnam Market Vector: trong 2 ngày liên tiếp (27-28/5) quỹ này được bổ sung thêm 300.000 ccq tương đương khoảng 120 tỷ đưa tổng tài sản ròng của Quỹ lên 517 triệu USD. Dòng vốn mới này trở lại sau lần gần nhất cách đây 6 ngày đã giúp Van Eck tiếp tục mua tài sản cơ sở là cổ phiếu tại thị trường Vietnam trong 2 ngày liên tiếp, đó là: MSN (từ 7.79% lên 7.9%), VCB (6.48% lên 6.89%), BVH (5.18% lên 5.64%), PVS (5.23% lên 5.32%).


Các nhà phân tích tại SSI dự báo:


- Không tìm được cổ phiếu nào thỏa mãn đầy đủ các điều kiện thể THÊM VÀO Vaneck kỳ này, ngoại trừ IJC đủ điều kiện về vốn hóa nhưng thiếu 1 kỳ thanh khoản trên 21 tỷ/phiên trong 3 tháng gần nhất.


- Tăng tỷ trọng: Sacomabank (STB) được ngân hàng nhà nước chấp thuận tăng room cho NĐTNN từ 10% lên 30% sẽ giúp STB trở thành cổ phiếu lớn thứ 2 sau MSN xét về tỷ lệ lưu hành tự do. Đồng thời, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ETF sẽ phải được điều chỉnh theo tỷ lệ lưu hành tự do (free-adjusted market cap) nên STB khả năng sẽ được Vaneck nâng tỷ trọng từ 4.15% lên 8% tương đương với MUA VÀO 20.7 triệu cổ phiếu trong kỳ review này.


FTSE Vietnam ETF: tỷ trọng của PET trong danh mục của FTSE đang là 0.65% (28/5) và cổ phiếu này đã rơi ra khỏi nhóm 92% cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tại sàn Hose nên khả năng lớn PET sẽ bị LOẠI khỏi danh mục FTSE.


THÊM MỚI: HVG khả năng được thêm vào do đủ các điều kiện vào FTSE Vietnam Index với tỷ trọng khoảng 1.54% tương đương với số lượng sẽ được mua vào là 4.7 triệu cổ phiếu.


Tăng tỷ trọng: tương tự như trường hợp của Vaneck, STB cũng có khả năng được tăng tỷ trọng từ 3.6% lên 7.4% tương đượng với 14 triệu cổ phiếu sẽ được FTSE mua vào.


(STB là một trường hợp đặc biệt của việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã giúp tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do tăng mạnh, từ đó ETFs sẽ phải điều chỉnh tăng tỷ trọng của cổ phiếu này trong rổ chỉ số).


Nếu đúng dự báo, tổng số lượng STB sẽ được 2 quỹ ETFs mua vào là 34.4tr cổ phiếu tương ứng với nguồn cung (nếu có) 32 triệu cổ phiếu ESOP đã phát hành cho cán bộ chủ chốt Sacombank với giá 14.000 đồng/cp vừa được giải tỏa ngày 16/05/2014


Dữ liệu chi tiết về các cổ phiếu trong danh mục Vaneck và FTSE ETF có thể load tại đây.


Những công ty tăng trưởng: CSM TCM và HVG


Casumina (CSM- 40.4): Ban giám đốc công ty đã xác nhận chuyển nhượng 2 dư án bất động sản tại số 09 Nguyễn Khoái và 504 Nguyễn Tất Thành để tập trung vào kinh doanh chính. Dự án đầu tiên có thể đem lại lợi nhuận 70-90 tỷ đồng trong quý 3.2014 và dự án thứ 2 chỉ có thể hoàn tất trong năm sau. Năm 2014, CSM được dự báo tạo ra doanh thu 3.510 tỷ (+12%) trong đó có sự đóng góp 300 tỷ từ sản phấm lốp radial mới, lợi nhuận ròng giảm nhẹ 8% đạt 332.4 tỷ tạo ra EPS 2014 4,939đ/cp, PE2014 8.1 lần.và giá trị số sách BVPS 18.262 đ/cp.


CSM cũng công bố ngày trả cổ tức năm 2013 là 2.300đ/cp vào ngày 31/7, ngày chốt quyền 12/6/2014, với mức cổ tức này, nhà đầu tư sẽ có khoảng thu nhập từ cổ tức 5.74% trên mức giá hiện tại.


May Thành Công ( TCM – 25.0): Thay đổi lớn nhất của TCM trong năm nay là chiến lược dự trữ và mua nguyên liệu Bông đầu vào. TCM sẽ mua 30% tổng cầu nguyên liệu bằng hợp đồng kỳ hạn (forward) và 70% còn lại tại giá giao ngay ( spot price), điều này sẽ làm tăng khả năng ứng biến nếu có biến động giá bông như TCM đã từng gặp trong năm 2012.


Kết quả kinh doanh quý 2 của TCM được dự báo tiếp tục thuận lợi: 4 tháng đầu năm, TCM đạt 862 tỷ doanh thu và 52.6 tỷ lợi nhuận trước thuế và đơn đặt hàng trong năm nay đã đầy, TCM được các nhà phân tích dự báo trong nửa đầu năm 2014 sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 10.2% (1.325 tỷ) và +38.7% ( 80 tỷ)


TCM là công ty tăng trưởng và cổ phiếu TCM được ưa thích và hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố thuộc các chủ đề lớn trong năm nay: Hiệp định TPP, nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ( TCM đã đầy 49% room và dự định nâng lên 60% khi Chính phủ cho phép).


Giá cổ phiếu TCM đã hồi phục 15.7% kể từ đáy ngày 15/5, phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm công ty tăng trưởng.


Hùng Vương Group ( HVG – 25.0)


HVG với chiến lược đầu tư chuỗi giá trị thông qua đầu tư các công ty vùng nguyên liệu (AGF) và thức ăn (VTF), Hùng Vương đã tự chủ được 70% nguyên liệu giúp giá nguyên liệu thấp hơn 15% so với các doanh nghiệp phải mua bên ngoài.


Các nhà phân tích dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HVG năm nay tăng lần lượt 31% và 141% so với 2013 đem lại P/E2014 7.x, thấp hơn 20% so với P/E lịch sử và EPS 3.860đ/cp tương đương với giá mục tiêu theo định giá 25.500đ/cp.


Trong tháng 7/2014, HVG sẽ chốt quyền phát hành cổ phiếu thưởng 10% và sẽ tiếp tục trả thêm 10% bằng tiền mặt vào đầu năm 2015.


Với khối lượng giao dịch trung bình 638.000cp/phiên, cổ phiếu HVG sẽ tích cực do lực cầu cao do khả năng được THÊM VÀO quỹ FTSE Vietnam Index với số lượng mua 4.7 tr cổ phiếu tương đương 1.54% giá trị của Quỹ.


Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI


NDH




Giao dịch thận trọng, thị trường giảm điểm

Giao dịch thận trọng, thị trường giảm điểm


Cả hai chỉ số đều đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu do thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cột. Giao dịch trên thị trường đang diễn ra khá chậm.


Đến 09:29, chỉ số VN-Index đứng ở mức 557,60 điểm, giảm 0,85 điểm (-0,15%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,323 triệu đơn vị, trị giá 142,12 tỷ đồng.


Tương tự, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 76,10 điểm, giảm 0,28 điểm (-0,37%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,570 triệu đơn vị, trị giá 55,410 tỷ đồng.


~~~


Đợt 1, thị trường xác định giá mở cửa cho VN-Index tại mức 558,78 điểm, tăng 0,33 điểm (+0,06%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,37 triệu đơn vị, trị giá 28,74 tỷ đồng.



Giao dịch trên sàn HOSE đang diễn ra khá thận trọng, tuy nhiên, với sự trợ giúp của một vài cổ phiếu lớn như VNM, STB, MSN, KDC… chỉ số VN-Index đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, VNM tăng 1.000 đồng lên 124.000 đồng/CP. STB tăng 100 đồng lên 20.500 đồng/CP. Được biết, Chuyên viên phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI dự đoán kỳ này, FTSE có thể loại PET và thêm vào HVG trong khi STB sẽ được tăng tỷ trọng. Hiện tại, HVG cũng đang tăng 200 đồng lên 24.700 đồng/CP.


Chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn khác như HAG, HSG, HPG, BVH… lại chìm trong sắc đỏ. BVH giảm 200 đồng xuống 40.500 đồng/CP. HAG giảm 200 đồng xuống 24.000 đồng/CP.


Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu như ITA, FLC, HQC, HAR… chỉ loanh quanh mốc tham chiếu hoặc giảm giá. Trong đó, FLC đứng giá tham chiếu và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.


Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 76,23 điểm, giảm 0,15 điểm (-0,20%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,291 triệu đơn vị, trị giá 33,06 tỷ đồng.



Hiện tại, trong nhóm HNX-30 chỉ có 3 mã tăng giá là LAS, NTP và PVG. Trong khi đó, các cổ phiếu có tính dẫn dắt như ACB, VCG, VND, SCR, PVS… đều đang chìm trong sắc đỏ. SCR đang giảm 100 đồng xuống 8.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 700 nghìn đơn vị.


Bên ngoài nhóm HNX-30, mã FIT giảm 200 đồng xuống 13.300 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 900 nghìn đơn vị.


Nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 199.050 đơn vị trên cả hai sàn. Mã CII được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 24.700 đơn vị (chiếm 88,2% tổng khối lượng giao dịch). Hiện CII đứng ở mức giá 18.700 đồng/cp (0,0%), tổng khối lượng giao dịch đạt 28.000 đơn vị. Các mã tiếp theo là DPM (23.200 đơn vị), GAS (18.300 đơn vị), HAG (17.200 đơn vị), STB (15.000 đơn vị).


Bình Minh - NDH




Bất động sản có lặp lại kịch bản 'sốt đất'?

Bất động sản có lặp lại kịch bản 'sốt đất'?


"Đừng tăng giá! Thị trường BĐS sẽ không thể quay lại “sốt” được nữa. Bởi các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá". Một đại diện DN kinh doanh BĐS nói về việc "giao dịch BĐS đang tăng, giá cũng tăng".


Thị trường không phục hồi tất cả các phân khúc


Giá bất động sản (BĐS) đã giảm sâu về mức tương đối phù hợp với sức mua của đại đa số người dân nói chung… là chia sẻ của ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thực trạng và triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam”.


Ông Phấn đánh giá: Hiện giá nhà đã giảm đều từ 20 – 30%, thậm chí có nhiều dự án giảm tới gần 50% so với giá ban đầu tại thời điểm sốt. Ngoại trừ các dự án trong nội thành trung tâm giảm ít còn tất cả các dự án ngoài khu vực Vành đai 3, ngoại thành đều giảm so với trước đây.


Thị trường có giao dịch, số lượng mua bán BĐS tăng lên. Tổng hợp các nguồn thông tin từ các doanh nghiệp BĐS, từ Sở Xây dựng, từ các mạng sàn Hà Nội có khoảng 6.350 dự án giao dịch thành công trong năm 2013. Quý I có 800 giao dịch, quý II có 1.050 giao dịch, qúy III có 1.800 giao dịch, quý IV có 3.000 giao dịch. Như vậy, quý IV giao dịch tăng gấp 4 lần quý I và 3 lần quý 2.


Đứng ở góc độ chủ đầu tư, ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng: Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh sâu, sau một thời gian tăng trưởng và phát triển hấp tấp, thiếu chuẩn bị.


“Thị trường giai đoạn 2014 đã thể hiện những sự chuyển biến, cho dù nhỏ, thông qua những chỉ số thanh khoản chỉ tăng cỡ 2 - 3% qúy so với quý, nhưng rất đáng ghi nhận bởi hai yếu tố. Thứ nhất, thị trường điều chỉnh tự nhiên – không có hiện tượng hôm nay đang xấu, bỗng nhiên ngày mai tốt, mặc dù có quá nhiều thông tin tích cực dẫn trước.


Trước hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá bán căn hộ thời gian gần đây, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam-ông Trần Ngọc Quang khuyên: Đừng tăng giá!


"Chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường BĐS. Điều đó không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư cũng như thị trường BĐS".


Thứ 2, thị trường không phục hồi ở tất cả các phân khúc, hiện số liệu của các sàn, các công ty tư vấn đều cho thấy 50 - 80% số lượng giao dịch chủ yếu ở các dự án ở vị trí tốt, có hoạt động xây dựng, hoặc đã hoàn thiện. Nhiều dự án, với điều kiện ngược lại thì hầu như không có thanh khoản", ông Trung phân tích.


Khó “sốt” nóng


TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, dù các giao dịch BĐS đang tăng, tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, để thị trường BĐS có thể “sốt” lại thì vẫn rất khó.


Bởi theo ông, hiện kinh tế đang phục hồi nhưng mức độ phục hồi rất chậm nên khó có thể trở thành bong bóng BĐS. Thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường BĐS cũng khó “sốt”.


Bên cạnh đó, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trưởng tín dụng. Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ…


“Để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể khéo dài vài ba năm. Và thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.


Cũng nhận định thị trường khó lặp lại kịch bản “sốt” nóng, ông Phấn phân tích, qua các lần sốt vừa rồi, nhất là đợt sốt năm 2008-2009 gần đây, giá được đẩy lên rất cao. Sau đợt đó, thị trường gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sản phẩm BĐS không bán được. Chính điều đó đã mang đến những kinh nghiệm cho chủ đầu tư trong việc cung cấp và định hình phân khúc sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ, người có nhu cầu thực về BĐS cũng có những bài học và kiến thức về thị trường.


Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Quang - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: Thị trường BĐS sẽ không thể quay lại “sốt” được nữa. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá.


Trước hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá bán căn hộ thời gian gần đây, ông Quang khuyên: Đừng tăng giá! Theo vị đại diện Hiệp hội BĐS này, chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường BĐS. Điều đó không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư cũng như thị trường BĐS.


Theo Infonet




Giá vàng trong nước, USD đồng loạt tăng

Giá vàng trong nước, USD đồng loạt tăng
Lúc 8h17’ sáng nay 30/5, giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 36,45 – 36,60 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng mua vào và 150 nghìn đồng/lượng bán ra so với cuối chiều qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng trên Kitco hiện ở 1.259 USD/oz. Như vậy nếu tính theo tỷ giá hiện tại của Vietcombank và không bao gồm thuế phí, giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 4,5 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại hối, tại Vietcombank, giá USD sáng nay 30/5 niêm yết ở 21.145 – 21.195 đồng/USD mua vào – bán ra. Tỷ giá của ACB và Eximbank đồng loạt là 21.125 – 21.195 đồng/USD. VietiBank niêm yết ở 21.135 – 21.195 đồng/USD. Như vậy sáng nay, giá bán ra USD của các ngân hàng hầu hết là 21.195 đồng/USD. Tại Techcombank, tỷ giá thậm chí lên 21.100 – 21.205 đồng/USD.



Thêm 18 doanh nghiệp thanh toán cổ tức

Thêm 18 doanh nghiệp thanh toán cổ tức


NTP, BVH, MCC, B82, VNS, TRC, VE8, DHP, BMI, CPC, TV3, THB, LDP, ARM, DCL, VCF, TV2, AGR thông báo chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức bằng tiền.


* Ngày 20/6/2014, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP-HNX) thanh toán cổ tức đợt 2/2013 bằng tiền với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 30/6/2014, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH-HOSE) trả cổ tức năm tài chính 2013 bằng tiền với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 17/6/2014, Công ty Cổ phần Gạch ngói cao cấp (mã MCC-HNX) chi trả cổ tức bằng tiền mặt còn lại năm 2013 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Trong đó: trả cổ tức bằng tiền mặt còn lại năm 2013: 5%/cổ phiếu (500 đồng/cổ phiếu) và trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2014: 5%/cổ phiếu (500 đồng/cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 15/7/2014, Công ty Cổ phần 482 (mã B82-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 14%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 16/6/2014, Công ty Cổ phần ánh dương Việt Nam (mã VNS-HOSE) thanh toán cổ tức đợt 2/2013 bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 10/6/2014, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC-HOSE) trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2013 với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 30/6/2014, Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Vneco 8 (mã VE8-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 3,62%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 362 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 16/6/2014, Công ty Cổ phần Điện cơ Hải Phòng (mã DHP-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 3%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 300 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 20/6/2014, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (mã BMI-HOSE) thanh toán cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 27/6/2014, Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ (mã CPC-HNX) trả cổ tức đợt 2/2013 bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 30/6/2014, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (mã TV3-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 27/6/2014, Công ty Cổ phần Bia Thanh Hoá (mã THB-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 17%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.700 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 12/6/2014, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar (mã LDP-HNX) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 29,39%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 2.939 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 25/6/2014, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng không (mã ARM-HNX) trả cổ tức lần 2/2013 bằng tiền với tỷ lệ 12%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 12/6/2014, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã DCL-HOSE) trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 6%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 600 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 16/6/2014, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hoà (mã VCF-HOSE) trả cổ tức năm 2013 đợt 2 bằng tiền với tỷ lệ 12%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 31/7/2014, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (mã TV2-HNX) Trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 20%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


* Ngày 20/6/2014, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (mã AGR-HOSE) trả cổ tức năm 2011 bằng tiền với tỷ lệ 3,8%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 380 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng: 30/5/2014.


Theo VnEconomy




Nhiều cổ phiếu trong tầm ngắm của ETFs

Nhiều cổ phiếu trong tầm ngắm của ETFs


Sau gần 3 tuần hồi phục và lấy lại được gần như toàn bộ những gì đã đánh mất ở những phiên “bão tố” đầu tháng 5, đà tăng của TTCK có dấu hiệu suy yếu trong phiên hôm qua (29/5), nhất là khi VN-Index đối mặt với ngưỡng cản 560 điểm (tương ứng MA 100). Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng vào kỳ cơ cấu danh mục tháng 6 của các quỹ ETFs.


Trong phiên giao dịch hôm qua, VN-Index đã 2 lần thất bại khi cố gắng chinh phục mốc cản 560 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn như MSN, GAS, VIC, VNM, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần. Trong khi đó, do không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào, HNX-Index giằng co quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng và lao mạnh trong phiên chiều, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.


Quan sát phiên giao dịch này có thể thấy, ngoại trừ một vài cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, nhóm cổ phiếu midcap và pennies đều suy giảm mạnh. Ngay cả FLC, với thông tin tích cực về ước kết quả kinh doanh quý II, cũng chỉ được kéo mạnh trong phiên sáng, trước khi bị xả mạnh trong phiên chiều và lùi về lại mốc tham chiều.


Điểm tích cực của phiên hôm qua là thanh khoản vẫn duy trì mức tốt và dòng tiền chảy từ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ sang nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, sau 2 phiên bán ròng và 6 phiên túc tắc mua ròng nhẹ trong 2 tuần qua, nhà đầu tư đã bất ngờ rót tiền mạnh trở lại với giá trị mua ròng hơn 100 tỷ đồng trong phiên 29/5. Đây chính là những yếu tố giúp VN-Index duy trì đà tăng trước áp lực chốt lời mạnh diễn ra trong phiên chiều, dù phiên tăng này của VN-Index chỉ là “xanh vỏ, đỏ lòng”.


Xét về mặt kỹ thuật, mốc 560 điểm vẫn là mốc kháng cự tâm lý đối với VN-Index và thực tế, chỉ số này đã 2 lần thất bại khi chinh phục trong phiên giao dịch hôm qua.


Theo CTCK Maybank KimEng (MBKE), vùng kháng cự tại 560 điểm là vùng kháng cự mạnh, đây cũng là ngưỡng VN-Index phá vỡ để hình thành xu hướng giảm trong tháng 4 vừa qua. Khả năng điều chỉnh sẽ diễn ra khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự này.


Tương tự, CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng nghiêng về khả năng điều chỉnh của thị trường trong một vài phiên sắp tới, dù vẫn bảo lưu đánh giá xu hướng hồi phục ngắn hạn của thị trường.


Trong khi đó, theo CTCK MB (MBS), thị trường đang kiểm nghiệm lại sức cầu của dòng tiền đối với vùng điểm hiện tại. Nếu dòng tiền vào thị trường đủ lớn, kéo các chỉ số qua ngưỡng kháng cự hiện tại thị trường sẽ bật tăng mạnh. Trong trường hợp dòng tiền chỉ ở mức trung bình và chờ đợi mức giá thấp hơn, thị trường nhiều khả năng sẽ dao động đi ngang tích lũy dần.


Cũng có cái nhìn thận trọng, CTCK IVS nhận định: “Nếu như cầu mua có dấu hiệu xấu đi, đồng thời nhóm cổ phiếu lớn không còn hỗ trợ, thì nhịp giảm này có thể khiến chỉ số VN-Index về lại vùng 540 điểm, còn với HNX-Index là vùng 74 điểm. Chúng tôi cho rằng, kịch bản trên sẽ diễn ra và thị trường có thể sẽ điều chỉnh giảm trong một vài phiên tới”.


Tuy nhiên, CTCK SHS lại có cái nhìn lạc quan hơn. SHS cho biết, hôm nay là ngày cuối cùng Quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục định kỳ tháng 5. Với việc bán ra khoảng 310 triệu USD cổ phiếu thuộc thị trường Qatar và UAE, thị trường kỳ vọng quỹ này sẽ mua thêm cổ phiếu sẵn có trong danh mục, trong đó có 6 cổ phiếu trên TTCK Việt Nam là MSN, VIC, VCB, DPM, STB và BVH. Đây đều là những mã được khối ngoại mua nhiều trong phiên 29/5.


“Nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục mua ròng trên TTCK Việt Nam vào ngày 30/5, từ đó hỗ trợ chỉ số chung”, SHS đánh giá và cho biết, VN-Index vẫn đang trong nhịp bật lên từ ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật với ngưỡng cản quan trọng là khoảng 570-580 điểm. Tuy nhiên, công ty này cũng cho biết, áp lực chốt lời vẫn tiếp tục ở mức cao, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng nóng.


Trần Lê - ĐTCK




NỆM LIÊN Á