Cũng giống như nhiều ngân hàng khác “xuất thân” từ một ngân hàng nông thôn nhưng chỉ sau một vài năm OceanBank đã có sự thay đổi “thần kỳ”.
Tuy nhiên, kèm theo sự tăng trưởng đó là những rủi ro hoạt động tăng lên bởi thiếu sự kiểm soát trong việc cấp tín dụng và trình độ quản lý không theo kịp. Hệ quả tất yếu là hiệu quả hoạt động của ngân hàng này khá thấp.
Tăng trưởng “thần kỳ”
Tiền thân Ngân hàng TMCP Đại Dương là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ 300 triệu đồng. Năm 2007, ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Cùng với sự chuyển đổi mô hình này, OceanBank đã có sự phát triển đột biến.
Năm 2006 sau hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của OceanBank tăng từ 71 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau cũng qua hai lần tăng vốn ngân hàng này đã tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng. Để đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu, năm 2008 và năm 2010 OceanBank đã tăng vốn lên 2.000 tỉ rồi 4.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ năm 2007-2010 ngân hàng này đã tăng vốn lên đến gần 24 lần, bất chấp nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đều gặp khó khăn.
Cùng với sự tăng nhanh của vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này cũng tăng khá mạnh, từ khoảng 1.000 tỉ đồng vào cuối năm 2006 đã tăng thành 13.680 tỉ đồng năm 2007 và 55.138 tỉ đồng năm 2010. Bình quân trong giai đoạn này tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng 172%/năm.
Đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ này có sự góp phần không nhỏ của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từ năm 2008, (PVN) đã trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank khi sở hữu 20% cổ phần của ngân hàng. Theo bản cáo bạch năm 2013, PVN vẫn đang sở hữu 80 triệu cổ phiếu OceanBank, tương đương 20%.
Có cổ đông chiến lược là một tập đoàn nhà nước lớn đã giúp OceanBank liên tục mở rộng việc huy động và cho vay. Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2013, tiền gửi từ doanh nghiệp nhà nước là 22.957 tỉ đồng, chiếm 44,21% tổng tiền gửi vào ngân hàng này. Trước đó, năm 2012 tiền gửi từ doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm gần 50%.
Ngoài ra, con số này cũng có thể liên quan đến một doanh nghiệp nhà nước khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà. Cuối năm 2013, công ty này vẫn là cổ đông lớn của OceankBank khi sở hữu 6,65% vốn điều lệ.
Hiệu quả sử dụng vốn thấp, nợ xấu cao
|
Tập đoàn Dầu khí đóng vai trò không nhỏ trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của OceanBank, và hiện vẫn nắm 20% cổ phần ngân hàng này. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP |
Ngược lại với sự tăng trưởng về quy mô rất nhanh, hiệu quả hoạt động của OceanBank trong những năm vừa qua lại khá thấp. Tính trung bình giai đoạn 2006-2013 suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROEA) của OceanBank chỉ đạt 8,4%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường hay hiệu quả hoạt động của những ngân hàng khác. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này cũng liên tục sụt giảm trong những năm gần đây, từ mức 520 tỉ đồng năm 2010 đến năm 2013 chỉ còn vỏn vẹn 180 tỉ đồng.
Không chỉ bị sụt giảm lợi nhuận, tình trạng nợ xấu của OceanBank cũng trở nên tệ hơn. Theo báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2014, nợ xấu của OceanBank tăng từ 3,99% cuối năm 2013 lên 5,03%. Tính đến cuối năm 2013, OceanBank đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu 1.039 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng năm 2013 là 520 tỉ đồng. Bên cạnh đó riêng nợ đáng chú ý của ngân hàng (có nguy cơ biến thành nợ xấu) cũng lên đến gần 1.000 tỉ đồng.
Dù vậy, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính ngày 31-12-2013, ngân hàng có các khoản tiền gửi tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy lên đến 1.085 tỉ đồng đã quá hạn thu hồi. Hiện tại, ngân hàng đã trích lập dự phòng 289 tỉ đồng cho khoản tiền gửi này. Trên thực tế khoản nợ này gần như mất khả năng thu hồi và đang phải “khoanh” theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Cũng liên quan đến Vinashin, OceanBank còn có thêm khoản tín dụng 689 tỉ đồng quá hạn và hiện cũng phải khoanh lại. Số tiền mà ngân hàng này trích lập dự phòng cho khoản tín dụng này đến cuối năm 2013 là 115 tỉ đồng. Như vậy, số tiền hơn 1.700 tỉ đồng mà OceanBank gửi và cho vay liên quan đến Vinashin (cũ) có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngân hàng.
Bên cạnh những con số dễ dàng nhận thấy vẫn còn những con số đang còn ẩn mình. Chẳng hạn thuyết minh báo cáo tài chính của OceanBank cho thấy ngân hàng này có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2013 lên đến hơn 6.700 tỉ đồng. Con số này bằng khoảng 25% tín dụng của ngân hàng này. Thông thường những ngân hàng thường lách quy định về hạn mức tín dụng, lãi suất… bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp “anh em”. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho ngân hàng.
Chưa kịp tuân thủ luật
Theo bản cáo bạch của ngân hàng này thì đến ngày 31-7-2013, OceanBank có bốn cổ đông lớn, trong đó ba cổ đông là PVN, tập đoàn Đại Dương, Công ty TNHH VNT đang sở hữu 20% vốn điều lệ/mỗi cổ đông của ngân hàng này. Trong khi đó theo quy định của điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Ba cổ đông lớn nói trên cũng không thuộc các trường hợp loại trừ theo quy định này.
Bên cạnh đó, theo giới thiệu của tập đoàn Đại Dương thì Công ty TNHH VNT là một thành viên của tập đoàn Đại Dương. Như vậy, nhiều khả năng hai cổ đông lớn là tập đoàn Đại Dương và VNT được xem là cổ đông liên quan đang sở hữu tổng cộng 40% vốn điều lệ của ngân hàng này. Trong khi đó, cũng theo điều 55, “cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”.
Đến cuối năm 2013, OceanBank đã lên kế hoạch tăng vốn lên 5.350 tỉ đồng trong năm 2014 để giảm tỷ lệ nói trên xuống dưới 15%. Dù vậy, cho đến nay ngân hàng vẫn chưa thể tăng vốn như kế hoạch đề ra.
Phát hiện chậm “vi phạm nghiêm trọng”?
Ông Hà Văn Thắm trên sổ sách trực tiếp nắm giữ khoảng 1% cổ phần OceanBank. 20% cổ phần thuộc về PetroVietnam và 20% khác do tập đoàn Đại Dương (OGC-Hose) sở hữu. OceanBank có một cổ đông cá nhân nước ngoài hiện nắm 4,89% cổ phần. Kiểm phiếu số người tham dự kỳ họp đại hội đồng cổ đông tháng 4 năm nay, 37 cổ đông có quyền biểu quyết tương đương 93,17% cổ phần.
Trên thực tế, sở hữu gián tiếp của ông Thắm ở ngân hàng không bó hẹp trong tỷ lệ nhỏ như vậy. Ông Thắm đồng thời nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC, cổ đông lớn nhất của OGC là doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (nắm 44,37% OGC), do ông là chủ sở hữu.
Câu chuyện cũ đã tồn tại ở một số ngân hàng cổ phần: các ông chủ nắm giữ tỷ lệ chi phối, vượt quy định pháp luật, lặp lại ở OceanBank.
Và cũng như ở phần lớn các tổ chức tín dụng cổ phần khác, cổ phiếu OceanBank được cầm cố để vay vốn. Theo báo cáo tài chính bán niên 2014 đã soát xét của OGC (trang 23, 24), OGC đã đầu tư 1.073,3 tỉ đồng để sở hữu 20% cổ phần OceanBank, tương đương 80 triệu cổ phiếu. Sau đó, OGC dùng 37 triệu cổ phiếu của OceanBank thế chấp để vay 245 tỉ đồng ở một ngân hàng có trụ sở ở TPHCM và 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank cộng thêm 32 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH-Hnx) để vay 450 tỉ đồng của một ngân hàng ở phía Bắc. Vòng quay cổ phiếu - thế chấp - vay vốn đã tạo ra một đường ngoằn ngoèo mà có lẽ ông Thắm không thể nào không biết được trên cương vị nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả OGC, OCH và OceanBank.
Trước khi ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 24-10-2014 do “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, một số công ty chứng khoán thạo tin đã bóng gió về việc OceanBank bị thanh tra. Thanh tra, giám sát là nghiệp vụ bình thường của Ngân hàng Nhà nước, mang cả tính định kỳ và bất thường. Nhưng đợt thanh tra gần nhất tại OceanBank, theo Ngân hàng Nhà nước, là nhằm triển khai đề án tái cơ cấu các ngân hàng. Từ trước đến nay, OceanBank không hề có tên trong danh sách các ngân hàng phải tái cơ cấu dù quy mô khá nhỏ. Còn quá sớm để phỏng đoán liệu tới đây OceanBank có sáp nhập, hợp nhất, nhưng điều đọng lại là nếu như cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoạt động tích cực hơn thì quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có thể đã được đẩy nhanh hơn.
Theo TBKTSG