Hơn 1 năm trước, thầy Lại Tiến Minh (sinh năm 1984) được biết tới với vai trò là giáo viên dạy Toán của hai ngôi trường ĐH Kiến trúc và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Thầy nổi tiếng với hình ảnh thư sinh điển trai và phương pháp giảng dạy thú vị. Năm nay, thầy giáo trẻ lại gây bất ngờ khi tham gia... showbiz. Dù vậy, anh khẳng định đó chỉ là những cuộc thử nghiệm và không bao giờ bỏ nghề giáo.
Món quà 20/11 đặc biệt
Đã qua 7 năm đứng trên bục giảng dạy học. Món quà nào ngày 20/11 đặc biệt nhất với thầy?
Tôi may mắn nhận được nhiều món quà tự tay học sinh làm . Tôi nhớ có ngày 20/11, một cô bé bí mật tặng thầy hũ thủy tinh trong đó có 365 ngôi sao bằng giấy lấp lánh, kèm theo lời chúc: "Chúc thầy 365 ngày tươi vui, mạnh khỏe". Dù không biết em đó là ai nhưng tôi cảm thấy rất vui vì tấm lòng chân tình của học trò.
Thời gian dạy và học chiếm đa phần cuộc sống của thầy.
Năm nay, trước ngày Nhà giáo Việt Nam 1 tuần lễ, tôi đã nhận được món quà đầu tiên từ em học sinh cấp 3. Đó là một chiếc hộp dễ thương, bên trong có rất nhiều kẹo ngọt và tấm thiệp do học sinh tự làm. Đối với tôi, mỗi món quà đều rất đặc biệt vì chứa đựng tình cảm của học trò đối với mình.
Ngày tôi còn nhỏ, vì mẹ là giáo viên nên thường được phụ huynh mang gà, gạo, giò đến biếu mỗi dịp 20/11. Đó là những món quà rất ý nghĩa.
Là người dạy Toán nhưng thầy lại có cách dạy sáng tạo khi quay clip giảng giải cặn kẽ để học sinh dễ hiểu. Thầy có thể nói thêm về phương pháp dạy học của mình?
Loạt clip tôi dạy Toán cho học sinh về chất lượng hình ảnh có thể không cao vì chưa được đầu tư đúng mực nhưng được mọi người khen ngợi về nội dung giảng dạy. Điều này có động lực giúp tôi sắp tới mong muốn mở một website về dạy học.
Thầy làm rất nhiều điều khác biệt so với những giáo viên khác, như phong cách rất teen, dạy học qua video clip, đối thoại với học sinh qua mạng xã hội, tham gia những chương trình truyền hình... Thầy muốn chuyển tải thông điệp gì qua tất cả những điều đó?
Tôi muốn thay đổi hình ảnh người thầy cũ thành hiện đại để phù hợp với một xã hội năng động như ngày nay. Người thầy ngày xưa thường bảo gì, nghe đó nhưng trong xã hội ngày nay tình thầy trò còn là tình cảm bạn bè, anh em. Nhiều khi tôi thấy mình học hỏi được từ học sinh của mình rất nhiều điều. Học sinh bây giờ rất thông minh, cập nhật công nghệ và thông tin nhanh.
Thầy có thể chia sẻ về "duyên" đến với ngành sư phạm của mình?
Ngày đó, sư phạm là một trong những ngôi trường đỉnh nhất, vì vậy tôi muốn thử sức mình. Thêm nữa, sư phạm không mất tiền học phí nên tôi cũng mong muốn phần nào đỡ đần kinh tế cho gia đình. Mẹ là một kế toán trong trường học nên cũng phần nào định hướng nghề nghiệp cho tôi. - Là một giáo viên trẻ tuổi, thầy có thấy mình thiệt thòi gì không?
Tôi thấy, khi là một giáo viên trẻ tuổi người khác thường không đánh giá cao hay đặt niềm tin ban đầu vào mình. Có những phụ huynh hay học sinh nhìn thấy tôi trẻ quá mà đã dè dặt khi vào học, thậm chí bỏ lớp. Tuy nhiên, sau mỗi khóa dạy, học sinh của tôi thường đỗ đại học 90%, cũng là kết quả để mọi người tin tưởng.
Trong ngành sư phạm, thầy có trăn trở gì?
Lương giáo viên trong ngành sư phạm không cao, nếu không nói là thấp khi một giáo viên chi phí với mức sống ở Hà Nội. Vì vậy, tôi mong muốn mức lương sẽ được nâng lên, như thế mới không còn tình trạng dạy thêm, học thêm.
Bật mí về chuyện tình yêu
Có ngoại hình “ăn điểm”, thầy nghĩ mình đã được những cái lợi và cái hại như thế nào?
Ai cũng thích cái đẹp, vì vậy có một gương mặt sáng cũng thuận lợi hơn trong khi giao tiếp. Tôi còn thấy ở những đất nước như Hong Kong, Đài Loan rất chú trọng nâng cao vai trò của thầy cô giáo, có thể phát triển họ như những ngôi sao.
Ngoài ra, nhiều khi được người khác biết đến nhiều cũng là một cái hại. Bởi đôi khi gặp mình lại có gì đó khiến họ thất vọng hơn trong trí tưởng tượng. Khi đi đến đâu mà được người khác chú ý thì tôi cũng cảm thấy mất tự tin.
Có phụ huynh nào lại tỏ ý lo lắng, giáo viên mà đẹp trai quá thì học sinh không học được. Thầy nghĩ sao?
Có chứ. Nhưng điều quan trọng đều là do người thầy. Bản thân tôi cũng rất rõ ràng trong mối quan hệ thầy trò. Tôi là người nghiêm túc và học trò tôi biết điều đó nên không dám thể hiện tình cảm thái quá. Trong giờ học, tôi hoàn toàn không đùa cợt học trò, chỉ thể hiện quan tâm của người thầy đối với trò. Với học trò nữ, tôi luôn cư xử đúng mực, tạo mối quan hệ thân thiết, nên động viên, khuyến khích đúng lúc tạo động lực cho các em học tập.
Học trò sau khi ra trường thường quay ngoắt 180 độ gọi tôi từ thầy sang anh.
Thầy Lại Tiến Minh và học sinh.
Chắc hẳn thầy đã nhận được không ít lời tỏ tình của học sinh?
Học sinh thời nay bạo dạn hơn trong việc thể hiện tình cảm với thầy giáo. Có thời gian, thầy từng bị nữ sinh "khủng bố" bằng tin nhắn và điện thoại. Có nữ sinh biết thầy phải chạy "show" nhiều đã mang đồ ăn, nước sinh tố tới chỗ thầy dạy buổi tối với lời nhắn: "Em muốn thầy được ăn cơm đúng bữa".
Một cô gái như thế nào sẽ thu hút được thầy chú ý?
Tôi thích những bạn gái đơn giản, dịu dàng. Thi thoảng, tôi cũng bị ấn tượng bởi những cô gái cá tính. Mẹ tôi xem bói và đã khoanh vùng để tôi nên chọn lựa những cô gái sinh năm 1991 đến năm 1993 (cười).
Có lẽ sẽ rất nhiều người tò mò về thời gian kết hôn của thầy?
Vào hai năm trước tôi đã từng có dự định kết hôn. Người yêu của tôi là một cô gái Hà Nội xinh đẹp, giỏi giang. Nhưng lúc đó vì lý do kinh tế nên tôi mặc cảm với chính mình và tự rút khỏi cuộc tình. Hiện tại, cô ấy đã lập gia đình, còn tôi có lẽ vẫn chưa thể quên được cô ấy, cũng như chưa yêu ai...
Những trải nghiệm mới trong giới showbiz
Gần đây, thầy đã mang lại bất ngờ cho học trò của mình khi thử sức trong lĩnh vực âm nhạc bằng cách tham gia cuộc thi “Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2013”. Thầy có thể chia sẻ về lý do tham gia cuộc thi lần này?
Sau khi thu âm ca khúc “Bức thư tình thứ nhất” được đăng tải trên mạng xã hội, dù chỉ hát cho vui nhưng nhận được nhiều phản hồi tích cực nên tôi cũng quyết định tham dự cuộc thi, cũng coi như đây là một trải nghiệm.
Thầy Lại Tiến Minh đang thử sức sang một số lĩnh vực nghệ thuật.
Trước đó, thầy có tham dự cuộc Starlook và thể hiện sự đa tài của mình khi tham gia ở các lĩnh vực khác như MC, người mẫu ảnh. Phải chăng, thầy đã và đang trên con đường “lấn sân” vào giới showbiz?
Những cuộc thi tôi tham gia đều không nghĩ đến đoạt giải hay mong mình nổi tiếng. Kết quả tôi đạt được cũng không cao có lẽ bởi do không có sự đầu tư bài bản. Điều quan trọng là tôi muốn nói đến là khi còn trẻ, hãy sống hết mình với niềm đam mê của bản thân.
Người ta chọn nghề giáo thường để mong một cuộc sống bình lặng nhưng chính tôi lại sợ một cuộc sống tẻ nhạt. Đừng “gói gọn” cuộc sống của mình trong vòng tuần hoàn học, đi làm, xây dựng gia đình và sinh con cái.
Tại sao thầy không tham gia những cuộc thi này khi còn là sinh viên?
Nếu chỉ biết chăm chăm vào việc học thì cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt. Thời là học sinh, tôi cũng được ví như một con mọt sách, không biết gì ngoài sách vở. Đến khi đi làm các chị đồng nghiệp của tôi gọi vui là “cổ vật”.
Thầy Minh quyết tâm không bỏ nghề giáo
Nếu có những lời mời hấp dẫn cho công việc trong tương lai, với thu nhập và cơ hội nổi tiếng, thăng tiếng hơn nghề giáo thì thầy có quyết định chuyển hướng công việc?
Tôi đã xác định, mình sẽ không bao giờ bỏ nghề giáo. Mẹ tôi cũng khuyên nên tập trung chính vào công việc dạy học. Mỗi trải nghiệm xung quanh nghề đều mang lại những điều thú vị riêng, khi nào thích thì tôi sẽ tham gia.
Mới đây, có lời mời tôi chụp một bộ ảnh khá nhạy cảm để tham dự một triển lãm quốc tế. Nhưng tôi thiết nghĩ, điều này không phù hợp với nghề nghiệp mà tôi đang theo đuổi nên cũng từ chối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét