Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

CII trong cơn khát 'vốn'

CII trong cơn khát 'vốn'


Tính đến cuối quý 3/2013, tổng nợ của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM lên đến 6,109 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Không những vậy, hiện CII đang tiếp tục gia tăng những khoản nợ thông qua phát hành trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi lên đến hơn 2,000 tỷ đồng.

Cứu tinh Vietinbank và trái phiếu chuyển đổi
CII là một doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tính đến 30/09/2013, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 3.8 đơn vị. Trong đó, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn lần lượt 2,376 tỷ đồng và 3,733 tỷ đồng.

Để giảm gánh nặng nợ, CII cho biết đã triển khai thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietinbank. Theo thỏa thuận này, Vietinbank đã thực hiện mua lại nợ, bảo lãnh của CII từ các tổ chức tín dụng khác lên đến 3,287.8 tỷ đồng, ứng với 54% tổng nợ, mà theo lời Tổng giám đốc Lê Quốc Bình thì đây là một hình thức nợ thu về một mối.

Không những vậy, Vietinbank còn sẽ mua 1,200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm cho do CII phát hành. Mục tiêu giúp công ty cơ cấu lại các khoản nợ. Như vậy, tổng đầu tư của Vietinbank đã gần chạm con số 4,500 tỷ đồng, bằng 56% tổng tài sản hiện tại của công ty.

Ngoài ra, Vietinbank cũng có kế hoạch sẽ mua 5% vốn của công ty để trở thành cổ đông lớn và đưa người vào HĐQT.

Sau những động thái trên, Vietinbank có lẽ sẽ trở thành nhân tố giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động của CII trong thời gian tới.

Mức độ “khát vốn” của CII chưa dừng lại ở đó. Chỉ sau một ngày công bố thông tin sẽ bán cả ngàn tỷ trái phiếu cho Vietinbank, ngày 29/11, CII tiếp tục cho biết HĐQT đã thông qua kế hoạch phát hành 1,128 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) cho cổ đông hiện hữu, hay cho CBCNV trong trường hợp cổ đông không mua hết. Thời hạn trái phiếu là 5 năm với lãi suất 12%, tiền lãi trái phiếu được thanh toán 1 năm/lần. Tỷ lệ phân bổ quyền: 100:1 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần được mua 1 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu đồng).


Tổng cộng, con số trái phiếu dự kiến phát hành của CII lên đến hơn 2,300 tỷ đồng được công bố chỉ trong 2 ngày qua.
Đối với khoản trái phiếu chuyển đổi trên, sau 6 tháng kể từ ngày phát hành thì trái chủ bắt đầu được quyền chuvển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Giá chuyển đổi 11,000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ chuyển đổi: 1: 90.9 (một trái phiếu chuyển đổi thành 90.9 cổ phiếu). Số tiền thu được từ đợt chào bán TPCĐ sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động, đầu tư vào một loạt dự án và đặc biệt trong đó có lý do thanh toán nợ gốc và lãi dến hạn của đợt trái phiếu phát hành năm 2007.


Giảm giá chuyển đổi để níu chân trái chủ
Đó là việc, HĐQT CII quyết định điều chỉnh giá chuyển đổi trái phiếu cho Goldman Sachs và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) để trình ĐHĐCĐ phê duyệt. Cụ thể, CII dự kiến điều chỉnh giá chuyển đổi cho 15 triệu USD TPCĐ của Goldman Sachs từ 29,000 đồng/cp giảm xuống 10,000 đồng/cp và 25 triệu USD còn lại với giá 18,800 đồng/cp. Đối với HFIC, CII dự kiến giảm giá chuyển đổi cho 26.66 tỷ đồng TPCĐ từ 29,000 đồng/cp xuống 10,000 đồng/cp và 44.42 tỷ đồng còn lại ở mức giá 18,800 đồng/cp.

Được biết, số lượng trái phiếu chào bán cho Goldman Sachs và HFIC được thực hiện thành công vào đầu năm 2011. Ở thời điểm đó, giá chuyển đổi được ấn định là 43,500 đồng. Thêm nữa, trong hợp đồng phát hành cho cả hai tổ chức trên có điều kiện từ năm thứ 3 trở đi, các trái chủ có quyền yêu cầu CII mua lại trái phiếu sau khi đã thông báo trước 6 tháng dù cho thời hạn của trái phiếu là năm năm kể từ ngày phát hành. Nếu hai trái chủ trên đồng thời yêu cầu buộc CII mua lại toàn bộ trái phiếu thì CII sẽ phải chi ra hơn 900 tỷ đồng để thực hiện cam kết.

Trao đổi với chúng tôi chiều 29/11, ông Lê Quốc Bình lý giải, việc giảm giá chuyển đổi cho hai trái chủ nhằm mục đích giữ chân nhà đầu tư ngoại Goldman Sachs. Còn HFIC hiện cũng đang là cổ đông lớn của CII với tỷ lệ sở hữu 19% . Ngoài ra, ông Bình cũng cho biết đến hiện tại công ty chưa nhận được yêu cầu mua lại trái phiếu từ cả Goldman Sachs lẫn HFIC.


Mỹ Hà – Sanh Tín

CÔNG LÝ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á