Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Ngập nỗi lo Thông tư 36

Ngập nỗi lo Thông tư 36


Sau một vài phiên chững lại tại mốc 550 điểm, những tưởng áp lực bán đã giảm bớt, tuy nhiên thị trường đột ngột giảm mạnh trong 2 phiên liên tiếp đã đẩy cả hai chỉ số giảm xuống mức thấp và gần như quay trở lại vạch xuất phát đầu năm.


Với mức thấp nhất chạm đến là 513 điểm, VN-Index chỉ còn cách vùng đáy hồi tháng 5 khi sự kiện biển Đông diễn ra (508 điểm) một khoảng rất nhỏ.


Điều này khiến nhiều NĐT thực sự kinh ngạc và không hiểu điều gì đang diễn ra trên thị trường. Rõ ràng ở những cú rơi trước đó, nhiều NĐT đã buộc phải giảm mức độ sử dụng đòn bẩy, nên áp lực giải chấp là không quá lớn. Vậy yếu tố nào khiến NĐT hoảng loạn và bán tháo một cách mạnh mẽ đến vậy?


Lý giải cho câu chuyện giảm giá trên có thể nằm ở một số điểm. Nhiều NĐT cho rằng, nguyên nhân là do giá dầu giảm, nhưng đó chỉ là cái cớ, bản chất của câu chuyện là tâm lý đám đông và một phần của giải chấp. Trong nhịp giảm này, điều đáng chú ý là ngay cả những cổ phiếu vốn dĩ mang tính an toàn cao cũng bị bán ra.


Có lẽ nó cũng bị sức ép lớn trước chiến lược của NĐT là bán trước mua lại sau với giá rẻ hơn. Chính áp lực này đã tạo ra sự lan tỏa đi xuống ở nhiều nhóm cổ phiếu và nếu quan sát kỹ có thể nhận thấy, thị trường sụt giảm mạnh đã thúc đẩy lực cầu vào bắt đáy.


Tuy nhiên, còn có một lý do sâu xa hơn mà giới tài chính lo ngại liên quan đến Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Câu chuyện với Thông tư 13 ban hành năm 2010 là điều nhiều NĐT chưa thể quên khi nó tác động sâu tới TTCK. Đó cũng là lý do đã có những đề xuất giãn thời hạn áp dụng Thông tư 36, bởi thời gian để các đối tượng bị điều chỉnh bởi thông tư này chuẩn bị là quá ngắn.


Hơn nữa, với quy định của Thông tư 36, có khá nhiều điểm bất ngờ nên thị trường dường như đã không định hình kịp. Dòng tiền lớn chưa quay lại và thực sự khó có thể hình dung mọi thứ sẽ ra sao khi Thông tư chính thức có hiệu lực.


VN-Index vẫn trong xu thế giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (19/12), VN-Index dừng ở mốc 523 điểm. Liệu thị trường có tiếp tục giảm và vùng 500 - 510 điểm có thực sự giúp cho thị trường vững vàng hay là những mốc điểm sâu hơn nữa?


Thực tế, có thể kỳ vọng thị trường không giảm sâu hơn nữa, với 3 lý do. Thứ nhất, ảnh hưởng từ giá dầu sẽ không còn quá lớn khi mức giá hiện tại đã gần sát với mức thấp nhất mà các chuyên gia dự báo. Vì thế, sự tác động của giá dầu sẽ không gây ra những cú sốc mạnh trong khi giá của hàng loạt cổ phiếu dầu khí cũng đã chạm đến vùng hỗ trợ mạnh, nên mức giảm (nếu có) cũng sẽ bớt sốc hơn.


Thứ hai, sau nhiều phiên giảm mạnh và đột ngột khiến cả những cổ phiếu cơ bản cũng bị rơi vào tình trạng call margin, thì lượng sử dụng công cụ này ngày càng thấp đi. Đó có thể là áp lực cuối cùng của sự chịu đựng với NĐT và hẳn họ không còn tin vào thị trường nữa. Một sự cảnh giác cũng như an toàn được đặt lên hàng đầu và có thể sẽ là một sự chấp nhận thua cuộc bằng cách đóng tài khoản chuyển sang trạng thái “ngủ đông”.


Trước nhịp giảm này, điều đó cũng đã xảy ra khi khối lượng giao dịch đã có tín hiệu co hẹp, ngoại trừ phiên sụt giảm mạnh đẩy giá cổ phiếu giảm sâu và kích thích lòng tham bắt đáy.


Cuối cùng, vùng 500 - 510 điểm đã có một khoảng thời gian dài xây đắp nền móng, nên để rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ này, cũng cần một khoảng thời gian đủ dài.


Chưa có nhận định nào khẳng định rõ xu hướng thị trường thời gian tới. CTCK SSI là đơn vị tiên phong phát hành bản báo cáo trên tạp chí danh tiếng FinanceAsia với tiêu đề: “Cơ hội cho TTCK” với những phân tích, nhận định về thị trường, liệu có giúp cho NĐT có sự vững tâm.


Có thể nhiều NĐT cũng đã nhận thấy những cơ hội đầu tư cho dù trước mắt còn nhiều khó khăn. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, TTCK vẫn chứng minh rằng nó vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Vì thế, với những gì đã đạt được thì sự giảm điểm của thị trường thời gian qua chỉ là sự điều chỉnh trong quá trình tăng dài hạn mà TTCK đang có. Biến động này có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian. Theo chúng tôi, giữ và bảo toàn vốn là điều quan trọng nhất lúc này, trước khi những tín hiệu tích cực quay trở lại.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/12


Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/12 của các công ty chứng khoán.


VNM: Khuyến nghị tích lũy trong dài hạn


CTCK Rồng Việt (VDSC)


CTCP Sữa Việt Nam (VNM – HOSE) là doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và luôn được đánh giá cao về vị thế kinh doanh lẫn hiệu quả tài chính trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong năm nay, sự trỗi dậy của nhiều đối thủ cạnh tranh, cộng với tăng trưởng lợi nhuận của VNM có dấu hiệu chững lại khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại VNM bước vào giai đoạn bão hòa.


Tính đến thời điểm hiện nay, thị phần của VNM vẫn đang chiếm ưu thế, kết quả kinh doanh nhìn chung vẫn khá hiệu quả. Với những ưu thế sẵn có (thương hiệu, hệ thống phân phối, tiềm lực tài chính…), chúng tôi cho rằng vị thế đầu ngành của Vinamilk chưa thể bị lung lay. Tuy vậy, một sự bứt phá lớn như các năm trước có thể khó xảy ra mà thay vào đó VNM sẽ tăng trưởng một cách ổn định, bền vững, tập trung trên 4 phân khúc chính: sữa đặc, sữa bột, sữa nước, sữa chua.


Qua phân tích một số ưu nhược điểm và chiến lược của công ty đối với từng nhóm ngành hàng cho thấy cơ hội vẫn còn rộng mở đối với VNM. Ngoài tiềm năng riêng của thị trường Việt Nam, các chiến lược cạnh tranh như “tăng đầu tư vào đàn bò”, “sản phẩm Vinamilk chất lượng quốc tế” có thể sẽ giúp VNM tiếp tục giữ vững thị phần. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào khả năng giành thêm thị phần sữa bột từ nhóm sữa ngoại trong khi đó tăng trưởng của nhóm sản phẩm sữa nước dự kiến sẽ cải thiện mạnh sau khi đàn bò của Công ty cho sản phẩm.


Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của ngành sữa cũng như cơ hội tăng trưởng của VNM trong thời gian tới, tuy vậy, một cách thận trọng, cần thêm bằng chứng về tính khả thi đối với các chiến lược dài hơi của VNM. Vì vậy, khuyến nghị TÍCH LŨY trong DÀI HẠN đối với mã cổ phiếu này với mức giá 110.000 VND.


KBC: Khuyến nghị trung lập


CTCK MB (MBS)


KBC công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 580 tỷ VNĐ, tăng 71% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 165 tỷ VNĐ cải thiện mạnh so với mức lỗ 128 tỷ cùng kỳ.


Ngày, 18/12/2014, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) và LG cùng nhau ký kết Hợp đồng nguyên tắc thuê lại đất. Theo đó, LG tiếp tục thuê thêm 40ha tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ để phục vụ cho dự án mở rộng giai đoạn 2.


Sau khi ký hợp đồng, LG sẽ chuyển tiền theo tiến độ và lên kế hoạch cụ thể để xây dựng nhà máy giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi ước tính giá trị của hợp đồng sẽ khoảng 500 tỷ VNĐ.


Với hợp đồng này, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp vệ tinh của LG được thu hút đến thuê đất tại khu công nghiệp Tràng Duệ qua đó nâng cao triển vọng kinh doanh của KBC.


KBC sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tại hợp đồng này trong năm 2015 và do đó kết quả kinh doanh quý IV/2014 của Công ty sẽ chưa thể có chuyển biến mạnh. Mặc dù, triển vọng lợi nhuận của KBC có khả quan hơn song mức độ lợi nhuận của Công ty vẫn rất khiêm tốn so với quy mô của Công ty. Chúng tôi đánh giá trung tính đối với cổ phiếu của KBC.


SJD: Khuyến nghị mua vào


CTCK FPT (FPTS)


CTCP Thủy điện Cần Đơn (mã SJD) cho biết, 9 tháng đầu năm 2014 thời tiết diễn biến thuận lợi nên doanh thu thuần đạt 316,2 tỷ đồng (+21,6% so với cùng kỳ năm 2013); lợi nhuận sau thuế đạt 146,3 tỷ đồng (+7,2% so với cùng kỳ).


Dự phóng cả năm 2014, SJD đạt 380 tỷ đồng doanh thu thuần (tương đương 112% kế hoạch doanh thu) và đạt 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(2014) là 4.122 đồng/cp, so với mức P/E trung bình của các công ty cùng ngành là 8,49 lần, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với SJD với giá mục tiêu 35.000 đồng/cp.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

TS. Lê Đăng Doanh: Không nên 'đục nước béo cò' khi đồng rúp Nga mất giá

TS. Lê Đăng Doanh: Không nên 'đục nước béo cò' khi đồng rúp Nga mất giá


Việc đồng rúp Nga mất giá đã gây ra xáo trộn không nhỏ đến nền kinh tế của nước Nga trong thời gian gần đây. Vậy, sự sụt giảm này liệu có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam? PV Một Thế Giới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh về vấn đề này.


Đồng rúp Nga mất giá trị hơn 50% so với USD từ đầu năm đến nay. Theo ông, điều này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?


Việc đồng rúp Nga sụt giảm giá nhanh chóng và đặc biệt trong những ngày gần đây có hiện tượng lao dốc hết sức hoảng loạn là một diễn biến xấu đối với nền kinh tế Nga, nhưng cũng không tốt lành gì đối với nền kinh tế Việt Nam - vốn có mối quan hệ thương mại, hợp tác với Nga.


Hệ quả của việc đồng rúp sụt giảm đối với kinh tế Nga hiện chưa được xác định đầy đủ và vẫn tiếp tục diễn biến. Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ làm cho Nga gặp khó khăn rất lớn, bởi tăng trưởng kinh tế, đầu tư của Nga đã giảm sút nhiều.


Có thể thấy, với việc giá dầu giảm sút như hiện nay trong khi kinh tế Nga dựa 2/3 vào dầu nên việc đồng rúp giảm giá sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và dự trữ ngoại tệ của nước Nga chắc chắn sẽ sụt giảm theo.


Như vậy, việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì trước đây, 1 USD tương đương với 31 rúp Nga, nhưng bây giờ 1 USD lên tới 80 rúp, cho nên hàng hóa của Việt Nam sang Nga sẽ lên giá rất nhanh.


Và tôi cũng lo ngại rằng, với việc sụt giảm của đồng rúp không biết là các đối tác Nga khi nhập hàng hóa của Việt Nam họ có khả năng thanh toán và chịu được giá hay không nữa. Bởi vì họ bán hàng hóa trên thị trường Nga sẽ thu về đồng rúp thì liệu họ có mua hàng hóa mà trả bằng USD hay không?


Cho nên tôi cho rằng đây là khó khăn rất lớn và trong tình hình hiện nay, việc xuất khẩu sang Nga cần phải được xem xét rất thận trọng.















Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh




Cũng có quan điểm cho rằng, việc đồng rúp Nga mất giá sẽ khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ Nga về Việt Nam rẻ hơn và chúng ta cũng có lợi? Ý kiến của ông về vấn đề này?


Tôi cho rằng việc nhập khẩu từ Nga về Việt Nam còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu bằng đồng tiền nào. Nếu nhập khẩu bằng đồng rúp thì hiện đồng rúp đang mất giá như vậy liệu các đối tác ở Nga có chấp nhận hay không? Và doanh nghiệp của mình có chấp nhận hay không? Nếu nhập khẩu bằng đồng rúp thì thanh toán bằng tỉ giá nào? Tôi nghĩ rằng điều kiện này không thể dễ dàng.


Chúng ta cũng không nên có tư tưởng "đục nước béo cò" để có thể kiếm chác gì vào lúc này. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó diễn ra.


Vậy ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt đang có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa đối với các doanh nghiệp ở Nga vào lúc này?


Các doanh nghiệp Việt cần phải xem xét thận trọng đối với việc kinh doanh hiện nay. Cần phải quy định rõ ràng trong hợp đồng là sẽ thanh toán như thế nào? bằng đồng rúp hay bằng USD? Nếu không quy định rõ ràng thì doanh nghiệp Việt có thể sẽ bị thiệt hại lớn vì đồng rúp vẫn đang tiếp tục mất giá.




Còn tác động tiếp tục như thế nào và cơ hội ra sao thì còn phải được xem xét một cách toàn diện hơn. Chỉ có thể nói là nếu đồng rúp Nga tiếp tục sụt giảm sẽ gây rối loạn đến thị trường tài chính quốc tế và không ai sẽ được lợi trong tình hình hiện nay.


Xin cảm ơn ông!



Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

GDP Việt Nam 2014 tăng khoảng 5,93%

GDP Việt Nam 2014 tăng khoảng 5,93%


Khái quát chung, Bộ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI ước cả năm tăng khoảng 3%.




Tăng trưởng tín dụng có khả năng hoàn thành kế hoạch cho cả năm 2014 và mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5 - 2% so với cuối năm 2013, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Ước thực hiện cả năm thu ngân sách vượt mức đã được Quốc hội thông qua.




Bức tranh doanh nghiệp, theo báo cáo cũng có vài điểm sáng. Như có khoảng 67,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn bình quân đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nay trở lại thương trường cũng tăng 11,8% so với cùng kỳ 2013, với trên 14,2 nghìn.




Cụ thể hơn, những ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng và tạm ngừng hoạt động giảm là hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình và các hoạt động dịch vụ khác.




Một số ngành có sự biến động tăng cả số lượng doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường được Bộ đánh giá đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ. như công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục và đào tạo, kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và bảo hiểm…




Được điểm danh trong số các lĩnh vực doanh nghiệp thành lập mới giảm và giải thể lại tăng là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống, khai khoáng, xây dựng, quảng cáo…




Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu ấm lên. Nhưng dự báo số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2014 sẽ giảm khoảng 5%, còn số phải giải thể, tạm ngừng hoạt động sẽ tăng khoảng 9% so với 2013.




Với 2015, báo cáo viết, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi với mức tăng trưởng khá.




Ở các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu 2015, Bộ cho biết sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ và tạo ra những điều kiện cần thiết để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân.




Bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu đối với khu vực sản xuất, kinh doanh cũng là nhiệm vụ được đề cập.




Trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo nêu rõ không làm oan, sai, chống lạm dụng bắt người, tạm giữ, tạm giam, bắt khẩn cấp và không để xảy ra bức cung nhục hình…



Lạ đời dầu giảm, DN kêu lỗ đòi giữ giá

Lạ đời dầu giảm, DN kêu lỗ đòi giữ giá


Khi giá xăng dầu thế giới căng thẳng leo thang, doanh nghiệp xăng dầu thường kêu lỗ đòi tăng giá. Nhưng lạ là, mấy tháng nay giá dầu giảm sâu, những đơn vị này vẫn kêu lỗ đòi... giữ giá.


Muốn tăng thuế để cắt lỗ


Đó là đề xuất của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).


Trong một văn bản gửi hai bộ Tài chính, Công Thương hôm 3/12, tổng công này đã kiến nghị cần tăng mạnh thuế từ 5-7 điểm phần trăm, đồng thời, giữ nguyên giá bán lẻ và trích Quỹ bình ổn giá như hiện nay.


Lý do mà PVOil muốn tăng mạnh thuế là vì... lỗ. Doanh nghiệp này cho biết, những tháng gần đây, hàng tồn kho xăng dầu đều trên 300.000m3, trong khi lượng bán ra chỉ khoảng 220.000m3, tức khoảng 220 triệu lít/tháng. Chưa kể, PVOil còn tồn hàng nguyên liệu lên tới 80.000- 100.000m3.


Một mặt, tổng công ty đảm bảo dự trữ đủ 30 ngày lưu thông, nhưng mặt khác, giá bán lẻ được điều chỉnh trên cơ sở giá bình quân của 15 ngày cuối. Trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu liên tiếp 3 tháng, doanh nghiệp này cho biết đã bắt đầu lỗ từ tháng 8 và dự kiến cả năm nay sẽ không lãi.


Ba ngày sau kiến nghị này, Bộ Tài chính đã tăng thuế lên 9 điểm phần trăm, vượt hơn cả mong đợi của PVOil, đưa mức thuế nhập khẩu xăng dầu lên ngưỡng 23-27%, là mức cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Nhưng đồng thời, giá bán lẻ vẫn phải giảm nhẹ.


Từ nhiều năm nay, người dân đã quen với kịch bản, DN xăng dầu lỗ vì giá thế giới tăng và chỉ muốn giảm thuế, tăng giá. Song, với câu chuyện của PVOil thì lại thấy thêm một kịch bản trái ngược: lỗ vì giá thế giới giảm và doanh nghiệp lại muốn tăng thuế.


PVOil từ chối biện giải về văn bản này, nhưng một phân tích từ lãnh đạo Petrolimex đã hé mở nguyên nhân của đề xuất lạ lùng này.


Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, nói: "Lúc giá tăng cao, thường Nhà nước kiềm giá để bình ổn, không cho tăng ngay nên doanh nghiệp lỗ. Còn nay lỗ là do vấn đề thị trường xuống quá sâu".


"Doanh nghiệp phải dữ trự đủ lưu thông cho 30 ngày, trong đó, giá xăng dầu bình quân 15 ngày đầu và bình quân 15 ngày sau chênh lệch nhau rất lớn, vì giá dầu thế giới xuống liên tục. Giá bán lẻ trong nước giảm theo mặt bằng của giá 15 ngày sau nên doanh nghiệp chịu thiệt vì giá hàng tồn kho luôn cao hơn".


Về bản chất, tăng thuế như vậy sẽ chính là một công cụ để "giữ" giá xăng dầu trong nước không giảm xuống thấp hơn nữa, cắt lỗ cho doanh nghiệp. Giá cơ sở sẽ bị đẩy lên cao do có thêm khoảng 1.000 đồng/lít tiền thuế nên thu hẹp khoảng chênh lệch với giá bán lẻ. Nhờ đó, giá bán lẻ sẽ không hạ hoặc chỉ điều chỉnh ở biên độ thấp.


Ít nhất trong 15 ngày sau tăng thuế, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ có cơ hội đẩy hàng tồn đã tính với mức thuế thấp, bán ra theo mức giá bán lẻ có thuế cao hơn, nhờ đó sẽ có lợi nhuận. Nói cách khác, những ngày này, doanh nghiệp bán số lượng xăng đã nhập khẩu với mức thuế 18%, nhưng theo mức giá cao hơn theo cách tính thuế 27%.


"Mỗi doanh nghiệp có một quan điểm riêng về việc áp thuế, nhưng tôi nghĩ là việc tăng thuế vừa rồi của Bộ Tài chính là hợp lý", ông Năm nói.


Từ tháng 10, mảng xăng dầu của Tập đoàn Petrolimex đã chuyển sang lỗ và dự kiến, con số lỗ này sẽ gấp hơn nhiều lần so với số lãi xăng dầu 406 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm.


Với SaigonPetro, kinh doanh xăng dầu cũng bắt đầu lỗ từ tháng 11 và có thể, sẽ lấn át con số lãi hơn 100 tỷ đồng trước đó. Tình hình xấu này báo trước kết quả kinh doanh xăng dầu cả năm có thể âm.


Tuy nhiên, số lỗ của các doanh nghiệp trên có thể chưa thấm vào đâu so với bi kịch của PVOil vì đơn vị này còn có thêm mảng xuất nhập khẩu dầu thô.











Dầu-thô, xăng-dầu, giá-xăng-dầu, tăng-giá-xăng, giảm-giá, thuế-nhập-khẩu, dự-trữ, quỹ-bình-ổn, Petrolimex, PVOil, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính
Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống mức dưới 60 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 7 năm qua nhưng giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn giảm cầm chừng

Sẽ xử lý doanh nghiệp nhập cầm chừng


Trước đây, khi xây dựng Nghị định 83, Bộ Công Thương đã từng e ngại viễn cảnh doanh nghiệp lỗ không có nguồn bù nếu lấy theo giá bình quân của 15 ngày cuối theo đề xuất của Bộ Tài chính. Bộ này đã đề nghị tính giá theo giá bình quân 15 ngày đầu.


Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định chốt phương án giá cơ sở tính theo mặt bằng giá 15 ngày sau để đảm bảo giá trong nước sát với diễn biến giá thế giới, tránh tình trạng có độ trễ, lệch pha như nhiều năm nay.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: "Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây của ngành này, nhưng hoàn toàn do thị trường".


“Giá xăng dầu trong nước phải điều hành theo đúng Nghị định 83, cách 15 ngày có một lần xem xét và điều chỉnh theo đà giảm thế giới. Nhà nước sẽ không thể có biện pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp lúc này vì ngành xăng dầu đã theo cơ chế thị trường", ông Hải nhấn mạnh.


Năm 2011, giá dầu thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã ngưng hoặc giãn tiến độ nhập khẩu xăng dầu, gây bất bình đẳng giữa các DN. Bộ Công Thương đã phải tuýt còi một vài trường hợp.


Thứ trưởng Hải cho biết: "Chúng tôi cũng đã chỉ đạo kiểm tra tiến độ nhâp khẩu xăng dầu, phòng ngừa hiện tượng doanh nghiệp không nhập. Nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo nhập khẩu theo hạn mức thì Bộ sẽ xem xét xử lý".


Theo Vietnamnet


Sau 10 ngày kể từ đợt giảm giá thứ 12 gần đây, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore vẫn tuột dốc không phanh.


Bộ Công Thương cho biết, mức giá xăng thành phẩm nhập từ Singapore giao dịch ngày 16/12 chỉ ở mức 64,77 USD/thùng, giảm tới 10,19 USD/thùng, tỷ lệ giảm 13%. Dầu diezen chỉ ở mức 73,4 USD/thùng, giảm 9,13 USD, tương ứng 11%.


Liên bộ Công Thương - Tài chính cũng đang bàn bạc về các kịch bản ứng phó với giá dầu thô giảm. Trong đó, giải pháp tăng thuế lên tới 35% đã được tính đến khi giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng.




Chứng khoán bừng tỉnh sau cơn mê tháo chạy

Chứng khoán bừng tỉnh sau cơn mê tháo chạy


Ngày 18/12, chứng khoán bật tăng trở lại đánh thức cơn mê tháo chạy của nhà đầu tư trong chuỗi ngày dài giảm điểm, đặc biệt là 3 phiên liên tiếp gần nhất có dấu hiệu hoảng hốt bán tháo.


Cổ phiếu GAS, PVD, GNT, PVS đã mất trên 35% thị giá. Một loạt cổ phiếu khác như MPC, VLF, HAI, VHG… đã mất 20% thị giá, cá biệt, một số cổ phiếu giảm đến 70% giá trị trong cơn giảm giá kéo dài vừa qua.


Báo cáo ngày 18/12/2014 của CTCK MBS đánh giá, TTCK Việt Nam đã giảm khoảng 20% kể từ vùng đỉnh 644 điểm. Qua theo dõi thị trường nhiều năm, công ty này cho rằng, cứ sau mỗi đợt giảm mạnh từ 15% trở lên, thị trường thường hồi phục được ít nhất 6-8%.


Cũng theo MBS, với áp lực bán mạnh trong 2 phiên trước phiên phục hồi, lượng cung hàng cho giải chấp gần như đã diễn ra xong, do đó áp lực cung sẽ giảm dần trong các phiên tới. Cùng với đó, khả năng phục hồi trên các TTCK lớn có thể sẽ hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.


Từ mức kỳ vọng của năm 600 điểm, VN-Index rơi mạnh về gần 520 điểm, sát với vùng đáy trong sự kiện biển Đông hồi tháng 5 (508 điểm). Hai kịch bản mà MBS đưa ra là, VN-Index về mốc 510 rồi bật lên, hoặc VN-Index sẽ phục hồi ngay từ phiên này.


Trên trường quốc tế, cuộc chiến giá dầu, bắt nguồn từ căng thẳng chính trị leo thang, được dự báo sẽ kết thúc khi các căng thẳng giảm bớt trên bàn đàm phán. Trong nước, UBCK ra thông điệp trấn an khiến tâm lý nhà đầu tư vững vàng trở lại.


Theo UBCK, nhà đầu tư cần bình tĩnh trong bối cảnh nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, các DN niêm yết kinh doanh tốt dần lên, lãi suất và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục giảm, về dài hạn sẽ giúp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận hoạt động của DN. UBCK cho biết, một số tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư lớn vẫn tích cực mua vào và nhiều tổ chức nước ngoài có đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam.


Cơ quan này đề nghị nhà đầu tư bình tĩnh, thận trọng, tránh bị lợi dụng, đưa ra các quyết định đầu tư ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của chính mình và yêu cầu các Sở GDCK tăng cường công tác giám sát các giao dịch bất thường, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường.


Đà giảm điểm đã được chặn lại bằng một phiên tăng điểm khá mạnh ngày 18/12/2014 (VN-Index tăng gần 2%), nhưng TTCK có đủ sức tăng tiếp hay không, là câu hỏi không dễ trả lời lúc này. Có rất nhiều yếu tố tác động đến TTCK, nhưng trong nỗ lực của ngành chứng khoán, điều mong mỏi nhất của nhà đầu tư là sau thông điệp trấn an, UBCK, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, các CTCK cần có sự phân tích, mổ xẻ rõ nét ảnh hưởng của chính sách thắt chặt dòng tín dụng vào chứng khoán, theo kế hoạch sẽ áp dụng từ 1/2/2015 tới.


Nếu khối CTCK có đủ sức gọi vốn để chủ động thu xếp được dòng tiền vay cần thiết với TTCK, thì việc áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN không có gì phải bàn. Trường hợp ngược lại, nhà quản lý nên có quan điểm kiến nghị thời điểm áp dụng văn bản này hợp lý hơn, để nhà đầu tư bớt sốc, còn khối CTCK cũng như các ngân hàng cấp tín dụng cho chứng khoán, có thêm thời gian để thu xếp tài chính.


Sở dĩ nỗi lo margin trên TTCK bao trùm là bởi con số 17.000 tỷ đồng vốn cho nhà đầu tư vay mà các CTCK báo cáo với UBCK, tính đến tháng 10 vừa qua, là khoản tiền cho nhà đầu tư vay từ nguồn vốn chủ sở hữu của CTCK và vốn CTCK đứng ra vay ngân hàng để cho nhà đầu tư vay. Còn nhiều cách chảy khác của dòng tín dụng vào chứng khoán giữa ngân hàng và chính các ông chủ ngân hàng, hoặc giữa ngân hàng với các công ty con, với nhà đầu tư lớn trên TTCK, thì chưa có thống kê nào, của UBCK hay của NHNN chỉ rõ.


Khoảng mờ này cần được làm sáng tỏ, sẽ trực tiếp làm giảm đi nỗi lo áp lực giải chấp, áp lực xả hàng đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Khi nỗi “lo hàng sắp đổ ập ra bán” vơi đi, nhà đầu tư đại chúng mới có thể bình tĩnh nhìn nhận những giá trị tích cực của nền kinh tế, của các DN niêm yết, để có thể vững tâm nắm giữ cổ phiếu hay giao dịch dựa trên những giá trị nội tại này.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 3 năm

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 3 năm


Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12, S&P 500 và Dow Jones đồng loạt tăng điểm mạnh.


Cụ thể chỉ số S&P 500 tăng 2,4% lên 2.061,23 điểm vào lúc 16h00 tại New York. Chỉ số này đã tăng 4,5% trong 2 ngày qua - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2011. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 2,4% lên 17.778,15 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất 3 năm.


Cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính mà S&P 500 theo dõi đều tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là cổ phiếu công nghệ và năng lượng. Hệ số P/E của S&P 500 hiện đã tăng lên 18,2.


Khoảng 8,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn 22% so với khối lượng giao dịch trung bình của 3 tháng qua. Chỉ số VIX, theo dõi biến động giá của hợp đồng quyền chọn tại Mỹ, giảm 14% xuống 16,81 điểm.


Quyết sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rõ ràng đã cứu thị trường chứng khoán toàn cầu khỏi làn sóng bán tháo mạnh gần đây khi giá dầu lao dốc thảm hại. Chỉ số MSCI Toàn thế giới tăng 2%, MSCI Thị trường mới nổi tăng 1,9% và Stoxx Europe 600 cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất 3 năm với 3%.


Thị trường chứng khoán Mỹ cũng được hỗ trợ lớn sau báo cáo trợ cấp thất nghiệp hôm qua. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 6.000 đơn xuống 289.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 13/12. Báo cáo này một lần nữa cho thấy về đà cải thiện bền vững của thị trường lao động Mỹ trong thời gian gần đây.


Hôm qua, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng bày tỏ niềm tin vào thị trường lao động Mỹ với dự báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống còn khoảng 5,2% - 5,3% vào cuối năm 2015. Thị trường lao động cải thiện mạnh sẽ thúc đẩy niềm tin và chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ, từ đó thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững hơn, theo nhận định của giới chuyên gia.




Xuất khẩu dầu thô Việt Nam sắp mất lãi

Xuất khẩu dầu thô Việt Nam sắp mất lãi


Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam bình quân trong 15 ngày đầu tháng 12 đã giảm xuống còn 73USD/ thùng, giảm 43% so với tháng 7.


Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu 370 ngàn tấn dầu, thu về 190 triệu USD. Tính từ đầu năm, sản lượng xuất khẩu là 8,66 triệu tấn, giá trị 6,91 tỷ USD.


Trong năm ngoái, sản lượng xuất khẩu là 8,4 triệu tấn (7,2 tỷ USD) và năm 2012 là 9,2 triệu tấn (8,2 tỷ USD).


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam đã khai thác hơn 15 triệu tấn dầu thô. Trong đó, liên doanh Vietsopetro báo cáo khai thác được 5,1 triệu tấn. Chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.


Như vậy, với mức giá xuất khẩu trung bình là 73 USD, những thùng dầu thô khai thác ở chi phí 70 USD có lãi rất thấp. Nếu giá tiếp tục giảm trong thời gian tới, hoạt động khai thác dầu thô sẽ không còn lãi và có thể lỗ.


Đáng ngạc nhiên là lượng dầu xuất khẩu của Việt Nam không giảm khi mặt hàng này mất giá mạnh trong khoảng 3 tuần gần đây, sau cuộc họp của OPEC hôm 27/11.


Con số 370 ngàn tấn xuất khẩu trong nửa đầu tháng 12 là cao nhất trong 4 tháng gần đây. Nửa đầu tháng 11, lượng xuất khẩu chỉ là 337 ngàn tấn, con số này trong tháng 10 là 355 ngàn tấn và tháng 9 là 155 ngàn tấn.


Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trên VTV rằng: "Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8 - 1,2%".


Theo Bizlive




Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

2014 - Năm thành công trong bình ổn tỷ giá

2014 - Năm thành công trong bình ổn tỷ giá


Đến nay, mức biến động VND so với USD chỉ hơn 1% so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp là đối tượng nhìn thấy rõ rệt nhất tác động của 1 năm tỉ giá ổn định.


Giá USD tại các NHTM sau ngày đầu tuần tăng nóng, có nơi chỉ cách trần cho phép vài đồng đã hạ nhiệt trở lại. Diễn biến tăng của đồng USD trong giai đoạn chỉ còn vài ngày nữa là hết năm được xem là dễ hiểu và theo yếu tố mùa vụ. Trước đó, NHNN đã cam kết đến hết năm 2014 sẽ không điều chỉnh tỉ giá. Nhìn lại cả năm 2014, đây tiếp tục được đánh giá là năm thành công trong công tác ổn định đồng tiền.


Nhu cầu USD thường tăng cao hơn vào dịp cuối năm, vì đây là lúc doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán đơn hàng. Những tháng cuối năm nay, có một số thời điểm thị trường chứng kiến áp lực đồng USD tiến sát trần cho phép. Hiện tượng này được nhìn nhận là yếu tố mùa vụ, năm nào cũng gặp. Về thực chất, quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường ổn định trong cả năm nay. Ngân hàng không thiếu USD và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.


Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nhận định: "Năm nay cơ bản là ổn định, quan hệ cung cầu bình thường, xuất siêu nhiều hơn năm ngoái, thanh toán nợ nước ngoài vẫn trong tỉ lệ Bộ Tài chính công bố. Một chút cầu cao hơn năm ngoái là vay ngoại tệ, đâu đó cũng có những gợn sóng nhỏ".


Đến nay, mức biến động VND so với USD chỉ hơn 1% so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp là những người nhìn thấy rõ rệt nhất tác động của 1 năm tỉ giá ổn định, và những bình ổn trên thị trường vào giai đoạn cuối năm này.


Kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2014, cán cân thanh toán thặng dư 10 tỉ USD, cán cân thương mại tích cực là những lý do chính hỗ trợ bình ổn thị trường. Ở chiều ngược lại, tỉ giá ổn định cũng góp phần hỗ trợ đắc lực sự vận hành của nền kinh tế.


Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ - Ngân hàng BIDV cho biết: "Tính thanh khoản của thị trường được cải thiện đáng kể, phục vụ đắc lực sự vận hành của nền kinh tế".


Nhu cầu nhập khẩu, trả nợ vay, thanh toán, giao dịch ngoại tệ từ nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, hoạt động thông suốt giữa các khách hàng với ngân hàng và trên thị trường liên ngân hàng.


Theo ước tính, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng tăng khoảng 20% so với năm 2013. Quá trình USD hóa giảm từ 25% xuống còn 11% trong năm nay. Đầu tuần này, NHNN cũng dự báo tỉ giá sẽ biến động với biên độ 2% trong năm 2015.


Theo Vtv




NHNN chỉ đạo tăng cường công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD

NHNN chỉ đạo tăng cường công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD


Ngày 16/12/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 9332/NHNN-TTGSNH yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.


Theo văn bản này, thời gian qua NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Kết quả triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và lộ trình đặt ra tại các Đề án của toàn Ngành.


Để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của các TCTD”, tại văn bản vừa ban hành Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh khẩn trương triển khai các công việc sau:


Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cơ cấu lại, giám sát thường xuyên diễn biến nợ xấu và thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn theo các chỉ đạo của Thống đốc NHNN;


Thường xuyên đánh giá việc triển khai công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu để xác định rõ những nội dung/mục tiêu chưa đạt nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của Phương án/Kế hoạch đã được duyệt. Chỉ đạo điều chỉnh Phương án/Kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn trong trường hợp cần thiết.


NHNN chi nhánh có TCTD đặt trụ sở chính trên địa bàn có biện pháp chủ động phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh nơi TCTD có các đơn vị mạng lưới để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại và kế hoạch kiện toàn tổ chức và hoạt động các đơn vị mạng lưới đã được phê duyệt; chỉ đạo TCTD gửi nội dung cơ cấu lại có liên quan tới các đơn vị mạng lưới cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố liên quan để phối hợp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện. Kịp thời báo cáo NHNN (qua Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để đảm bảo TCTD thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt.


Cùng với đó, rà soát, đánh giá việc thực hiện phương án thành lập ban đầu các chi nhánh NHTM trên địa bàn; bảo đảm các chi nhánh NHTM hoạt động theo đúng mục tiêu nêu tại phương án thành lập, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế địa phương.


Tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD trên địa bàn; trong đó tập trung thanh tra các NHTM, chi nhánh NHTM, QTDND yếu kém, nợ xấu cao, kinh doanh kém hiệu quả và có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những tồn tại, yếu kém, vi phạm. NHNN chi nhánh nâng cao tính chủ động trong thực hiện vai trò quản lý tại địa bàn.


Đồng thời, chỉ đạo các TCTD rà soát, chấn chỉnh công tác điều hành, tổ chức bộ máy, nhân sự; kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật.


Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD trên địa bàn. Tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan (Tòa án nhân dân, Cục thi hành án, Sở Tư pháp…) trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.


Mặt khác, tổ chức thường xuyên, có chất lượng việc phổ biến, tuyên truyền, quán triệt thực hiện chính sách, pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cho các TCTD trên địa bàn. Tiếp nhận, xử lý kịp thời những phản ánh kiến nghị của TCTD và nhân dân trên địa bàn, trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để xử lý.



VinaCapital và Daiwa PI Partners đầu tư 45 triệu USD vào Sữa Ba Vì

VinaCapital và Daiwa PI Partners đầu tư 45 triệu USD vào Sữa Ba Vì


Như vậy, VinaCapital và Daiwa PI Partners sẽ nắm giữ 70% cổ phần của sữa Ba Vì và trở thành cổ đông lớn nhất.


Sáng nay, Tập đoàn VinaCapital, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Daiwa PI Partners chính thức ký kết Hợp tác đầu tư vào Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (Sữa Ba Vì).


Tổng giá trị đầu tư khoảng 45 triệu USD, tương đương 2 tổ chức này sẽ nắm giữ 70% cổ phần của Sữa Ba Vì và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này.


Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, gồm nhà máy chế biến các sản phẩm sữa là Nhà máy sữa Chương Mỹ (cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25 Km về phía tây) và nhà máy Sữa Ba Vì (xã Tản Lĩnh, Huyện Ba Vì, Hà Nội).


Quỹ VinaCapital có tổng tài sản quản lý khoảng 1,5 tỷ USD, hiện đang quản lý 3 quỹ dạng đóng gồm VOF, VNL và VNI.


Về phía Daiwa PI Partners, đây là quỹ đầu tư của Nhật Bản, có vốn 12 tỷ Yên. Daiwa PI Partners quản lý các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư vào các khoản nợ xấu, năng lượng (private equity investments, non-performing loan investments, and Energy Investments).




Dự báo lạm phát 2015 thấp: 'Cơ hội tiếp tục hạ lãi suất'

Dự báo lạm phát 2015 thấp: 'Cơ hội tiếp tục hạ lãi suất'


Theo dự kiến sơ bộ thì lạm phát 2015 có thể ở mức 4%. Đây là thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ Tài chính, Công Thương ngày 17/12.



Con số 4% cũng đã có thể cao gần gấp đôi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm nay, theo một số dự báo là chỉ tăng khoảng 2%.





Trong điều kiện lạm phát như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - cho rằng cần xem xét đến việc điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh,mức độ điều chỉnh các loại giá, như y tế, giáo dục, điện, xăng dầu… cho phù hợp để tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.




Trước khi cuộc họp 4 bộ diễn ra, như VnEconomy đã đưa tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh).




Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chuyên gia sửa dụng bảng cân đối liên ngành (I/O) ước tính tác động mức tăng 9,5% của giá điện sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, ảnh hưởng làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.




Lạm phát 2015 có thể ở mức thấp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là cơ hội để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.




Và theo tính toán sơ bộ, nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.




Theo quy chế phối hợp, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách tài khóa, còn Bộ Công Thương chủ trì điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại.




Như vậy, những vấn đề nêu trên cần có sự thảo luận thêm của 3 cơ quan này và chưa dễ có thể đi đến kết luận cuối cùng.




Tuy nhiên, cũng không phải đến tận khi 4 bộ họp để triển khai quy chế phối hợp, lạm phát, điều hành giá và lãi suất mới được đặt ra.




Giới chuyên gia và các cơ quan tham mưu cấp vụ, viện cũng đã từng mổ xẻ và nêu nhiều quan điểm trái chiều về các vấn nêu trên.




Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vào cuối tháng 9/2014, khi chuyên gia “ca thán” lãi suất ở Việt Nam cao nhất thế giới thì doanh nghiệp làm gì cũng “chết”, thì một Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước quả quyết lãi suất đang hợp lý.




Một cơ quan chuyên môn về kinh tế vĩ mô, ngay sát cuộc họp hôm qua cũng cho rằng mức lãi suất của Việt Nam hiện nay là cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp. Nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn.




Còn với lạm phát, các quan điểm cũng rất khác nhau về cả nguyên nhân và cao hơn là mối quan hệ với tăng trưởng.




Có một thực tế là trong những năm gần đây, Việt Nam luôn phải đối mặt với việc phải lựa chọn giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.




Khái quát của một viện nghiên cứu chỉ ra rằng, về mối tương quan này hiện đang có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam có quan hệ tỷ lệ nghịch, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% (2000 - 2003) thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát ở ngưỡng cao, xấp xỉ hoặc ở mức hai con số (2007 – 2011) thì tăng trưởng có xu hướng chững lại và giảm xuống.




Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát là mối quan hệ đánh đổi, tức là muốn đạt mức tăng trưởng cao thì phải chấp nhận mức lạm phát cũng cao, còn muốn kiềm chế lạm phát ở mức thấp thì không thể đạt được mức tăng trưởng cao được.




Với cách tiếp cận khác, xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát từng năm trong cả chuỗi 20 năm qua, viện này cho rằng những năm mức tăng trưởng cao hơn lạm phát là những năm kinh tế - xã hội của đất nước tương đối ổn định, còn những năm tăng trưởng thấp hơn lạm phát là những năm nền kinh tế thường gặp các bất ổn vĩ mô.




Số liệu nhiều năm của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... cũng cho kết quả tương tự.




Từ phân tích đó, việc đã nên cho tăng giá được chưa và CPI năm 2015 có nên cho tăng khoảng 5% là câu hỏi cần thảo luận cụ thể, nhưng điều quan trọng hơn mà cơ quan nghiên cứu này nhấn mạnh là phải đảm bảo được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức lạm phát.



Thời điểm chín muồi giảm cho vay ngoại tệ

Thời điểm chín muồi giảm cho vay ngoại tệ


Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, nhiều đối tượng sẽ không còn được vay bằng ngoại tệ khi Thông tư số 29/2013/TT-NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú chính thức có hiệu lực


Cụ thể, các NH chỉ cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014, có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014. Nhóm đối tượng mà các NH không được cho vay ngoại tệ, sau ngày 31/12/2014 là DN vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới...


Lãnh đạo một NHTMCP lớn chia sẻ: Quy định trên có hiệu lực sẽ tác động đến việc cho vay ngoại tệ của các NH và có thể ảnh hưởng chung đến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ năm sau và cũng giảm đi sự đa dạng trong cho vay của các NH.


Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đưa ra ba lý do để minh chứng cho việc dừng cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng DN là không đáng lo ngại. Đó là hiện tỷ lệ cho vay ngoại tệ của các NH chỉ chiếm 13 – 14%/tổng dư nợ. Thứ hai, NHNN đưa ra thông điệp về hạn chế cho vay ngoại tệ từ 2-3 năm trở lại đây và cũng thực hiện hoãn đôi lần nên NH và DN đã có thời gian để chuẩn bị. Thứ ba, hiện tỷ giá đang diễn biến khá ổn định nên thời điểm này chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng là hợp lý. “Việc giảm bớt cho vay ngoại tệ, một mặt giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD, nâng vị thế đồng nội tệ, mặt khác vừa chống và giảm đô la hóa trong nền kinh tế”, TS. Lực nhấn mạnh.


Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, con số thống kê tín dụng cho vay ngoại tệ cho thấy các NH cũng như DN đã chủ động giảm dần hoạt động vay và cho vay ngoại tệ. Nếu như thời điểm 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khoảng 10% thì đến thời điểm này, tín dụng ngoại tệ đang ở mức 12,8%. Nghĩa là trong suốt gần 6 tháng qua tín dụng ngoại tệ chỉ tăng được 2,8%. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN, thành phần kinh tế không lớn như trước đây và có dấu hiệu giảm dần.


Nguyên nhân cầu tín dụng ngoại tệ không tăng trong mấy tháng trở lại đây được một DN chia sẻ: thường cầu tín dụng ngoại tệ DN chủ yếu là ngắn hạn theo chu kỳ kinh doanh, cũng như vòng quay thanh toán hàng xuất khẩu. Thực ra việc vay ngoại tệ của các DN dịp đầu năm được tính toán trên cơ sở lợi ích. Lãi suất cho vay ngoại tệ đã thấp hơn trong khi tỷ giá được Thống đốc NHNN khẳng định là biến động không quá 2% nên khi so với lãi suất VND thì DN thấy vay bằng ngoại tệ có lợi hơn thì vẫn vay. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đầu năm cao, nhưng cuối năm thì không như vậy.


Qua theo dõi của NHNN những tháng cuối năm, có tháng tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm, có tháng hầu như không tăng trưởng. Trong khi lãi suất cho vay bằng VND liên tục giảm thì lãi suất cho vay đồng USD gần như không thay đổi. Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ theo phản ánh các DN ở mức 4 – 5%/năm, trong khi lãi suất VND ở mức 6-7%/năm, thậm chí có thể thấp hơn nếu là DN có dự án tốt, có uy tín. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền USD và VND giảm đáng kể nên DN cũng không mặn mà vay bằng USD.


Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, mấy tháng nay, NH này chủ động giảm cho vay ngoại tệ để đảm bảo cân đối trạng thái và nhu cầu thực tế vay ngoại tệ của DN không nhiều. Do vậy, theo ông Nguyễn Tiến Đông, trường hợp NHNN có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ thì cũng không ảnh hưởng đến nhập khẩu của các DN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.


Việc NHNN không nhân nhượng thêm một lần nữa đối với các đối tượng vay ngoại tệ không phải không có cơ sở. Một chuyên gia phân tích cả lý do chủ quan lẫn khách quan: Thặng dư thương mại dự kiến cả năm đạt 2,3 tỷ USD; kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2014 khoảng 11 tỷ USD, chưa kể vốn FDI cho thấy nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ vào thời điểm này chủ yếu phục vụ đơn vị xuất khẩu dùng để nhập khẩu. Mà các DN này có nguồn thu bằng ngoại tệ trả nợ NH thì không gây sức ép nhiều tới quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Chỉ có một phần các DN nhập khẩu chủ yếu bán trong nước thu bằng nội tệ phải mua ngoại tệ các NH để trả nợ ngoại tệ có tạo sức ép chút ít, song đối tượng này không đáng kể.


“Nhưng trong tổng thể cán cân như vậy, cung vẫn át cầu. Bên cạnh đó, lãi suất VND đang khá rẻ, tỷ giá ổn định thì không ai găm giữ đầu cơ ngoại tệ cả”, một chuyên gia NH nhận định.


Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý: Để tạo điều kiện cho DN kinh doanh, theo quy định một số trường hợp có nhu cầu ngoại tệ thực sự khi phải xin phép NHNN thì cơ quan quản lý nên xử lý nhanh chóng cho DN. Vì trong giao dịch thanh toán quốc tế, đến hạn phải thanh toán, chỉ cần chậm một ngày DN sẽ bị phạt và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín của họ. Bên cạnh đó, các NH cũng như DN cần phải quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ phái sinh, hoán đổi từ tiền VND sang USD và ngược lại…


Theo Thoibaonganhang




Việt Nam đang chi 30-70 USD khai thác mỗi thùng dầu

Việt Nam đang chi 30-70 USD khai thác mỗi thùng dầu


Ngày 17/12, một thông cáo được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết phiên họp lần thứ nhất nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” của cơ quan này với ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương đã được tổ chức.




Bản thông cáo nêu khá cụ thể về mục tiêu và nguyên tắc phối hợp giữa bốn cơ quan nói trên, song không đề cập nội dung được bàn thảo tại phiên họp đầu tiên này.




Tuy nhiên, một nguồn tin của VnEconomy cho biết, một số nội dung phối hợp điều hành vĩ mô trong quý 1/2015 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu và đề nghị ba bộ còn lại thảo luận thêm.




Dự báo mới là giả định




Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên họp.




Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. Chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.




Câu hỏi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là: mức giá dầu thô nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng khai thác trong thời gian tới và cơ cấu lại các mỏ?




Việc cần bàn và cần làm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rà soát ảnh hưởng của giá dầu hiện tại đến hiệu quả của các mỏ dầu khí đang khai thác, đề xuất các phương án giảm thiểu rủi ro, lựa chọn phương án hợp lý.




Với cơ cấu về tỷ trọng khai khoáng chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70-80%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giả định nếu ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP có thể suy giảm từ 0,8 điểm phần trăm đến 1,2%.




Còn theo mô hình dự báo, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% thì chi phí sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55%, kinh tế tăng thêm 0,91%.




Tuy nhiên, những dự báo trên đều là giả định, cần có sự phối hợp của các bộ ngành để xem xét thêm các yếu tố tác động xung quanh giá dầu lên tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.




Ngân sách có thể giảm nhiều




Với tỷ lệ khoảng 11-12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, giá dầu thô theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có ảnh hưởng lớn đến ngân sách cả về xuất khẩu và nhập khẩu.




Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng.




Nêu tính toán sơ bộ: nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn khoảng bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng.




Dĩ nhiên, nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.




Trong vai trò chủ trì phối hợp liên ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ phối hợp tính toán tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, và có phương án để bù đắp lại các khoản thiếu hụt nêu trên.




Quan điểm của Bộ là ngoài việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, cần tính toán điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu…


Bên cạnh giá dầu và tác động của nó, phiên họp còn đề cập một số nội dung quan trọng khác trong điều hành kinh tế vĩ mô, VnEconomy sẽ phản ánh ở bài viết sau.



Khối ngoại sắp kết thúc đà bán ròng

Khối ngoại sắp kết thúc đà bán ròng


Thị trường liên tục giảm điểm mạnh, đợt giảm lần này không giống như hồi tháng 5 khi xảy ra sự kiện biển Đông. Nếu như tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh và là động lực quan trọng để nâng đỡ thị trường, thì đợt giảm điểm lần này họ lại đứng ngoài và việc bán ròng của khối ngoại đã góp phần làm tâm lý thị trường trở lên bi quan.


Đợt bán ròng dài từ tháng 7 đến nay có phần xuất phát từ việc mua ròng ở mức giá thấp trong quý II. Nói cách khác, sau khi mua ròng trong quý II, các nhà đầu tư nước ngoài đã chốt lời.


Có ý kiến cho rằng, việc khối ngoại bán ròng tại thị trường Việt Nam là do xu hướng chung của dòng vốn rút ra khỏi thị trường châu Á khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm gói QE3. Một số quỹ đầu tư vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng này. Các đây 3 tháng, khi 2 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nước ngoài là FTSE Vietnam UCITS ETF và Market Vectors Vietnam ETF tiến hành đổi rổ, tổng giá trị tài sản quản lý bởi 2 quỹ này lúc đó lần lượt là 409,3 triệu USD và 632,7 triệu USD. Đến nay, các con số này đã giảm xuống còn 402,8 triệu USD và 503,5 triệu USD.


Ngoài ra, có thông tin rằng một số quỹ nước ngoài lớn dạng đóng đầu tư vào Việt Nam đang tính chuyện chuyển đổi mô hình sang quỹ mở và việc này đòi hỏi họ phải có một số thay đổi nhất định đối với danh mục đang nắm giữ. Cũng có một số quỹ không chuyển đổi mô hình, nhưng do tiên đoán giá dầu sẽ rớt mạnh, nên cũng đã tiến hành bán ra các cổ phiếu ngành năng lượng.


Cố gắng lý giải vì sao khối ngoại bán ròng liên tiếp nhiều tháng, có người cho rằng, các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra dồn dập đã làm phân tán sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường cổ phiếu niêm yết.


Tiền đồng mất giá cũng được cho có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của khối ngoại, vì điều đó cũng có nghĩa một phần lợi nhuận tạo ra tại Việt Nam sẽ bị trôi theo tỷ giá. Tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng 1%, tức tiền đồng mất giá 1% so với USD. Đây là lần điều chỉnh tỷ giá duy nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tỷ giá bắt đầu tăng mạnh từ ngày 12/11 trước các tin đồn về việc NHNN sẽ tiến hành điều chỉnh lần thứ hai.


Theo nhận định của khối công ty quản lý quỹ, quy định mới về cho vay chứng khoán là nguyên nhân chính khiến tâm lý thị trường chung xấu đi. Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng được NHNN ban hành gần đây và có hiệu lực kể từ tháng 2/2015 sẽ hạn chế các CTCK trong việc cấp vốn cho các nhà đầu tư để mua cổ phiếu.


Mặc dù vậy, xu hướng bán ròng đã suy yếu đáng kể từ tháng 10. Dự báo xu hướng này sẽ sớm kết thúc cùng với sự kết thúc chu kỳ vốn chảy ra khỏi thị trường châu Á. Bên cạnh đó, mặt bằng giá đã trở về mức hấp dẫn sau nhiều phiên giảm mạnh. Các quỹ cũng thực hiện xong việc tái cơ cấu danh mục. Hết tháng 12, lịch IPO cũng thưa hơn. Quan trọng hơn, hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô đều cải thiện và triển vọng kinh tế năm 2015 ngày càng sáng sủa… Các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường khi họ bước vào một năm làm việc mới.


Thực tế, một số quỹ vẫn đón nhận được dòng vốn mới và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (AFC) cho biết, tháng 11 là tháng mà cả 2 quỹ AFC Asia Frontier Fund and AFC Vietnam Fund ghi nhận mức kỷ lục dòng tiền chảy vào hàng tháng và tính đến nay thì tổng giá trị tài sản của 2 quỹ đã lên đến khoảng 25 triệu USD.


Ông Andreas Vogelsanger, Tổng giám đốc AFC Vietnam Fund kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp tục, vì ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận biết cơ hội đầu tư hấp dẫn ở các thị trường cận biên, đặc biệt là Việt Nam. Trong 5 tháng qua, cả 2 quỹ này không những không bán ròng, mà còn tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.


Mặc dù thị trường giảm điểm, nhưng AFC Asia Frontier Fund và AFC Vietnam Fund vẫn tăng trưởng lần lượt 24% và 31,7% tính từ đầu năm đến nay. Hai quỹ này còn tương đối mới và nhỏ tại thị trường Việt Nam, như AFC Asia Frontier Fund thành lập từ tháng 3/2012, còn AFC Vietnam Fund tháng 12/2013. Nếu tính từ khi thành lập thì mức tăng trưởng lần lượt là 40,7% và 34,8%.


Quan sát giao dịch của khối ngoại, có thể thấy, diễn biến theo hình sin khá rõ nét. Theo đó, khi chu kỳ bán ròng kết thúc cũng là lúc mở ra một chu kỳ đầu tư mới của khối này.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Fed gỡ bỏ cam kết "giữ lãi suất thấp trong thời gian đáng kể"

Fed gỡ bỏ cam kết "giữ lãi suất thấp trong thời gian đáng kể"


Thay vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì quan điểm "kiên nhẫn" trong vấn đề nâng lãi suất, ít nhất đến tháng 4/2015.


Dựa trên những đánh giá hiện tại về nền kinh tế, hội đồng hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) khẳng định, sẽ duy trì quan điểm kiên nhẫn trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. Trên thực tế, tuyên bố này được cho là phù hợp với cam kết "duy trì chính sách lãi suất thấp trong thời gian đáng kể" trước đây của Fed.


Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, kiên nhẫn đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như sẽ không nâng lãi suất trong ít nhất vài cuộc họp tới. Tuy nhiên, bà Yellen cũng đánh tín hiệu rằng, quan điểm kiên nhẫn này có thể sớm bị gỡ bỏ ít nhất vào tháng 4/2015, miễn là nền kinh tế tiếp tục phát ra những tín hiệu khả quan và kỳ vọng lạm phát ổn định.


Theo đó, các nhà hoạch định chính sách Fed dự báo, tăng trưởng GDP Mỹ sẽ nằm trong khoảng 2,6% - 3% trong năm 2015.


Đề cập đến tình hình lạm phát, bà Yellen cho rằng, mặc dù giá năng lượng giảm mạnh nhưng Fed tự tin rằng, áp lực lạm phát cuối cùng cũng sẽ phục hồi và chạm ngưỡng mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Tỷ lệ lạm phát dự báo sẽ tăng lên 1% - 1,6% trong năm tới.


Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng rất tin tưởng vào đà cải thiện của thị trường lao động Mỹ với dự báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống còn khoảng 5,2% - 5,3% vào cuối năm 2015.


Tuyên bố của Fed lại không đề cập đến những biến động kinh tế toàn cầu gần đây, từ đà lao dốc của giá dầu cho đến khủng hoảng tiền tệ tại Nga. Theo bà Yellen, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga quá "lỏng nẻo" nên khủng hoảng tại Nga không tác động quá lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Sau thông báo của FOMC, thị trường tài chính Mỹ đồng loạt tăng mạnh. S&P 500 tăng 1,5% vào lúc 14h56 tại New York và lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 7 điểm cơ bản. USD cũng tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác.




Thị trường chứng khoán: Những 'cơn bão' trong năm 2014

Thị trường chứng khoán: Những 'cơn bão' trong năm 2014


Khép lại năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một năm với nhiều dấu ấn có tác động mạnh tới chỉ số chứng khoán gồm cả thăng hoa và hoảng loạn.


Diễn biến TTCK trong năm 2013 và 2014


Nếu như trong năm 2013 đỉnh của chỉ số VN-Index chưa tới mức 550 điểm thì năm 2014 con số đó đã lên hơn 640 điểm, đồng thời thanh khoản cũng có sự khác biệt rõ rệt.


Những cơn "bão" lớn trong năm 2014 đã khiến thị trường trồi sụt mạnh nhưng vẫn không đánh gục được sự thăng hoa của VN-Index so với diễn biến hầu như đi ngang của năm 2013.


Tháng 5 đen tối


Từ đầu năm 2014, thị trường chứng khoán đang trên đà hồi phục nhờ sự ổn định của nền kinh tế, cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã tăng mạnh. Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang” đầu tháng 5 với sự kiện biển Đông khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thông tin này được đề cập với tốc độ dày đặc trên các mặt báo, chỉ số chứng khoán VN-Index đã rơi tự do tới gần 33 điểm trong ngày 08/05, tức giảm mạnh nhất trong 13 năm qua với 5.87%.


Nhà đầu tư hoảng loạn tháo chạy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải lên tiếng trấn an, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh để tránh bị lợi dụng bởi lúc này các quỹ đầu tư lớn và khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn tích cực mua vào.


Đây có lẽ là lịch sử đen tối nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam khi bị tác động cực mạnh từ bên ngoài.


Lãnh đạo nhà băng rơi vào vòng lao lý - lịch sử không lặp lại


Nếu như tháng 8/2012 thị trường chứng khoán bị chấn động mạnh bởi thông tin bắt bầu Kiên thì gần như tròn 2 năm sau đó, thêm một ông chủ ngân hàng cũng rơi vào vòng lao lý nhưng thị trường vẫn giữ được “lửa”.


Thông tin ông Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) - bị bắt được phát đi vào cuối ngày 29/07 khiến khá nhiều người e sợ kịch bản lặp lại vào phiên hôm sau. Tuy nhiên thị trường chứng khoán chỉ giảm 0.49%, tức 2.91 điểm vào phiên 30/07 và hầu như tâm lý nhà đầu tư không bị lấn át bởi thông tin tiêu cực này.


2014 cũng là năm vụ bầu Kiên và những cựu lãnh đạo ngân hàng Á Châu (ACB) được đưa ra xét xử và sau phiên phúc thẩm kéo dài 10 ngày vào đầu tháng 12 thì Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị y án 30 năm tù như phiên sơ thẩm hồi tháng 5.


Nhiều chiêu thức phát hành thêm


So với năm 2013, thị trường chứng khoán đã có những bước chuyển biến rõ rệt về cả chỉ số và thanh khoản theo chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, từ đây cũng rộ thêm nhiều chiêu thức huy động vốn từ các doanh nghiệp như làm đẹp báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh đột biến, tạo hiện tượng cổ đông nội bộ đồng loạt gom cổ phiếu, lãnh đạo đăng đàn “tung” ra những kế hoạch hay dự án đẹp như mơ... để “thổi” giá và thanh khoản cổ phiếu trên sàn cho cho mục đích “gom tiền”.


Bên cạnh đó, cũng có một trào lưu phát hành thêm cổ phiếu nhằm mục đích để cấn trừ nợ bởi trong một thời gian dài bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng phần vì thiếu vốn, phần vì nợ đang chất cao như núi điển hình như KBC, ITA, SHN, HQC, QCG, HT1…


Ồ ạt IPO


Theo đề án của Chính phủ, trong hai năm 2014-2015 sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) 432 doanh nghiệp bởi thế mà năm 2014 ghi nhận một làn sóng IPO hàng loạt. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm đã cổ phần hóa được 75 doanh nghiệp.


Trong đó, thị trường đặc biệt quan tâm tới những “ông lớn” đầu ngành như Vietnam Airlines, Vinatex, Đạm Cà Mau, Mobifone… và dự kiến năm 2015 thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều hàng “khủng” hơn.


Bên cạnh đó, làn sóng đấu giá cổ phần cũng được các doanh nghiệp thực hiện đồng loạt theo đề án thoái vốn ngoài ngành. Tại một nhóm doanh nghiệp tiềm năng và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện những “ông lớn” thâu tóm từ đây.


Đối lập bứt phá và lụi tàn


2014 cũng là năm ghi nhận nhiều cổ phiếu có những biến động khác lạ sau kỳ kinh tế suy thoái kéo dài. Trong đó có những doanh nghiệp trường vốn đã tận dụng được thời cơ để thâu tóm doanh nghiệp yếu sức hơn nhưng có triển vọng phát triển. Chính điều này đã khiến giá cổ phiếu tăng đột biến như SRC, VHG, CMX, VCS, APC…


Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp hoạt động ngày càng bết bát hơn và nguy cơ sắp rơi vào thảm cảnh bị hủy niêm yết như PVL, PXT, PVR, PTL…


Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua hiện tượng bứt phá của nhóm cổ phiếu vừa niêm yết hay thuộc diện thoái vốn của SCIC như GTN, QBS, MWG hay DQC…


Thông tư 36 và thị trường chứng khoán


Gần về cuối năm, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Trong đó, quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (trước đó là 20% tính cả trái phiếu). Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.


Mặc dù những con số trên không có ý nghĩa siết chặt, mang tính định hướng nhưng ngay sau khi Thông tư 36 xuất hiện, thị trường chứng khoán đã chao đảo với những dấu hiệu kém tích cực.


Giá dầu và sức ép lên cổ phiếu dầu khí


Giá dầu thế giới lao dốc trong một thời gian dài khiến thị trường chứng khoán thế giới bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không ngoại lệ.


Trong một nhận định trên trang CNBC, thời gian tới triển vọng kinh tế Việt Nam tới khá tươi sáng sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tuy nhiên, yếu tố là giá dầu giảm có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, nhóm cổ phiếu họ dầu khí sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.


Sau sự kiện biển Đông, đây là một yếu tố tác động mạnh lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Có thể nói, xu hướng tăng thị trường chứng khoán năm 2014 được dẫn dắt bởi cổ phiếu dầu khí thì cũng “kết thúc” bởi chính nhóm cổ phiếu này. VN-Index bắt đầu lao dốc từ mức đỉnh trong năm tại 645 điểm khi giá dầu thế giới phát tín hiệu sụt giảm. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước như PVD, GAS hay PVS đã xuống mức thấp nhất trong 1 năm do ảnh hưởng bởi thông tin này. Hiện thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiện kết thúc xu hướng giảm trong những ngày cận kề kết thúc năm 2014.


Theo Vietstock




Trò chơi giá dầu '1 tên trúng 2 đích' của Saudi Arabia

Trò chơi giá dầu '1 tên trúng 2 đích' của Saudi Arabia


Tháng 8/1973, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat có một chuyến thăm bí mật tới Riyadh, thủ đô Saudi Arabia, để gặp nhà vua Faisal. Khi đó, Sadat đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giữa thế giới Arab với Israel, và ông muốn Saudi Arabia dùng tới thứ “vũ khí” mạnh nhất của nước này: dầu lửa.


Cho tới thời điểm đó, vua Faisal vẫn lưỡng lự trong vấn đề các nước Arab thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sử dụng dầu lửa như một loại “vũ khí”.


Tuy vậy, đến tháng 10/1973 khi cuộc chiến giữa phe Arab và Israel nổ ra, các nước Arab xuất khẩu dầu lửa đã tăng giá dầu, giảm sản lượng và tung lệnh cấm vận dầu lửa để trừng phạt nước Mỹ vì Washington hậu thuẫn Israel trong cuộc chiến tranh này. Nếu không có Saudi Arabia, lệnh cấm vận dầu lửa năm 1973 sẽ không diễn ra.


Theo một bài bình luận của hãng tin Reuters, ngày nay, Saudi Arabia lại một lần nữa đang dùng tới “vũ khí dầu lửa”.


Nhưng thay vì đẩy giá lên và cắt giảm nguồn cung, nước này làm điều ngược lại. Trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu liên tục giảm từ tháng Sáu tới nay, Saudi Arabia cương quyết không giảm sản lượng và dùng ảnh hưởng của mình để khiến OPEC ra quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp gần đây nhất của khối này hôm 27/11.


Những hệ quả từ chính sách của Saudi Arabia đã rõ. Sau hai năm ổn định ở ngưỡng 105-110 USD/thùng, giá dầu thô Brent tại thị trường London đã “giảm một lèo” từ 115 USD/thùng vào tháng 6 xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 16/12.


“Đâu là lý do khiến Mỹ và một số đồng minh của Mỹ muốn đẩy giá dầu xuống?”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từng đặt câu hỏi hồi tháng 10. Sau đó, ông Maduro tự đưa ra câu trả lời của mình: “Để gây thiệt hại cho nước Nga”.


Reuters cho rằng, điều này đúng một phần, nhưng thực ra, “trò chơi giá dầu” của người Saudi Arabia phức tạp hơn nhiều.




Nước này có hai mục tiêu trong “cuộc chiến giá dầu” hiện nay: một là hất cẳng các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường. Và quan trọng hơn, Saudi Arabia muốn trừng phạt hai đối thủ chính là Nga và Iran vì hai nước này ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến dân sự ở Syria.


Dầu đá phiến đòi hỏi chi phí sản xuất cao hơn bình thường, nên giá dầu giảm sâu sẽ khiến các nhà khai thác dầu đá phiến không còn lợi nhuận.


Còn ở Syria, kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm 2011, các cường quốc khu vực và thế giới đã có những cuộc đối đầu nảy lửa. Trong khi Saudi Arabia và Qatar cung cấp vũ khí cho nhiều phần tử nổi dậy ở Syria, thì Iran và Nga lại cung cấp vũ khí và tài chính để chính quyền Tổng thống Assad tồn tại.


Từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, các trung tâm quyền lực truyền thống trong thế giới Arab, gồm Ai Cập, Saudi Arabia, và các nước vùng Vịnh khác, đã trở nên lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran: tham vọng hạt nhân của Tehran, ảnh hưởng của Tehran đối với Chính phủ Iraq, việc Tehran ủng hộ các nhóm vũ trang Hezbollah và Hamas, cũng như liên minh giữa Iran với Syria.


Cuộc xung đột ở Syria về bản chất đã trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) lan rộng khắp khu vực giữa Iran và Saudi Arabia. Cả hai bên đều cho rằng, đây là một cuộc xung đột mà kẻ thắng sẽ có tất cả: nếu quân Hezbollah người Shi’ite chiếm ưu thế ở Lebanon, thì người Hồi giáo Sunni thân Saudi Arabia ở Lebanon sẽ thất thế trước Iran. Nếu một chính phủ do người Shi’ite đứng đầu tăng cường quyền kiểm soát ở Iraq, Iran sẽ giành chiến thắng thêm một lần nữa.


Vì lý do này, Saudi Arabia đang ra sức tăng cường sức mạnh cho đồng minh ở Bahrain, Yemen, và Syria, cũng như bất kỳ ở nơi nào khác mà Riyadh lo ngại ảnh hưởng của Iran sẽ lan tới. Và Saudi Arabia đang tấn công Iran và cả Nga bằng thứ “vũ khí” hiệu quả nhất của mình - dầu lửa.


Cả Nga và Iran đều có sự phụ thuộc cao vào giá dầu. Theo một số ước tính, Nga cần giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Còn Iran, dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ phương Tây và sự cô lập kinh tế, thậm chí cần mức giá cao hơn.


Đến hiện tại, nền kinh tế Iran đã lĩnh đòn từ hành động của Saudi Arabia. Vào hôm 30/11, đồng Rial của Iran mất giá gần 6% chỉ trong một ngày sau khi OPEC quyết định không tăng sản lượng.


Saudi Arabia tin rằng mình có thể tự vệ trước ảnh hưởng của giá dầu giảm. Ngoài việc sản xuất nhiều dầu hơn để bù đắp cho thất thoát doanh thu vì giá giảm, nước này còn có một “lá chắn” là dự trữ ngoại hối 750 tỷ USD.


Tuy vậy, chính sách của Saudi Arabia vẫn là một “trò chơi” nguy hiểm. Vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy Nga và Iran sẽ thay đổi lập trường dưới sức ép kinh tế. Tệ hơn, chính sách của Riyadh có thể sẽ “phản đòi”, khiến Nga và nhất là Iran càng trở nên quyết tâm hơn trong việc chống lại ảnh hưởng của Saudi Arabia ở Trung Đông.




Tóm lại, đối đầu với Nga và Iran trong vấn đề Syria và Iraq, Saudi Arabia đang tiến hành một “cuộc chiến giá dầu” với hai đối thủ này. Trong ngắn hạn, Saudi Arabia có thể thắng.


Nhưng cũng giống như bất kỳ một cuộc xung đột bè phái nào, hành động của nước này đe dọa dẫn tới những hậu quả vượt ra khỏi tầm kiểm soát của tất cả các bên - Reuters kết luận.



NỆM LIÊN Á