Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến 20/3/2015, tổng phương tiện thanh toán trong kỳ tăng 2,09% so với tháng 12/2014, thấp hơn mức tăng 3,56% cùng kỳ năm trước. Số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm 20/3/2015 tăng 0,94% so với cuối năm trước, chỉ bằng một phần ba mức tăng cùng kỳ năm 2014 (tăng 2,7%). Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trong kỳ cũng có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 8,5 - 11% đối với tiết kiệm trung và dài hạn. Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và xóa nợ bằng nguồn dự phòng. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 1,25% so với tháng 12/2014, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này âm 0,57%.
Trên địa bàn TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cũng cho hay, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn quý I/2015 chỉ tăng 0,4%. Nhưng trong đó, nguồn vốn huy động từ dân cư lại tăng 5% so với đầu năm. Còn về tín dụng, theo ông Minh, 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ cho vay trên địa bàn được cải thiện đáng kể, với mức tăng 2,3% so với đầu năm 2015.
Sở dĩ nguồn tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại, theo nhận định của các chuyên gia tài chính - kinh tế, là do lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang ấm dần lên đối với phân khúc nhà ở nên nhiều khách hàng đã rút tiền tiết kiệm mua nhà. Cũng do lãi suất giảm mạnh nên nhiều cá nhân chưa đủ điều kiện tài chính đã vay thêm tín dụng ngân hàng để mua. Đó cũng là điều kiện tốt để các ngân hàng tăng trưởng dư nợ.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng trong 3 tháng đầu năm, song một số khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự đã bắt đầu chuyển hướng, thậm chí vay thêm để mua nhà. Một phần do lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã giảm xuống mức phù hợp hơn.
Đại diện một ngân hàng quy mô nhỏ cũng cho hay, mặc dù thanh khoản ngân hàng dôi dư, nhưng cạnh tranh về thị phần tiền gửi tiết kiệm luôn nóng, nhất là khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp và được cào bằng giữa các ngân hàng, nên đơn vị nhỏ sẽ khó cạnh tranh được với ngân hàng lớn. Vì thế, ngoài lãi suất, ngân hàng phải gia tăng chương trình khuyến mãi khác để thu hút nguồn tiền tiết kiệm.
Báo cáo tài chính của một ngân hàng nhỏ chưa được công bố chính thức cũng cho thấy, nguồn tiết kiệm trong năm 2014 cũng tăng trưởng thấp hơn so với tín dụng. Nguyên nhân cơ bản là do nhà băng này quy mô còn khiêm tốn nên chưa thu hút được lượng tiết kiệm lớn.
Còn theo ông Trịnh Minh Thảo, Phó tổng giám đốc VietA Bank, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn ở mức cao, nhất là với những gia đình trẻ, song thời gian qua khách hàng còn kỳ vọng mặt bằng lãi suất cũng như giá bất động sản giảm thêm mới ra quyết định.
Lúc này, lãi suất vay mua nhà được cho là đã giảm về mức hợp lý để khách hàng xem xét, nên không tránh khỏi việc cá nhân có nhu cầu nhà ở thực sự chuyển từ kênh tiết kiệm sang mua nhà.
Tuy nhiên, so với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 5 - 5,5%/năm, trần lãi suất huy động đang áp dụng 5,5%/năm, theo các chuyên gia, người gửi tiền tiết kiệm vẫn được hưởng lãi suất tiền gửi thực dương.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mức lãi suất tiền gửi 5,5%/năm vẫn đảm bảo được quyền lợi cho người gửi tiết kiệm, chưa kể các kỳ hạn tiền gửi dài ngày lãi suất tiết kiệm cao hơn. Với trần lãi suất tiền gửi hiện nay, theo ông Lịch, lãi suất tiết kiệm khó có dư địa để giảm thêm nhiều.
“Mặt khác, một khi kinh tế hồi phục, việc nguồn tiền tiết kiệm chảy sang các kênh đầu tư cũng là dấu hiệu đáng mừng”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, người gửi tiền hiện vẫn được hưởng lãi suất thực dương, cho dù trần lãi suất huy động đã giảm xuống khá sâu. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, để đảm bảo dòng tiền vào - ra tại các ngân hàng hợp lý, lãi suất cho vay cũng cần phải xem xét điều chỉnh, nhất là đối với nguồn vốn trung, dài hạn để kích thích dòng chảy vốn đối với phân khúc này.
Thùy Vinh
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét