Để bảo toàn vốn nhà nước tại DNNN, thời gian tới sẽ có nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ yêu cầu các DNNN rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, "nóng" như BĐS, ngân hàng, đồng thời đề cao vai trò giám sát của cơ quan chủ sở hữu.
Đại diện chủ sở hữu phải giám sát
Tại dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN quy định, DN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… phải có phương án cơ cấu lại, thực hiện chuyển nhượng hết số vốn đã đầu tư và phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt để bảo toàn vốn.
Về đầu tư vốn ra ngoài DN, DNNN được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN để: Đầu tư ra ngoài tuân thủ theo quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.
DN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
DN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện chuyển nhượng hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cũng theo dự thảo Nghị định, cơ quan đại diện chủ sở hữu DN có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài DN theo quy định. Trường hợp DN có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.
Không những thế, DN phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào DN. Mọi biến động về tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào DN, DN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát. Định kỳ hàng năm DN phải đánh giá mức độ bảo toàn vốn của DN.
Theo đó, sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kết quả kinh doanh của DN không phát sinh lỗ hoặc có lãi, DN bảo toàn vốn. Trường hợp sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kết quả kinh doanh của DN bị lỗ, có nghĩa DN không bảo toàn được vốn.
Thoái vốn lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm
Theo thống kê của Bộ Tài chính, vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty.
Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số DN thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%. Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được trên 6.000 DN.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiệm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014 - 2015 là 22.504 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình thoái vốn trong quý I-2015, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN cho biết, trong tổng số gần 7.000 tỷ đồng thu được từ thoái vốn, số vốn thoái trong lĩnh vực bất động sản chiếm 3.177 tỷ (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính thu được 622 tỷ đồng, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác thu được 3.187 tỷ đồng. Trong đó, việc bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ cao hơn 95% so với giá trị sổ sách, chiếm 45,6% tổng giá trị thu về từ thoái vốn.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, việc thoái vốn của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn diễn ra chậm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến thẩm định, việc bán đấu giá cổ phần theo lô chưa có hướng dẫn…
Theo Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét