Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Nới room 'qua cửa' thẩm định của Bộ Tư pháp

Nới room 'qua cửa' thẩm định của Bộ Tư pháp


Sau khi qua cửa thẩm định của Bộ Tư pháp, giới đầu tư đang kỳ vọng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung đáng chú ý về nới room cho NĐT nước ngoài, ngay trong quý II này sẽ được trình Chính phủ xem xét ban hành.


Kỳ vọng “chốt hạ” trong quý II/2015


Liên quan đến tiến độ ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012, trong đó có quy định về mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, trao đổi với báo giới ngày 15/4, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, để tháo gỡ các bất cập của quy định hiện hành, cũng như cụ thể hóa các tư tưởng cải cách nhằm thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn, Bộ Tài chính, UBCK đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 chỉ trong 2 - 3 tháng, đây là tốc độ nhanh kỷ lục.


“Ngay sau khi dự thảo được thẩm định xong, Bộ Tài chính, UBCK sẽ hoàn tất những khâu cuối cùng để trình Chính phủ xem xét ban hành, thay vì theo kế hoạch ban đầu sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 10/2015…”, ông Long nói và cho biết thêm, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đang nỗ lực tối đa để chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam sớm được triển khai trên thực tế.


Với tiến độ hoàn thiện dự thảo như hiện tại, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, nếu thuận lợi, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 sẽ được xem xét ban hành trong khoảng thời gian rất sớm của quý II/2015…


Liên quan đến một nội dung lớn tại dự thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo NĐT trong và ngoài nước là quy định về nới room cho NĐT nước ngoài, ông Long cho biết, việc mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam đang được hoàn thiện theo hướng đảm bảo không “vênh” với các quy định mới tại Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, đồng thời đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là theo cam kết WTO.


Theo đó, tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực cụ thể, căn cứ vào mức độ mở cửa các lĩnh vực mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, cũng như căn cứ vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm NĐT nước ngoài kinh doanh, hoặc các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo pháp luật chuyên ngành, chứ không có một mặt bằng chung như quy định hiện hành. Đây là cách làm theo thông lệ quốc tế, qua đó cho phép linh hoạt hơn trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.


Một khi quyết định nới room được Chính phủ chính thức thông qua, giới đầu tư nhìn nhận sẽ tạo đột biến cho TTCK, nhất là trên phương diện thanh khoản. Thông tin từ các CTCK cho thấy, hiện NĐT nước ngoài đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu đối với rất nhiều cổ phiếu đã cạn room như: FPT, VNM, DHG… Do đó, ngay sau khi quyết định nới room có hiệu lực, nhiều khả năng dòng vốn ngoại sẽ tìm đến các cổ phiếu này, cũng như tạo ra các hiệu ứng lan tỏa khác, qua đó làm tăng thanh khoản cho thị trường.


Mong đợi lớn từ thị trường


Trả lời câu hỏi của ĐTCK về dự báo khả năng TTCK tăng thu hút dòng vốn ngoại nếu quy định về nới room được Chính phủ thông qua ngay trong quý II này, ông Long cho biết, việc mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam đang được giới đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. TTCK có thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài hay không, ngoài phụ thuộc vào quyết định mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, còn tùy thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như những biến động tại các thị trường trên thế giới mà NĐT nước ngoài đã và đang triển khai các hoạt động đầu tư.


Tuy nhiên, ông Long cho biết thêm, với những gì mà cơ quan quản lý ghi nhận được từ thị trường, thì việc hiện thực hóa chủ trương mở rộng không gian cho khối ngoại tham gia TTCK Việt Nam, sẽ hỗ trợ tích cực không chỉ cho cải thiện thanh khoản của thị trường, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN mà Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện.


Hữu Hòe


Theo Tinnhanhchungkhoan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á