26 tỷ USD là số tiền các ngân hàng trên phố Wall phải trả cho các công ty dầu khí Mỹ đã tự bảo vệ họ trước kịch bản giá dầu lao dốc.
Đối với các công ty khai thác dầu đá phiến của nước Mỹ, giá dầu sụt giảm còn đi kèm với 26 tỷ USD. Đó là số tiền mà các công ty này nhận được từ các hợp đồng bảo hiểm bảo vệ họ trước “thị trường con gấu”.
Mặt khác, đây là thời điểm để những công ty đã bán công cụ phòng vệ hành động. Đứng đầu danh sách này cũng chính là những ngân hàng trên phố Wall đã tài trợ nhiều nhất cho thời kỳ ngành năng lượng bùng nổ mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Mặc dù các ngân hàng thường xuyên bán rủi ro cho bên thứ ba, gần như không thể xác định ai phải chịu thiệt hại vì không có điều luật nào bắt buộc công bố thông tin của toàn bộ các giao dịch. Người mua rất đa dạng, gồm các quỹ đầu cơ, hãng hàng không, công ty lọc dầu và cả các công ty điện nước.
Giá dầu lao dốc chóng mặt từ mức 107,26 USD vào ngày 20/6 xuống chỉ còn 46,39 USD ở thời điểm 7 tháng sau đó đã khiến tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Nghĩ rằng giá sẽ sớm hồi phục, Harold Hamm, tỷ phú sáng lập Continental Resources, đã chuyển toàn bộ tiền bảo hiểm phòng vệ sang tiền mặt vào tháng 10. Tuy nhiên, thay vào đó giá tiếp tục rớt.
Các công ty khách hành động ngược lại. Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến ngày 31/12/2014, 57 công ty dầu khí Mỹ đã mua số bảo hiểm trị giá tổng cộng 26 tỷ USD – tăng gấp 5 lần so với cuối tháng 9 năm ngoái.
Mặc dù khó có thể xác định ai mất tiền và mất bao nhiều, không ít công ty dầu khí đã tiết lộ tên tuổi của đối tác. Qua đó có thể mường tượng giá dầu giảm ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống tài chính. Hơn một chục công ty năng lượng cho biết họ mua bảo hiểm từ JPMorgan, Wells Fargo, Citigroup và Bank of America.
Tính đến cuối năm 2014, JPMorgan cung cấp các hợp đồng phái sinh phòng vệ trị giá khoảng 671,5 triệu USD cho 5 công ty năng lượng lớn. Đây là số nợ nếu hợp đồng đáo hạn vào ngày 31/12.
Câu chuyện ở Wells Fargo cũng tương tự với số hợp đồng trị giá 460,9 triệu USD.
Tất nhiên, những con số này không khiến người ta lo lắng về rủi ro hệ thống. Thông thường hàng hóa chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nếu so với bảo lãnh và cho vay. Đồng thời các ngân hàng cũng tự phòng vệ.
Tính đến cuối năm trước, JPMorgan có 2.570 tỷ USD tài sản trong khi nợ ròng cho các hợp đồng phái sinh hàng hóa chỉ ở mức 2,3 tỷ USD. Con số ở Wells Fargo lần lượt là 1.690 tỷ USD và 241 triệu USD.
Dẫu vậy, 26 tỷ USD là một con số không nhỏ.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét