Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Thị trường vàng ra sao sau khi bán gần 70 tấn vàng?

Thị trường vàng ra sao sau khi bán gần 70 tấn vàng?


Thắng lợi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành thị trường vàng năm 2013 chưa trọn vẹn, bởi nhiệm vụ thu hẹp chênh lệch giá vàng chưa thực hiện được. Kết thúc năm 2013, sau 76 phiên đấu thầu, chào bán thành công gần 70 tấn vàng, quản lý thị trường vàng đã gọn gàng hơn, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên 4 triệu đồng/lượng, tương đương cuối năm 2012.


Nhìn lại 76 phiên đấu thầu vàng


Trong phiên đấu thầu vàng cuối cùng của năm vào ngày hôm qua (31/12), NHNN đã chào bán thành công 20.000 lượng vàng.


Như vậy, trong năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn.


Trong số gần 70 tấn vàng này, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. So với các năm trước thì năm nay, hu cầu vàng đã nguội dần (nhu cầu vàng của thị trường các năm trước là khoảng 80 tấn/năm).


Có thể nói, qua 76 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Cùng với việc siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng, NHNN đã tổ chức lại cơ bản hoạt động thị trường vàng, chấm dứt các cơn sốt nóng, sốt lạnh gây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá của vàng, góp phần ổn định vĩ mô, chống lạm phát.


Thời gian đầu tổ chức các phiên đấu thầu, NHNN dồn dập cung vàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, NHNN đã “bóc” được toàn bộ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng, chấm dứt hiện tượng vàng hóa gây nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Cũng vì thế, hiện tượng đầu cơ vàng giảm hẳn (trước đây, ngân hàng là những nhà đầu cơ vàng chủ yếu trên thị trường).


Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, hoạt động đấu thầu vàng đã thu về một nguồn lợi nhuận không nhỏ để hỗ trợ ngân sách.


Bên cạnh đó, việc tung vàng đấu thầu ra vào đúng các thời điểm, tuyên bố không để thiếu vàng khiến cảnh thị trường hoảng loạn, dân tranh cướp mua vàng không còn xảy ra. Chính sách của NHNN đã khiến thị trường vàng ổn định (dù giá thế giới biến động mạnh) cũng là lý do khiến kênh đầu tư vàng nguội dần vì ít sóng.


Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, qua các phiên đấu thầu vàng, lần đầu tiên sau nhiều năm hỗn loạn, thị trường vàng đã được NHNN quản lý một cách “gọn gàng”. NHNN cũng thành công trong việc chống “vàng hóa”, cụ thể NHNN đã tách vai trò người huy động và cho vay vàng ra khỏi các ngân hàng thương mại.


Chung ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, năm 2013, NHNN đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng và chống vàng hóa, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế vàng nhập lậu…


Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao cách điều hành thị trường vàng của NHNN. Thủ tướng đề nghị, NHNN phải dứt khoát phi tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng vì đây là ngoại tệ. Ngoài ra, để tránh tình trạng vàng hóa, Thủ tướng yêu cầu không cho phép huy động, cho vay vàng trở lại và vẫn tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng để ổn định cung - cầu trên thị trường.


Dấu hỏi thu hẹp chênh lệch và huy động vàng trong dân


Trước khi NHNN thực hiện các phiên đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là gần 3 triệu đồng/lượng. Sau khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng, có những thời điểm, chênh lệch giá vàng có những thời điểm hiếm hoi đã hạ xuống dưới 1 triệu đồng/lượng nhưng đa phần đều đứng ở mức cao, có lúc đã vọt lên tới 5-6 triệu đồng/lượng.


Trong phiên cuối cùng của năm ngày hôm qua (31/12), chênh lệch giá vàng vẫn đứng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng.


Trước đó, vào tháng 3/2013, khi sắp bắt đầu phiên đấu thầu vàng đầu tiên, NHNN khẳng định, đấu thầu sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng với 76 phiên đấu thầu, khoảng cách này vẫn không được rút ngắn mà thậm chí còn tăng lên. Điều này chứng tỏ, điều hành thị trường vàng vẫn chưa ổn.


Theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, với cung cách đấu thầu hiện nay, NHNN không thể thu hẹp chênh lệch giá vàng.


Dĩ nhiên, giữ một khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới là cần thiết để thị trường vàng trong nước có một bước đệm, không bị chao đảo quá nhiều khi giá thế giới biến động. Tuy nhiên, mức chênh lệch lên tới 4-5 triệu đồng/lượng như hiện nay là không thể chấp nhận. Chính các DN kinh doanh vàng cũng thừa nhận, chênh lệch giá vàng chỉ hơn 1 triệu đồng/lượng là phù hợp.


Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ thu hẹp chênh lệch giá vàng của NHNN đã thực hiện chưa trọn vẹn trong năm 2013.


Ngoài ra, cũng trong năm 2013, NHNN vẫn đang “bó tay” trong việc tìm cách huy động vàng trong dân. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị, năm 2014, NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.


Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN đang nghiên cứu phương án mua vào vàng miếng. Ông Nguyễn Quang Huy không nói rõ thời điểm cơ quan quản lý tiền tệ sẽ mua vào vàng miếng, thay vì vẫn bán ra qua kênh đấu thầu bấy lâu nay, nhưng vị này khẳng định: "Chúng tôi đã sẵn sàng với mọi tình huống đối phó với diễn biến thị trường vàng".




Hà Tâm

Báo Đầu tư




Dân giàu Pháp run sợ với thuế thu nhập 75%

Dân giàu Pháp run sợ với thuế thu nhập 75%


Đề xuất đánh thuế 75% đối với người có lương trên 1 triệu Euro của tổng thống François Hollande đã chính thức được Hội đồng hiến pháp nước này chấp nhận.


Bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ của giới lãnh đạo doanh nghiệp và những người thu nhập cao, thậm chí tình trạng xuất ngoại tránh “siêu thuế” của giới giàu có, thành đat, Hội đồng Hiến pháp vẫn chấp nhận đề xuất thuế gây tranh cãi này từ chính tổng thống Hollande.


Tuy nhiên, trong phán quyết được công bố vào chủ nhật (29/12) vừa qua, Hội đồng khẳng định, chính sách thuế lần này hoàn toàn phù hợp với hiến pháp quốc gia. Theo đó, mức thuế 75% không phải đánh hoàn toàn vào cá nhân người thu nhập cao mà doanh nghiệp sẽ phải trả 50% thuế cho những khoản lương trên 1 triệu Euro cộng thêm các khoản thuế và phí khác thành 75%. Khoản thuế này (giới hạn ở mức 5% thu nhập doanh nghiệp) sẽ được áp dụng trong năm nay, 2014 và trước khi kết thúc năm 2015.


Trên thực tế, mục đích của chính sách thuế này là tìm kiếm sự đóng góp người giàu nhằm giúp đất nước vượt qua cơn khủng khoảng tài chính vừa qua đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiết chế việc trả lương khủng cho giới điều hành.


Pháp hiện được xem là một trong là quốc gia sở hữu gánh nặng thuế lớn nhất trong các nền kinh tế phát triển.


Thuế cao đánh vào tài sản và lãi đầu tư bị cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế, đầu tư èo ọt tại nền kinh tế chập choạng này.


Chính phủ đương thời thì khẳng định, không có sự gia tăng đột biết về tình trạng trốn thuế kể từ khi nắm quyền như truyền thông đưa tin. Tuy vậy, làn sóng phản đối quyết định tăng thuế khủng đã buộc tổng thống Hollande đưa ra cam kết ổn định hiện trạng thuế từ 2015.


Tổng thống đương nhiệm đã phải đối mặt với thử thách hồi tuần trước khi số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, số lượng người thất nghiệp tăng vọt trong tháng 11 vừa qua. Kết quả này phản lại lời hứa của tổng thống trước đó trong việc khống chế tình trạng thất nghiệp đến cuối năm nay.


Tháng trước, số lượng người tìm kiếm việc làm tăng 17.800 lên 3,29 triệu sau khi giảm 20.500 vào tháng 10, nâng tỷ lệ thất nghiệp gần chạm mức 11%. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh xấu trong tương lai.




HungNinh (Theo CNN)


Vietnamnet




'Bốc quẻ' dòng chảy tài chính 2014

'Bốc quẻ' dòng chảy tài chính 2014


Ngân hàng trước sức ép phải bung vốn cho vay để lấy lãi, mua trái phiếu Chính phủ cũng không phải giải pháp tối ưu trong khi doanh nghiệp thì nửa muốn vay, nửa không dám vay là những “quẻ bói” của dòng chảy tài chính – tín dụng năm 2014.


Hầu hết các nhà quản lý kinh tế cũng như giới chuyên gia đều có chung nhận định, nền kinh tế năm 2013 thật sự có chuyển biến tích cực nhưng chưa vững chắc, thời gian tới vẫn tiếp tục gánh chịu những hệ lụy mà những năm trước chưa giải quyết được.


Đó là, doanh nghiệp lớn thì lối ra, cách làm, sức khỏe giảm dần; còn doanh nghiệp nhỏ thì tài chính cạn kiệt.


Đó là, vấn đề kế hoạch trung dài hạn, thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực trong năm 2013 giải quyết chưa được bao nhiêu. Sang năm 2014, 2015 phải tiếp tục giải quyết tích cực và quyết liệt hơn.


“Quẻ xấu” trong tiếp cận vốn


Tuy nhiên, giai đoạn lấp khoảng trống thể chế này phải chấp nhận tổn thất về mặt con người, về mặt kinh tế và về cơ sở vật chất kỹ thuật, thu chưa được mà chi phải bỏ ra nhưng phải làm, nếu không làm không tiến lên được.


Chất xúc tác giúp nền kinh tế “chạy” êm là dòng chảy tài chính – tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng thanh khoản đang rất tốt, huy động gấp đôi cho vay, rất thừa vốn nhưng không “bung” vốn ra được.


“Cục” tiền nằm trong hệ thống ngân hàng ứ đọng. Để giải quyết tồn đọng này ngân hàng chỉ còn giải pháp mua trái phiếu.


Như vậy, nền kinh tế lúc này chỉ có Chính phủ chi tiêu, trong khi tất cả doanh nghiệp đều thiếu vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khả năng tiếp cận vốn của khối doanh nghiệp này vô cùng khó khăn bởi những “anh” không đủ tiêu chuẩn vay rất nhiều.


Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay có phần do chủ quan mỗi doanh nghiệp gây ra nhưng cũng có nguyên nhân ở chính sách điều hành kinh tế, vĩ mô gây ra.


“Gây cho người ta cái thiệt hại mà lại không cho người ta vay vốn chẳng khác nào bức tử người ta. Đây là thực trạng mâu thuẫn”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.


Theo các chuyên gia, vấn đề trước hết nằm ở yếu tố vĩ mô, xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm hơn 140% nền kinh tế nên phụ thuộc hoàn toàn vào “sức khỏe” của kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới chấn động thì chúng ta chấn động mạnh hơn vì sức khỏe yếu hơn, như người yếu mà ra gió.


Tổng cầu và sức mua của kinh tế thế giới cũng như trong nước đang giảm mạnh ảnh hưởng đến cả sản xuất, tiêu dùng đời sống. Bên cạnh đó, giá cả vật tư thế giới tăng rất cao, khiến cho giá cả đầu vào của chúng ta tăng đột biến.


Điều này tác động tiêu cực đến sức sản xuất của doanh nghiệp, thị trường co lại, hàng hóa làm ra không bán được, tồn kho tăng rất nhanh.


“Chưa nói đến chuyện tồn kho của chúng ta chiếm tới 1/3 doanh số là tồn kho nông sản do chính chúng ta gây ra bởi yếu tố đầu cơ, kinh tế ‘ảo’”, ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, điều hành yếu kém, hiệu quả kinh tế thấp, tính dàn trải, lãng phí nhiều, hệ số ICOR giãn ra rất nhanh, nhất là ở một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; cộng thêm tính dự báo cũng như điều hành không thống nhất, nửa vời, không triệt để gây ra tác dụng trái chiều đến sản xuất, kinh doanh.


“Khắc chế” thế nào?


Đứng về phía doanh nghiệp, biểu hiện tích tụ về điều hành quản lý, về năng lượng nội sinh đến năm 2013 đọng lại làm cho số doanh nghiệp phá sản càng nhiều và nhanh. Bên cạnh số doanh nghiệp đã “chết”, hiện còn gần 1/3 ngưng sản xuất, nằm im và chờ phá sản; số còn lại lắc lư, kể cả doanh nghiệp tầm trung và lớn.


Hệ thống doanh nghiệp Việt Nam bây giờ hiệu quả sử dụng đồng vốn và khả năng rủi ro rất cao. Nợ quá hạn theo như Ngân hàng Nhà nước thông báo tính chung khoảng 8 – 10%, còn các ngân hàng thương mại báo cáo 4 – 5%.


“Đấy là tính theo tiêu chí của chúng ta. Nếu tính theo thông lệ quốc tế sẽ được áp vào tháng 6/2014 thì còn cao hơn nữa, sẽ “lòi” ra hết và không biết số nợ đọng là bao nhiêu”, ông Cao Sĩ Kiêm cảnh báo.


Chính vì vậy, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới được dự báo là không hề dễ dàng mặc dù rất cần, rất muốn vay. Nhưng nếu làm không hiệu quả, càng vay càng tồn kho, nợ chồng nợ, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh nửa muốn vay, nửa không dám vay.


Trong khi đó, khả năng phục hồi của nền kinh tế chưa có đột phá gì nhiều, vẫn còn trong trạng thái trì trệ.


Thêm nữa, sự bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh của các thành phần kinh tế vẫn còn khoảng cách, kể cả sử dụng vốn ODA, sử dụng vốn ưu đãi, kể cả ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Đấy là những cái “vít” sẽ còn kẹp chặt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Còn đứng về phía ngân hàng, sở dĩ có vốn mà không cho vay được là do nợ quá hạn, nợ xấu tăng nhanh, lợi nhuận suy giảm. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng trách nhiệm đặt ra ngày càng nặng nề, không phải “thích” ai thì cho người ấy vay như trước đây.


Với cách tính nợ quá hạn theo thông lệ quốc tế như đã đề cập ở trên thì nợ xấu sẽ tiếp tục “đeo bám” ngân hàng. Xử lý được cái này không phải là dễ mặc dù đã có lộ trình xử lý như tự các ngân hàng cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, lập công ty mua bán nợ. Đến thời điểm này đã xử lý được 100.000 tỷ đồng trên tổng số 300.000 tỷ nợ xấu.


“Tuy nhiên, sự thật chúng ta chỉ mới chuyển sổ sách nợ xấu từ ngân hàng thương mại sang công ty mua bán nợ, chứ cái gốc là làm thế nào để bán được số nợ này để trả lại ngân hàng thương mại thì còn ‘tắc’ kể cả thủ tục, kể cả pháp lý”, ông Cao Sĩ Kiêm cho hay.


Bên cạnh đó, “tắc” về tiêu chuẩn vay cũng là yếu tố cản trở khả năng tiếp cận vốn bởi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp lớn đều vi phạm tiêu chuẩn vay, do nợ quá hạn, do kinh doanh lỗ, mà điều này thì gần như doanh nghiệp nào cũng vướng.


Theo các chuyên gia, phải biết được “địa chỉ” tắc để từ đó tìm giải pháp khắc phục. Vậy, giải pháp để khơi thông ách tắc này như thế nào?


Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, năm 2014, thứ nhất kiên quyết giải quyết tập trung sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa một cách mạnh mẽ.


Điều này giúp làm lành mạnh về tài chính, về hoạt động của các doanh nghiệp – là đối tượng vay của các ngân hàng. Nếu khơi thông được cái này thì cửa tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được mở ra.


Thứ hai là phải giải quyết được nợ công vì nợ công vừa không đảm bảo an toàn cho nền kinh tế, vừa làm cho khả năng cân đối nguồn vốn thêm chông chênh.


Năm 2014, cơ cấu nền kinh tế phải gắn với giải quyết ngân sách, kể cả điều chỉnh lại mức thu. Phải có địa chỉ rõ hơn về nguồn thu, giảm nhanh các chi phí của Nhà nước, đặc biệt là chi phí trong nợ công.


“Việc sắp xếp lại nợ công trong năm 2014 cũng là mũi nhọn ngang với sắp xếp lại doanh nghiệp”, ông Cao Sĩ Kiêm bình luận.


Thứ ba, tất cả các giải pháp điều hành trong năm 2014 phải tiến một bước nữa theo nguyên tắc thị trường, kể cả điều hành giá, điều hành lãi suất, điều hành tỷ giá. Nguyên tắc thị trường là cái gốc để kiềm lạm phát, mà lạm phát giảm thì lãi suất mới giảm – điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến ngày 17/12/2013, tín dụng của toàn hệ thống đối với nền kinh tế đã đạt 3.375.783 tỷ đồng (tăng 9,22% so với năm 2012).


Đối với tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính đến cuối tháng 11/2013, dư nợ cho vay ước đạt 855.929 tỷ đồng (tăng 0,75% so với đầu năm).


Theo ông Minh, mặc dù các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn nhưng do hàng hóa tồn kho ứ đọng, một số doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích, chưa hoặc không đáp ứng các điều kiện vay nên khả năng tiếp cận vốn của đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn.


Bên cạnh đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn về cân đối nguồn vốn. Nguồn vốn huy động của các tổ chức này chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp lại rất lớn.




Theo Lê Nguyễn

Báo Tổ Quốc




Những gia đình giàu nhất 2013: Nhà đất vẫn thống lĩnh

Những gia đình giàu nhất 2013: Nhà đất vẫn thống lĩnh


Dù BĐS đang ở đáy trầm lắng nhưng các DN trong lĩnh vực này vẫn đóng góp cho danh sách các gia đình giàu nhất trên TTCK 2013 với số lượng áp đảo.


Top 10: chia tay 3 gia đình


Dòng tiền vào TTCK trong những phiên áp Tết Dương lịch khá yếu khiến nhiều cổ phiếu nóng rớt xuống mức giá sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn xoay quanh mức 70.000 đồng/cp; HAG của bầu Đức quanh mức 20.500-21.000 đồng/cp; HPG của ông Trần Đình Long ở 41.000 đồng/cp...


Vì thế, vị trí tốp đầu những gia đình giàu nhất trên TTCK trong năm 2013 không có nhiều thay đổi so với 2012. Giống như năm trước, 3 vị trí giàu nhất trên TTCK năm 2013 tiếp tục thuộc về gia đình ông Phạm Nhật Vương, ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long.


Tài sản 3 gia đình này từ cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2013. Ấn tượng nhất, gia đình ông Phạm Nhật Vượng với khoảng 400 triệu cổ phiếu VIC (ông Vượng 285 triệu, vợ 49 triệu và một phần khá lớn thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam do Vượng sở hữu trên 50%). Tổng trị giá tài sản quy từ cổ phiếu của gia đình vị tỷ phú này ước đạt 28.000-30.000 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).


Gia đình ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ trên 318,5 triệu cổ phiếu HAG, trong đó riêng ông Đức nắm trên 311 triệu đơn vị. Với giá trị trên 6.500 tỷ đồng, gia đình bầu Đức giữ vững vị trí thứ 2.


Đứng ở vị trí thứ 3, vợ chồng ông Trần Đình Long chứng kiến tỷ lệ tăng tài sản mạnh nhất. Với hơn 132 triệu cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tài sản của 2 vợ chồng đại gia sản xuất thép và phát triển BĐS này tăng gần 2.700 tỷ đồng trong năm 2013 lên gần 5.470 tỷ đồng.


Gia đình đại gia Đặng Thành Tâm bất ngờ vượt lên chiếm vị trí thứ 4 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các cổ phiếu Đô Thị Kinh Bắc (KBC), và Itaco (ITA). Ông Tâm hiện đang nắm giữ gần 160 triệu cổ phần của 4 cổ phiếu KBC, ITA, SGT và NVB, có trị giá tổng cộng khoảng 1.300 tỷ đồng.


Gia đình của đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành cũng bất ngờ lớn khi vươn từ vị trí thứ 8 trong năm trước lên vị trí thứ 5 nhờ sự gia tăng ngoạn mục trên 30% của cổ phiếu Bánh kẹo Kinh Đô (KDC).


Trong danh sách những gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán 2013 là sự biến mất khỏi tốp 10 của 3 gia đình: ông Nguyễn Tuấn Hải (Alphanam), ông Đặng Văn Thành (Sacombank) và ông Nguyễn Đức Kiên (ACB).


Tài sản của gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã sụt giảm hơn 50% sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) - DN mà ông Hải và người thân đang nắm giữ gần 200 triệu cổ phần, báo lỗ lớn trong năm 2012, lỗ sâu 3 quý đầu năm 2013 và lên kế hoạch hủy niêm yết.


Trong khi đó, gia đình ông Đặng Văn Thành cũng biến mất hẳn trong bảng xếp hạng sau khi Sacombank (STB) hồi tháng 5/2013 tiến hành bán toàn bộ cổ phần STB của 2 cha con ông để cấn trừ nợ.


Túi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên cùng gia đình bị vơi đi trong năm 2013 với những biến động không thuận của cổ phiếu Ngân hàng ACB và cũng là hậu quả của việc ông trùm ngân hàng này dính vòng lao lý, bị truy tố 4 tội danh.


Giàu nhờ nhà đất, BĐS, tài chính và thực phẩm


Thay thế cho 3 vị trí nói trên là gia đình ông Trần Mộng Hùng, Lê Phước Vũ và Hà Văn Thắm.





Ngay từ cuối 2012, giới đầu tư đã chứng kiến nghịch cảnh giữa nhà Trần Mộng Hùng và Đặng Văn Thành. Nhà ông Trần Mộng Hùng quay lại với ACB, trong gia đình ông Đặng Văn Thành lại mất ghế tại Sacombank. Tuy nhiên, năm 2013 mới thực sự chứng kiến sự "đổi ngôi" này.


Khối tài sản của ông Hùng không nhiều, chỉ khoảng 260 tỷ đồng, nhưng cùng với con trai là chủ tịch ACB Nguyễn Hùng Huy và người thân, đại gia đình ông Hùng nắm giữ khoảng 1.600 tỷ đồng, qua đó vừa đủ để lọt vào tốp 10.


Với nhà ông Lê Phước Vũ, cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng gần 2,5 lần trong năm 2013 đã khiến gần 50 triệu cổ phần do gia đình này năm giữ tăng vọt. Đây cũng là cơ sở giúp nhà ông Vũ lọt tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK.


Đại gia Hà Văn Thắm là một nhân tố mới trên thị trường và cũng góp phần cho nhóm BĐS càng trở nên áp đảo. Ông chủ Chủ Tập đoàn Đại Dương (OGC) nổi lên rất mạnh mẽ trong năm 2013 với chiến lược mua bán sáp nhập khôn ngoan đã giúp Ocean Group trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu.


Đại gia trong lĩnh vực BĐS, ngân hàng này chỉ đứng tên một lượng khá ít ỏi cổ phiếu OGC (3,3 triệu, tương đương 1,11%) nhưng trên thực tế vị doanh nhân này đang chi phối tập đoàn này nhờ sở hữu gián tiếp qua doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (nắm giữ 44,4% OGC).


Sự nổi lên ông Thắm cùng với anh trai Hà Trọng Nam đã giúp nhà đại gia này lần đầu tiên lọt tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK.


Có thể thấy, trong tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK có tới 7 DN đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS hoặc liên quan, từ Vingroup của ông Vượng (BĐS cao cấp), cho tới bầu Đức (BĐS trong nước và ngoài nước), ông Trần Đình Long (BĐS và VLXD), ông Đặng Thành Tâm (BĐS công nghiệp), ông Lê Phước Vũ (VLXD), Nguyễn Văn Đạt, Hà Văn Thắm (BĐS, du lịch, ngân hàng).


Bên cạnh BĐS, tốp 10 còn chứng kiến các gia đình hoạt động trong các lĩnh vực khác như Trần Kim Thành (bánh kẹo), Nguyễn Đăng Quang (thực phẩm), Trần Mộng Hùng (ngân hàng).


Trong bối cảnh thị trường BĐS chưa hết "băng giá", đa phần các DN chìm ngập trong khó khăn, hiện tượng túi tiền của các gia đình giàu có nói trên tăng mạnh trong năm 2013 cho thấy khả năng chống chọi với bão tố của các DN BĐS lớn có vẻ khá tốt. Đây có lẽ là lý do giải thích cho việc các doanh nhân đua nhau đầu tư vào BĐS cho dù rủi ro cũng rất lớn như đã được biết đến mà các DN và ngân hàng Việt đang phải đối mặt.




Mạnh Hà


VEF




Mùa đông có gấu, ấm thấu tận tim

Mùa đông có gấu, ấm thấu tận tim


Khổ lắm, đã nói không yêu rồi mà chú vịt cứ đi theo.



Nhà có thành viên mới nên càng vui.




Có gấu này, mùa đông đỡ buồn rồi!



Hai cô muốn anh giúp gì nào!



Em làm đủ trò rồi mà 2 nàng mèo ấy không chịu xuống cho.



Em về đây, hẹn lần sau chuyện trò tiếp nhé!



Đôi bạn cùng tiến




Đàn vịt cứ tưởng chú chó là mẹ chúng chăng?



Dắt bạn đi dạo.






15 dấu hiệu chứng tỏ chàng ích kỷ và gia trưởng

15 dấu hiệu chứng tỏ chàng ích kỷ và gia trưởng

Có một người đàn ông luôn ở bên cạnh chăm sóc và bảo vệ là một điều tuyệt vời. Thế nhưng, khi sự che chở của anh ta trở nên thái quá, thành áp đặt, thống trị và kiểm soát, đó thật là thảm họa cho một mối quan hệ lâu dài.


Rất nhiều phái đẹp vì yêu mà không để ý hoặc bỏ qua những dấu hiệu rất nhỏ chứng tỏ chàng ích kỷ và gia trưởng. Để rồi sau khi tiến tới một mối quan hệ lâu dài, thậm chí là hôn nhân gia đình, họ lại than trời khi phải sống như tù nhân giam lỏng trong những định kiến chật hẹp của ông chồng chỉ biết mình.


Tốt nhất, hãy tỉnh táo để nhận diện tính cách và con người chàng ngay từ khi còn hẹn hò để tránh việc phải sống theo khuôn phép và chịu sự kiểm soát của anh ta sau này.


Cùng tìm hiểu 15 dấu hiệu chứng tỏ chàng ích kỷ và gia trưởng.


Kiểm tra điện thoại, cuộc gọi và tin nhắn


Nếu như anh chàng của bạn thường xuyên kiểm tra cuộc gọi, tin nhắn, thậm chí thay bạn check cả email hay rà soát kỹ càng hóa đơn điện thoại của bạn rồi la lối om sòm yêu cầu bạn phải giải thích tại sao lại gọi cho người này, người kia thì bạn nên cẩn thận. Đó là những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ anh ta là người thích kiểm soát mọi việc, ích kỷ, không muốn bạn giao lưu với ai và không muốn bạn tự do buôn bán, trao đổi với bạn bè.


Ghen tuông một cách vô cớ


Chỉ cần bạn cười hoặc nói một vài lời bông đùa với một người bạn khác giới, anh ta ngay lập tức cho rằng bạn là một cô gái lẳng lơ đang có ý định gạ gẫm hay tán tỉnh kẻ thứ ba ngay trước mặt bạn trai. Bạn càng lên tiếng thanh minh, anh ta càng nghĩ bạn có tật giật mình và không tiếc lời mắng mỏ bạn. Đừng nghĩ rằng anh ta yêu quá hóa ghen, anh ta chỉ là một kẻ ích kỷ và gia trưởng, muốn bạn gái cách ly hoàn toàn với những gã đàn ông khác.


Yêu bao nhiêu vẫn thiếu


Dù bạn có yêu chàng nhiều như thế nào, chiều chuộng và nghe lời chàng bao nhiêu vẫn không đủ để anh ta tin bạn một chút. Anh ta không tiếc lời ngoa ngoắt và nhiếc móc bạn cũng giống như bao người phụ nữ khác, luôn sẵn sàng vì tiền tài, danh vọng mà cắm sừng đàn ông. Sự tự ti trong tình yêu này sẽ đi kèm với thói ích kỷ và gia trưởng trong cuộc sống. Vì thế, đừng dại trao trái tim cho anh chàng này.


15 dấu hiệu chứng tỏ chàng ích kỷ và gia trưởng


Ảnh minh họa.


Không chỉ góp ý, chàng thậm chí còn cấm đoán và ra lệnh cho bạn từ những việc nhỏ nhất trở đi. Anh ta thậm chí không cho bạn bất cứ một quyền tự quyết nào. Nếu không làm đúng ý, chàng không chỉ giận dỗi mà còn không tiếc lời nhiếc móc bạn. Anh ta luôn biện minh, mọi hành động của mình đều là muốn tốt, muốn bảo vệ bạn. Và chàng chỉ cảm thấy thoải mái khi bạn ngoan ngoãn dưới sự che chở và áp đặt của anh ta. Hãy tránh xa những anh chàng luôn muốn kiểm soát này.


Luôn đi trước một bước


Khi mới quen nhau và còn đang trong thời gian tán tỉnh, anh ta cư xử và hành động như thể đã là bạn trai của bạn. Khi đã trở thành người yêu của nhau, anh ta tự cho mình cái quyền kiểm soát như chồng của bạn. Liệu bạn có đặt câu hỏi, nếu chàng thực sự thành ông xã của bạn, anh ta sẽ biến bản thân thành gì không? Có lẽ là bậc "cha chú" và bạn hoàn toàn phải gọi dạ bảo vâng. Việc được người đàn ông của mình chăm lo và che chở khác với việc mất đi tự do và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, bạn nhé.


Phải nghe điện thoại mọi lúc mọi nơi


Anh chàng của bạn có một quy định bất di bất dịch là bạn phải luôn trong tình trạng sẵn sàng nghe điện thoại của chàng, cho dù ở trong bất kỳ tình huống nào. Bạn luôn phải thông báo cho chàng bạn đang ở đâu, làm gì, với ai ngay cả khi bạn đang đi chơi với bạn bè hay muốn tận hưởng một ngày của chính mình. Nếu như bạn cả gan không bắt điện thoại hoặc để máy rơi vào tình trạng thuê bao không liên lạc được, hãy chuẩn bị tâm lý đón cơn giận dữ từ phía chàng. Đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ, anh chàng của bạn rất ích kỷ và gia trưởng.


Độc đoán trong cách chọn đồ


Nhiều cô gái khi yêu thường không để ý tới những cử chỉ, hành động nhỏ của bạn trai. Thế nhưng trên thực tế, những dấu hiệu của sự gia trưởng và ích kỷ bộc lộ ngay từ trong quá trình hẹn hò. Ví dụ, khi đi ăn hàng, anh ta không bao giờ hỏi xem bạn muốn ăn gì, thích món gì và hoàn toàn tự quyết định thực đơn cho ngày hôm đó. Đừng lầm tưởng đó là hành động của một người đàn ông quyết đoán và trưởng thành. Việc thường xuyên gọi món theo sở thích cá nhân là một cách gián tiếp nói lên anh ta là kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.


Cấm bạn đề cao người khác


Anh ta không thích bạn khen ngợi bất kỳ ai, dù là nam hay nữ. Chỉ cần bạn dành lời cho cánh cho một ai đó, đặc biệt là phái mạnh, anh ta sẽ tìm ra đủ mọi chứng cớ để "dìm hàng" người đó và thuyết phục bạn người đó không có gì tuyệt vời như bạn nghĩ. Chàng sẽ chỉ chịu chấm dứt chuỗi lập luận của mình khi cảm thấy bạn đã đồng tình. Sự ích kỷ và nhỏ nhen của người đàn ông này đang thể hiện từ trong những nét cư xử nhỏ nhất.


Hoàn toàn không có vế ngược lại. Dù với bất kỳ vấn đề nào, anh ta cũng muốn mình là người chiếm ưu thế và tuyệt đối không được phép thua thiệt. Thay vì chấp nhận một quan điểm khác, anh ta sẽ thuyết phục, thậm chí buộc bạn phải tin rằng anh ta đúng, còn bạn sai. Sống với một người đàn ông gia trưởng tới mức không phân biệt trái phải như thế liệu bạn có thể hạnh phúc?


Cấm bạn nhận sự giúp đỡ từ người khác


Chàng luôn hy vọng, mỗi khi bạn gặp khó khăn, người đầu tiên bạn nghĩ tới là anh ấy. Điều này hoàn toàn ổn. Thế nhưng, anh ta còn muốn bản thân là cái phao cứu trợ duy nhất của bạn, ngăn cản bạn tìm tới bất kỳ một sự giúp đỡ nào khác, kể cả của bạn bè và người thân. Hãy cẩn thận, chàng đang muốn bạn phụ thuộc hoàn toàn vào anh ta để dễ bề "nhào nặn" và uốn nắn bạn đó.


Luôn trong tình trạng nghi ngờ


Anh ấy luôn cho rằng mình có lý do để nghi ngờ sự thủy chung của bạn. Và lúc nào cũng dọa nạt bạn phải cẩn thận, đừng để anh ta bắt được bạn trò chuyện thân mật với một bạn khác giới hay một anh chàng đồng nghiệp. Đồng ý đi tiếp đường dài với chàng, đồng nghĩa với việc bạn nên tránh xa các XY không có cùng huyết thống.


Luôn khiến bạn cảm thấy tội lỗi


Khi bạn dành thời gian cho bạn bè, gia đình hay công việc, anh ta không trách móc bạn nửa lời, thế nhưng thái độ của chàng lại khiến bạn cảm thấy thật tội lỗi. Chỉ sau một vài lần như thế, bạn tuyệt nhiên không muốn thấy sự lạnh lùng của chàng và buộc phải chọn chàng trong mọi tình huống. Đây là một trong cách để anh chàng ích kỷ "ép buộc" bạn gái phải nhất nhất làm theo mình.


Nói xấu tất cả mọi người quanh bạn


Một người đàn ông gia trưởng và ích kỷ luôn muốn là cái rốn của vũ trụ. Vì thế, anh ta không muốn bạn thân thiết với bất kỳ ai, kể cả với các thành viên trong gia đình. Vô hình chung, anh ta sẽ kể xấu họ hoặc chỉ ra những nhược điểm của những người xung quanh để bạn tránh xa họ ra một chút.


Cấm đoán bạn mặc đồ hở hang


Khi còn yêu, rất nhiều cô gái cảm thấy hạnh phúc khi bạn trai cấm cô ta diện đồ hở hang với lý do chỉ được phép mặc cho anh ta ngắm. Thế nhưng, khi bước vào cuộc sống hôn nhận, họ sẽ nhận ra, đó là một trong những biểu hiện của người đàn ông ích kỷ. Không chỉ tác động vào việc bạn ăn gì, mặc gì, anh ta còn gò ép bạn trong những định kiến chật hẹp của tư tưởng gia trưởng, khiến cho bạn cảm thấy mình như tù nhân giam lỏng.


Đổ lỗi và sử dụng bạo lực


Nếu có bất cứ người đàn ông nào nói lời bông đùa hay tán tỉnh bạn, chàng đều khẳng định là do bạn lẳng lơ, quyến rũ hắn. Anh ta dễ dàng nổi giận, cáu gắt và không cho bạn cơ hội để nói lời giải thích. Anh ta thường xuyên sử dụng bạo lực cho dù bạn không phải là người có lỗi. Sau đó, anh ta xin lỗi bạn và khẳng định có chỉ là hành vi trong lúc quá nóng giận. Hãy cẩn thận, bởi những điều tưởng chừng như rất nhỏ trong những ngày đầu gặp gỡ hoặc trong thời gian yêu nhau lại là những dấu hiệu của một người đàn ông bạo lực, ích kỷ và gia trưởng.



Ngôi nhà xui xẻo bị đâm liên tục 11 lần trong 30 năm

Ngôi nhà xui xẻo bị đâm liên tục 11 lần trong 30 năm

Điều này có nghĩa là cứ trung bình ba năm một lần, cặp vợ chồng này phải chịu cảnh nhìn ngôi nhà mình bị các xe lao vào phá hỏng.


Theo một tờ báo địa phương, hôm chủ nhật vừa rồi một người điều khiển giao thông tên Katie Anderson Spears đã mất lái và đâm chiếc xe Chevy Equinox thủng tường vào tận vào phòng khách nhà McCall – là lần thứ 11 căn nhà bị phá hỏng bởi xe cộ.


Cô Anderson Spears cho biết mình đã đi quá nhanh và không làm chủ được tốc độ, do vậy đã mất lái đâm hỏng hàng rào nhà hàng xóm trước khi lao thẳng vào nhà ông bà McCall.


Ngôi nhà xui xẻo bị đâm liên tục 11 lần trong 30 năm


Ngôi nhà xui xẻo bị đâm liên tục 11 lần trong 30 năm


Ngôi nhà xui xẻo thường xuyên bị xe đâm vào


“Một lần nữa chuyện này lại xảy ra. Lần này là một chiếc xe có người phụ nữ bên trong”, ông Tim McCall bày tỏ sự lo lắng cho cô Anderson, nhưng cũng không giấu nổi nỗi buồn của mình. “Đây không phải lần đầu nhà chúng tôi phải chịu cảnh như vậy, 11 lần trong 30 năm qua. Tôi không biết bao giờ sẽ chấm dứt. Thật kinh khủng nếu nó vẫn tiếp tục…”.


Thật may mắn khi không ai thiệt mạng trong vụ tai nạn tổn thất đến 11.000 đô này, tuy kính chắn gió bị phá hỏng nhưng người cầm lái không bị thương nặng và được đưa đến trung tâm y tế ngay gần đó. Còn gia đình nhà McCall lúc tai nạn xảy ra đang ở phòng ăn, nhưng không bị đâm trúng phải.


Ngôi nhà xui xẻo bị đâm liên tục 11 lần trong 30 năm


Chủ căn nhà không giấu nổi nỗi buồn của mình


Mẹ của cô Leigh cũng sống ở gần đó cho biết, bà đã nhiều lần yêu cầu chính quyền đặt một biển báo giao thông nhưng cho đến bây giờ điều này vẫn chưa được thực thi.






Ngộ nghĩnh với item siêu hot: Mũ Mickey

Ngộ nghĩnh với item siêu hot: Mũ Mickey

Bạn có tin không khi một món đồ tưởng chừng như dành cho trẻ con lại trở thành item 'siêu hot' trong năm 2013?


Chiếc mũ Mickey với 2 cái tai ngộ nghĩnh lại vô tình hợp với mọi phong cách và set đồ thời trang. Từ các ngôi sao cho đến fashionista đều không thể chối từ sức hút từ chiếc mũ dễ thương này. Tuy nhiên đừng buồn vì bạn chưa kịp sắm chiếc mũ này nhé, nó vẫn có thể lan truyền "cơn sốt" sang đến năm 2014 đấy!


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Chiếc mũ với đôi tai ngộ nghĩnh bằng nhiều chất liệu và khả năng giữ ấm thì khỏi bàn.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Các ngôi sao Hollywood là những người tiên phong lăng xê chiếc mũ này.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Huyah (4minutes)CL (2NE1) cũng đã tậu 2 chiếc mũ để làm điệu cho mình.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


MC Việt Nga nổi bật với cây trắng và chiếc mũ mickey dễ thương trên đầu.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Hoàng Thùy Linh quyến rũ và gợi cảm dù đội chiếc mũ "trẻ con".


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Các cô gái trông vô cùng đáng yêu với chiếc mũ Mickey ngộ nghĩnh.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Set đồ nữ tính và điệu đà, chiếc mũ vẫn có thể "kết đôi" dễ dàng.


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Ngộ nghĩnh với item siêu hot 2013 Mũ mickey


Các chàng trai cũng không bỏ qua "mốt" đặc biệt này.



Kinh tế 2014: Còn nhiều chông gai

Kinh tế 2014: Còn nhiều chông gai


Nhận định về kinh tế năm 2014, các chuyên gia đều cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn như một con đường còn lắm chông gai.Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Chú tâm thực hiện các cải cách


Kinh tế Việt Nam vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn đang còn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Nhiều cải cách chưa đạt được trong năm 2013, như tái cấu trúc nền kinh tế chúng ta mới chỉ đặt ra chứ chưa triển khai được. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng "giậm chân tại chỗ", nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn hiện hữu, thu ngân sách không đạt kế hoạch.


Tất cả những khó khăn này sẽ bị đẩy sang năm 2014. Chưa kể, năm 2013, chúng ta vẫn loay hoay với cải cách thể chế, chống tham nhũng chậm, cơ chế chính sách còn gây khó với doanh nghiệp, người dân; y tế, giáo dục còn quá nhiều vấn đề cần phải cải thiện... Với những "gánh nặng" như vậy thì kinh tế năm tới sẽ khó có thể cất cánh mà bay cao được.


Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế năm 2014, tôi cho rằng, chúng ta phải chú tâm vào thực hiện các cải cách đã đề ra. Đó là tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là cải cách ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước; đầu tư nhiều hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Chúng ta cần thực hiện một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Muốn vậy, giá các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn độc quyền như điện, xăng dầu, nước... cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động.


Năm 2014 cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng doanh nghiệp nhà nước hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị. Nếu đặt đúng tầm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu khối doanh nghiệp này.


Chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Du Lịch: Thời cơ cho quyết sách mạnh


Nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Năm 2013 sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải.


Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 như trên cho thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014.


Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm. Khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014. Nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013. Khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012 và 2013.


Có thể nói, trong ngắn hạn, lạm phát đã không còn là “con ngựa bất kham”. Do đó, tôi cho rằng, năm 2014 là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình kinh tế, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.


Theo tôi, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Vấn đề đang đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, bằng cách thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.


Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là, nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007. Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tức là khoảng 7- 8% mỗi năm, trong vòng vài thập niên, thì chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: Không để đầu tư dàn trải


Năm 2014, nền kinh tế sẽ vẫn còn khó khăn, chứ chưa phải đã vượt được đâu, đặc biệt là khu vực kinh tế nhà nước sẽ còn rất khó để tồn tại. Khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có bước sốc lại khốc liệt khiến họ có thể tồn tại và phát triển.


Lãi suất đã có thể giúp doanh nghiệp về vốn nên kinh doanh bước đầu đã dễ thở, nhưng cải thiện một cách triệt để thì kể cả sang năm 2014 vẫn còn khó. Vì muốn cải thiện triệt để còn phải phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước, ưu tiên như thế nào để vực dậy được kinh tế, khuyến khích được khối doanh nghiệp...


Tôi cho rằng, năm 2014 trọng tâm sẽ là các chính sách cải cách của Nhà nước bởi năm 2013, nhiều chính sách đã được ban hành chưa tốt, như gói giải cứu bất động sản 30.000 tỷ đồng làm quá nhạt, không được gì, cách làm đã bị hỏng.


Trong tình hình nợ công thì dù lạm phát có ổn định chúng ta cũng không thể lao vào kích cầu, đẩy mạnh đầu tư trong năm 2014. Trái lại, đầu tư công phải được cải cách mạnh, chấn chỉnh lại từ ngân sách, không để cho các địa phương đầu tư lung tung.


Cuối cùng là cải cách ngân hàng. Chúng ta phải từ từ cho các ngân hàng thương mại tư nhân yếu kém chết đi vì vốn ngân hàng đã mất thì nên dẹp hẳn, đừng sáp nhập vào ngân hàng khác làm gì, gây tiềm ẩn nguy cơ rủi ro sau này. Nói chung, năm 2014, kinh tế còn quá nhiều việc phải làm mà việc nào cũng khó cả, chúng ta có quyết tâm làm hay không?!


TS Nguyễn Đồng Hải - ở Slovakia:Giải quyết trở ngại hành chính


Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua "gói giải pháp hỗ trợ thị trường" nhằm: giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tôi cho rằng đó là những giải pháp hết sức đúng đắn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và phục hồi nền kinh tế Việt Nam hiện nay.


Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định hơn, hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, và có mối quan hệ kinh tế với các nước có nền kinh tế lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…Việt Nam lại đang trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định TTP đây là những điều kiện rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu hàng hóa.


Hơn nữa Việt Nam có một nền chính trị ổn định, đây là điều rất quan trọng để tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư. Vừa qua Việt Nam đã đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn, điều đó đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc chống tham nhũng. Mặt khác, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải cách hành chính - mà đây là một trở ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.


Tôi cho rằng với quyết tâm ấy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Việt Nam. Và kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014. Tuy nhiên cần phải kiên nhẫn, bởi để đưa một nền kinh tế thoát ra khủng hoảng không thể một sớm, một chiều mà có thể làm ngay được.


Theo Nhóm phóng viên


Dân Việt




NỆM LIÊN Á