Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Vụ Chính sách tiền tệ sẽ báo tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng từ 12/2/2015

Vụ Chính sách tiền tệ sẽ báo tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng từ 12/2/2015


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 45 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 27/2/2012 về hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.


Thông tư 45 có hiệu lực từ 15/2/2015 sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 21 và Điều 24 và bãi bỏ điều 23 quy định trách nhiệm của Vụ Quản lý ngoại hối của Thông tư số 02/2012/TT-NHNN.


Trong đó, tại điều 24 quy định, Vụ Chính sách tiền tệ sẽ thay thế Vụ Quản lý ngoại hối, có trách nhiệm thông báo cho Sở Giao dịch khi có thay đổi về tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN công bố, phối hợp với Sở Giao dịch trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến giao dịch hối đoái của NHNN với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.


Trước đó, ngày 7/2/2014, NHNN đã có Quyết định 145/QĐ-NHNN về việc bổ sung nhiệm vụ, chức năng liên quan đến điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ cho Vụ Chính sách tiền tệ. Quyết định 146 ngày 7/2 của NHNN cũng quyết định chuyển giao chức năng, nhiệm vụ thị trường và tỷ giá từ Vụ Quản lý ngoại hối sang Vụ Chính sách tiền tệ.



Năm 2014: Kinh doanh xăng dầu của Petrolimex bị lỗ

Năm 2014: Kinh doanh xăng dầu của Petrolimex bị lỗ


Thông tin này được đưa ra trong bài tham luận của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại Hội nghị Trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của ngành Công Thương, đang diễn ra tại 3 đầu cầu (Hà Nội – Tp. HCM và Đà Nẵng).


Theo ông Bùi Ngọc Bảo, riêng mảng kinh doanh xăng dầu năm nay công ty lỗ khoảng 200 – 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của Petrolimex năm 2014 vẫn dự kiến lãi 300 tỷ đồng.


Theo thống kê, trong năm 2014 có 12 lần giảm giá xăng liên tiếp với tổng mức giảm là 7.760 đồng/lit; 13 lần giảm giá dầu với tổng mức giảm là 5.830 đồng/lít. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.


Tuy nhiên, do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới sát với ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ.


Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giảm giá, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách hàng nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối.


Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối, đồng thời Tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, gây bất ổn thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào – Bản tham luận nêu.


Petrolimex kiến nghị Liên bộ Tài chính – Công Thương nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d khoản 1 Điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài – giúp doanh nghiệp kinh doanh không bị mất vốn như đã nêu ở trên.


“Trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá bán hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ quỹ BOG” –Petrolimex nói.


Bên cạnh đó, cũng theo Petrolimex, theo quy định hiện hành về giá sở hữu hàng hóa; về hạch toán doanh thu, chiết khấu thanh toán và hoa hồng hoặc chiết khấu giảm giá đối với đại lý, tổng đại lý nếu thực hiện theo quy định là ít khả thi do tính chất mặt hàng và mạng lưới kinh doanh. Nếu doanh nghiệp buộc phải thực hiện sẽ gia tăng chi phí rất lớn vì phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ cho việc giám sát tới tận cửa hàng xăng dầu của đại lý, tổng đại lý chưa kể dễ phát sinh tiêu cực.


Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu – BOG Petrolimex cho biết: Ngay sau khi Nghị định 83 có hiệu lực thi hành đơn vị này đã chuyển toàn bộ số tiền của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào một tài khoản riêng được mở ở tại một ngân hàng thương mại sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Công Thương.


Mọi biến động của Quỹ này đều được theo dõi, hạch toán, phản ánh trên tài khoản mở tại ngân hàng. Cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có thể khai thác thông tin về về diễn biến của Quỹ hiện đang hạch toán tại Petrolimex.


Theo thông tin trên website của Petrolimex vào ngày 22/12 vừa qua, trong tháng 11/2014, Petrolimex trích lập 326,5 tỷ đồng quỹ bình ổn giá xăng dầu, gấp hơn 2 lần tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm, Petrolimex trích lập 2.126 tỷ đồng quỹ Bình ổn giá.


Khánh Nhi – Nguyệt Quế



Tăng trưởng tín dụng năm 2015 cần dựa trên cân đối nhiều yếu tố

Tăng trưởng tín dụng năm 2015 cần dựa trên cân đối nhiều yếu tố


Một số Ngân hàng thương mại (NHTM) cho rằng, khả năng hấp thụ tín dụng đang hồi phục trở lại, thậm chí một số NH phải “kiềm chế” tốc độ tăng này.


TTTD không còn theo kiểu “bốc thuốc”


Một trong những mục tiêu định hướng được NHNN đưa ra trong năm 2015 là tăng trưởng tín dụng (TTTD) ở mức 13 -15%. Nhìn lại năm 2014, mục tiêu TTTD là 12-14%, cả hệ thống đã phải rất nỗ lực để đạt được mức TTTD trên 13% - đúng như mục tiêu NHNN đưa ra đầu năm.Với bối cảnh nền kinh tế còn hiều khó khăn, phải chăng chỉ tiêu TTTD năm 2015 cao?


Theo một chuyên gia kinh tế, để nói rằng mục tiêu TTTD năm 2015 đã hợp lý chưa, cần nhìn vào nền kinh tế và diễn biến TTTD trong năm vừa qua. Nửa đầu các năm 2013 và 2014 tín dụng thường tăng khá thấp, đã có thời điểm chúng ta đã có nghi ngại về khả năng TTTD khó về đích. Chẳng hạn, so với cuối năm 2012, TTTD đến tháng 6/2013, tăng 3,31%.


Đến tháng 6/2014 TTTD tăng 3,52% so với cuối năm 2013… Thế nhưng, với nhiều giải pháp đồng bộ của NHNN, sự nỗ lực của các NHTM, năm 2013, TTTD đã đạt 12%, vượt chỉ tiêu đề ra, năm 2014 đạt mức trên 13%. Chính vì vậy, mục tiêu TTTD năm 2015 được xem là khá hợp lý.



Khả năng hấp thụ tín dụng của DN đang phục hồi trở lại


Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu TTTD năm 2015 dựa trên cân đối tất cả các chính sách vĩ mô, trên cơ sở nghiên cứu và dự báo để đưa ra chứ không phải “bốc thuốc”. Trên cơ sở mục tiêu chung của cả hệ thống NHNN cũng cấp hạn mức TTTD cho từng TCTD. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN nên bỏ việc cấp hạn mức này. Người đứng đầu ngành NH cho rằng, ở thời điểm này bỏ hạn mức hay giữ hạn mức TTTD cũng được.


“Ví dụ, thực tiễn trong năm 2014 việc đưa ra hạn mức TTTD về cơ bản không ảnh hưởng gì đến các NH, nhưng NHNN muốn tạo thói quen mới trong hoạt động của hệ thống NH là TTTD ở mức hợp lý” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích.


Do đó, việc NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD là nhằm đưa tín dụng vào nền nếp, tránh tình trạng các NH đua nhau tăng trưởng nóng, gây tác hại lớn về sau như đã từng xảy ra. Về phía mình một số NHTM cho rằng, khả năng hấp thụ tín dụng đang hồi phục trở lại, thậm chí một số NH phải “kiềm chế” tốc độ tăng này.


Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến ngày 24/12/2014 dư nợ tín dụng của VietinBank tăng 15,2% với con số tuyệt đối là 530 nghìn tỷ đồng. “Chúng tôi đang giữ mức này cho phù hợp và không muốn tín dụng tăng cao quá” – ông Thắng chia sẻ.


Dư địa tăng tín dụng còn nhiều, nhưng…


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TBNH, giám đốc một chi nhánh của Agribank ở miền Bắc cho rằng, bao giờ dịp cuối năm thì nhu cầu tín dụng tăng cao do nhu cầu thanh toán, nhu cầu sản xuất, mua sắm cuối năm tăng, nhưng về cơ bản khó khăn của DN vẫn chưa thể khắc phục trong năm 2015.


Tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, nhất là thị trường bất động sản, để góp phần vào TTTD. Khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu đầu tư tăng trở lại, đặc biệt là thị trường nhà ở, nơi hấp thụ khá nhiều vốn cả từ phía DN đầu tư và người mua nhà.


Cũng có ý kiến cho rằng, để DN hấp thụ được nguồn vốn và mạnh dạn vay vốn NH đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì ít nhất NH phải giữ được mặt bằng lãi suất cho vay thương mại như hiện nay. Vấn đề này đòi hỏi ngành NH phải nỗ lực ngay từ đầu năm.


Về nguyên tắc, thường khi mặt bằng lãi suất thấp, nhu cầu vay vốn của DN và người dân tăng lên, tín dụng bơm ra nền kinh tế nhiều hơn, kích thích đầu tư toàn xã hội tăng… sẽ lại kéo theo lãi suất tăng lên. Do đó, vấn đề là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ phải tiếp tục chặt chẽ, nhuần nhuyễn để làm sao hài hòa giữa việc bơm tiền ra nền kinh tế nhưng cũng phải kiểm soát được lạm phát thì mới giữ được lãi suất ổn định.


Đồng tình với mục tiêu TTTD khoảng 15% trong năm 2015, TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng là DN mong muốn giữ được mức lãi suất ổn định và thấp để họ có thể vay vốn trung và dài hạn ổn định sản xuất.


Dư địa để cho vay các DNNVV hiện vẫn rất lớn, nhất là những DN muốn vay vốn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, xét điều kiện hiện nay ở Việt Nam khi mà mức lãi suất cho vay ra ở mức 5%/năm thì NHTM không đáp ứng được, vì lãi suất của NHTM là theo thị trường.


“Để giúp DN đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động, nâng sức cạnh tranh với các nước, tôi đề nghị có chính sách cụ thể như ngân sách dành bao nhiêu để hỗ trợ thêm lãi suất cho họ để ổn định chi phí tài chính trong thời gian dài, giúp DN đổi mới máy móc thiết bị” – ông Ngân đề xuất. Ông phân tích, bài toán này giúp nâng cao chất lượng tín dụng và số lượng tín dụng. Và hiện dư địa tín dụng còn rất rộng. Muốn đẩy được tín dụng thì phải giải quyết bài toán tổng cầu, vì tổng cầu rất yếu.


“Đưa đòn bẩy tăng dư nợ tín dụng cho đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao lên là một cách” – ông Ngân nói và cho rằng, đây là dạng đầu tư nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, vì DN phục hồi nâng cao sản xuất kinh doanh thì sau đó sẽ thu được ngân sách. Dĩ nhiên hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh có đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tránh máy móc giá rẻ, chất lượng thấp.


Ngoài ra, để tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm thì Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ cho DN như vấn đề bảo lãnh tín dụng, vì hiện chúng ta có quỹ DNNVV chỉ vài nghìn tỷ đồng và quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV nhưng cũng rất nhỏ, nên cần có giải pháp hỗ trợ tích cực hơn.









TS. Lê Thành Trung – Phó Tổng giám đốc HDBank


Không thể kỳ vọng lãi suất giảm sâu


Đúng là lạm phát giảm NH có cơ hội giảm lãi suất. Nhưng chúng ta phải phân tích vì sao lạm phát năm 2014 lại giảm mạnh như vậy. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Chúng ta thấy rằng vừa qua giá dầu giảm mạnh đột biến. Tôi chắc không ai nghĩ mức giảm nhiều như vậy. Mà giá dầu được coi là mặt hàng chiến lược và tác động làm cho tất cả mặt hàng khác giảm theo.


Rõ ràng, giá dầu là yếu tố rất lớn đến chỉ số CPI cũng như lạm phát của năm 2014. Nhưng diễn biến của giá dầu trong năm 2015 rất khó dự đoán. Trong khi đó điều hành lãi suất của NHNN căn cứ nhiều yếu tố khác chứ không chỉ căn cứ lạm phát thấp mà phải căn cứ vào thực trạng cả nền kinh tế.


Vì lẽ đó, nếu nói dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới thì theo tôi căn cứ vào tình hình thực tế biến động giá dầu, tổng cầu nền kinh tế. Và dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ là chỉ số đo tổng cầu. Nếu chỉ số này không tăng đột biến có thể tính tới cắt giảm lãi suất để tăng tổng cầu.


Tuy nhiên, không thể kỳ vọng giảm lãi suất sâu hơn nữa. Tôi cho rằng, mức lãi suất hiện tại tương đối hợp lý. Bởi nếu giảm lãi suất nhanh có thể kích thích việc sử dụng vốn thúc đẩy TTTD, nhưng nếu không kiểm soát được sẽ đẩy lạm phát nhanh chóng quay trở lại. Thực tế này đã từng xảy ra cách đây nhiều năm.


Hiện nay có một thực tế, chúng ta hay “nối” giảm lãi suất huy động với lãi suất cho vay. Nhưng thực ra trong bình diện lớn, việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vấn đề khác như chi phí quản lý, huy động, rồi các chi phí khác. Theo lộ trình cả hệ thống NH đang tiếp tục tái cấu trúc nên tôi nghĩ rằng, lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều chi phí vận hành của NH.


Đơn cử, quy mô các NH Việt Nam cơ bản là nhỏ, có những NH vốn điều lệ chỉ 3.000 hay 5.000 tỷ đồng… So với khu vực chứ chưa nói đến thế giới, rõ ràng quy mô NH Việt Nam rất nhỏ. Mà quy mô càng nhỏ chi phí vận hành càng lớn. Đơn giản bởi các NH vẫn phải thực hiện đầy đủ các bộ quy trình vận hành, các chi nhánh, phòng giao dịch, đội ngũ nhân sự điều hành… như thế chi phí chắc chắn cao kéo theo lãi suất cho vay cũng phải tương xứng để bù đắp.


Tôi hy vọng với lộ trình Thống đốc đặt ra trong năm 2015, hệ thống NH tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc với mục tiêu ít về số lượng nhưng to về quy mô từng NH. Khi đó chi phí giảm đi, và lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Có như vậy giảm lãi suất mới thực sự bền vững, qua đó hỗ trợ DN phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy TTTD.


TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT DongABank


TTTD của hệ thống NH ở mức 13 – 15% là phù hợp


Lãi suất huy động hiện nay ngắn hạn ở mức 5,5%/năm và lãi suất dài hạn cao hơn. Trong thời gian tới theo định hướng của NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Nếu lạm phát giảm tiếp thì lãi suất huy động cân nhắc điều chỉnh giảm. Nhưng thực tế, lạm phát của Việt Nam vẫn cao hơn so với thế giới, còn nếu loại bỏ giá dầu thì chỉ số này không phải quá thấp để có thể điều chỉnh lãi suất.


Theo mục tiêu năm 2015, lạm phát ở mức 5%, đồng thời để kích thích tăng trưởng kinh tế thì với mức lãi suất huy động 5,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn theo tôi là phù hợp và không nên giảm mà chỉ có thể giữ nguyên hoặc thậm chí tăng một chút để đảm bảo hoạt động NH hiệu quả hơn. Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, đúng là nếu đẩy lãi suất cho vay lên chút làm tăng chi phí DN, nhưng do tình hình kinh tế chung nguy cơ lạm phát tăng trở lại khá cao thì không thể hạ lãi suất xuống thấp được.


Thực tế, hiện các DN cũng không còn thắc mắc chuyện lãi suất nhiều nữa. Còn về phía các NH đang nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, NHNN. Đó là chưa kể sang năm, chắc chắn thị trường hấp thụ mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn năm 2014 vì nhiều khoản vốn huy động lãi suất cao từ năm 2014 đến năm 2015 sẽ đáo hạn.


Đây là cơ sở để các NH sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp cho vay khách hàng với lãi suất tốt hơn. Qua đó vừa hỗ trợ DN tiếp cận được vốn rẻ, vừa thúc đẩy TTTD cho các NH. Tôi nghĩ mức TTTD của hệ thống NH đặt ra trong năm 2015 ở mức 13 – 15% là khả thi.



Theo Thời báo Ngân hàng




Chứng khoán Mỹ mất mốc kỷ lục

Chứng khoán Mỹ mất mốc kỷ lục


Ngày 30/12, các chỉ số chứng khoán của Mỹ đồng loạt giảm do cổ phiếu công nghệ và điện nước giảm mạnh nhất 18 tháng.


Chỉ số S&P 500 giảm 0,5% xuống 2.080,35 điểm vào lúc 16h00 tại New York. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 0,3% xuống 17.983,07 điểm.


Như vậy kể từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 13% trong khi Dow Jones tăng 8,5% nhờ kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý vừa qua và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh tín hiệu sẽ nâng lãi suất vào năm tới.


Tất cả cổ phiếu của 10 lĩnh vực chính do S&P 500 theo dõi đều giảm giá, trong đó lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ và điện nước giảm ít nhất 0,5%. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu năng lượng là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 với 9,3% do đà lao dốc không phanh của giá dầu.


Có khoảng 4,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 30% so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng qua. Chỉ số VIX, theo dõi biến động giá của hợp đồng quyền chọn trong S&P 500, tăng 6,5% lên 16,04, ghi nhận phiên thứ 3 tăng liên tiếp.


Bước vào những ngày cuối cùng của năm 2014, thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch trầm lắng hơn với khối lượng giao dịch giảm mạnh khi giới đầu tư cân nhắc đặt lệnh chốt lời để giảm thiểu rủi ro khi thị trường ngừng giao dịch.


Hôm qua, báo cáo của Conference Board cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng lên 92,6 điểm trong tháng 12. Niềm tin tiêu dùng tăng cao sẽ kích thích người dân Mỹ tăng cường chi tiêu trong tháng 12 và trong cả năm tới, từ đó thúc đẩy GDP tăng trưởng mạnh hơn.




Tái cấu trúc Masan Group: Bán Masan Agri và Bao bì Minh Việt

Tái cấu trúc Masan Group: Bán Masan Agri và Bao bì Minh Việt


Ngày 30/12, Hội đồng quản trị của Masan Group (MSN) đã có 2 nghị quyết về việc Masan Group sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Masan Brewery sang cho công ty Masan Consumer Holdings và thực hiện bán công ty Masan Agri nhằm gia tăng lượng tiền mặt.


Với Masan Agri, hiện Masan Group đang sở hữu 51% cổ phần và quỹ đầu tư TPG Capital sở hữu 49%. Công ty này hiện sở hữu 40% cổ phần của CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc – Proconco.


Masan Consumer Holdings (MCH) hiện do Masan Group sở hữu 100% vốn, là đơn vị trực tiếp nắm giữ khoản đầu tư của Masan vào công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer.


Các giao dịch tái cấu trúc sẽ đưa MCH trực tiếp sở hữu 2 công ty gồm Masan Consumer chuyên về thực phẩm, đồ uống không cồn và Masan Brewery chuyên về bia. Masan Brewey hiện đang sản xuất bia dưới thương hiệu Sư tử trắng.


Cũng trong trong thông cáo báo chí phát đi ngày 30/12, Masan Group đã đề cập đến việc bán các tài sản phi chiến lược. Theo đó, Masan Consumer tập trung cải thiện hoạt động vận hành bằng cách thoái vốn tại một công ty con phi chiến lược là Công ty Bao bì Minh Việt – công ty chuyên sản xuất một số vật liệu bao bì cho tập đoàn.


Khoản tiền thu được từ giao dịch này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các nhà máy sản xuất mới tại những nơi có thể tiếp cận đến người dùng dễ dàng hơn và giảm chi phí vận chuyển.


Trường An



Năm 2013: Sau kiểm toán, EVN lãi 4.938 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện

Năm 2013: Sau kiểm toán, EVN lãi 4.938 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện


Chiều nay (ngày 30/12/2014), Bộ Công Thương đã tổ chức họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).


Theo số liệu được đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong năm 2013, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt 115,28 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện ở mức 8,87%, thấp hơn 0,45% so với chỉ tiêu 9,32% quy định số 117 ngày 5/3/2012 của Bộ Công Thương vệ việc phê duyệt Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2012 - 2016.


Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 169.906 tỷ đồng, bao gồm thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.


Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 1.473,8 đồng/kW, trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 130.912 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.135,57 đồng/kWh.


Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 9.200 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 79,8 đồng/kWh.


Tổng chi phí khâu phân phối – bán lẻ điện là 29.047,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối – án lẻ điện theo diện thương phẩm là 251,97 đồng/kWh.


Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 746,29 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,47 đồng/kWh.


Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013. Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 tại các huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là 214,35 tỷ đồng do giá điện bình quân thực tế tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý và Lý Sơn chỉ bằng 62,7%, 48,94% và 32,52% giá thành sản xuất kinh doanh điện.


Cũng theo báo cáo được đại diện Cục Điều tiết Điện lực trình bày tại cuộc họp, doanh thu bán điện năm 2013 của EVN sau kiểm toán là 172.903,33 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.499,82 đồng/kWh).


Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 là 1.941 tỷ đồng, trong đó bao gồm thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng 392,96 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc giá và các Tổng công ty Điện lực đạt 1.106,22 tỷ đồng.


Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu do EVN báo cáo) đạt 441,81 tỷ đồng.


Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.


Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến 31/12/2013 là 8.811,71 tỷ đồng.


Khánh Nhi – Nguyệt Quế



Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Dòng vốn ngoại sẽ tích cực trong đầu năm mới

Dòng vốn ngoại sẽ tích cực trong đầu năm mới


rái ngược với trạng thái bán mạnh của NĐT nội trong các phiên gần đây, khối NĐT ngoại đã quay lại mua ròng trong cả 5 phiên trên sàn HOSE trong tuần qua.


Sau khi Quỹ VNM ETF rút ròng 22,52 triệu USD trong đợt thay đổi cơ cấu danh mục (review) cuối cùng của năm 2014, áp lực bán ròng của khối NĐT nước ngoài gần như chấm dứt và khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong tuần qua với giá trị mua ròng 374,5 tỷ đồng. Về cơ bản, động thái giao dịch của các NĐT nước ngoài đang có ảnh hưởng khá lớn tới thị trường và tín hiệu mua ròng trở lại của họ tác động tích cực tới tâm lý NĐT nội cũng như hỗ trợ thị trường không giảm sâu.


Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược CTCK MB (MBS) cho biết, kỳ vọng NĐT ngoại quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2015. Thực tế, động thái bán ròng trước đó của khối ngoại phần lớn là do lo ngại Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Hãng tin CNBC với các nhà kinh tế, chiến lược và quản lý quỹ, Fed có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 7/2015. Do đó, dự báo dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ sớm quay lại TTCK Việt Nam, nhất là khi các yếu tố về vĩ mô, định giá (P/E, P/B) đang hấp dẫn tương đối so với thị trường các nước trong khu vực.


Theo ông Sơn, mỗi khi Quỹ VNM ETF thu hút thêm vốn đều tạo “sóng” với TTCK Việt Nam. Do đó, NĐT có thể quan sát động thái của quỹ này trong thời gian tới để có những quyết định đầu tư phù hợp.


Diễn biến giao dịch của khối ngoại gần đây cho thấy, các NĐT nước ngoài đã quay lại mua ròng trên TTCK Việt Nam và lực bán của họ trong nửa cuối tháng 12 chủ yếu xuất phát từ hoạt động cơ cấu danh mục cũng như thoái vốn của các quỹ ETF, hiện các quỹ này đang có trạng thái cân bằng nên áp lực bán ra thấp. Mặt khác, giao dịch mua với chiến lược đầu tư cơ bản của nhóm NĐT ngoại ngoài ETF đang được đẩy mạnh.


Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, CTCK BSC cho biết, trong 3 năm gần đây, khối ngoại thường đẩy mạnh mua vào từ tháng 1 đến tháng 3 với sự dẫn dắt của dòng tiền từ các quỹ ETF.


“Với điểm số hiện tại, mức độ định giá của TTCK Việt Nam đã hấp dẫn trở lại, P/E dưới 13 lần, NĐT nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng tích cực trong quý I/2015, dù có thể không rõ nét như mọi năm” ông Long nói.


Sau liên tiếp các phiên bán ròng trước đó, tạo áp lực lớn lên thị trường, khối ngoại trong các phiên gần đây đã quay trở lại mua ròng, mặc dù có sự thu hẹp trong giao dịch cả chiều bán lẫn chiều mua. Theo CTCK SHS, diễn biến tích cực này sẽ tiếp tục diễn ra. Lượng giao dịch sẽ mạnh dần lên sau kỳ nghỉ Tết và đây sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp thị trường hồi phục trong thời gian tới.


Có vẻ khối ngoại đã tìm được điểm mua và “gom” những cổ phiếu cơ bản tốt để đầu tư dài hạn, bởi nhiều cổ phiếu đã rơi về mức giá hợp lý. Tuy nhiên, để nhìn nhận khối ngoại tham gia TTCK Việt Nam ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào các yếu tố vĩ mô cũng như tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới. Ngoài ra, một số ý kiến tỏ ra quan ngại về dòng tiền từ khối ngoại có thể sẽ bị co hẹp trong năm 2015 do các gói nới lỏng định lượng của Fed chính thức kết thúc và Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới, ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại tại các TTCK trong khu vực, trong đó có Việt Nam.


Về phía cơ quan quản lý, trong nỗ lực và chức năng của mình đã và đang có những biện pháp nhằm thúc đẩy dòng vốn ngoại, thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 25/12 vừa qua là một minh chứng thể hiện quyết tâm đó. Cơ quan quản lý sẽ chủ động, tích cực thu hút các tổ chức đầu tư nước ngoài, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đến từ các quốc gia phát triển tham gia TTCK Việt Nam.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng đề nghị xem xét lại Thông tư 36

Nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng đề nghị xem xét lại Thông tư 36


Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng Chính phủ nói rằng, có một số điểm liên quan đến cho vay chứng khoán trong Thông tư 36 chưa hợp lý. Nhóm chuyên gia đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị xem xét giãn lộ trình thực hiện một số điểm trong Thông tư 36.


Bước tiến về ngân hàng, bước lùi cho chứng khoán


Ông Nghĩa nói: Mục tiêu lớn nhất khi ban hành Thông tư 36 là xử lý vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn trong hệ thống ngân hàng thời gian qua. Trong con mắt của giới chuyên gia kinh tế, đây là thông tư quyết liệt nhất để ngăn chặn vấn đề sở hữu chéo và các ông chủ ngân hàng dùng tiền nhà băng cho vay. Lần đầu tiên, chúng ta có văn bản pháp lý để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn ở các ngân hàng.


Thông tư cũng hỗ trợ thị trường bất động sản, cho phép các ngân hàng có điều kiện tái cấu trúc nợ trung, dài hạn, giảm tỷ lệ trích lập rủi ro tài sản từ bất động sản từ 250% xuống 150%.


Tuy nhiên, với chứng khoán, chúng tôi nhìn nhận rằng, có những điểm bất hợp lý và cần được xem xét lại.


Theo tính toán của chúng tôi, trong số 17.000 tỷ đồng vốn margin trên thị trường, các ngân hàng cho vay khoảng 12.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, hầu hết tiền sử dụng cho margin đều từ các ngân hàng ra. Cụ thể, nếu trừ đi 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh không cho vay chứng khoán, các ngân hàng nước ngoài không cho vay chứng khoán, khoảng 30.000 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng không đủ điều kiện cho vay chứng khoán. Còn khoảng 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ được tính toán để cho vay margin.


Hiện các quy định cho phép sử dụng 20% vốn điều lệ cho vay chứng khoán, nhưng hiện các ngân hàng cho vay chưa đến 10% (tạm tính là 12.000 tỷ đồng). Theo quy định mới, các ngân hàng cho vay chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng.


Cần lưu ý thêm là, 8.000 tỷ đồng trên đã được quay vòng rất lớn trên thị trường nên đã góp phần tạo ra thanh khoản cho thị trường vượt trội (năm 2014 tăng 90% so với năm 2013). Hiển nhiên, nếu cho vay margin giảm từ 17.000 tỷ đồng xuống 13.000 tỷ đồng thì thanh khoản thị trường sẽ giảm mạnh.


Thị trường đảo chiều đang ảnh hưởng rất mạnh tới kế hoạch lên sàn của nhiều doanh nghiệp cũng như kế hoạch huy động vốn của các doanh nghiệp.


Một hệ quả nữa, chúng ta không thể phủ nhận, là sự thay đổi đột ngột này đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như quý I họ có xu hướng mua ròng nhẹ, quý II/2014 mua ròng thì quý III họ bán ròng 50 triệu USD, quý IV là khoảng 70 triệu USD. Diễn biến này ngược hẳn với năm trước. Nếu như năm ngoái nhà đầu tư nước ngoài mua ròng các quý cuối năm thì năm nay họ lại gia tăng bán ròng.


Có thể nói rằng, Thông tư 36 đã và sẽ tác động rất lớn tới TTCK. Trước tình hình đó, tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cẩn trọng riêng vấn đề này (cho vay chứng khoán). Chúng tôi đã làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước để trao đổi lại vấn đề này. Hiện các quy định khác trong Thông tư 36 tạo được sự đồng thuận cao, nhưng riêng vấn đề cho vay chứng khoán đang bỏ ngỏ, để tiếp tục được xem xét.


Thị trường đang lo đối phó


Trong khi đó, trên TTCK, không ít CTCK đã thông báo với các nhà đầu tư rằng, họ chỉ được ký vay margin đến 31/1/2015. Tuần qua, ACBS thông báo cắt giảm margin hàng loạt cổ phiếu. Tin này đã thổi bùng áp lực bán tại hầu hết các nhóm cổ phiếu.


Điều này được cho là nhằm chuẩn bị các điều kiện tuân thủ các quy định của Thông tư 36, bên cạnh việc thị trường giảm mạnh, cho vay có nhiều rủi ro. Với thông điệp như vậy, các nhà đầu tư chỉ có hai lựa chọn: tìm thêm các nguồn tiền bên ngoài để bổ sung vào tài khoản hoặc phải bán chứng khoán để sẵn sàng cho thời điểm trên. Với những nhà đầu tư sử dụng margin, phương án 1 hầu như không khả thi. Đó là với các khoản cho vay hiện hữu. Cho vay mới, chắc chắn các CTCK không thể có đủ nguồn để cung cấp cho nhà đầu tư.


Để chuẩn bị thêm nguồn lực cho vấn đề này, một số CTCK như SSI, VCBS, SHS… đã lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, theo tính toán của chính các CTCK, từ khi có kế hoạch đến khi có đồng vốn để hỗ trợ nhà đầu tư, thời gian nhanh nhất cần khoảng 4 - 6 tháng.


Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 3 tháng, Thông tư 36 sẽ có hiệu lực. Đó là chưa kể với sự bất ổn định của TTCK như thời gian qua, để thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn vào các CTCK và chứng minh rằng, đồng vốn đó sẽ an toàn và sinh lời hiệu quả là không dễ. Một số CTCK lớn tính bài để lại lợi nhuận kiếm được trong năm nay dùng làm nguồn hỗ trợ dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư.


Phương án này nếu được thực hiện sẽ gây bức xúc lớn cho các cổ đông của CTCK vì họ đầu tư cả năm mà không được hưởng cổ tức. Đồng thời, chưa biết việc cho vay có sinh lời hay ẩn chứa nhiều rủi ro.


Tổng giám đốc một CTCK lớn nói rằng, nếu để các CTCK tự xoay xở nguồn vốn để làm dịch vụ margin cho nhà đầu tư, chi phí sẽ rất cao so với sử dụng nguồn từ ngân hàng. Đơn cử, huy động vốn từ trái phiếu, một mặt CTCK phải trả lãi suất cao (mới phát hành thành công), một mặt phải chịu cả tiền lãi trong những thời điểm vốn chết (thị trường biến động nhà đầu tư không sử dụng margin).


Trong khi đó, nếu hợp tác với ngân hàng, dòng vốn liên tục luân chuyển, thời gian vay - trả linh hoạt, CTCK không chịu lãi suất cho thời gian vốn chết. Về mặt bản chất, các CTCK cũng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, chứ không phải các định chế tài chính chuyên nghiệp, quản trị dòng tiền, quản trị một lượng vốn lớn, không phải không có rủi ro.


Lo ngại xanh vỏ đỏ lòng


Diễn biến giao dịch trên thị trường tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, trong đó, lớn nhất là về tình trạng xanh vỏ đỏ lòng (đỡ chỉ số xanh để bán ra) và thanh khoản thị trường giảm mạnh. Cụ thể, VN-Index đã trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động. Lực cầu tăng mạnh từ phiên đầu tuần với dấu ấn là sự tăng điểm của nhóm các cổ phiếu dầu khí vốn hóa lớn và nhóm các cổ phiếu trụ cột khác.


Tuy nhiên, các phiên cuối tuần, đà điều chỉnh lan rộng tại nhiều nhóm cổ phiếu, mặc dù chỉ số có lực đỡ của nhóm các cổ phiếu trụ cột. Phiên cuối tuần có tới 168 mã giảm điểm, mặc dù chỉ số vẫn tăng nhẹ. Kịch bản này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại có sự đỡ giá cổ phiếu lớn và kéo chỉ số xanh để xả hàng.


Đây cũng là tuần giảm mạnh về thanh khoản khi tổng lượng giao dịch bình quân chỉ ở mức khoảng 71 triệu đơn vị, bằng một nửa so với tuần trước. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh giao dịch. Trên sàn Hà Nội, diễn biến tương tự khi các cổ phiếu lớn có xu hướng giảm giá liên tục, khối lượng giao dịch bình quân phiên chỉ đạt 42 triệu đơn vị, bằng 2/3 so với tuần trước.


Hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến TTCK là dòng tiền và niềm tin. Thời điểm này, cả hai yếu tố trên đều tiêu cực, vậy thì dù các thông tin khác có tích cực đến đâu chăng nữa như giá xăng dầu, cước vận tải giảm mạnh… cũng khó kỳ vọng về một kịch bản sáng sủa cho thị trường.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Chứng khoán 2014: Của thiên trả địa

Chứng khoán 2014: Của thiên trả địa


Chỉ trong một năm, thị trường liên tiếp có 2 nhịp sụt giảm mạnh và khiến NĐT chỉ còn nhớ đến năm 2014 với một câu ngắn gọn: của thiên trả địa.


Chỉ còn đúng 3 phiên giao dịch nữa, TTCK Việt Nam sẽ khép lại một năm quá nhiều biến động và thăng trầm. Trong khi nhiều TTCK khác trên thế giới vẫn liên tục tạo ra những kỷ lục thì TTCK Việt Nam với 2 biến cố mang tên HD981 và TT36 (Thông tư 36) đã biến một năm 2014 trở nên bất thường. Chỉ trong một năm, thị trường liên tiếp có 2 nhịp sụt giảm mạnh và khiến NĐT chỉ còn nhớ đến năm 2014 với một câu ngắn gọn: của thiên trả địa.


Một năm tưởng chừng thắng lợi cho chứng khoán khi mọi yếu tố thuận lợi nhất như lãi suất giảm, các kênh đầu tư co hẹp... hóa ra lại là một năm đầy thất vọng.


Khởi động một năm mới với sức tăng mạnh mẽ, nhưng sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy thị trường rơi thẳng đứng. NĐT trở nên hoảng loạn và lao đao trước sức bán mạnh như vũ bão, thị trường có một phiên giảm kỷ lục với hơn 30 điểm. Nhưng đến nay, suy xét lại thì đó cũng chỉ là biến cố có tính nhất thời.


Nhưng yếu tố thứ 2 mang tên TT36 mới thực sự khiến NĐT cảm thấy đau lòng, có thể cảm nhận họ thực sự chán nản. Nhiều người đã không lường thấy được những tác động to lớn của thông tư này và vẫn có niềm tin rằng một ngày nào đó trời sẽ sáng. Tuy nhiên, điều đó chưa thấy đâu còn tài khoản cứ đang ngày càng hao hụt, tiếng than vãn ngày càng nhiều rằng: “Thật không ngờ, TT36 nó lại lớn đến thế”. Và khi niềm tin suy giảm, thị trường liệu có hồi phục sớm như những kỳ vọng vẫn còn dang dở trong mỗi NĐT rằng, đầu năm sẽ có sóng. Rồi mọi thứ sẽ qua và như mọi năm, tháng 1 thị trường sẽ tăng trở lại.


Nhưng trước khi nghĩ đến điều lớn lao đó, hãy trở lại thực tế. Hãy khoan kỳ vọng mà thay vào đó là hành động dùng tiền thông minh. Trong nhịp giảm mạnh này, có không ít NĐT cầm tiền đang cười mỉm khi họ có cơ hội lớn để mua những cổ phiếu ao ước bấy lâu. Nhưng đó là những NĐT với chiến lược cụ thể và dài hơi, nó không dành cho những NĐT ngắn hạn.


Đâu đó trên các diễn đàn đang bàn tán rằng, khi TT36 có hiệu lực, thị trường chắc gì giữ được mốc 500 điểm. Đó chính là sự nguy hiểm bởi tác động rất lớn tới tâm lý của NĐT. Trong khi đó, các chuyên gia thì vẫn cho rằng, TT36 là tốt, rất tốt, nhưng với hình ảnh thị trường cứ liên tục sụt giảm thì lòng tin của NĐT đang rơi về mức rất thấp. Đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói xin gia hạn thời hạn thực hiện thông tư trên, và họ cũng đã bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của thị trường cũng như tác động của nó tới các chính sách khác của Nhà nước như thoái vốn, cổ phần hóa... Nhưng đến nay, vẫn chỉ là sự im lặng, và điều đó càng đẩy NĐT đến sự bi quan khi thời gian thực thi ngày càng gần.


Cũng có thể, sau mưa trời sẽ lại sáng và thị trường có cơ hội tăng trở lại như những gì đang từng xảy ra trong các năm trước. Nhưng để có được điều đó, chúng ta không thể bỏ quên NĐT nước ngoài, khi chính họ mới là những người dẫn dắt “cuộc chơi” này. Chính họ với sức mua bền bỉ đã dẫn dắt dòng tiền nội gia nhập. Thống kê cho thấy, tiền từ các quỹ ETF liên tục gia tăng trong các năm này, nhưng đang có dấu hiện bị rút ra khỏi TTCK Việt Nam khi mà Mỹ đang có những động thái cho thấy sẽ tăng lãi suất, đã đẩy giá trị đồng USD tăng. Khi khối ngoại giảm dần mua vào, khối nội vẫn đang còn lo lắng với TT36 thì dòng tiền nào sẽ giúp thị trường?


Điều kỳ diệu nhất lúc này là thị trường sẽ trụ vững tại mốc 500 - 510 điểm cho đến khi mọi thứ với TT36 được hóa giải theo đúng bài toán mà TT36 đặt ra. Tức là các ngân hàng nhanh chóng hạ thấp tỷ lệ nợ xấu, nhanh chóng cơ cấu lại các khoản đầu tư nhưng có được điều đó thì thời hạn phải tính bằng tháng, quý. Vậy NĐT hãy hành động, hãy khoan nghĩ đến những kịch bản tươi sáng phía trước mà thay vào đó là bảo toàn đồng vốn của mình trước khi bị loại khỏi thị trường.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/12


Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/12 của các công ty chứng khoán.


DPM: Khuyến nghị mua trong trung hạn


CTCK Rồng Việt (VDSC)


Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (DPM – sàn HOSE) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất phân ure tại Việt Nam song sự thay đổi của các chính sách mới về giá khí của PVN và Thông tư 14 về kiểm soát tải trọng xe của Bộ Giao thông Vận tải vào những tháng đầu năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD. Tuy vậy, với sự ổn định của nguồn cung ure trong nước và hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm mạnh, hoạt động kinh doanh của DPM đã có chuyển biến tích cực từ quý IV/2014.


Bước sang năm 2015, DPM vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, gồm (1) tình trạng dư cung của thị trường phân bón trong nước trầm trọng hơn và cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là đối với Đạm Cà Mau; (2) rủi ro giá bán ure giảm theo giá dầu (sẽ có độ trễ và mức độ tương quan không nhiều); (3) từ năm 2015, DPM không còn được hưởng thuế suất ưu đãi 50% cho mảng sản xuất và kinh doanh phân ure; và (4) khả năng bị tăng chi phí vận chuyển và phân phối. Trong khi đó, điểm nổi bật nhất đối với triển vọng của Công ty chính là “thế cờ đã lật ngược” nhất là từ sau khi công thức tính giá khí thay đổi vào đầu tháng 04 giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện và khả năng giảm lỗ từ công ty liên kết là hai lý do để nhận định tích cực hơn đối với DPM trong năm sau.


Dựa trên những phân tích để đưa ra kịch bản cơ sở, chuyên viên phân tích dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của công ty ước đạt lần lượt 8.958 tỷ đồng và 1.440 tỷ đồng, tương đương với EPS là 3.790 đồng/cp. Theo phương pháp định giá P/E và P/B, chuyên viên phân tích cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu DPM là 36.400 đồng/cp, cao hơn 21% so với mức đóng cửa ngày 26/12/2014 và đưa ra khuyến nghị MUA trong TRUNG HẠN đối với cổ phiếu này.


VSH: EPS 2014 ước tính đạt 1.778 đồng/cp


CTCK MayBank KimEng (MBKE)


Theo thống kê sản lượng điện của CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH), sản lượng luỹ kế quý IV/2014 tính đến ngày 25/12/2014 đạt 169.2 triệu kWh, đã cải thiện so với quý III trước đó nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ do tình hình thuỷ văn năm nay kém thuận lợi. Chúng tôi ước tính sản lượng điện cả năm đạt khoảng 680 triệu kWh, xấp xỉ năm trước (nhờ sản lượng đạt cao trong hai quý đầu năm).


Về giá bán điện, VSH đã hoàn tất việc đàm phán giá bán điện với EVN cho giai đoạn từ 2010-2013 và từ 2014 trở đi. Chúng tôi ước tính chênh lệch doanh thu giữa giá bán điện mới công bố và giá tạm tính giai đoạn 2010-2013 là khoảng 80 tỷ. Khoản chênh lệch này theo chúng tôi sẽ được ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm nay. Lưu ý rằng khoản chênh lệch này được tính theo giá hợp đồng. Ngoài ra, VSH tham gia thị trường điện cạnh tranh với lợi thế cạnh tranh là điều kiện thuỷ văn của khu vực đặt hai nhà máy có mùa mưa ngược với các vùng miền khác nên công ty có thể chào được giá bán tốt cao hơn giá hợp đồng vào mùa mưa (trong khi các vùng miền khác rơi vào mùa khô). Kể từ khi tham gia thị trường điện canh tranh từ tháng 7/2012 đến nay, doanh thu ghi nhận trong kết quả kinh doanh đều theo giá tạm tính cho giá bán điện chưa đàm phán xong, trong đó chưa tính đến phần doanh thu phụ trội từ thị trường điện cạnh tranh. Chúng tôi ước tính doanh thu phụ trội từ thị trường điện cạnh tranh mà công ty có thể ghi nhận là khoảng 100 tỷ.


Với sản lượng điện ước tính đạt 680 triệu kWh, chúng tôi ước tính doanh thu ghi nhận theo giá hợp đồng mới thoả thuận đạt 359 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ. Trong trường hợp công ty ghi nhận hồi tố phần doanh thu chênh lệch giữa giá bán tạm tính trước đây so với giá mới thoả thuận và phần doanh thu phụ trội từ thị trường điện cạnh tranh trong kết quả kinh doanh năm nay, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế 2014 có thể đạt 367 tỷ. Theo đó, EPS 2014 ước tính đạt 1.778 đồng/cp. Việc ghi nhận hồi tố doanh thu từ chênh lệch giá và doanh thu từ thị trường điện cạnh tranh là động lực ngắn hạn đối với tăng trưởng lợi nhuận của VSH. Trong dài hạn, việc thoả thuận xong giá bán điện sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ổn định hơn trước; tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện dự án Thượng Kon Tum.


VSH mới ra Nghị quyết về việc chi trả cổ tức tiền mặt năm 2013 với tỷ lệ 1.000 đồng/cp và tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 500 đồng/cp. Như vậy, tỷ suất cổ tức đạt mức cao 11%. Ngày chốt quyền hưởng cổ tức dự kiến trong tháng 1/2015. Công ty cũng dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường trong quý I/2015, nội dung có thể liên quan đến phương án tiếp tục triển khai dự án Thượng Kon Tum.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Đến 22/12: Tăng trưởng tín dụng đã "cán đích"

Đến 22/12: Tăng trưởng tín dụng đã "cán đích"


Con số này được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố trong buổi Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2014, diễn ra chiều nay (ngày 27/12/2014).


Cụ thể, thống kê của GSO cho biết: Tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 22/12/2014 tăng 15,99% so với tháng 12/2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 16,13%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,62% (cùng kỳ năm 2013 tăng 12,51%); huy động vốn tăng 15,76% (cùng kỳ năm 2013 tăng 17,23%); dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát trong biên độ đề ra.


Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt 13% (chỉ tiêu định hướng 12-14%) so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Trong đó, đến ngày 19/12, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013.


Như vậy, tính đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng đã chính thức "cán đích" đề ra của NHNN.


Cũng trong buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của NHNN, trả lời câu hỏi về việc tín dụng “cả năm đủng đỉnh”, bỗng tăng trưởng “đột ngột” vào những tháng cuối năm liệu có là tăng trưởng ảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Theo quy luật, tín dụng thường tăng thấp vào những tháng đầu năm và cao vào cuối năm. Điều này cũng phù hợp với diễn biến, mua sắm dự trữ hàng Tết.


Cũng theo đại diện NHNN, trong năm 2014, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế.


Về kế hoạch năm 2015, NHNN dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13 – 15%.


Khánh Nhi



Năm 2014 đã có hơn 9.500 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 3,2% so với năm trước

Năm 2014 đã có hơn 9.500 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 3,2% so với năm trước


Theo Tổng cục thống kê (GSO), trong năm 2014 cả nước có 74842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước.


Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013.


Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là 1.091 nghìn người, tăng 2,8% so với năm trước.


Cũng theo GSO, trong năm qua, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.


Trong năm nay, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp, hoặc không đăng ký.


Trong năm 2014 đã có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động tăng 14,5% so với năm trước.


Trong đó, 11723 doanh nghiệp dăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.


Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn.


Khánh Nhi



Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Giảm thu 50 ngàn tỷ vì dầu: Tìm đủ cách bù đắp

Giảm thu 50 ngàn tỷ vì dầu: Tìm đủ cách bù đắp


Nếu giá dầu thô tuột dốc tiếp 20-30USD thì mức giảm thu ngân sách năm tới tương ứng con số 40.000-50.000 tỷ đồng.Tuy nhiên, nhìn tổng thể,. giá dầu thô càng xuống thì Việt Nam vẫn có lợi.


Không ngại giá dầu giảm


Đó là góc nhìn của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ Tài chính chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị tổng kết ngành tài chính hôm 24/12.


Ông phân tích: "Khách quan mà nói, chênh lệch giữa nhập và xuất của Việt Nam về dầu khí nói chung là 1-1,2 tỷ. Do vậy, giá dầu càng xuống thì ta càng có lợi. Chúng ta chỉ mất cái ngắn hạn thôi".


Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: "Nếu nói ngân sách hụt thu do giá dầu giảm là không phải. Bản chất vấn đề này cần hiểu là giảm thu mới khách quan".


Ông cũng nhìn nhận: "Khi giá dầu giảm, các chi phí khác đều sẽ giảm theo thì khi đó, sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, hay lớn hơn là tăng sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Vấn đề là chúng ta phải vận hành chính sách quản lý thu-chi sao cho tốt".


Theo Bộ trưởng Dũng, bốn Bộ đã họp về công tác phối hợp và quản lý điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Công Thương. Trong đó, các kịch bản ứng phó trước giá dầu thô sụt giảm đang được tính toán.


Báo cáo của Cục Quản lý giá cho biết, cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2015 trong bối cảnh cầu yếu trong khi nguồn cung lại dồi dào. Giá dầu WTI bình quân dự kiến chỉ ở mức 77,75USD/thùng và giá dầu Brent bình quân sẽ ở mức 83,42USD/thùng.


Các con số này đều thấp hơn nhiều so với kịch bản thu ngân sách của Bộ Tài chính đã được Quốc hội thông qua với căn cứ, giá dầu thô năm 2015 là 100 USD/thùng, nguồn thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, đóng góp 10% tổng thu ngân sách.


Với ước tính mà Bộ này đã báo cáo Quốc hội, cứ giảm 1 USD/thùng dầu thô thì ngân sách giảm thu 1.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu giảm tới hơn 22 USD/thùng dầu thô thì ngân sách sẽ giảm tới 22.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu thô tuột dốc tiếp 20-30USD thì mức giảm thu ngân sách năm tới tương ứng con số 40.000-50.000 tỷ đồng.


"Nếu xoay quanh con số 40.000-50.000 tỷ đồng thì chúng tôi tính vẫn có thể bù đắp được. Nguồn thu từ dầu thô chiếm 10% tổng thu ngân sách nên bù đắp lại không phải là khó", thứ trưởng Tuấn khẳng định.


Đòi nợ đọng, tiết kiệm chi tiêu


Ông chia sẻ, một trong những nguồn bù quan trọng là phải thu được nợ đọng thuế. Năm nay, tổng nợ đọng thuế là hơn 70.000 tỷ đồng nhưng trong đó, có khoảng 20.000 tỷ đồng là khoản bất khả kháng, của những DNNN trước đây đã cổ phần hóa.


Thứ trưởng Tuấn không trông chờ gì vào việc "đòi" được khoản nợ bất khả kháng này bởi nhiều khả năng Nhà nước còn phải xử lý kỹ thuật như xóa nợ... Thậm chí, kể cả khoản kiến nghị truy thu 16.000 tỷ đồng qua công tác thanh tra, kiểm tra thì cũng 5 ăn 5 thua. Vì kết quả truy thu thực tế còn phụ thuộc vào kết quả xử lý kháng nghị của các đơn vị ở mức nào.


dầu-thô, xăng-dầu, tăng-giá-xăng, thuế-xăng, dầu-lửa, gas, giá-điện, giá-gas, GDP, lạm-phát


Về lâu dài, Việt Nam có lợi từ việc giảm giá dầu thô.


Nhưng ông nhấn mạnh, 40.000 tỷ đồng nợ đọng còn lại là ngành thuế phải thu cho bằng được. Bộ Tài chính không chủ trương tăng vay, tăng nợ công, đồng thời, đề nghị không tăng sản lượng sản xuất xuất khẩu dầu thô mà sẽ đề nghị giảm sản lượng.


Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề nghị, nếu ngân sách sụt giảm do dầu thô thì Bộ Tài chính cần có thể tính các phương án tăng thu khác. Đây chính là cơ hội để khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp. Nếu điều hành không thuận theo giá dầu thô giảm thì sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để ứng phó với rủi ro giảm thu do dầu thô sụt giá năm tới, bên cạnh việc tăng thu nội địa, tăng thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất, Bộ chú trọng kiểm soát chi thường xuyên.


Nguyên tắc chi phải đúng dự toán, tiết kiệm, chống lãng phi, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính gắn với công khai minh bạch.


Thống kê từ Bộ Tài chính, năm 2014, thu từ dầu thô ước đạt 102.000 tỷ đồng, bằng 119,7% so với dự toán, tương ứng vượt 16.800 tỷ đồng bằng 95,3% so với số báo cáo Quốc hội, tương ứng giảm 5.000 tỷ đồng, bằng 84,7% so với thực hiện năm 2013. Đây là con số ước tính dựa trên sản lượng thanh toán ước đạt 15.220 ngàn tấn, cao hơn 900 ngàn tấn so với sản lượng dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2013.


Giá dầu bình quân cả năm ước đạt 105,4 USD/thùng, cao hơn 7,4 USD/thùng so với giá dự toán, thấp hơn 4,6 USD/thùng so với báo cáo Quốc hội, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm 2013.


Theo VietnamNet




VN-Index có thể kiểm tra lại ngưỡng 510 - 515 điểm

VN-Index có thể kiểm tra lại ngưỡng 510 - 515 điểm


Ngưỡng hỗ trợ của chỉ số sàn HOSE vẫn sẽ là vùng 510 - 515 điểm. Đây là vùng hỗ trợ được tạo bởi vùng đáy tháng 5/2014 sau “sự kiện Biển Đông”.


Tuần giao dịch vừa qua đánh dấu sự phục hồi của TTCK Việt Nam sau tuần chao đảo vì giá dầu trước đó. Tính đến hết ngày 24/12, chỉ số VN-Index đã hồi phục 5,1% từ mức thấp nhất trong 6 tháng qua tại 513,06 điểm, trong khi HNX-Index cũng đã hồi phục 4,7%. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý thận trọng.


Tín hiệu tích cực từ Mỹ


Trong bối cảnh giá dầu thế giới chưa có sự phục hồi đáng kể nào thì những thông tin tích cực từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã phần nào giảm bớt tác động tiêu cực của giá dầu. Mới đây, tuyên bố của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc sẽ chờ thời điểm thích hợp để thực hiện nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 đã giúp TTCK nước này tăng vọt.


Ngoài ra, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP quý III/2014 đạt 5%, mức tăng theo quý cao nhất kể từ năm 2013, bên cạnh đó là các số liệu khả quan về tình trạng thất nghiệp. Điều này đã giúp chỉ số Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa ở mức trên 18.000 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 23/12.


Kinh tế vĩ mô Việt Nam khả quan


Trở lại nền kinh tế vĩ mô Việt Nam với những thông tin tích cực hỗ trợ cho TTCK. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 19/12, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,8% so với cuối năm 2013, nhờ đó tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng 12 - 14% đề ra từ đầu năm.


Ngoài ra, Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay ước tăng 1,84%, mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Giá nhiên liệu giảm là nguyên nhân chính dẫn đến CPI tháng 12 giảm tháng thứ hai liên tiếp, giảm 0,23% so với tháng trước. Điều này tiếp tục là điều kiện thuận lợi để Chính phủ thực hiện những chính sách nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế, nền tảng cho sự tăng trưởng của TTCK trong trung và dài hạn.


Trong ngắn hạn, sau những phiên hồi phục nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu dầu khí, TTCK trong một vài phiên gần đây có xu hướng đi ngang với thanh khoản thấp khi VN-Index chạm vào vùng kháng cự mạnh 540 điểm, cho thấy nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi tham gia thị trường ở các vùng giá cao. Hôm qua, 25/12, thị trường đã giảm điểm khá mạnh khi lực bán xuất hiện trở lại, dù chưa thực sự mạnh mẽ. Điều này cho thấy, tâm lý của thị trường vẫn khá mong manh.


… nhưng VN-Index có thể kiểm tra lại ngưỡng 510 - 515 điểm


Sau khi hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ 510 - 515 điểm, chỉ số VN-Index đã tăng nhanh lên vùng kháng cự 540 - 545 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy vậy, sau 2 nến dạng no demand (cạn cầu), chỉ số đã giảm điểm với một nến đỏ dài trên đồ thị kỹ thuật và đóng cửa dưới ngưỡng hỗ trợ của các đường trung bình động ngắn hạn, MA5 và MA10 ngày tại 535 điểm. Chúng tôi đánh giá, đây là một tín hiệu cho thấy khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh giảm trong một vài phiên tới.


Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ của chỉ số sàn HOSE vẫn sẽ là vùng 510 - 515 điểm. Đây là vùng hỗ trợ được tạo bởi vùng đáy tháng 5/2014 sau “sự kiện Biển Đông”. Nó cũng là nơi hội tụ của đường trung bình động dài hạn (3 năm) cng như vùng Fibonacci Retracement 50% cho xu hướng tăng trưởng dài hạn của VN-Index, tính từ cuối năm 2012.


Do vậy, nếu không có những thông tin đột biến tác động đến thị trường, chúng tôi cho rằng, vùng hỗ trợ này sẽ một lần nữa giúp chặn đà giảm điểm cho VN-Index. Theo đó, trong 3 - 4 tuần tới, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong biên độ 510 - 540 điểm.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Tài sản trên sàn của vợ chồng Chủ tịch HPG tăng thêm 2.400 tỷ đồng

Tài sản trên sàn của vợ chồng Chủ tịch HPG tăng thêm 2.400 tỷ đồng


Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2014 do Vnexpress công bố, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (VIC) vẫn đứng đầu với tổng tài sản 19.765,02 tỷ đồng, giảm 158,56 tỷ đồng so với năm ngoái.


Cùng giữ được vị trí của mình còn có bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng, em ông Phạm Nhật Vượng ở vị trí thứ 4 và thứ 5. Tuy nhiên, cũng giống như ông Vượng, tài sản của bà Hương và bà Hằng đều giảm so với năm ngoái, trong đó, bà tài sản của Hương giảm hơn 27 tỷ đồng, xuống 3.408,25 tỷ đồng và bà Hằng giảm hơn 18 tỷ đồng, xuống 2.276,16 tỷ đồng.


Trong khi đó, tài sản của 2 người đứng sau ông Vượng là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lại tăng khá mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, tài sản của ông Đức tăng thêm hơn 913 tỷ đồng, lên 7.300,91 tỷ đồng, còn ông Long có thêm tới 1.831,55 tỷ đồng, lên 5.984,73 tỷ đồng.


Ngoài bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Lê Phước Vũ còn ở lại Top 10, dù vị trí giảm so với năm trước, thì ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương (OGC); ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bất động sản Phát Đạt (PDR) và ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) đã ra khỏi Top 10 và được thay thế bởi 3 gương mặt mới là bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (thứ 6 với tổng tài sản 1.832,94 tỷ đồng, tăng 560,95 tỷ đồng); ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn - SSI (thứ 9 với tổng tài sản 1.750,43 tỷ đồng, tăng gần 1.070,9 tỷ đồng so với năm ngoái) và bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC (thứ 10 với tổng tài sản 1.722,74 tỷ đồng, tăng 1.173,5 tỷ đồng).


Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2014 (đơn vị: tỷ đồng, nguồn VNExpress)













































































STT



Họ và tên



Tài sản năm 2014



Tài sản năm 2013



1



Phạm Nhật Vượng



19.765,019



19.923,582



2



Đoàn Nguyên Đức



7.300,906



6.387,903



3



Trần Đình Long



5.984,728



4.153,184



4



Phạm Thu Hương



3.408,248



3.435,590



5



Phạm Thúy Hằng



2.276,158



2.294,419



6



Vũ Thị Hiền



1.832,941



1.271,994



7



Nguyễn Hoàng Yến



1.818,585



1.796,805



8



Lê Phước Vũ



1.787,330



1.770,413



9



Nguyễn Duy Hưng



1.750,428



679,543



10



Trương Thị Lệ Khanh



1.722,740



549,239



Tổng



47.647,083



42.262,672



Theo Tinnhanhchungkhoan



3 giải pháp lớn cho Thị trường chứng khoán năm 2015

3 giải pháp lớn cho Thị trường chứng khoán năm 2015


Trên nền của những kết quả mà TTCK đạt được trong năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có kế hoạch triển khai 3 nhóm giải pháp lớn, nhằm tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn trong năm 2015.


Vốn hóa thị trường tăng gần 22%


Nhìn lại kết quả hoạt động của TTCK trong năm 2014, UBCK đánh giá thị trường đã có diễn biến khả quan. Tính đến ngày 8/12, chỉ số VN-Index đạt 571,68 điểm, chỉ số HNX-Index đạt 87,17 điểm, lần lượt tăng 13,3% và 28,5% so với cuối năm 2013; tổng giá trị niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 425.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước.


Hiện mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 1.156.000 tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2013 và tương đương 32,24% GDP. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 ước đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó, tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ ước đạt 214.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013.


Ngoài triển khai sản phẩm ETF (hai quỹ ra đời trong năm 2014), cơ quan quản lý đang tích cực nghiên cứu để có thể sớm triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung. Trên cơ sở Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh để trình Chính phủ trong tháng 12/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong tạo hành lang pháp lý cho triển khai các sản phẩm mới, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro cho NĐT, tăng sức hấp dẫn cũng như góp phần đưa TTCK phát triển ở tầm cao mới.


Việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong năm qua, đã được thúc đẩy, trên cơ sở đó, tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK. Tính đến tháng 9/2014, đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. UBCK cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E, để có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới...


3 nhóm giải pháp


UBCK thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp phát triển TTCK được đưa ra từ đầu năm 2014 vẫn chưa được triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo như: tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, chế độ kế toán cho các loại hình quỹ mới…


Để thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, thu hút NĐT, trong đó có NĐT nước ngoài, UBCK đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn triển khai trong năm tới.


Thứ nhất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho TTCK thông qua xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; giám sát xử lý các DN chào bán cổ phiếu ra công chúng không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng một năm; khuyến khích DN cung cấp thông tin bằng tiếng Anh và xây dựng báo cáo phát triển bền vững; xây dựng cơ chế và lộ trình thực hiện quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết; hoàn chỉnh pháp lý để sớm đưa vào vận hành các sản phẩm cơ cấu; xây dựng pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống phụ trợ để sớm đưa các sản phẩm phái sinh vào hoạt động.


Thứ hai, kích cầu và khơi thông dòng vốn trên cơ sở triển khai nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng MSCI; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu nhà nước; rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ ngân hàng sang TTCK, để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và chứng khoán, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con; nâng cao ý thức công bố thông tin của các DN và NĐT thông qua đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về chứng khoán...; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Quỹ bảo vệ NĐT trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho NĐT; xây dựng các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho các loại hình sản phẩm mới, chẳng hạn như cho phép các sản phẩm phái sinh được hạch toán theo giá thị trường; tham gia đầy đủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, cũng như các tổ chức quốc tế khác về TTCK; phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài, qua đó xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.


Thứ ba, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hiện đại hóa cấu trúc thị trường theo hướng tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% CTCK trong nước; hợp nhất các Sở GDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh...; nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán, để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh…


Không khó nhận ra trong 3 nhóm giải pháp trên, thì rất nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý nêu ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Bởi vậy, điều các thành viên thị trường mong đợi là sẽ có bước đột phá trong triển khai các giải pháp phát triển TTCK trong năm 2015 theo hướng: số lượng các giải pháp nêu ra có thể không nhiều, nhưng được triển khai rốt ráo, qua đó tạo ra những tác động tích cực đến thị trường, thay vì nêu ra nhiều giải pháp, nhưng lại “nợ” quá lâu việc ban hành và tổ chức triển khai.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Chính thức sáp nhập 2 liên minh thẻ Banknetvn và Smartlink

Chính thức sáp nhập 2 liên minh thẻ Banknetvn và Smartlink


Công ty sau sáp nhập dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2015 có tên Banknetvn, thương hiệu Smartlink sẽ trở thành một tài sản của công ty mới.


Sáng nay (25/12), tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Công ty CP Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink (Smartlink) đồng tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng sáp nhập.


Lễ ký kết diễn ra sau khi Thủ tướng ký quyết định chấp thuận cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế sau sáp nhập đối với Banknetvn và Smartlink hôm 22/12. Thời hạn được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế là 5 năm và tự động gia hạn sau mỗi 5 năm nếu các bên tham gia tập trung kinh tế không vi phạm các điều kiện và nghĩa vụ cho hưởng miễn trừ.


Dự kiến hai công ty sẽ hoàn tất các thủ tục cuối cùng để Công ty sau sáp nhập có thể đi vào hoạt động trong Quý I/2015. Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chiếm cổ phần lớn nhất tại Công ty sau sáp nhập, điều này được cho là sẽ đảm bảo tuân thủ lợi ích quốc gia, người dùng.


Ông Phạm Tiến Dũng Chủ tịch HĐQT Banknetvn cho biết, Công ty sau sáp nhập sẽ có tên là Banknetvn, thương hiệu Smartlink sẽ được giữ lại làm tài sản của Công ty sau sáp nhập. Smartlink sẽ về hoạt động chung với môi trường, điều lệ của Banknetvn.


Sau khi sáp nhập, Chủ tịch Banknetvn cho biết việc đầu tiên là phải ổn định tổ chức, sửa đổi điều lệ, xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nguồn lực, nền tảng kỹ thuật của hai bên cũng như dựa trên các dịch vụ 2 bên đang cung cấp trên thị trường theo nguyên tắc không làm gián đoạn, chỉ cung cấp dịch vụ tốt hơn trên thị trường.


Theo ông Phạm Tiến Dũng, lễ ký kết diễn ra hôm nay chứng kiến sự sáp nhập về tổ chức, về kỹ thuật thì có lộ trình riêng. Trong quá trình chuyển đổi, hai bên cam kết sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng, nghiên cứu phương án chuyển đổi “trong suốt” để người dùng không biết câu chuyện chuyển đổi đang xảy ra, không làm gián đoạn bất cứ dịch vụ ngân hàng nào.


Công ty sau sáp nhập cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ rà soát, tổ chức sắp xếp lại hệ thống ATM, POS của các ngân hàng thương mại theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xã hội, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển và da dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng hệ thống chuyển mạch thống nhất.


Việc giao dịch qua một liên minh duy nhất giúp khách hàng có thể dùng dịch vụ tại bất cứ máy ATM nào thuộc hệ thống. Các ngân hàng thay vì phải kết nối với 2 liên minh thì giờ chỉ cần 1 kết nối, qua đó tiết kiệm chi phí, mang tới chi phí hợp lý hơn cho khách hàng, tối ưu hóa ATM, POS.


Đặc biệt, Công ty sau sáp nhập sẽ có nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip cho quốc gia. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Banknetvn xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip bản quyền Việt Nam nhưng tương thích với tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập quốc tế. Dự kiến bộ tiêu chuẩn thẻ chip sẽ được thử nghiệm trong 2015 và nếu kết quả thử nghiệm tốt Banknetvn sẽ trình NHNN ban hành lộ trình chuyển đổi, lộ trình cụ thể sẽ do Thống đốc NHNN quyết định.




Viettel đạt doanh thu gần 10 tỷ USD trong năm 2014

Viettel đạt doanh thu gần 10 tỷ USD trong năm 2014


Nếu so với các doanh nghiệp viễn thông, năm nay Viettel vẫn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất với con số là 20% so với năm 2013. Ước tính đến hết năm 2014, doanh thu của Viettel đạt 196.650 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD) và đạt lợi nhuận trước thuế: 40.532 tỷ đồng. Trong khi Viettel vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt thì VNPT lại bị giảm doanh thu và lợi nhuận sau khi Thủ tướng đồng ý cho MobiFone ra ở riêng và trở thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Ước tính doanh thu năm 2014 của VNPT chỉ đạt là 101.055 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Nếu nhìn trên con số tổng doanh thu có thể thấy doanh thu của Viettel gần gấp đôi VNPT.


Sau khi tách MobiFone thì lợi nhuận của VNPT cũ bị sụt giảm và ước tính chỉ đạt 6.310 tỷ đồng, lợi nhuận của Viettel đạt tới 40.532 tỷ đồng. Với con số này lợi nhuân của Viettel sẽ gấp khoảng hơn 6 lần lợi nhuận của VNPT.


Năm 2013, tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT khoảng 119.000 tỷ đồng, trong khi đó, doanh thu của Tập đoàn Viettel là 162.886 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu năm 2013 của Viettel vượt VNPT là 43.886 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế của Viettel cũng nhiều hơn VNPT là 25.821 nghìn tỷ đồng.


Trước đó, 2012 là năm đầu tiên đánh dấu doanh thu của Viettel lần đầu tiên vượt VNPT (140 nghìn tỷ đồng so với 130.500 tỷ đồng). Mức lợi nhuận năm 2012 của Viettel cũng gấp hơn 3 lần so với VNPT.


Trước thực tế thuê bao di động chuyển sang ngưỡng bão hòa thì Viettel đã đưa ra chiến lược cho hướng đi mới.Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, xu thế mọi người rời bỏ PC, đưa ứng dụng CNTT trên nền tảng di động (smartphone, tablet) đã phổ biến. Rất nhiều doanh nhân bắt đầu điều hành chủ yếu bằng “văn phòng di động” trên smartphone, tablet... Vì vậy, Viettel sẽ phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hướng dịch chuyển này.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Viettel sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kết hợp “3 trong 1”: CNTT, viễn thông và thiết bị thông minh (smart device). Ví dụ: công tơ điện là một device, Viettel gắn vào đó một SIM 3G, sau đó dữ liệu được đưa về máy tính để xử lý, với việc tích hợp này, Viettel sẽ xác định mức tiêu thụ, công suất, điện áp, thu tiền điện giống như với điện thoại di động. Viettel sẽ biến CNTT không phải là sản phẩm mà thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông.


Viettel đặt mục tiêu trở thành công ty nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Nếu Viettel và các doanh nghiệp khác thành công trong việc nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Viettel cũng đặt mục tiêu phải phổ cập hóa di động băng rộng, siêu băng rộng bằng cáp quang, phổ cập truyền hình cáp, kết hợp với thiết bị điện tử, đưa dịch vụ viễn thông, CNTT vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.


“Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu. Tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư thì phải là 1 trong 3 công ty to nhất ở thị trường đó. Viettel cũng đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.



Nợ xấu: 'Khách có tiền vẫn không chịu trả'

Nợ xấu: 'Khách có tiền vẫn không chịu trả'


Các định hướng cơ bản cho năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội nghị toàn ngành, hôm 25/12.


Đó là: kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%; tín dụng tăng trưởng khoảng 13 - 15%; giảm được nợ xấu về dưới 3%; tiếp tục ổn định tỷ giá; thực hiện các giải pháp về lãi suất và tín dụng để tăng hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống…


“Không muốn lãi suất tăng lên”


Riêng về điều hành tỷ giá, tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chính thức nêu định hướng năm 2015 nếu có điều chỉnh sẽ không quá 2%; mục tiêu chung là tiếp tục giữ ổn định.


Về lãi suất, Thống đốc nhìn lại rằng, trong năm 2014, mục tiêu kéo lãi suất cho vay về quanh 10% đã hiện thực; mặt bằng lãi suất nói chung đã thấp hơn những năm 2005-2006.


Cho rằng các ngân hàng không muốn lãi suất tăng lên, vẫn tiếp tục tìm hướng có thể giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, việc duy trì được mặt bằng lãi suất hiện nay trong năm tới là hết sức khó khăn. Một mặt, nhu cầu vốn của nền kinh tế có thể tăng lên, cùng đó lạm phát vẫn là yếu tố không thể chủ quan; cả hai có thể gây sức ép lên lãi suất.


Với lạm phát, Thống đốc phân tích rằng, năm 2014 ở mức thấp do có những yếu tố đột biến, đặc biệt là tác động từ sự sụt giảm mạnh và nhanh của giá dầu thế giới. Cùng đó, do Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 dương lịch, nên áp lực lạm phát không thể hiện ở cuối năm nay như thông thường các năm.


Cũng về lãi suất, tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, đưa ra một kết quả tham khảo. Đó là chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương.


Tại Tp.HCM, sau hai năm triển khai, qua 42 đợt kết nối, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia. Riêng năm 2014 tổng số vốn ký kết cho vay qua chương trình này đã lên tới 40.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao.


Đáng chú ý, ông Minh cho biết, các doanh nghiệp tham gia vay chương trình trên, dù không thuộc diện ưu đãi, nhưng với ngắn hạn đã vay được lãi suất tối đa là 7%/năm, 10%/năm với trung dài hạn.


Mục tiêu giảm nợ xấu là khả thi


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), đưa ra thông tin “đáng mừng” về tình hình nợ xấu tại ngân hàng mình: kiểm soát dưới 3%.


“Đáng mừng”, bởi đến cuối quý 3/2014, nợ xấu của MB chớm trên 3%. Điều này khiến một số nhà đầu tư, hoặc các đầu mối liên quan quan ngại về việc đảm bảo yêu cầu trong cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán (theo Thông tư 36 vừa ban hành, ngân hàng nào có nợ xấu trên 3% sẽ phải ngừng nghiệp vụ này).


Tổng giám đốc MB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn, hỗ trợ từng ngân hàng trong quá trình thực hiện các chính sách quan trọng trong Thông tư 02/Thông tư 09 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro) và Thông tư 36 (về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động).


Ông Lê Công cho rằng, các chính sách trên là hướng hệ thống hoạt động theo thông lệ tốt của quốc tế, nên dù có tác động có thể khiến hoạt động ngân hàng nói chung khó khăn trong năm tới nhưng sẽ quyết tâm thực hiện theo lộ trình.


Với nợ xấu, lãnh đạo MB nhấn mạnh lại quan điểm được đề cập đến nhiều thời gian qua, rằng: vấn đề nợ xấu là của cả nền kinh tế, chỉ ngành ngân hàng không xử lý được, mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành và doanh nghiệp.


Trong mối quan hệ trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương (VietinBank), phản ánh một hiện tượng đáng chú ý về sự phối hợp của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn.


Theo ông Thắng, thực tế hoạt động cho thấy, tại nhiều địa bàn, khách hàng có tài sản những ngân hàng không thể thu hồi. Và trong lịch sử ngành ngân hàng, chưa bao giờ có chuyện là ngân hàng phải đi ốp cơ quan thi hành án, để cùng xử lý vấn đề nợ xấu.


Thậm chí, cũng theo Chủ tịch VietinBank, có những trường hợp cho vay làng nghề, mặc dù người vay có tiền nhưng lại không chịu trả nợ, phát mại tài sản thì không chịu hợp tác; hay tại Hải Phòng, có doanh nghiệp làm ăn bình thường nhưng cũng không trả nợ ngân hàng…


Thế nên, ông Thắng vẫn tiếp tục kiến nghị (vấn đề đã đề cập suốt vài năm qua), Ngân hàng Nhà nước làm sao đó để tìm các giải pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp…, tạo những khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo.


Dù gặp những khó khăn như vậy, nhưng Chủ tịch VietinBank vẫn tin rằng, mục tiêu giảm được nợ xấu về dưới 3% vào cuối 2015 mà Quốc hội đã giao là khả thi.


Trước đó, khi trả lời VnEconomy về mục tiêu giảm nợ xấu mà Quốc hội đã thông qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhìn nhận, dù áp lực nhưng đây là một mục tiêu khả thi.


Theo Vneconomy




NỆM LIÊN Á