Chuyến đi từ thiện ý nghĩa của Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức tới với người nghèo Ba Tri (Bến Tre) đã kết thúc. Nhưng những ấn tượng về chương trình còn mãi với các tình nguyện viên (TNV), đó là những câu chuyện, những cảnh đời khiến người ta không khỏi thôi nghĩ về...
Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng những dòng viết của hai TNV trong chuyến đi tới Bến Tre.
Bạn Thanh Xuân sống tại Hải Phòng viết:
Đi và nhớ!....những khuôn mặt người!
Cũng không còn quá ngây ngô để nói về những lần đầu tiên. Nhưng cảm giác lần này khác quá. 5924 bệnh nhân, 700 người tham gia làm từ thiện, một con số chưa bao giờ mình nghĩ đến.
Xa Bến Tre một ngày rồi mà mọi thứ như mới đây! Những khuôn mặt người, những dáng hình!
Mình chưa bao giờ có cảm giác lo lắng (chưa đến mức trăn trở) cho những người xa lạ nhưng chỉ sau 2 ngày bỗng chốc có cảm giác như quen. “Con à, bà bị đau ở đây, ở đây, ở đây nữa…”, “ Bác không bị sao, bác chỉ đến xin thuốc bổ”, “Con đã cho bà thuốc đau bao tử chưa…”, “Bà không có tiền mua thêm thuốc..”… rất thật, rất đơn giản mà gây một chút gì nhói nhói. Thật sự thì với số lượng bệnh nhân lớn đến vậy, vẻn vẹn trong hai ngày mình không ngờ có thể làm được và làm một cách thoải mái như vậy, lúc đầu có chút bất đồng về ngôn ngữ mình đã phải nói rất nhiều đến lạc cả giọng và đói nữa nhưng không có cảm giác muốn buông bỏ. Rồi lo lắng, không biết mình đã dặn dò kĩ rồi bà con có nhớ không hay lại quên mất uống thuốc không đúng chỉ định… Cả những cái siết tay cảm ơn của các cô các bác, ông bà, những ánh mắt... Nhiều điều suy nghĩ!
Thanh Xuân
Những TNV nhiệt tình, ân cần
Đấy là trong phòng khám nội II nhỏ bé của mình thôi, quá ít ỏi so với bên ngoài. Ngoài đó, những bóng áo xanh Minh Đức thoăn thoắt với công việc được giao để đảm bảo cho công việc thông suốt và tận tình với bà con. Mưa! nước mưa hòa cùng với mồ hôi của các bạn, các u nhưng có hề gì, nụ cười vẫn không hề tắt, đôi tay vẫn không hề ngừng nghỉ.
Cuối ngày thứ hai, sau khi xong xuôi công việc, trong lễ tổng kết, những hình ảnh xúc động nhất, những chia sẻ chân thành nhất, những câu chuyện và những lời động viên của Thầy để nhìn lại những điều mình chưa kịp biết, để nhìn lại chính mình! Có gì đó cay cay… Vẫn áo xanh Minh Đức, các bạn mang đến cho mọi người sự tươi trẻ và thay chúng tôi gửi những lời tri ân đến những người đã hết lòng vì sự nghiệp từ thiện. Đồng hành cùng các bạn tôi như trẻ lại!
Tôi không thể quên những khuôn mặt người! Những nụ cười và những kỉ niệm… Bến Tre, lần đầu tiên trong tôi!
Và dưới đây là những dòng chia sẻ của tình nguyện viên Nguyễn Đức Du, hiện cũng là một bác sĩ trẻ tại Hải Phòng.
Vậy là chuyến đi tình nguyện có lẽ là dài nhất, xa nhất đã kết thúc. Bác sỹ trẻ sẽ trở lại cuộc sống ở thành phố hiện đại. Nhưng những ngày ở miền quê xa xôi huyện Ba Tri, Bến Tre sẽ mãi lưu lại trong kí ức. Ở đây,chỉ với máy móc xét nghiệm thô sơ, nghèo nàn, thuốc men thiếu thốn, bác sỹ cùng với nhiều y bác sỹ khác, cùng với rất nhiều bạn thiện nguyện viên trẻ đã khám chữa bệnh cho 5924 lượt đồng bào nghèo. Con số có lẽ mãi chỉ là con số. Nhưng có sống trong hoàn cảnh ấy, có trực tiếp làm việc mới thấy con số đó thật sự to lớn, khối công việc khổng lồ thế nào.
Nguyễn Đức Du
Đây là lần khám chữa bệnh tình nguyện thứ 7 trong đời của bác sỹ trẻ. Chuyến đi khám thứ 3 cùng Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức, đánh dấu tròn 1 năm tham gia cùng Hội. Lần đầu tiên bác sỹ trẻ đến với sự nghiệp khám chữa bệnh tình nguyện, đến với Hội có lẽ là do tính tò mò, muốn khám phá của người trẻ. Sau này bác sỹ trẻ nhận ra nó là cái Duyên. Duyên tiếp nối Duyên,và những lần sau nữa đi khám bệnh không còn là tò mò nữa. Bác sỹ trẻ nghĩ nó là cái Nợ mà bác sỹ trẻ nợ đồng bào. Nợ đồng bào vì cái nhìn cảm ơn, vì tình cảm trìu mến mà đồng bào dành cho. Bác sỹ trẻ sẽ nhớ mãi trong chuyến đi lần này, có một bà lão đã nắm tay bác sỹ thật chặt, cảm ơn bác sỹ thật lâu vì đã về đây khám cho bà con. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy sao bác sỹ quên được. Có một bà cụ sau khi đi khám xong đã đi khắp phòng để cảm ơn và chào các y bác sỹ trong phòng. Lần đầu tiên trong đời bác sỹ trẻ thấy cảm động đến vậy khi đi khám bệnh. Đấy mới thật sự là điều mà cậu bác sỹ trẻ này mong muốn có được khi mơ ước vào ngành Y. Tình cảm ấy gấp hàng ngàn hàng vạn lần thứ gọi là "phong bì" mà người dân và báo chí đang ngày ngày lên án kia.
Các TNV mang gạo giúp người dân
Lần đi khám bệnh này, sức khỏe bác sỹ trẻ không tốt. Bị viêm họng ngay trước khi lên đường. Nhưng bác sỹ trẻ vẫn quyết tâm đi với hi vọng bệnh tật lui sớm để bác sỹ hoàn thành tốt công việc. Nhưng bệnh càng ngày càng nặng, ho càng nhiều, đau họng càng nhiều. Ngày khám đầu tiên thậm chí có lúc bác sỹ trẻ đã không thể nói chuyện được nữa. Một phần cũng bởi đồng bào hầu như toàn các cụ nặng tai, khi nói chuyện bác sỹ luôn phải nói rất to, cộng thêm bất đồng về ngôn ngữ khiến bác sỹ phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi nhiều lần. Đến cuối ngày, nhờ có mấy bác sỹ tăng cường mà bác sỹ trẻ đã xin nghỉ để giữ tiếng cho ngày hôm sau.
Ngày khám thứ 2 bác sỹ vẫn ho, rát họng nhiều hơn. Cứ nghĩ sẽ không thể hoàn thành nổi công việc của mình. Nhưng có lẽ ông trời đã không thử thách bác sỹ thêm nữa. Nhờ kinh nghiệm từ buổi khám hôm trước mà bác sỹ trẻ biết đặt những câu hỏi dễ hiểu nhất cho bà con,không phải nhắc lại câu hỏi nhiều. Bác sỹ trẻ đã kết thúc được công việc của mình mà không còn cảm thấy mệt như hôm trước. Kết thúc 2 ngày khám bệnh,bác sỹ vui mừng vì không để bà con nào có giấy khám mà không được khám.
Mỗi lần khám bệnh là bác sỹ trẻ lại được tiếp xúc và được nghe nhiều hơn những câu chuyện về cuộc đời mỗi đồng bào. Có những câu chuyện mà bác sỹ cảm thấy thật sự xúc động, lặng yên nghe đồng bào tâm sự về cuộc đời mình. Đôi lúc lại cảm thấy day dứt, bất lực vì không thể giúp đồng bào được nhiều hơn. Có những ánh mắt đau đớn đến ám ảnh bác sỹ trẻ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét