Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Bầu bổ sung 8 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bầu bổ sung 8 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương


Ngày thứ 7 Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI (11/1) đã bầu bổ sung 8 đồng chí Ủy viên UB Kiểm tra Trung ương khóa XI.


Sáng nay (11/1), Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại hội trường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì điều hành phiên họp.


Ban Chấp hành Trung ương nghe báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XI.


Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI.


Đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc xem xét giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 8 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI, biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật đảng như đề nghị của Bộ Chính trị.


Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại Tổ, thảo luận về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.




Chiến lược 'sống chết mặc bay' của OPEC trong cuộc chiến giá dầu

Chiến lược 'sống chết mặc bay' của OPEC trong cuộc chiến giá dầu

Nếu như Nga sử dụng đến các công cụ tài chính để ổn định nền kinh tế trong nước, trong khi Mỹ sử dụng các tập đoàn bảo hiểm, thì OPEC lại đang áp dụng một chiến lược không giống ai, đó là “sống chết mặc bay”.



Hầu hết giới phân tích đã đặt ra câu hỏi liệu Ả Rập Saudi, nước thành viên quan trọng nhất của OPEC, sẽ làm gì để duy trì cuộc chiến giá dầu với Nga và Mỹ khi mà khá nhiều các nước thành viên của OPEC không đủ tiềm lực để theo đuổi một sự giảm giá dầu dài ngày.


Chiến sự ở Lybia và cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela gần như không cho phép hai nước này có thể giữ nguyên sản lượng dài ngày nếu giá dầu vẫn thấp như thế này. Và một khi các nước này không thể tiếp tục duy trì sản lượng, cũng đồng nghĩa với việc chính sách ghìm giá dầu thấp của OPEC sẽ bị phá sản.


Nhưng có vẻ như Ả Rập Saudi đã tìm ra được cách giải quyết, dù bị cho là không giống ai, của mình. Thay vì bơm một lượng tiền lớn hỗ trợ các nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chính một cách dàn trải, Ả Rập Saudi đang tập trung sự hỗ trợ tài chính của mình cho các thành viên chủ chốt nhất vốn đang là những nước cung cấp phần lớn lượng dầu xuất khẩu của OPEC, điển hình là Iraq, và mặc kệ những nước khác vốn chỉ có lượng dầu xuất khẩu trung bình nhưng lại đang cần quá nhiều tiền để giải quyết những khó khăn trong nước, như Venezuela.


Nếu Ả Rập Saudi được ví với Vua trong OPEC, thì Iraq thường được xem là Hậu, chủ yếu do nước này chỉ xếp sau Saudi về mặt sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu. Trong chiến lược cạnh tranh với Nga và Mỹ của mình, Saudi đang tập trung vào Iraq như một con bài chiến lược quan trọng nhất.


Theo đó, Saudi sẽ hỗ trợ Iraq về tài chính để giảm thiểu những khó khăn do giá dầu giảm đồng thời giúp nước này tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu bù lại mức thiếu hụt mà những nước gặp vấn đề về xung đột quân sự như Lybia hay khủng hoảng kinh tế như Venezuela gây nên.


Và có vẻ như chiến lược này của Ả Rập Saudi đang tỏ ra khá hiệu quả. Iraq đang tiến dần đến việc phá vỡ kỷ lục xuất khẩu dầu của chính mình từ những năm 80 với mức 2,94 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia cũng cho rằng, Saudi đóng một vai trò lớn trong việc Iraq đạt được thỏa thuận với khu vực bán tự trị của người Kurd để xuất khẩu dầu qua đường Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được coi là một vấn đề nan giải suốt nhiều năm qua.


Iraq tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu không chỉ để bù đắp khoản thiếu hụt của Lybia mà còn là câu trả lời trực tiếp cho việc cả Nga và Mỹ đều đã tăng sản lượng khai thác trong thời gian qua. Theo đó, Nga đã tăng sản lượng của mình lên mức xấp xỉ 10.667.000 thùng/ngày vốn là một kỷ lục từ thời Liên Xô, trong khi đó Mỹ đã đạt đến mức 9.130.000 thùng/ngày trong tuần trước, tăng 49.000 thùng/ngày kể từ khi OPEC phát động cuộc chiến trong cuộc họp ở Vienna ngày 27.11.2014.


Theo các chuyên gia, việc áp dụng chiến lược này có thể giúp OPEC tiếp tục cuộc đua giá dầu với Mỹ và Nga, nhưng sẽ đem lại hậu quả lâu dài là sự rạn nứt giữa các nước thành viên trong OPEC sẽ ngày càng lớn. Trong một động thái mới nhất, Algeria đã lên tiếng kêu gọi OPEC xem xét lại chính sách không giảm sản lượng của mình, còn Venezuela tiếp tục trở thành con nợ lớn nhất của Trung Quốc sau khi vay thêm 4 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng kinh tế trong nước.


Bản thân Ả Rập Saudi cũng đã lên tiếng từ chối đề nghị thành lập khối thịnh vượng chung trong nội bộ OPEC, vốn là đề xuất để các nước thành viên có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Saudi.


Theo ước tính của EIA, việc dầu giảm giá có thể khiến 12 thành viên của OPEC chịu mức thiệt hại lên tới 257 tỷ USD doanh thu trong năm nay, trong đó khả năng vỡ nợ của Venezuela trong năm năm tới lên đến 93% - một mức quá cao và gần như sẽ xảy ra.


Chỗ dựa chủ yếu của OPEC trong cuộc chiến giá dầu với Nga và Mỹ lần này cũng sẽ nằm ở khoản dự trữ ngoại tệ của bốn nước OPEC vùng Trung Đông, có giá trị khoảng 826 tỷ USD. Có vẻ như chiến lược của Saudi sẽ chỉ tập trung vào khối bốn nước Trung Đông này hơn là cả 12 thành viên của OPEC.



Kích tổng cầu để đưa nợ xấu xuống dưới 3%

Kích tổng cầu để đưa nợ xấu xuống dưới 3%


Để đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2015, giải pháp được cho là có tác dụng chính là kích cầu, trong đó có cả kích cầu bất động sản.


Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến cuối quý III/2014 chiếm khoảng 4,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (trừ đi khoản đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, tổng nợ xấu còn lại của ngành khoảng 161.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh).


Không ai có thể khẳng định, khi nào sẽ giải quyết được nợ xấu, nhưng TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để giải quyết được nợ xấu, trước hết phải cải thiện được tổng cầu của thị trường, song cần có thời gian.


“Nếu tập hợp các giải pháp đồng bộ, như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt; ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để có thể xử lý được phát mãi tài sản; hình thành thị trường mua - bán nợ, thì tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh hơn so với hiện nay. Mặt khác, cần thêm cơ chế và trao quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bán nợ để có điều kiện mua thêm nợ xấu…, mới có thể đạt được mục tiêu kéo nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2015”, ông Lịch nói.


Thực tế cho thấy, trong 3 năm qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã ra sức xử lý nợ xấu bằng nhiều hình thức khác nhau (thu hồi nợ bằng tiền mặt, cơ cấu, gia hạn, giảm lãi suất, bán nợ xấu cho VAMC, phát mãi tài sản và tăng trích dự phòng rủi ro), nhưng nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện, tình hình trì trệ của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể được đánh tan.


Nợ xấu của ngành ngân hàng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, vì tài sản thế chấp là bất động sản chiếm 85-90%. Nhưng quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn và mất thời gian, nhất là để phát mãi được tài sản thế chấp.


Do đó, giải pháp được cho là có tác dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu chính là kích cầu, trong đó có cả kích cầu bất động sản bằng cách giảm lãi suất, rộng cửa đối với tín dụng lĩnh vực này khi ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh cho vay mua nhà.


“Nếu bất động sản tan băng, sẽ là điều kiện tốt nhất để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên ngay thì rất khó, kể cả có thêm gói kích cầu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nói và cho rằng, cần phải hiểu VAMC chính là một công cụ, sáng kiến tốt của NHNN trong việc làm sạch bản cân đối kế toán tạm thời cho ngân hàng. VAMC cũng chỉ mua nợ xấu của các ngân hàng tạm thời, song khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Thực tế, hơn 95.000 tỷ đồng mà VAMC mua lại chưa có đầu ra. Do đó, theo TS. Hiếu, không nên kỳ vọng quá nhiều vào VAMC.


Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mục tiêu đưa nợ xấu của ngành về 3% trong năm 2015 của NHNN cũng có cơ sở, khi mà nền kinh tế đã có những bước phục hồi mạnh mẽ: tăng trưởng năm nay đạt trên 5,9%, lạm phát lại thấp, một số chỉ tiêu khác cũng rất tốt như xuất khẩu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm…


Mặt khác, Thủ tướng đã khẳng định trước Quốc hội là, năm 2015, sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Vì thế, TS. Phước cho rằng, nếu đà phục hồi này được duy trì cùng với việc thực hiện tốt tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thay đổi môi trường đầu tư, thì mục tiêu giảm nợ xấu xuống mức thấp 3% là hoàn toàn khả thi.


Cũng theo TS. Phước, việc VAMC ra đời đã là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp với tình hình của Việt Nam. Mặc dù cần thay đổi và tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để VAMC có thể thực hiện tốt hơn vai trò, nhưng những gì VAMC thực hiện thời gian qua và thông qua VAMC, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được trở lại vốn vay.


Tuy nhiên, các chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ khẳng định, phải tạo lập các quyền hạn nhất định để VAMC có thể hoạt động được một cách hiệu quả như là khả năng giải quyết tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, cũng như xây dựng thị trường nợ. TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu tăng quyền cho VAMC trong xử lý hành chính, thì việc xử lý nợ xấu mới triệt để.


Theo Báo Đầu tư




Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Phó thống đốc NHNN: 'Không nên lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36'

Phó thống đốc NHNN: 'Không nên lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36'


Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, không nên lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 và phải áp dụng đúng lộ trình là đầu tháng 2/2015


Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cái gì có đi thì mới có đến, nghĩa là những gì hợp lý cho hoạt động của ngân hàng cũng như thị trường thì phải cân nhắc để thực hiện, do đó không nên trì hoãn việc áp dụng các quy định của Thông tư 36.


Trong khi thị trường và nhất là các ngân hàng vẫn kỳ vọng lần này NHNN sẽ lùi thời hạn thực hiện Thông tư 36 như Thông tư 02 trước đó để có thời gian chuẩn bị, nhưng Phó Thống đốc cho rằng, nếu trì hoãn thực hiện các quy định của Thông tư 36 sẽ tạo thành một tiền lệ không hay khi các quy định đưa ra thường có sự trì hoãn thời gian áp dụng so với lộ trình dự kiến lúc đầu. Chính điều này cũng sẽ tạo thói quen cho thị trường, ngân hàng thương mại.


Các ngân hàng không nên quen với việc các chính sách đưa ra lại bàn đến chuyện trì hoãn. Có thể trước mắt, việc áp dụng các quy định mới sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường, nhất là với chứng khoán.


Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Thanh, chính các quy định đó sẽ làm cho TTCK phát triển một cách bền vững bằng nguồn tiền thực, chứ không thể kỳ vọng từ nguồn vốn tín dụng.


“Về nguyên lý thị trường vốn phải đỡ thị trường tiền tệ, không phải thị trường tiền tệ đỡ thị trường vốn. Do đó, việc siết lại nguồn tiền vay chứng khoán là cần thiết để tạo lập sự tăng trưởng bền vững với chứng khoán”, ông Thanh nói.


Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, việc ban hành Thông tư 36 về các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giúp ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, ngăn chặn các yếu tố sở hữu chéo, lợi ích, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững hơn.




Vì sao OPEC quyết hạ giá dầu?

Vì sao OPEC quyết hạ giá dầu?



Trong suốt 6 tuần qua, các đại diện của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) và Kuwait đã nhiều lần nhấn mạnh rằng OPEC sẽ không giảm sản lượng để giá dầu ngừng giảm.



Theo các ngân hàng Barclays Plc và Commerzbank AG, thực chất thì các nước này muốn giá giảm sâu hơn nữa nhằm gây áp lực lên các nhà sản xuất dầu từ đá phiến sét của Mỹ. Và, có vẻ như họ đang dần dần đạt được mục tiêu.


Giá dầu thô đã giảm 48% trong năm ngoái và 34% kể từ khi OPEC kiên quyết giữ vững mục tiêu sản lượng hôm 27/11. Quyết định này - mặc dù sẽ khiến nguồn thu ngân sách của OPEC bị ảnh hưởng - hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ thị phần trong tương lai.


Jamie Webster, chuyên gia phân tích đến từ IHS Inc., nhận định giá càng giảm nhanh, thị trường càng sớm chứng kiến phản ứng của các nhà sản xuất Mỹ. "Đó chính là kỳ vọng của OPEC. Tôi chưa bao giờ thấy thời điểm nào mà một vài thành viên của OPEC lại chủ động đẩy giá xuống như hiện nay", ông nói.


Tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ ở mức 9,13 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1 triệu thùng so với cách đây 1 năm và tăng thêm 49.000 thùng so với thời điểm cuộc họp của OPEC diễn ra hồi tháng 11. Kỹ thuật khai thác mới đã giúp sản lượng tăng thêm 66% trong 5 năm qua. Xuất khẩu - vẫn đang bị hạn chế bởi luật lệ - chạm mức cao kỷ lục 502.000 thùng/ngày trong tháng 11.


4 nước Trung Đông thuộc OPEC vẫn đang dựa vào số tài sản dự trữ trị giá 826,4 tỷ USD (theo ước tính của IMF) để chịu đựng đà lao dốc của giá dầu. Xăng dầu chiếm khoảng 63% kim ngạch xuất khẩu của các nước này.


Giá giảm sẽ khiến 12 nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015, theo ước tính của EIA. Có tới 93% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trong vòng 5 năm tới, theo công ty dữ liệu CMA.


Hôm 21/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi tuyên bố quyết sẽ giữ vững lập trường kể cả khi giá dầu rơi xuống 20 USD/thùng hoặc các nước ngoài OPEC chọn phương án cắt giảm sản lượng. Thậm chí nếu các nước này cắt giảm, Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng.


Phát biểu hôm 14/12, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei cũng tuyên bố sẽ không cắt giảm sản lượng kể cả khi giá dầu giảm và sẽ đợi ít nhất 3 tháng trước khi xem xét về một cuộc họp khẩn cấp.


Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait thì cho rằng giá sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm vì những nhà sản xuất chịu chi phí cao nhất buộc phải thu hẹp hoạt động.


Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất Mỹ lâm vào một cuộc chiến thị phần với OPEC. Năm 1986, Saudi Arabia "mở van dầu" và khiến giá lao dốc tới 67% trong 4 tháng, xuống gần mức 10 USD/thùng. Toàn bộ ngành công nghiệp của Mỹ đã sụp đổ và Saudi lấy lại được vị thế dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ thế giới.


Chuyên gia phân tích Miswin Mahesh đến từ ngân hàng Barclays cho rằng dường như OPEC muốn giá lao dốc nhanh chóng thay vì giảm từ từ. Giá lao dốc sẽ tác động nhiều hơn đến các nhà sản xuất ngoài OPEC, trong khi giá giảm từ từ giúp các công ty này "nổi lên và hoạt động hiệu quả hơn".


Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có cùng quan điểm như trên. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho rằng khiến giá đột ngột giảm giá không phải là một chiến lược hiệu quả bởi cung và cầu phản ứng quá chậm với biến động giá trong ngắn hạn.


Trong những năm 1980 và 1990, các bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia cũng đã cố gắng dùng những lời bình luận và phát biểu để ép giá giảm nhằm gây các lực buộc các nước OPEC khác đồng ý thay đổi hạn ngạch.


Dẫu vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy phương pháp tiếp cận của OPEC đang bắt đầu phát huy tác dụng. Đầu tư vào dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm mạnh trong năm 2015.



Cổ đông của BJC phủ quyết phương án mua lại Metro Việt Nam

Cổ đông của BJC phủ quyết phương án mua lại Metro Việt Nam


Ngày 8/1, Đại hội cổ đông bất thường của Berli Jucker (BJC) đã phủ quyết phương án Tập đoàn này mua lại hệ thống bán buôn Metro Cash & Carry Việt Nam.


Theo đó, 88,5% cổ phần có quyền biểu tham dự đại hội – không bao gồm cổ đông lớn nhất là TCC Holdings, sở hữu 73,7% cổ phần – đã nói không với kế hoạch trên.


Trong thời gian gần đây, đại diện của TCC Holdings đã tiến hành đàm phán với Tập đoàn Metro để đạt được phương án tốt nhất cho việc BJC mua lại Metro Việt Nam. Với mối quan hệ tốt đẹp giữa TCC Holdings và Metro, các cuộc đàm phán đã có nhiều tiến triển.


Với việc cổ đông nhỏ của BJC không thông qua, TCC Holdings sẽ tiếp tục đàm phán để trực tiếp thực hiện thương vụ này.


Kiến Khang



Tỷ giá tăng 1%, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Tỷ giá tăng 1%, doanh nghiệp nào hưởng lợi?


Việc tăng tỷ giá 1% đầu năm sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 2015.


Ngay đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1%, trong kế hoạch dự kiến điều chỉnh 2%.


Việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho các nhóm ngành xuất khẩu với nguồn thu USD lớn. Trên sàn chứng khoán các ngành được hưởng lợi tiêu biểu là thủy sản và cao su tự nhiên.


Dữ liệu từ Hải quan cho biết tính đến ngày 15/12, hàng thủy sản đạt giá trị xuất khẩu 7,48 tỷ USD, đứng thứ 3 sau nhóm may mặc (bao gồm giày dép, túi xách) và linh kiện điện tử (máy tính, điện thoại). Trong khi đó, giá trị xuất khẩu cao su trong cùng kỳ là 1,68 tỷ USD, đứng thứ 6 trong 10 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam năm 2014.


Hầu hết các công ty thủy sản đang niêm yết đều có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu doanh nghiệp, phần lớn thực hiện bằng USD. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá cho doanh nghiệp thủy sản.


Đối với vua tôm Minh Phú (mã MPC - sàn HOSE), trong 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 520 triệu USD. Trong 2014, MPC lên kế hoạch kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 550 triệu USD, tăng 5% so với 2013.


Vĩnh Hòa, công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất thu về 125 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Trong khi Hùng Vương và các công ty liên quan cũng đạt doanh số xuất khẩu hơn 150 triệu USD.


Những doanh nghiệp thủy sản hiện cũng vay vốn bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động do lãi suất thấp hơn VND. Tuy nhiên, khoản chênh lãi tiền vay ngoại tệ của các doanh nghiệp này đều thấp hơn nhiều so với doanh thu mang lại.


Trong ngành cao su, giá bán cao su đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên giảm lãi.


Việc tăng tỷ giá được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp này (doanh thu từ xuất khẩu đóng góp tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu).


Doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành là cao su Phước Hòa có doanh thu từ xuất khẩu đóng góp đến 44% trong cơ cấu doanh thu 2013. Trong 9 tháng đầu năm, PHR đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 14 triệu USD.


Tương tự, cao su Đồng Phú cũng đạt giá trị xuất khẩu khoảng 14,3 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Cả năm ngoái, công ty này xuất khẩu 17 triệu USD.


NGUYÊN MINH


Theo Bizlive




Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Trái phiếu Chính phủ: 'Bánh ngon' của ngân hàng

Trái phiếu Chính phủ: 'Bánh ngon' của ngân hàng


Trong vòng 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã đổ mạnh tiền vào “ôm” trái phiếu Chính phủ (TPCP) giữa lúc vốn ế thừa, cho vay khó khăn, lãi suất liên tục giảm… Và, khoản đầu tư vào TPCP đã không phụ lòng ngân hàng khi đã và đang đem về lợi nhuận nghìn tỷ.


Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành thành công lượng TTCP trị giá gần 240.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2013. Kỳ hạn TPCP cũng kéo dài hơn, bình quân là 4,85 năm và có tới 47% trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài trên 5 năm. Lãi suất trái phiếu bình quân là 6,62%/năm.


Hút vốn dễ như bán trái phiếu


Đơn cử: năm 2014 đã phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP. Năm 2015, bội chi ngân sách ở mức 5% GDP, khoảng 220.000 tỷ đồng, thì lượng TPCP cần phát hành thêm cũng sẽ rất lớn.


Theo một số chuyên gia tài chính, năm 2014 là năm “được mùa” của TPCP và cũng là “cứu tinh” cho các TCTD, nhất là NHTM giải phóng nguồn vốn ế thừa.


Tuy vậy, sang năm 2015, Chính phủ sẽ hạn chế huy động trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 3 năm, mà đẩy mạnh phát hành các kỳ hạn dài 5 - 10 năm, nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo khả năng cơ cấu nguồn tiền trả nợ…


Ngân hàng lãi lớn


Chia sẻ với báo chí, một lãnh đạo của HNX, cho biết các ngân hàng chính là NĐT mua TPCP mạnh tay nhất. Ước tính, khoảng 80% lượng TPCP do các NHTM nắm giữ.


“Lãi suất huy động vốn của ngân hàng thời gian qua liên tục giảm thì người mua TPCP (ở đây chính là ngân hàng - PV) được lợi vì trái phiếu trả lãi hàng năm. Chẳng hạn, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, thì hạch toán lợi nhuận tại 1 thời điểm, ngân hàng đều có lãi. Tỷ lệ lãi trong năm 2014 khoảng 24%”, vị lãnh đạo này nhẩm tính và ước tính, nhiều ngân hàng đã thu lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ đầu tư vào TPCP.


Có thể hình dung mức lợi nhuận như sau: đầu năm 2014, ngân hàng mua 1.000 tỷ đồng TPCP với lãi suất khoảng 8%/năm. Đến cuối năm, lãi suất huy động vốn ngắn hạn giảm còn khoảng 5%/năm, tức lãi chênh lệch là 3%, tương ứng lãi 30 tỷ đồng.


Hay nói cách khác, lãi suất thị trường càng giảm thì giá mua TPCP càng cao. Điều này giúp ngân hàng giảm bớt tổn thất, bù đắp chi phí vốn và còn được lãi lớn. Mà mức độ rủi ro của TPCP được cho là thấp hơn rủi ro đầu tư vào TPDN, cho vay, gửi liên ngân hàng…


Từ giữa năm 2013 đến cuối 2014, một lượng vốn khổng lồ từ khối NHTM đã chảy mạnh vào thị trường TPCP, thay vì đẩy vốn ra phục vụ sản xuất kinh doanh.


Đáng chú ý nhất là Sacombank, đến cuối năm 2013, lượng TPCP (sẵn sàng bán) lên tới 15.826 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Kỳ hạn trái phiếu từ 2 - 5 năm, lãi suất từ 6,7 - 13,2%/năm và trả lãi hàng năm. Lãi suất TPCP mà Sacombank đầu tư cao hơn nhiều lãi suất huy động vốn đầu vào.


Tương tự, Eximbank cũng tăng mua TPCP tới 52%, đạt giá trị 1.953 tỷ đồng TPCP vào cuối năm 2013. Eximbank chỉ đầu tư kỳ hạn ngắn là 2 - 3 năm, nhưng lãi suất từ 7,3 - 11,59%/năm.


Mức chênh lệch lãi suất TPCP so với lãi suất tiền gửi trong năm 2014 là khá lớn, từ 2 - 8%. Nếu tiếp tục nắm giữ số TPCP này thì Sacombank và Eximbank có thể “ung dung” thu về vài chục đến vài nghìn tỷ đồng tiền lãi.


Có ý kiến cho rằng Thông tư 36 của NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015) sẽ hạn chế việc ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nói chung và TPCP nói riêng. Bởi, giới hạn tỷ lệ tối đa mà các TCTD được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn đối ứng là 15% đối với NHTM nhà nước, 35% với NHTM cổ phần và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5% với các TCTD phi ngân hàng…


Khi ấy, các ngân hàng liệu có bán bớt khoản đầu tư trái phiếu vượt giới hạn, hay sẽ tăng huy động vốn để được mua trái phiếu nhiều hơn? Nếu lãi suất huy động vốn tiếp tục giảm sâu thì các ngân hàng sẽ thu lợi lớn từ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra.


Trong số này, 2 sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều đấu thầu TPCP với khối lượng lớn. Gần nhất là phiên đấu thầu ngày 29/12/2014, Sở GDCK Hà Nội đã giúp KBNN bán được 7.000 tỷ đồng TPCP các loại, có kỳ hạn 3 năm (4.000 tỷ đồng), 5 năm (2.000 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng), lãi suất trúng thầu từ 5,19 - 6,4%/năm. Trước đó vài ngày, một phiên đấu thầu TPCP cũng huy động được 5.000 tỷ đồng tại HNX.


Đáng chú ý, trong vòng 3 năm qua (2012 - 2014), giá trị TPCP giao dịch bình quân mỗi phiên đã tăng mạnh, từ mức dưới 1.000 tỷ đồng lên trên ngưỡng 2.500 tỷ đồng/phiên.


Theo HNX, các nhà đầu tư (NĐT) mua TPCP chủ yếu là NHTM, các công ty chứng khoán. Gần đây, các tổ chức bảo hiểm, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ, NĐT nước ngoài… cũng tích cực tham gia đầu tư TPCP. Tỷ trọng NĐT nước ngoài đã ổn định trở lại, chiếm khoảng 23% giá trị giao dịch.


Lượng vốn rất lớn được huy động qua kênh TPCP là nguồn vốn dài hạn quan trọng giúp Chính phủ trang trải nợ vay trong ngắn hạn. Bởi trong năm 2014 - 2015, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn, cùng với áp lực phát hành thêm trái phiếu để bù đắp bội chi ngân sách.


Theo Thời báo Kinh doanh




IPO Bao bì 277 Hà Nội: Chào bán 1,87 triệu cổ phiếu

IPO Bao bì 277 Hà Nội: Chào bán 1,87 triệu cổ phiếu


Phiên đấu giá IPO sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 06/02/2015 tại HNX với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.


Ngày 8/1, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội .HNX vừa thông báo việc đăng ký chào bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Bao bì 277 Hà Nội (Hapack).


Lượng cổ phần đưa ra chào bán lần này khoảng 1,87 triệu cổ phần, chiếm 15,2 % vốn điều lệ dự kiến 123 tỷ đồng. Trong đó, 65% vốn thuộc sở hữu Nhà nước và còn lại thuộc sở hữu của cổ đông khác.


Giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 8h30 ngày 6/2/2015 và mở cửa đối với tất cả các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.


Mục đích của đợt đấu giá lần này là tăng vốn điều lệ và chủ yếu sử dụng vào mục đích kinh doanh.











Kết quả kinh doanh giai đoạn từ năm 2011 – 2013 (Nguồn: Hapack)
Kết quả kinh doanh giai đoạn từ năm 2011 – 2013 (Nguồn: Hapack)

Công ty TNHH MTV Bao bì 277 Hà Nội được thành lập năm 1975, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND Tp. Hà Nội. Hiện trụ sở chính được đặt tại số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.


Hoạt động kinh doanh chủ yếu gồm: Sản xuất và kinh doanh bao bì nhựa, sản phẩm may mặc; Cho thuê văn phòng, kho tàng; Sản xuất các mặt hàng như Bao bì mềm, túi xốp, bao bì cao cấp màng phức hợp có in ống đồng; Sản xuất bột giấy, bìa và giấy; Sản xuất sợi; Hoàn thiện sản phẩm dệt; Bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh;…


Sau đợt chào bán, Hapack sẽ thực hiện đầu tư mở rộng nâng cấp phân xưởng Nhựa và xí nghiệp May với tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 16,3 tỷ đồng. Nguồn để triển khai dự án hoàn toàn sử dụng vốn vay và vốn tự có. Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.











Kế hoạch kinh doanh giai đoạn từ năm 2015 – 2017 (Nguồn: Hapack)
Kế hoạch kinh doanh giai đoạn từ năm 2015 – 2017 (Nguồn: Hapack)



Ocean Group lên tiếng việc phong tỏa tài khoản

Ocean Group lên tiếng việc phong tỏa tài khoản

Ocean Group vừa có thông báo chính thức về việc Tạm thời phong tỏa tài khoản của OGC tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB) 08/01/2015 do ông Lê Quang Thụ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) ký.



Theo đó, ngày 05/01/2015, OceanGroup nhận được Công văn số 02/2015/CV-TGĐ của Ngân hàng TMCP Đại Dương về việc tạm thời phong tỏa tài khoản của OceanGroup tại OceanBank.




"Với yêu cầu phong tỏa này, chúng tôi đã kịp thời thông báo tới khách hàng, cổ đông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, những thông tin về việc tạm thời phong tỏa có thể ảnh hưởng tới tâm lý, gây ra những xáo trộn nhất định", lãnh đạo OCG khẳng định.




Lãnh đạo OCG cho biết, việc tạm thời phong tỏa tài khoản OceanGroup tại OceanBank nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 116/C46 – P11 ngày 21/10/2014.


Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương khẳng định: Mọi hoạt động, giao dịch của OceanGroup vẫn được diễn ra bình thường và trong tầm kiểm soát của Công ty.




Các tài khoản của OceanGroup mở tại các Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác vẫn đang hoạt động bình thường để phục vụ cho các giao dịch, hoạt động của OceanGroup trong thời gian tới




OCG đang làm việc với OceanBank và các cơ quan hữu quan để làm rõ về yêu cầu phong tỏa này và sẽ có thông báo sớm nhất tới các khách hàng, cổ đông.


HĐQT OceanGroup cam kết với khách hàng, đối tác, cổ đông "trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ nỗ lực cao nhất bảo vệ quyền lợi" của họ".


PV


Theo Infonet



'Thanh lọc' ngân hàng từ tăng vốn

'Thanh lọc' ngân hàng từ tăng vốn

Trong số các NH trên, 6 NHTM là NamABank, VietBank, BaoVietBank, PGBank, KienLongBank, Vietcapital Bank đáp ứng được yêu cầu có quy mô vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Do đó nếu phải tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng sẽ là một sức ép không nhỏ với các NH. Nhiều NHTM mặc dù đã có kế hoạch tái cơ cấu lại NH nhưng vẫn bị "hụt hơi" với mục tiêu tăng vốn. Theo đó, năm 2013, NamABank đã có tờ trình với NHNN tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng nhưng sau đó rút lại. Lãnh đạo NamABank cho biết, việc tăng vốn là phù hợp với quá trình tái cơ cấu của NH… Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch tăng vốn được đề ra trong quý III/2014, sau đó lùi sang quý IV/2014 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.


Không chỉ NamABank mà nhiều NH khác cũng đã có kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Hiện nay, các NH dự kiến phương án tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức như chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hoặc lựa chọn hợp nhất sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Trong đó, hình thức chào bán cho cổ đông là phương án được nhiều NH sử dụng với số vốn huy động kỳ vọng lớn nhưng đây lại là phương án khó thành công nhất.


Sẽ còn nhiều áp lực


Theo các chuyên gia tài chính, trong vài năm gần đây, tình hình kinh doanh của NH ngày càng ảm đạm, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn đã kéo giảm lợi nhuận, mức chia cổ tức hàng năm không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều NH còn không chia cổ tức nên rất khó lấy được lòng tin của nhà đầu tư. Trong khi đó, các cổ đông chiến lược nước ngoài lại có những yêu cầu rất cao, không phải NH nào cũng đáp ứng được để họ rót vốn. Chính vì vậy, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ hơn các NH có kế hoạch tăng vốn nhằm hạn chế các NHTM đối phó khi ồ ạt gửi tờ trình xin tăng vốn. Thế nhưng, thực tế hầu như không NH nào thực hiện được lộ trình tăng vốn được cam kết.


Ngoài ra, việc các NHTM không thể tăng vốn theo lộ trình cũng do không ít NHTM nhỏ, yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại (M&A) và đang trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt do phải đối mặt với vấn đề nợ xấu nên nhiều NH như SCB, DongABank… không dễ thu hút nguồn vốn.


Trong hoạt động kinh doanh NH, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ ứng phó rủi ro mà còn là đòn bẩy tài chính để các NH mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Vì thế, trong cuộc họp với hệ thống NH mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định với kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, NH nào đủ "sức khỏe" mới có thể tiếp tục tồn tại. Vì vậy, chính các NHTM phải chủ động thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ để có được nền tảng vững chắc hơn. "Cái yếu của NH nhỏ hiện nay là khả năng quản trị. Vì thế, để có thể tồn tại và phát triển, ngay lúc này, các NH này phải ngồi lại với nhau để bàn đến việc hợp nhất, sáp nhập. Đây cũng là mục tiêu của đề án tái cơ cấu của ngành đang được NHNN đẩy mạnh", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.


Mặt khác, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang từng bước áp dụng chuẩn mực Basel II. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là NH không chỉ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như mức độ quy mô vốn, quản lý rủi ro… Để hoàn thành mục tiêu của tiêu chuẩn Basel II, từ nay đến năm 2018, áp lực tăng vốn điều lệ của một số NHTM là rất lớn.



Kinh tế 2015 còn nhiều thách thức

Kinh tế 2015 còn nhiều thách thức


Kinh tế 2014 đã “vượt sóng” thành công với những kết quả ấn tượng. Đây là tiền đề để năm 2015 kinh tế tiếp tục gặt hái nhiều thành quả trong bối cảnh còn nhiều rào cản. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.


Theo ông, những thách thức cho năm 2015 là gì?


Thách thức thứ nhất là lạm phát tuy kiểm soát ở mức thấp, nhưng vẫn đang chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là giá cả của nguyên nhiên vật liệu. Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, tăng trưởng phụ thuộc vào giá trị XNK, đặc biệt chúng ta NK 91,2% là tư liệu sản xuất, cho nên nếu giá cả thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.


Ngoài ra, sản xuất của khu vực DN mặc dù có những dấu hiệu phục hồi nhưng còn thách thức, đặc biệt trong năm 2015 và những năm tiếp theo khi chúng ta tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, có sự cạnh tranh rất lớn với các DN trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, chúng ta cũng vừa ký nhiều Hiệp định và phải thực hiện các cam kết trong những Hiệp định đó. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu đã diễn ra với nhiều dấu hiệu tốt song còn chậm, cần đẩy mạnh giải quyết vấn đề này. Nợ xấu và cầu nội địa cũng cần lưu ý. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm nay tăng 6,3% nhưng chưa phải mức tăng cao dù có hơn các năm trước. Điều đó cho thấy cầu nội địa vẫn còn yếu.


Cán cân thương mại tuy thặng dư song chưa bền vững. Năng suất lao động Việt Nam thấp. Để cạnh tranh được, năng suất lao động phải tốt. Nói cách khác, năng suất lao động là phương thức quan trọng nhất để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian qua, năng suất lao động đã được cải thiện tốt nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là thách thức rất lớn với nền kinh tế trong năm 2015 và các năm tiếp theo.


Ông đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng trong năm tới trong bối cảnh giá dầu thô đang giảm mạnh?


Dầu là mặt hàng chiến lược trong tăng trưởng của Việt Nam. Đó cũng là nguyên liệu đầu vào của dân cư và các ngành sản xuất. Giá dầu tăng thấp là điều rất tốt cho nền kinh tế vì nó làm cho chi phí sản xuất giảm. Mặc dù nó ảnh hưởng đến khai thác dầu thô, giá dầu thô, thu ngân sách của chúng ta song chúng tôi đánh giá mặt thuận lợi là nhiều hơn.


Khai thác dầu thô của Việt Nam giá thành không phải quá cao nên Chính phủ sẽ có giải pháp để làm sao hạn chế tác động của giá dầu thô giảm. Đồng thời tận dụng được mặt tích cực của giá dầu giảm đối với chi phí sản xuất của nền kinh tế.


Xin cảm ơn ông!


Theo Baohaiquan




Giá dầu Brent lại phá đáy, thấp nhất gần 6 năm

Giá dầu Brent lại phá đáy, thấp nhất gần 6 năm


Giá dầu Brent phiên 8/1 lập đáy mới khi xuống thấp nhất gần 6 năm do lo ngại dư cung toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm 2015.


Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ đã có phiên thứ 2 tăng liên tiếp, nhưng giới quan sát thị trường cho rằng mức tăng này không bền vững do dự trữ dầu Mỹ lên kỷ lục.


Giá dầu thô đã giảm gần 50% trong năm 2014 và tiếp tục giảm mạnh trong đầu năm nay. Dư cùng toàn cầu tiếp tục đi lên trong khi nhu cầu vẫn yếu ớt.


Giá dầu Brent giao tháng 2/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 19 cent (-0,4%) xuống 50,96 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Giá dầu Brent đã giảm 8 trong 10 phiên giao dịch vừa qua.


Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 2/2015 trên sàn Nymex New York tăng 14 cent (+0,3%) lên 48,79 USD/thùng, chủ yếu do giới thương nhân chốt lời. Khối lượng giao dịch cao hơn 26% so với mức trung bình 100 ngày.


Một số nhà đầu tư đang tăng đặt cược giá dầu đang dần chạm đáy.


Nguồn cung dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Mỹ trong tuần kết thúc vào 2/1 tăng cao kỷ lục, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng dầu Mỹ cùng kỳ cũng tăng, gây lo ngại dư cung dầu toàn cấu sẽ tiếp tục trong những tháng tới.


Hôm thứ Năm 8/1 BNP Paribas SA đã hạ dự báo giá dầu 2015, theo đó giá dầu Brent giảm xuống 60 USD/thùng từ 77 USD/thùng dự báo trước đó, giá dầu WTI xuống 55 USD/thùng từ 70 USD/thùng dự báo trước đó.


Năm nay, giá dầu sẽ phản ứng với nguồn cung mạnh hơn so với nhu cầu với việc thị trường tập trung vào việc theo dõi xem rốt cuộc tình trạng dư cung sẽ được giải quyết ra sao.


Giá xăng RBOB giao tháng 2/2015 trên sàn Nymex tăng 0,33 cent, tương đương 0,3%, lên 1,3409 USD/gallon, trong khi giá dầu diesel giao tháng 2/2015 tăng 1,11 cent (+0,7%) lên 1,7110 USD/gallon.




Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Fed có thể không tăng lãi suất trước tháng 4/2015

Fed có thể không tăng lãi suất trước tháng 4/2015


Biên bản cuộc họp tháng 12/2014 vừa được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cho thấy họ có thể sẽ không tăng lãi suất trước tháng 4 năm nay, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng lạm phát có thể tiếp tục đứng dưới ngưỡng mục tiêu của mình.

Theo biên bản cuộc họp ngày 16-17/12, phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho rằng ít có khả năng Ủy ban này sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong ít nhất 2 cuộc họp nữa. Fed đã không tăng lãi suất kể từ năm 2006 đến nay.


Các quan chức Fed cũng đã thảo luận về những rủi ro từ nước ngoài, trong đó có việc giá dầu giảm mạnh, nhưng cho rằng yếu tố này được bù đắp bởi sức mạnh của nền kinh tế trong nước.


Theo đánh giá của một cựu quan chức Fed, kịch bản cơ bản vẫn là lãi suất sẽ được bắt đầu tăng vào khoảng giữa năm 2015.


Với việc nền kinh tế đang mạnh lên và thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 6 năm, FOMC đã bỏ cam kết giữ lãi suất ở mức thấp “trong một thời gian đáng kể nữa” trong biên bản tháng 12, thay vào đó là cụm từ sẽ “bình tĩnh” trong việc tăng lãi suất.


Một số quan chức Fed đã bày tỏ lo ngại về triển vọng lạm phát khi lạm phát đang đứng dưới mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 31 liên tiếp.


“Nhiều thành viên thấy nguy cơ lạm phát có thể tiếp tục đứng dưới ngưỡng mục tiêu 2%, với một số người bày tỏ lo ngại rằng điều đó có thể gây phương hại cho uy tín đối với cam kết của ủy ban về mục tiêu đó,” biên bản viết.


Trong biên bản tháng 12, FOMC nói rằng họ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng dần trở lại lên ngưỡng mục tiêu khi thị trường việc làm cải thiện và tác động của việc giá năng lượng giảm phai nhạt.


Theo Bloomberg




VnIndex tiếp tục tăng hơn 4 điểm, vượt ngưỡng 555 điểm

VnIndex tiếp tục tăng hơn 4 điểm, vượt ngưỡng 555 điểm


Cổ phiếu NCT-Nội Bài Cargo chào sàn với giá tham chiếu 75.000 đồng và hiện “ông vua cổ tức” này đang giao dịch ở mức giá trần 90.000 đồng/cổ phiếu với dư mua trần hàng trăm ngàn đơn vị.

Dù đã hồi phục đáng kể trong những phiên gần đây nhưng nhận định thị trường chứng khoán của các bên công ty chứng khoán đều khá lạc quan với thị trường ở thời điểm hiện tại. Họ cho rằng tác động của giá dầu thế giới không còn ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chứng khoán Việt khi mà nhiều cổ phiếu dầu khí đã tăng giá ổn định trở lại.


GAS, PVD hiện đều đang tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. Có lúc, GAS tăng đến 2.000 đồng.


Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có phiên gây ấn tượng khi mà VCB tăng 1.200 đồng; BID tăng 200 đồng;MBB tăng 200 đồng; SHB tăng 100 đồng; ACB đứng giá; CTG đứng giá sau phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như hôm qua. EIB mất 100 đồng và cổ phiếu này hôm nay đi ngược xu hướng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng.


Một điểm nhấn ngành đáng chú ý khác là ngành khoáng sản. Nhiều cổ phiếu ngành này đã tăng mạnh thời gian gần đây và hôm nay tiếp tục tăng/tăng trần như ALV, BAM, KHL, KSH, DHM…


Hôm nay là phiên giao dịch đầu tiên của NCT-Nội Bài Cargo. Cổ phiếu này chào sàn với giá tham chiếu 75.000 đồng và hiện “ông vua cổ tức” này đang giao dịch ở mức giá trần 90.000 đồng/cổ phiếu với dư mua trần 417 nghìn đơn vị. Tổng khối lượng khớp lệnh sau 50’ giao dịch mới đạt 4.700 đơn vị.


Phương Chi


Theo Infonet




Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi 'nhạy cảm'

Sức ép sửa Thông tư 36 và một câu hỏi 'nhạy cảm'


Một nguồn tin cho VnEconomy biết, hôm nay (8/1), đại diện các đầu mối hoạch định chính sách sẽ ngồi lại để một lần nữa trao đổi về quy định trong Thông tư 36 mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ là nội dung trọng tâm trong cuộc họp này.


Đầu tuần này, các ngân hàng thương mại cũng đã chốt xong cơ bản số liệu kinh doanh của năm 2014.


Lãnh đạo một thành viên lớn cho VnEconomy biết, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của ngân hàng mình chốt năm qua rất thấp, không đáng kể.


“Cơ chế hiện cho phép cho vay nhiều hơn, nhưng đây không phải là mảng chúng tôi đẩy mạnh. Mức độ thế nào còn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi ngân hàng”, vị lãnh đạo trên giải thích.


Ngân hàng trên tự quyết, đơn giản với lựa chọn của mình. Nhưng với cả một chính sách, áp lực đến từ nhiều phía, nhất là khi liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau, việc lựa chọn/thậm chí áp đặt để định hướng là không đơn giản.


Sức ép lớn dần


Một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, những nghi ngại trên thị trường chứng khoán mới thực sự thể hiện.


Gần nửa cuối tháng 12/2014, thị trường chứng khoán có những phiên giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, công ty chứng khoán dè chừng… Chung quy được nhiều thông tin gắn với lý do tác động của thông tư trên, quy định mới về cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.


Thậm chí, một số phân tích và bình luận cho rằng thị trường “sốc” và “tràn ngập nỗi lo” với Thông tư 36 - siết vốn đòn bẩy vào chứng khoán.


Và cũng mãi một tháng sau, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán mới có văn bản kiến nghị giãn lộ trình thực hiện. Thế rồi đại diện nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng mới đề nghị xem xét và làm việc với Ngân hàng Nhà nước.


Thông tư 36 đã được chuẩn bị từ hơn hai năm trước, đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi với đại diện các ban ngành liên quan, với đại diện các thành viên thị trường, nhưng đến khi chính thức ban hành và sắp hiệu lực thì mới nảy sinh như vậy.


Điểm chung, quan ngại đưa ra là cơ chế mới làm giảm nguồn vốn ngân hàng rót vào lĩnh vực này, sẽ “tác động lớn” tới thanh khoản thị trường, thay đổi chính sách đột ngột ảnh hưởng tâm lý và niềm tin nhà đầu tư… Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh để dẫn vốn cho doanh nghiệp, tránh bị tổn thương.


Đi sâu hơn nữa, Thông tư 36 được cho là “siết” vốn vào chứng khoán lại ra đời vào thời điểm nhạy cảm, tạo một “lực cản” vô hình đối với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành ngay trong năm cao điểm 2015.


Với những lý do trên, trước phản ứng của thị trường, trước kiến nghị và ý kiến của của các đầu mối liên quan, thì xem ra, sức ép xem xét điều chỉnh đang dồn về Ngân hàng Nhà nước.


Bản lĩnh của chính sách


Như ý kiến của lãnh đạo ngân hàng thương mại trên, việc đẩy mạnh cho vay hay không tùy vào khẩu vị của mỗi nhà băng. Khẩu vị của chính sách cũng đã thể hiện trong Thông tư 36, qua việc giảm mạnh hệ số rủi ro cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán từ 250% xuống còn 150%.


Vậy, có gì đó không nhất quán khi đưa ra giới hạn “siết” cho vay như các ý kiến, phân tích gần đây. Theo đó, nếu tại buổi làm việc với các bên hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tính điều chỉnh lại để có sự nhất quán thì có vẻ thuận.


Giả sử nếu đáp ứng các kiến nghị, cơ quan này cũng sẽ không khó “ghi điểm” với các thành viên trên thị trường chứng khoán, có thể còn rộng hơn.


Thế nhưng, liệu một lần nữa Ngân hàng Nhà nước lại phải điều chỉnh, sau khi chính sách lớn vừa ra đời mà chưa kịp có hiệu lực? Câu hỏi này trở nên “nhạy cảm” và khó xử, bởi nó liên quan đến tầm nhìn, bản lĩnh và cả thương hiệu của nhà làm chính sách.


Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải hai lần giãn lộ trình, sửa đổi bổ sung một chính sách quan trọng khác là Thông tư 02 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng) khi nó chưa có hiệu lực. Xa hơn, một số văn bản lớn cùng lĩnh vực trước đây cũng đã từng chịu áp lực phải sửa. Nếu thêm lần này nữa, với Thông tư 36, rõ ràng là khó xử và nhạy cảm.


Liệu khi mong muốn và triển khai các bước chấn chỉnh an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã tính rốt ráo các tác động hay chưa, nhất là khi liên quan đến các nhóm lợi ích...


Dĩ nhiên, việc đặt giới hạn cho vay tối đa 5% vốn điều lệ trong Thông tư 36 đã được cân đong, tính toán. Điều đó có nghĩa, một sự vượt quá sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống - đối tượng chính trong quản lý của Ngân hàng Nhà nước.


Nhưng, giới hạn này liên quan đến các nhóm lợi ích khác ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại. Vậy nên, số phận của giới hạn đó dù đã ban hành nhưng chưa yên ổn.


Trong khi đó, bên cạnh tính độc lập và kỷ luật trong hoạch định chính sách, nếu có quá nhiều tình huống phải sửa đổi, điều chỉnh ngay cả khi chưa có hiệu lực, thì có hai trường hợp đặt ra: một là chất lượng hoạch định có vấn đề, hai là chấp nhận thương hiệu và bản lĩnh chính sách bị ảnh hưởng.


Còn với thị trường, với các chủ thể liên quan, dù chính sách đã ban hành, nhưng họ vẫn đang phải sống chung với một thông điệp bị nhiễu, hoặc chưa thực sự rõ ràng (do chưa rõ có sửa đổi, điều chỉnh hay không).


Theo Vneconomy




Những cuộc chia tay của các đại gia bán lẻ

Những cuộc chia tay của các đại gia bán lẻ


Sức mua yếu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ đối thủ cả cũ lẫn mới, nhiều thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ đã không thể trụ lại cuộc chơi, hoặc tính chuyện sang nhượng hạ tầng.



Đại gia đến từ Malaysia - Parkson mới đây gây chú ý với thông báo tạm dừng kinh doanh trung tâm thương mại tại Keangnam sau 3 năm mở cửa. Dù đây chỉ là một trong 9 siêu thị của Parkson trên khắp Việt Nam song động thái này không khỏi khiến dư luận đặt dấu hỏi, nhất là trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm của thương hiệu này, với doanh số các cửa hàng tăng trưởng âm 5%.


Parkson không phải trường hợp cá biệt. Từ năm 2011 đến nay, dù được đánh giá nhiều tiềm năng do quy mô dân số trẻ và tăng trưởng còn nhiều dư địa, song bán lẻ Việt Nam thực tại gặp vô vàn thách thức.


Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá chỉ tăng từ 4,4-6,3% trong bốn năm qua, giảm tốc mạnh so với giai đoạn 2006 - 2010. Cùng với đó, thị trường chứng kiến sự ra đời liên tiếp của những trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở các khu vực đông dân, trung tâm như Lotte, Royal City, Times City, Vincom, Aeon...


Trước tình hình này, nhiều ông lớn bán lẻ đã phải rời thị trường hoặc bán lại mảng kinh doanh cho đối thủ, bất chấp họ là những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, hoạt động trên thị trường toàn cầu.


Metro


Ông lớn bán lẻ Đức - Metro Cash & Carry vào Việt Nam từ năm 2002 với trung tâm đầu tiên tại TP HCM, hoạt động theo phương thức bán sỉ với nhóm khách hàng chính là nhà hàng, khách sạn, đại lý..., khác biệt hẳn so với các siêu thị khác chuyên bán lẻ cho người tiêu dùng. Sau hơn 10 năm hoạt động, Metro đã mở được 19 siêu thị trên toàn quốc, chiếm 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam.


Tuy nhiên, con số lợi nhuận theo báo cáo của doanh nghiệp lại không hề khả quan. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010 Metro báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, con số lỗ của của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng, tính đến năm 2012, doanh nghiệp này lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng.


Đại diện Metro cho biết, cạnh tranh gay gắt cộng thêm các trung tâm mới mở chưa hoạt động ổn định, thời gian thu hồi vốn lâu khiến công ty lỗ kéo dài.


Trên toàn cầu, việc kinh doanh của ông lớn này cũng không mấy khả quan. Báo cáo tài chính cho thấy doanh số bán hàng của Metro giảm liên tiếp trong hai quý đầu năm, dẫn đến cả năm 2014, doanh số bán hàng giảm 4% so với năm ngoái, ở mức 63 tỷ euro. Kết quả đáng thất vọng trên được cho là ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị tại khu vực Đông Âu.


Trong nửa đầu năm 2014, khi có người ngỏ ý mua lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam, đại diễn hãng vẫn khẳng định “không bán”. Song, đến tháng 8, khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan trả giá 655 triệu euro, những ông chủ Đức đã gật đầu, kết thúc 12 năm tồn tại ở Việt Nam. Tổng giám đốc của Metro Olaf Koch thừa nhận giao dịch sẽ giúp lành mạnh bảng cân đối kế toán của công ty và cho phép Metro có nguồn tiền đầu tư phát triển.


Nhờ tiết giảm các chi phí từ bán bớt tài sản, cả năm 2014, Metro lãi 182 triệu euro, gấp 3 lần so với năm ngoái.


Family Mart



family-mart-6520-1420634999.jpg


Family Mart đổi tên sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh vì thua lỗ.



Family Mart là chuỗi cửa hàng tiện lợi do liên doanh được thành lập bởi đối tác Nhật Bản - Việt Nam quản lý (Family Mart Nhật Bản nắm 44%, Itochu Nhật Bản nắm 5% và Tập đoàn Phú Thái của Việt Nam nắm 51%). Sau ba năm hoạt động, doanh nghiệp này đã có 42 cửa hàng trên toàn quốc.


Tuy nhiên, năm 2013, Family Mart Nhật Bản bất ngờ hé lộ đang bị thua lộ tại ba thị trường, trong đó có Việt Nam tổng cộng 11,5 triệu USD trong năm 2012. Trong bối cảnh các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng, sự giảm sút tại Việt Nam khiến đối tác Nhật Bản quyết định rút khỏi liên doanh, đặt dấu chấm hết cho tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015.


Sự rút lui của đối tác ngoại khiến Family Mart chật vật, cho đến khi được Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker hỗ trợ, đổi tên thành B’s Mart, thương hiệu bán lẻ lâu đời của doanh nghiệp này. Theo chiến lược của người chủ mới, B’s Mart sẽ mở thêm 205 cửa hàng tiện lợi đến năm 2018.


WonderBuy



wonderbuy-2108-1420635000.jpg


Sự phá sản của WonderBuy đánh dấu cho thời kỳ khó khăn của ngành điện máy


Khai tử vào giữa năm 2011 sau một năm hoạt động, siêu thị WonderBuy ở TP HCM đánh dấu cho thời kỳ khó khăn của ngành điện máy khi sức mua trên thị trường giảm sút.


Lúc mới thành lập, WonderBuy bán hơn 70.000 mặt hàng điện máy và nội thất, tung ra nhiều chiêu khuyến mãi để thu hút sự khách hàng và đặt mục tiêu mở 23 trung tâm trên cả nước sau 5 năm hoạt động. Song chỉ trong năm đầu tiên, siêu thị này báo lỗ 52 tỷ đồng, nợ tiền thuê mặt bằng, chi phí điện nước và đầu tư thang cuốn tới hơn 11 tỷ đồng.

Trước tình trạng mất khả năng thanh toán, siêu thị này phải nộp đơn ra tòa xin phá sản, trở thành đại gia điện máy đầu tiên tại TP HCM bị khai tử.


Best Carings


Thành lập năm 2004, Best carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam, dưới sự hợp tác của Công ty Tiếp thị Bến Thành (Tara) và Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Best Denki.


Với 3 siêu thị tại Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ, trong quá trình hoạt động, siêu thị này từng lọt vào Top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương và Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, cùng với nhiều chiêu khuyến mại độc đáo.


Tuy nhiên, khi trên đà phát triển, năm 2010, Tara quyết định chuyển nhượng Best Carings cho Công ty Công nghệ Điện tử Điện lạnh Việt Nam (Mitsustar) để tập trung phát triển mảng bán sỉ. Từ đó, Best Carings bắt đầu đi xuống, hàng không bán được, các chương trình khuyến mãi giảm dần và đuối sức so với những đối thủ. Đến nay, các siêu thị mang tên Best Carings đã đóng cửa.


HomeOne



homeone-4580-1420635001.jpg


Siêu thị điện máy HomeOne cũng phải đóng cửa khi hàng hóa bán chậm.



Chuỗi siêu thị HomeOne do Công ty Dịch vụ Bán lẻ Tiên Phong thành lập, vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 tỷ đồng. HomeOne có 3 cửa hàng tại TP HCM, tập trung phân phối hàng điện máy . Tuy nhiên, chỉ sau hai năm hoạt động, đến đầu tháng 9/2013, tên tuổi này đã phải rời thị trường do kinh doanh sa sút, nợ lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng cũng như tiền trả cho nhà cung cấp.


Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, sự ra đi của các ông lớn bán lẻ là kết quả của cuộc sàng lọc thị trường, khi mà các cửa hàng liên tục được thành lập trong giai đoạn sức mua thị trường lên cao nhưng không trụ lại được khi cuộc suy thoái ập đến. Sức mua của thị trường giảm sút từ năm 2011 khiến hàng hóa bán chậm, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng gây áp lực lớn cho những đơn vị không đủ tiềm lực tài chính.


79 Market



alphanam-5832-1420635002.jpg



Alphanam ngừng kinh doanh siêu thị chỉ sau hơn nửa năm.


Sau khi tái cấu trúc, Tập đoàn Alphanam vốn nổi tiếng trong ngành cơ điện, xây dựng coi bán lẻ, thực phẩm là một trong những mũi nhọn. Với chiến lược này, tháng 5/2014, Alphanam Food, một nhánh của tập đoàn do hai người con của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải quản lý đã mở siêu thị Siêu thị 79 Market kinh doanh thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát.


Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn ngủi hơn nửa năm, siêu thị này đã dừng hoạt động. Mặt bằng hơn 1.000 m2 ở tầng I tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) được chuyển nhượng lại cho ông lớn bán lẻ khác là Vingroup (chủ chuỗi siêu thị VinMart). Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, việc dừng kinh doanh siêu thị là do các con ông cảm thấy lĩnh vực này không còn phù hợp và muốn tập trung vào kinh doanh chuỗi nhà hàng.



Theo VnExpress




Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 3 tuần sau biên bản họp Fed

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 3 tuần sau biên bản họp Fed


Chỉ số S&P 500 và Dow Jones bất ngờ phục hồi sau 5 phiên giao dịch bị bán tháo liên tiếp.


Chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 2.025,9 điểm vào lúc 16h00 tại New York, sau khi đã giảm 4,2% trong 5 ngày trước đó. Dow Jones cũng tăng 1,2% lên 17.584,52 điểm.


Cổ phiếu của 9/10 lĩnh vực chính đều tăng giá, trong đó cổ phiếu y tế và tiêu dùng tăng mạnh nhất với mức tăng ít nhất 1,5%.


Có hơn 7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn 1,6% so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng qua. Chỉ số VIX, theo dõi biến động giá hợp đồng quyền chọn trong S&P 500, giảm 8,6% xuống 19,31 điểm.


Hôm qua 7/1, thị trường chứng khoán Mỹ được hỗ trợ rất lớn bởi những tín hiệu tích cực từ kinh tế Mỹ và quan điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).


Cụ thể theo báo cáo của ADP, khối doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ đã tuyển dụng thêm 241.000 nhân viên trong tháng 12/2014, cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia. Thâm hụt thương mại tháng 11/2014 của Mỹ đồng thời giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng qua, chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm mạnh.


Trong khi đó, tâm lý giao dịch giới đầu tư cũng dần ổn định hơn nhờ quan điểm chính sách lãi suất của Fed. Theo biên bản họp chính sách tháng 12, hầu hết các quan chức Fed đều đồng ý sẽ không nâng lãi suất trước tháng 4/2015. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách lại bày tỏ lo ngại về tình hình lạm phát yếu của nền kinh tế Mỹ.




NỆM LIÊN Á