Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Xóa sở hữu chéo ngân hàng

Xóa sở hữu chéo ngân hàng


Câu chuyện về sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã từng làm nóng nhiều diễn đàn, kể cả nghị trường Quốc hội.


Sở hữu chéo trong các NHTM được biểu hiện ở tình trạng, hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đều đang sở hữu ngân hàng; chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước do địa phương thành lập cũng sở hữu ngân hàng; các ngân hàng sở hữu lẫn nhau.


Theo thống kê, có 29/34 NHTM cổ phần tư nhân có liên hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với các pháp nhân, thể nhân thuộc nhà nước… Sở hữu chéo khiến cho vay thiếu kiểm soát, dẫn đến nợ xấu và tăng vốn ảo, dẫn đến rủi ro mang tính hệ thống.


Có thể xóa ngay tình trạng sở hữu chéo của các NHTM được không? Câu trả lời là: Không có mệnh lệnh hành chính nào lập tức xóa bỏ được tình trạng đó. Song, điều đó không có nghĩa là bất động và chờ đợi. Cần có những biện pháp để tháo gỡ từng “nút thắt” trong “mớ bòng bong” này.


Song, việc ghép các NHTM lại với nhau hoặc thay tên chủ sở hữu trên giấy tờ không làm thay đổi được bản chất của vấn đề. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (trước khi hợp nhất) cho Công ty Vạn Thịnh Phát và các DN liên quan vay, sau đó các DN này dùng tiền vay góp vốn vào hai ngân hàng Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Ba NHTM này về bản chất thuộc một chủ sở hữu. Cơ quan quản lý tuy đã yêu cầu hợp nhất ba NHTM nhưng các vấn đề nội tại vẫn chưa được xử lý xong.


Vì vậy, những biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực và ngăn chặn sở hữu chéo tiếp tục phát sinh phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề. Việc Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đã đầu tư và các NHTM là biện pháp nhằm mục tiêu đó.


Một biện pháp quan trọng hơn là cần nghiên cứu, tổng kết để nhận diện những kẽ hở của pháp luật dẫn đến sở hữu chéo của các NHTM và từ đó, hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật để “bịt” những kẽ hở này.


Chẳng hạn, cần định nghĩa lại về “người có liên quan” trong đầu tư tài chính; cần nghiêm cấm sử dụng cổ phiếu của NHTM để vay vốn ngân hàng; cần có quy trình giám sát chặt chẽ hơn trong việc đầu tư lẫn nhau giữa các NHTM để ngăn chặn tình trạng mua cổ phần bằng “tiền ảo”...


Sở hữu chéo của các NHTM sẽ chỉ tự mất đi khi thể chế không còn kẽ hở.


Theo Báo Công Thương




NỆM LIÊN Á