Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông

Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông


Vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ.


Sau khi thông báo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đề cập tới tình hình diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.


Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp ngày 29/5, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình Biển Đông. Theo đó, các thành viên Chính phủ thống nhất kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Đồng thời cũng kiên nhẫn thực hiện các biện pháp chân thành, thể hiện tình hữu nghị của hai dân tộc. "Dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên càng mong muốn được hòa bình ổn định nhưng sẽ kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền", Bộ trưởng nói.


Trả lời câu hỏi của phóng viên, Việt Nam đã chuẩn bị gì để khởi kiện Trung Quốc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, từ lâu Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, cân nhắc thời điểm khởi kiện ra Tòa án quốc tế hoặc Hội đồng trọng tài quốc tế.


"Việt Nam đang cân nhắc, nếu Trung Quốc chịu ngồi lại đàm phán và thực hiện các yêu cầu của chúng ta một cách chân thành thì tình hình có thể khác", ông Nên phát biểu.


Ông Nên cũng lý giải thông điệp của Thủ tướng với báo chí nước ngoài rằng "không đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viễn vông". Tất cả người dân khi đất nước cần thì đều thể hiện lòng yêu nước, lãnh đạo càng phải thể hiện mình.


Hai lần ra nước ngoài vừa qua, Thủ tướng đều chỉ đạo chọn lựa người có khả năng tiếp cận bạn bè quốc tế để thực hiện sứ mạng bày tỏ thái độ đấu tranh quyết liệt. Nhớ lời Bác Hồ dạy "dĩ bất biến ứng vạn biến" thì cái bất biến của ta là độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Không ai đụng tới được, không điều gì có thể đánh đổi được ở bất cứ thời điểm nào.


"Câu nói của Thủ tướng không mới, chỉ là thể hiện tinh thần xuyên suốt của Đảng ta, tỏ rõ thái độ của Chính phủ để cả thế giới biết thái độ, lập trường của ta trước sau như một", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Về chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, Bộ trưởng Nên cho biết, hôm nay Chính phủ đưa ra bàn thảo để thống nhất, sớm có chính sách với tinh thần: có tín dụng ưu đãi cho ngư dân đánh bắt xa bờ đóng tàu vỏ thép, đảm bảo đánh bắt an toàn, có hiệu quả. Chính phủ dự kiến cho ngư dân vay trong thời gian 10 năm với lãi suất 3%.


Liên quan đến tình hình an ninh trật tự và xử lý các đối tượng gây rối tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng, công an địa phương ngăn chặn và xử lý nghiêm những người gây rối; đồng thời sàng lọc làm rõ trong số hàng nghìn người bị bắt, ai thật sự yêu nước bị kích động thì cảnh cáo, giáo dục, răn đe và thành phần này chiếm số lượng rất lớn. Thành phần có tiền án tiền sự, có hành vi cướp bóc, phá hoại rõ ràng thì phải xử lý theo pháp luật.


Theo quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết, có 46 công an bị thương khi làm nhiệm vụ trấn áp. Đến nay cơ quan công an đã xử lý hành chính 526 người có hành vi trộm cắp tài sản và đã nộp lại, cam kết không tái phạm. Riêng tại Hà Tĩnh đã khởi tố hình sự 32 đối tượng.



Tàu hải cảnh của Trung Quốc phụt vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam trong vùng biển gần giàn khoan mà họ hạ đặt trái phép. Ảnh: Nguyễn Đông.


Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 27/5, Trung Quốc di dời giàn khoan sang vị trí mới, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về hướng đông đông nam và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.


Gần một tháng thực hiện hành động trái phép này trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã liên tiếp điều hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu rà mìn và máy bay bảo vệ khu vực này. Tính đến ngày 29/5, số tàu của Trung Quốc tại thực địa là 122 chiếc.


Những tàu này sẵn sàng đâm va, vây ép và phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam khi tiến vào khu vực giàn khoan, tuyên truyền về chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản. Lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.


Kể từ khi Trung Quốc thực hiện hành động ngang ngược trên, Chính phủ Việt Nam đã có hơn 30 cuộc giao tiếp với đại diện Trung Quốc để yêu cầu nước này rút giàn khoan cùng tàu hộ tống và máy bay khỏi khu vực. Các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng người dân lên tiếng mạnh mẽ, tổ chức mittinh nhằm khẳng định chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.


Tại kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa 7, Biển Đông cũng là chủ đề "nóng". Ngay từ buổi khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp khó lường, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.


Trong thông cáo báo chí ngày 21/5, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.


Theo VnExpress




NỆM LIÊN Á