Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của cổ đông. Nhưng Khoản 2 điều 59 cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, NHNN có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng trong đó có vấn đề chi trả cổ tức.
Tham dự Đại hội cổ đông của Ngân hàng Nam Á sáng 17/4, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan Giám sát NHNN ông Nguyễn Văn Dũng đã có phát biểu chỉ đạo với ngân hàng và chia sẻ cùng cổ đông.
Theo ông Dũng, năm 2014 kinh tế khó khăn và ngành ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng nhưng đi liền đó là hoạt động an toàn gắn với tái cơ cấu. Qua 2014, toàn ngành ngân hàng TPHCM đạt được kết quả khả quan như vốn huy động tăng 15%, dư nợ tăng 12,1%, lợi nhuận ở mức 20%. So với các năm trước thì mức lợi nhuận này không cao nhưng năm 2014 là kết quả đáng ghi nhận.
Với Nam Á nói riêng, ngân hàng đã có những bứt phá mạnh và đáng ghi nhận. Ngân hàng vừa tăng trưởng mạnh vừa đảm bảo an toàn hoạt động, như nợ xấu dưới 2%, các hệ số an toàn đảm bảo. Hoạt động quản trị được nâng cao năng lực. Hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch phát triển mạnh.
Nói về cổ tức, theo ông Dũng, cổ đông đật vấn đề việc chia cổ tức bao nhiêu là quyền của cổ đông, NHNN can thiệp được hay không, can thiệp là vì sao là vấn đề bức xúc hoàn toàn chính đáng và ông Dũng đưa ra 3 lý do để khống chế cổ tức.
Về Cơ sở pháp lý
Thứ nhất, Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của cổ đông. NHNN không can thiệp sâu. Nhưng Khoản 2 điều 59 cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, NHNN có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng trong đó có vấn đề chi trả cổ tức.
Thứ hai, Đề án 254 của Thủ tướng về tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015, trong đó khẳng định 3 mục tiêu mà TCTD phải đạt được là nâng cao năng lực quy mô hoạt động; nâng cao năng lực tài chính; nâng cao năng lực quản trị điều hành.
Thứ ba, Thông tư 02 mục tiêu là triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu các TCTD phải trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý rủi ro, mất an toàn của hoạt động. Phần lợi nhuận để lại để nâng cao năng lực hoạt động.
Sự tồn tại của Nam Á và cổ đông của Nam Á
Theo ông Dũng, cổ đông bỏ tiền ra thì xót xa với đồng tiền là điều tất yếu và ai cũng như vậy. Nam A Bank phải nâng cao năng lực tài chính, vốn, phần chưa chia cổ tức phải tạo nguồn để sau này chẳng may có rủi ro thì còn có nguồn để xử lý. Tùy góc độ nhìn khác nhau, ông Dũng cho rằng các cổ đông phải có cách nhìn hài hòa để ngân hàng phát triển.
Cũng theo đại diện NHNN, hiện rất nhiều TCTD không chia cổ tức, mà chủ trương của NHNN là phải tập trung nội lực. Trên địa bàn TPHCM chỉ có vài tổ chức được chia cổ tức, trong đó Nam Á đứng thứ 2, có những ngân hàng chỉ được chia 1,5% cổ tức.
Nếu so với tỷ lệ tiết kiệm thì không bằng nhưng so mặt bằng chung ngân hàng thì rất cao. Điều quan trọng theo ông Dũng là vì vấn đề an toàn. "Có những ngân hàng không an toàn, mất hết vốn điều lệ, NHNN mua lại giá 0 đồng thì cổ đông mất hết. Với mức 4% cổ tức thì đó là điều đã rất thành công của ngân hàng", ông nói.
Ông Dũng khẳng định Nam Á đã trình cổ đông chia cổ tức 4,8% bình quân (cổ đông lớn trả 4%, cổ đông nhỏ 9%), nhưng NHNN áp dung 4% đã là hợp lý.
Mối quan hệ của nền kinh tế, các doanh nghiệp và các mối quan hệ hài hòa
Đại diện NHNN cho biết, nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngân hàng hoạt động yếu, nhiều ngân hàng không chia cổ tức thì tỷ lệ 4% cổ tức đã là cao và đáng ghi nhận.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ