Theo TS Nguyễn Đức Độ (Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính), thời gian qua với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào lên tới 35 tỉ USD, cán cân thanh toán tổng thể - theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) - năm nay có thể thặng dư 2,8 tỉ USD thì thừa khả năng để kiểm soát tỷ giá.
Các chuyên gia cho rằng về lý thuyết, phá giá đồng nội tệ sẽ thúc đẩy xuất khẩu do hàng hóa xuất khẩu tính theo ngoại tệ rẻ hơn, nước ngoài nhập nhiều hơn. Tăng tỷ giá 1% thúc đẩy xuất khẩu tăng 0,15% trong cùng năm đó. Tuy nhiên theo ThS Vũ Thu Giang (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), sẽ có nhiều rủi ro khi cơ cấu sản xuất trong nước và xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ thì chưa phát triển.
VN trong nhiều năm nhập siêu triền miên, chủ yếu máy móc và các thiết bị nguyên liệu đầu vào chiếm tới 90%, còn xuất khẩu chủ yếu là gia công. Do đó điều chỉnh tỷ giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng mức độ không lớn.
Ngược lại, việc điều chỉnh tỷ giá có thể khiến doanh nghiệp nhập khẩu khó khăn do chi phí sản xuất tính bằng VND tăng do giá nguyên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến cả lạm phát và lãi suất.
Cụ thể, theo tính toán của TS Nguyễn Đức Độ, nếu tăng tỷ giá 1%, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 điểm phần trăm, lãi suất cho vay tăng 0,35-0,4 điểm phần trăm. Mặt khác, tăng tỷ giá gây áp lực nên nợ công rất lớn. Đây là lý do Chính phủ và NHNN rất thận trọng trong điều hành tỷ giá.