Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tăng thuế môi trường có hiệu lực từ 1/5 tới đây sẽ giúp thu ngân sách tăng thêm 10.831 tỷ đồng.
Sáng nay 15/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo về thông tư 48 về điều chỉnh thuế suất ưu đãi với một số mặt hàng xăng dầu mới được ban hành và có hiệu lực từ 14/4/2015.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu được cân nhắc dựa trên 3 yếu tố chính là quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường của UB Thường vụ Quốc hội, các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia và khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước.
"Thời điểm điều chỉnh phù hợp với chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước theo nghị định 83/NĐ-CP"- ông Thi nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao ngày điều chỉnh giảm thuế sau 1 ngày quyết định giữ giá xăng của liên bộ Tài chính - Công thương, đại diện Bộ Tài chính cho rằng lựa chọn thời điểm đó cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải dự trữ tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Còn thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/5. Vì vậy, để sắc thuế bảo vệ môi trường không tác động đến giá bán xăng và phù hợp cho chu kỳ điều hành giá sắp tới, thông tư 48 có hiệu lực từ 14/4 vì thuế nhập khẩu thì doanh nghiệp phải nộp ngay khi hàng về. Như vậy, cả doanh nghiệp và nhà nước cùng chia sẻ lợi ích 15 ngày là hợp lý.
Theo tính toán của Bộ tài chính, với quyết định giảm thuế ưu đãi nhập khẩu xăng dầu thì ngân sách sẽ giảm thu 13 ngàn tỷ đồng nhưng khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường thì giúp tăng thu 10.381 tỷ đồng.
Về vấn đề lo ngại của Lọc hóa dầu Dung Quất khi thực hiện hội nhập, các doanh nghiệp chuyển sang mua xăng dầu từ các nước trong Asean để hưởng biểu thuế ưu đãi đặc biệt (ATIGA), ông Thi cho biết với lần điều chỉnh giảm thuế ưu đãi (MFM) này những lo ngại đó cơ bản được xử lý.
Cụ thể, mặt hàng xăng theo biểu thuế MFM cũ được áp dụng cho Lọc dầu Dung Quất chiu thuế suất 35% nay giảm còn 20%, bằng biểu thuế ATIGA. Các mặt hàng dầu chênh lệch cũng điều chỉnh giảm.
"Hơn nữa, qua thống kê của tổng cục hải quan thì từ đầu năm đến 10/3, không có doanh nghiệp nào nhập khẩu xăng dầu hưởng ưu đãi ATIGA do vấn đề liên quan đến thiếu tiêu chuẩn xuất xứ C/O form D. Qua tìm hiểu thì để có được chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí cũng như phải ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp. Đây là rủi ro " - ông Thi cho biết thêm.
Liên quan đến diễn biến giá xăng dầu khi điều chỉnh các sắc thuế, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết lần nguyên tắc khi xây dựng biểu thuế là không làm thay đổi cấu trúc giá của hàng hóa. Vì vậy, giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu sẽ không tăng.