Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/4 của các công ty chứng khoán.
VIS : Khuyến nghị theo dõi
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Kết thúc năm 2014 với nhiều chuyển biến tích cực sau 2 năm lỗ liên tiếp đã giúp CTCP Thép Việt Ý (VIS – sàn HOSE) đã thoát khỏi bản án hủy niêm yết, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng so với kế hoạch đề ra. Năm 2015 được đánh giá là thời điểm tương đối then chốt khi hoạt động sản xuất của công ty đã có lãi trở lại, kết hợp với việc xem xét những yếu tố khó khăn và thuận lợi chung của ngành, VIS đã đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 với các chỉ tiêu: Doanh thu đạt 3.031 tỷ đồng, giảm 19,46% so với thực hiện năm 2014; Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 26%, đạt 28,2 tỷ đồng; Cổ tức dự kiến chi trả 3%.
Cổ phiếu VIS đang giao dịch ở giá 7.400 VND/cp (giá tại ngày 30/03/2015), tương đương P/E là 16,26 lần và P/B là 0,58 lần. Tại thời điểm hiện tại, cổ phiếu VIS đang có dấu hiệu tích cực từ thông tin mới đón nhận trong cuộc họp ĐHCĐ vừa qua. Chúng tôi khuyến nghị Theo dõi với cổ phiếu VIS.
PLC: Sẽ tích cực trong năm 2015
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Kết quả kinh doanh năm 2014 của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (mã PLC) khá ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng hơn 40% (so với năm trước) dù doanh thu chỉ tăng hơn 10%. Dầu mỡ nhờn và nhựa đường là hai mảng kinh doanh có đóng góp lớn nhất vào kết quả tích cực trên của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh năm 2014 của dầu mỡ nhờ khá ấn tượng nhờ vào một số nhân tố như: công suất tăng từ việc mở rộng nhà máy Thượng Lý lên 75.000 tấn/năm và tận dụng các lợi thế khác như hệ thống phân phối, vị trí địa lý của nhà máy và lựa chọn chính sách giá thuộc phân khúc thấp hơn đối thủ chính - BP Castrol. Riêng về triển vọng 2015, mảng dầu mỡ nhờn được đánh giá sẽ tiếp tục khả quan do doanh thu có thể tăng tương ứng với sự phục hồi của nhu cầu vận tải.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp có khả năng sẽ cải thiện do giá nguyên liệu (giá dầu) giảm nhưng giá bán sản phẩm dầu nhờn vẫn được giữ ổn định. Thị trường dầu nhờn tại Việt Nam nhìn chung đang có sự độc quyền tương đối, giá bán phụ thuộc khá lớn vào nhà tạo lập thị trường (BP Castrol). Với diễn biến giá đầu vào sụt giảm, hầu hết các nhà sản xuất lựa chọn chia sẻ lợi ích bằng cách chiết khấu nhiều hơn cho nhà phân phối.
Do vậy, trong năm nay, kết quả kinh doanh của mảng dầu nhờn theo chúng tôi là khả quan. Tuy nhiên, trong dài hạn NĐT cũng nên quan tâm đến một số chuyển biến kinh tế có thể tác động đến hoạt động kinh doanh dầu nhờn như: giá dầu gia tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp, sự gia tăng cạnh tranh từ sản phẩm quốc tế khi Việt Nam gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này theo lộ trình AEC; sức cầu chung của thị trường sụt giảm do cải tiến công nghệ sản xuất động cơ xe giúp giảm tiêu hao nhiên liệu.
Về kinh doanh nhựa đường, doanh nghiệp đánh giá nhu cầu thị trường đối với dòng sản phẩm này sẽ rất cao trong năm 2015, với sản lượng lạc quan có thể vượt 30% kế hoạch. Nhu cầu cao này phần lớn đến từ các dự án đầu cơ sở hạ tầng của Chính phủ như: dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng,… Sức cầu tăng mạnh cùng với chính sách bán hàng (cụ thể là chính sách giá) được DN kiểm soát chủ động nhờ vào vị thế thị phần lớn nhất thị trường sẽ giúp mảng kinh doanh nhựa đường của PLC mang về khoản lợi nhuận đáng kể trong năm 2015. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vấn đề cần quan tâm đối với mảng kinh doanh này của PLC là vấn đề rủi ro công nợ. Do đa phần doanh thu đến từ các dự án giao thông đường bộ sử dụng vốn đầu tư công nên việc giải ngân thanh toán cho nhà cung cấp như PLC thường rất chậm.
Bên cạnh điểm sáng đến từ hai mảng kinh doanh trên, mảng kinh doanh hóa chất của PLC được đánh giá sẽ tiếp tục găp nhiều khó khăn trong năm 2015 sau khi đã giảm doanh số gần 10% trong năm 2014. DN chia sẻ mảng này có thể chỉ duy trì ổn định và bù đắp được chi phí.
Nhìn chung, với triển vọng tăng trưởng của hai mảng dầu mỡ nhờn và nhựa đường (chiếm khoảng 80% tổng doanh số của PLC) như trên, PLC được chuyên viên ngành chúng tôi dành cho cái nhìn tích cực trong năm 2015.
HPG: Năm 2015 sẽ gặp nhiều thử thách
CTCK BIDV (BSC)
Trong quý I/2015, tình hình tình hình tiêu thụ khả quan khi lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 3 đạt 150.000 tấn, mức cao kỷ lục của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) cũng như ngành thép (kỷ lục trước là 110.000 tấn thép, HPG bán được trong tháng 10/2014). Tổng tiêu thụ thép xây dựng quý I đạt khoảng 300.000 tấn và ống thép đạt 70 – 80 nghìn tấn. HPG cho biết doanh thu quý I ước đạt 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ không dưới 600 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, khả năng cao HPG sẽ đạt được mức kế hoạch Sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận sau thuế năm 2015.
Ngoài ra, HPG đã bắt đầu nhập khẩu quặng sắt để giảm chi phí do giá quặng nhập rẻ hơn giá trong nước; HPG vừa nhập khẩu 5 vạn tấn quặng sắt từ Nam Phi. Công ty cho biết, sẽ tiếp tục nhập khẩu quặng sắt từ Nam Phi, Brazil và các nước khác để phục vụ sản xuất.
Trong 3 – 5 năm tới, HPG có thể sẽ chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ dự án Formosa: Dự án Formosa dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3/2016, sản phẩm sẽ là thép cuộn cán nóng (một loại sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu), và chưa sản xuất thép xây dựng. Do đó, có thể nói ảnh hưởng của Formosa tới HPG trong năm 2015 – 2016 là chưa có.
Theo kế hoạch năm 2015 đã thông qua, HPG ước tính doanh thu sẽ đạt 22.500 tỷ đồng (-12,97% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế 2015 kế hoạch là 2.300 tỷ đồng (-29,23% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 2.285 tỷ đồng, tương đương EPS 2015 = 3.117 đồng/cp. HPG cho biết, trong số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho năm 2014 có trên 180 tỷ đồng sẽ được hoàn nhập dần vào lợi nhuận năm 2015, giúp tình hình tài chính thuận lợi hơn (số lợi nhuận sau thuế dự kiến 2015 đã bao gồm khoản mục này).
Chúng tôi đánh giá cổ phiếu HPG sẽ gặp nhiều thử thách trong năm 2015 mặc dù hoạt động cốt lõi là sản xuất và kinh doanh Thép vẫn rất hiệu quả, nguyên nhân do:
Triển vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 sụt giảm mạnh bởi (1) Đa phần doanh thu và lợi nhuận của dự án Mandarin Garden đã được ghi nhận trong năm 2014, và chỉ còn ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế năm 2015 (giảm mạnh so với con số 700 tỷ đồng của năm 2014) ; (2) Giá quặng sắt tiếp tục lao dốc, ảnh hưởng đến giá bán đầu ra, mặc dù tăng sản lượng tiêu thụ dự kiến lên mức 1,2 triệu tấn trong năm nay, nhưng HPG khó có khả năng tăng giá bán thép trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, HPG đã bước chân vào ngành thức ăn chăn nuôi và tin đồn về các dự án BOT. Cụ thể, HPG đầu tư cho ngành hàng thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Mục tiêu của HPG là kinh doanh hiệu quả và bảo toàn vốn đầu tư. HPG đánh giá ngành hàng thức ăn chăn nuôi có nhiều cơ hội cũng như sức cạnh tranh lớn hơn ngành Thép, nhưng tự tin sẽ thành công. Với các dự án BOT, HPG cũng cho biết họ có khảo sát nhưng không quyết định triển khai.
HVG: Tiếp tục mua các công ty xuất khẩu thủy sản
CTCK MB (MBS)
HVG đăng ký mua vào 3.99 triệu cổ phiếu của VTF nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF lên mức 90.28%. Hiện tại, Hùng Vương đang nắm giữ 33,76 triệu cổ phiếu VTF, tương đương 80,74% cổ phần của Việt Thắng.
Trong thời gian vừa qua, HVG vẫn tiếp tục thực thi chiến lược mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản (cá tra và tôm), thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.
Hiện tại, HVG sở hữu vùng nuôi rộng lớn đảm bảo 75% nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra và 10% nguyên liệu cho lĩnh vực xuất khẩu tôm. Trong thời gian tới Công ty định hướng tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm, tiến tới đáp ứng 20% nguyên liệu xuất khẩu vào năm 2017. Hiện tại, hệ thống của Công ty có khả năng cung cấp 100% thức ăn chăn nuôi cho các vùng nuôi.
Trong năm 2013, HVG, từng là một trong số ít doanh nghiệp cá ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ do xuất khẩu gián tiếp qua AGF. Tuy nhiên, sau khi HVG nâng tỷ lệ sở hữu tại AGF (79%) thì AGF trở thành công ty con của HVG và cũng chịu chung mức thuế chống bán phá giá POR10 với HVG là 0.97 USD/kg.
DMC: Lạc quan trong dài hạn
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
ĐHCĐ thường niên 2015 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với mức tăng trưởng nhẹ lần lượt 6,9% và 5,8% so với năm ngoái cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế, đạt lần lượt 1.588 và 140 tỷ đồng.
Kênh phân phối chính (chiếm ~70% doanh thu) của DMC vẫn là hệ OTC (nhà thuốc,...). Mặc dù áp lực cạnh tranh ngày càng cao, nhưng doanh thu OTC trong 2014 vẫn tăng trưởng tốt, gần 20% n/n. Theo chúng tôi, DMC có các lợi thế cạnh tranh nhất định về sản phẩm cũng như giá bán để duy trì tăng trưởng của mình.
Tuy nhiên, công ty vẫn đang bị giới hạn về năng lực sản xuất do các nhà máy sản xuất tân dược gần như đang hoạt động ở mức toàn dụng. Trong khi chưa có nhà máy mới, khả năng tăng trưởng của DMC chủ yếu đến từ nổ lực tái cấu trúc danh mục sản phẩm theo hướng tập trung vào các sản phẩm có hiệu quả cao. Chiến lược này đã được thực hiện từ 2014. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc DMC đặt kế hoạch tăng trưởng nhẹ cho năm 2015 là khá hợp lý.
Nhà máy non-betalactam cũ (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sản xuất 2014 của DMC) sẽ tiếp tục được mở rộng, nâng công suất lên thêm khoảng 20% từ quý II/2015. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng DMC sẽ đạt được kết quả tích cực hơn kế hoạch của công ty trong 2015 với mức tăng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 10% và 12% so với năm ngoái. Theo đó, EPS 2015 ước đạt 5.562 đồng/cp, tương đương mức 7,1 lần PE, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành 12 lần.
Triển vọng dài hạn của DMC vẫn khá lạc quan nhờ tiềm năng tăng trưởng tốt hơn khi có nhà máy mới với tiêu chuẩn chất lượng cao hơn cũng như vai trò hỗ trợ từ cổ đông lớn Abbott.
T.Thúy
Thro Tinnhanhchungkhoan