Liệu Dự án sân bay Long Thành có được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua về mặt chủ trương để trình ra kỳ họp Quốc hội tới sau khi nghe bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình bổ sung Dự án đã sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII?
Sáng 26/2, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ giải trình bổ sung tại kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đất nước ngày càng hội nhập sâu và phát triển thì một càng hàng không như Long Thành là cần thiết.
Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về chủ trương, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng thể Dự án và giai đoạn 1 của Dự án trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ GTVT đã nỗ lực hết sức để Dự án đầu tư này được thông qua về mặt chủ trương. Nếu Dự án sửa đổi được thông qua chủ trương đầu tư sẽ phải tính đến cả phương án dùng 100% vốn nhà nước.
Tuy nhiên, dự án sẽ xây dựng phương án kêu gọi tối đa nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội hóa đầu tư. Chỉ có những hạng mục không thể kêu gọi được như đường bay… là phải dùng vốn ngân sách hoặc ODA.
“Để có nguồn lực đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, bộ GTVT đã xây dựng phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc cũng như thí điểm bán dứt điểm sảnh E, Nhà ga T1 sân bay Nội Bài”, bộ trưởng Thăng cho biết.
Cụ thể, theo phương án mới của Bộ GTVT, Dự án Cảng hàng không Long Thành được điều chỉnh theo hướng giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm.
Trước đó, theo Tờ trình số 360/TTr-CP (ngày 1/10/2014), giai đoạn 1 đầu tư nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường hạ cất cánh song song có cấu hình đóng với khái toán kinh phí đầu tư 7,837 tỷ USD (164.589 tỷ đồng).
Với sự cắt giảm 1 đường hạ cất cánh và tính toán lại, giai đoạn 1 khi sửa đổi chỉ còn 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng),giảm được 54.618 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn gồm 12.149 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư của dự án. Số tiền này dành cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước. 29.177 tỷ đồng là vốn ODA (chiếm 26,5% tổng mức đầu tư dự án) dự kiến dành cho khu bay.
Vốn huy động ngoài ngân sách ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4% tổng mức đầu tư dự án ) dự kiến đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các công trình thương mại.
Cùng với đó, phương án sử dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng được định hướng sau khi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đó là sẽ khai thác ở giai đoạn 1 theo hướng 90% quốc tế - 20% nội địa ở Long Thành và 10% quốc tế - 80% nội địa ở Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 2 của Dự án là tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn sau cùng sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạtcông suất 100 triệu khách/năm theo mục tiêu quy hoạch.
Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Long Thành giảm còn 15,8 tỷ USD thay vì là 18,7 tỷ đồng như báo cáo trình Quốc hội năm 2014.
Giải trình về tổng mức đầu tư lần này giảm so với lần báo cáo Quốc hội năm 2014, Bộ GTVT cho biết là do điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư từ 5.000 ha với kinh phí 989,04 triệu USD xuống còn 2.750 triệu ha với kinh phí còn lại 454 triệu USD, giảm 535,04 triệu USD.
Cùng với đó là giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư. Theo đó, Nhóm 1 giảm chi phí đầu tư 15 triệu USD; Nhóm 2 giảm 808,8 triệu USD; Nhóm 3 giảm 24 triệu USD; Nhóm 4a giảm 26,3 triệu USD; Nhóm 4b giảm 183,8 triệu USD. Tổng số giảm 1.057,9 triệu USD.
Ngoài ra Dự án sửa đổi cũng không đưa vào các hạng mục đầu tư thuộc Nhóm 5 (426,9 triệu USD) được triển khai theo phương án xã hội hóa và do các doanh nghiệp đầu tư cùng với các chi phí khác (tư vấn, dự phòng, thuế…) giảm tương ứng là 581,4 triệu USD.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa 8, các đại biểu Quốc hội đều đồng ý rằng với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì một Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, liệu Dự án đầu tư này có được thông qua hay không còn phụ thuộc vào quyết định sau phiên thảo luận sáng nay của các thành viên trong Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, nếu không cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành một cơ hội, thì có thể mai sau lịch sử sẽ có tội với đất nước.
MINH HUỆ
Theo Bizlive