Theo đồ thị tuần, hai chỉ số có dấu hiệu suy yếu tại các vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn với khối lượng giao dịch giảm so với tuần giao dịch trước.
Chứng khoán Bản Việt-VCSC: Xu hướng ngắn hạn ở mức GIẢM
Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể giảm về vùng hỗ trợ 502 của chỉ số VN-Index và 63.5 của chỉ số HNX-Index trong tuần giao dịch tới. Ngoài ra, trạng thái phân kỳ giảm giá vẫn hình thành ở nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps tăng nóng cho nên các nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua mới ở hai nhóm cổ phiếu nay sau các khuyến nghị bán trước đó của chúng tôi.
Chúng tôi tiếp tục đánh giá xu hướng ngắn hạn ở mức GIẢM và không khuyến khích các nhà đầu tư mở vị thế mua trong ngắn hạn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Midcaps và Smllcaps. Đối với các nhà đầu tư còn tỷ trọng nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps cao trong danh mục thì vẫn nên canh các nhịp hồi trong phiên để hạ tỷ trọng về mức thấp.
Trong tuần giao dịch tới, các nhà đầu tư có thể chú ý đến kỳ cơ cấu của 2 quỹ ETF vàhạn chế nắm giữ các mã cổ phiếu bị giảm tỷ trọng mạnh.
Theo đồ thị tuần, hai chỉ số có dấu hiệu suy yếu tại các vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn với khối lượng giao dịch giảm so với tuần giao dịch trước. Theo mô hình chỉ báo, chúng tôi vẫn đánh giá xu hướng trung hạn ở mức TĂNG và mức kháng cự trung hạn là 530 của chỉ số VN-Index và 66.0 của chỉ số HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn nên duy trì vị thế nắm giữ và chờ cơ hội gia tăng tỷ trọng trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Chứng khoán Bidv-BSC: Xu hướng đi ngang sẽ là chủ đạo trong tuần tới
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,01% điểm lên 507,78 điểm; HNX-Index giảm 0,14% xuống 65,19 điểm. Thanh khoản thị trường tăng trở lại trên cả 2 sàn. Cụ thể, khối lượng giao dịch tăng 23% trên HSX và 24% trên HNX. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, tổng khối lượng và giá trị khớp lệnh 2 sàn đạt lần lượt 137 triệu đơn vị và 1360 tỷ đồng. Thị trường cuối tuần đã xuất hiện sự điều chỉnh mạnh tại nhiều mã cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua như KMR, MCG, VNH, VPH v.v.. tuy nhiên vẫn còn một số mã penny giữ được đà tăng trần như SAV, BHS, HTV, MTG, PTL v.v.. Trong nhóm bluechip, số mã giảm cũng chiếm ưu thế hơn khi có 12 mã giảm/ 9 mã tăng/ 9 mã đứng giá.
Do các mã large cap đa phần nằm trong nhóm không giảm nên đã giúp VN-Index giữ mức giá xanh tuy vậy VN30 vẫn mất 1,5 điểm (-0,26%). Trên HNX, trong nhóm các cổ phiếu chủ chốt: ACB, VND, PGS tăng nhẹ; BVS, VCG, SCR giảm điểm; các mã còn lại như SHB, KLS, PVX đứn giá. Cùng xu hướng với HSX, nhiều mã penny tăng nóng như VPC, SHN, PFL đã bị chốt lời mạnh. Khối ngoại cuối tuần tăng quy mô mua ròng trở lại trên 2 sàn. Trên HSX, họ mua ròng 27,6 tỷ đồng, trong đó họ mua chủ yếu các bluechip HPG, PVD, DPM, BVH, STB và CTG; bán ra chủ yếu CII, DQC, HBC, PVT. Trên HNX, khối ngoại mua ròng gần 9 tỷ đồng tập trung ở các mã PVS, PVX, SHB, VND và VCG trong khi bán ra không đáng kể. Theo tính toán của chúng tôi, VNM ETF đã mua vào 100k chứng chỉ quỹ.
Có thể thấy trong phiên xu thế chốt lãi ở các cổ phiếu penny tăng nóng đã khá rõ rệt, và sự chuyển dịch dòng vốn đang tập trung vào các cổ phiếu và nhóm cổ phiếu chưa tăng giá. Kể từ 9 – 20/12, các quý ETFs sẽ tiến hành cơ cấu danh mục trong quý IV. Theo số liệu hiện hành, ETF VNM dự kiến sẽ thoái vốn khoảng 150 tỷ ở thị trường Việt Nam và sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thị trường. Khi thị trường không có tin hỗ trợ xu hướng đi ngang sẽ là chủ đạo trong tuần tới và áp lực chốt lãi trước thời điểm ETFs cơ cấu danh mục được dự báo sẽ gia tăng. Do vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về hoạt động đầu tư trong ngắn hạn, cần thiết giữ tỷ trọng cổ phiếu an toàn và sẵn sàng mua vào các cổ phiếu cơ bản giảm sâu khi các ETFs cơ cấu danh mục.
Thanh Hiên
Theo Trí Thức Trẻ/Bản tin các công ty chứng khoán