Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Dow Jones mất gần 300 điểm, sắc đỏ bao trùm chứng khoán toàn cầu

Dow Jones mất gần 300 điểm, sắc đỏ bao trùm chứng khoán toàn cầu


Lợi nhuận gây thất vọng của các doanh nghiệp, các dấu hiệu về lạm phát tăng lên ở Mỹ và các lo ngại về Trung Quốc hay Hy Lạp khiến nhu cầu về tài sản rủi ro sụt giảm.


Cơn bán tháo trên TTCK toàn cầu trong phiên hôm qua (17/4) khiến chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm đầu tiên trong tháng.


Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 mất 1,13%, đóng cửa ở mức 2.081,18 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm gần 300 điểm, tương đương 1,54%, xuống còn 17.826,30 điểm.


Tổng cộng tuần qua chỉ số S&P 500 giảm 1%, đánh dấu tuần giảm điểm tồi tệ nhất trong 3 tuần trở lại đây. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Nasdaq đều giảm 1,3%.


Bây giờ đang là mùa các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính và những kết quả thấp hơn kỳ vọng đã gây áp lực cho thị trường. Ngoài ra báo cáo được công bố hôm qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã có tháng tăng thứ ba liên tiếp. Do đó, hai trụ cột lớn nhất giúp thị trường tăng điểm trong thời gian qua là lợi nhuận của doanh nghiệp và chương trình kích thích kinh tế của NHTW bị lung lay.


Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng trưởng yếu hơn dự báo là những chỉ số mới nhất tiếp nối chuỗi các số liệu kinh tế khiến nhà đầu tư lo lắng đồng USD mạnh và giá dầu giảm đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng lên giúp giảm bớt những lo ngại về tình trạng kinh tế suy giảm, báo cáo này lại khiến thị trường lo lắng về kịch bản Fed sớm nâng lãi suất. Trong khi đó, các nhà đầu tư mong đợi sức khỏe của doanh nghiệp Mỹ được cải thiện không có được một bức tranh rõ nét.


Trong khi đó, ở Trung Quốc các nhà quản lý đã tỏ thái độ sẽ mạnh tay ngăn chặn hiện tượng đầu cơ trên thị trường chứng khoán sau khi chỉ số Shanghai Composite Index chạm mốc cao nhất kể từ năm 2008. Đà giảm điểm của thị trường châu Á trong những giờ giao dịch cuối cùng của tuần càng khiến châu Âu lo ngại hơn về Hy Lạp trong bối cảnh nước này chật vật tìm kiếm thêm nguồn cứu trợ để tránh vỡ nợ.


Hai phiên cuối tuần giảm điểm khiến chỉ số Stoxx Europe 600 mất tổng cộng 2,2%, qua đó đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ đầu năm đến nay, mặc dù chỉ số này đã lập kỷ lục trong phiên ngay trước đó.


Tú Anh


Theo Trí thức trẻ/Bloomberg




Giá dầu rơi khỏi đỉnh 2015 do thiếu “niềm tin”

Giá dầu rơi khỏi đỉnh 2015 do thiếu “niềm tin”


Giá dầu phiên cuối tuần 17/4 giảm khi giới thương nhân tỏ ra hoài nghi sản lượng dầu Mỹ đã đạt đỉnh.


Tuy giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, song giới phân tích cảnh báo rằng đà tăng này đang dựa vào cơ sở giả tạo về sản lượng dầu. Các nhà sản xuất dầu Mỹ sẽ không ngừng hoạt động các giàn khoan với tốc độ nhanh như trước kia và nhiều nước sản xuất dầu trên thế giới đang cố gắng bơm thêm dầu ra thị trường.


Chốt phiên 16/4, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 6/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 53 cent, tương đương 0,8%, xuống 63,45 USD/thùng. Tuy nhiên, cả tuần giá dầu vẫn tăng 7,6%.


Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 5/2015 trên sàn Nymex New York giảm 97 cent, tương đương 1,7%, xuống 55,74 USD/thùng, đứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp. Nhưng cả tuần giá dầu vẫn tăng 7,9%.


Giá dầu tăng hồi đầu tuần chủ yếu do một loạt số liệu cho thấy nguồn cung dầu đang chậm lại trong khi nhu cầu tăng lên, giúp tái cân bằng thị trường.


Các nhà quản lý tiền tệ, kể cả quỹ phòng hộ và quỹ lương hưu, đã tăng thêm 2.893 vị thế vụ ròng - đặt cược vào giá dầu tăng - trong khi giảm 16.291 hợp đồng đặt cượt vào giá dầu giảm. Vị thế mua ròng trong tuần tăng 9% lên 231.556 hợp đồng, cao nhất kể từ 5/8/2014.


Số giàn khoan đang hoạt dộng của Mỹ tiếp tục giảm, nhưng chưa đủ nhanh để củng cố lòng tin của giới đầu tư trong phiên cuối tuần 17/4. Số liệu mới nhất của Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan trong tuần chỉ giảm 26 giàn xuống 734 giàn.


Theo giới phân tích, hiện có rất ít định hướng rõ ràng về giá dầu. Hiện vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu như tình trạng bán tháo cổ phiếu, khủng hoảng nợ Hy Lạp, xung đột tại Trung Đông và diễn biến của USD.


Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng không nên “quá lạc quan”. Nhiều nước sản xuất dầu đang có dự định tăng nguồn cung - xóa tan dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang tăng, Bank of America Merrill Lynch cho biết.


Bank of America Merrill Lynch cũng dự đoán giá dầu WTI sẽ đạt 41 USD/thùng vào cuối quý II năm nay trong khi giá dầu Brent đạt 48 USD/thùng.


Giá xăng RBOB giao tháng 5/2015 trên sàn Nymex giảm 0,5 cent xuống 1.93 USD/gallon, trong khi, giá dầu diesel giao tháng 5/2015 giảm 2,6 cent, tương đương 1,3%, xuống 1.882 USD/gallon.




Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Đại diện NHNN nói gì về việc khống chế cổ tức dưới 9%?

Đại diện NHNN nói gì về việc khống chế cổ tức dưới 9%?


Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của cổ đông. Nhưng Khoản 2 điều 59 cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, NHNN có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng trong đó có vấn đề chi trả cổ tức.


Tham dự Đại hội cổ đông của Ngân hàng Nam Á sáng 17/4, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan Giám sát NHNN ông Nguyễn Văn Dũng đã có phát biểu chỉ đạo với ngân hàng và chia sẻ cùng cổ đông.


Theo ông Dũng, năm 2014 kinh tế khó khăn và ngành ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng nhưng đi liền đó là hoạt động an toàn gắn với tái cơ cấu. Qua 2014, toàn ngành ngân hàng TPHCM đạt được kết quả khả quan như vốn huy động tăng 15%, dư nợ tăng 12,1%, lợi nhuận ở mức 20%. So với các năm trước thì mức lợi nhuận này không cao nhưng năm 2014 là kết quả đáng ghi nhận.


Với Nam Á nói riêng, ngân hàng đã có những bứt phá mạnh và đáng ghi nhận. Ngân hàng vừa tăng trưởng mạnh vừa đảm bảo an toàn hoạt động, như nợ xấu dưới 2%, các hệ số an toàn đảm bảo. Hoạt động quản trị được nâng cao năng lực. Hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch phát triển mạnh.


Nói về cổ tức, theo ông Dũng, cổ đông đật vấn đề việc chia cổ tức bao nhiêu là quyền của cổ đông, NHNN can thiệp được hay không, can thiệp là vì sao là vấn đề bức xúc hoàn toàn chính đáng và ông Dũng đưa ra 3 lý do để khống chế cổ tức.


Về Cơ sở pháp lý


Thứ nhất, Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của cổ đông. NHNN không can thiệp sâu. Nhưng Khoản 2 điều 59 cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, NHNN có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng trong đó có vấn đề chi trả cổ tức.


Thứ hai, Đề án 254 của Thủ tướng về tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015, trong đó khẳng định 3 mục tiêu mà TCTD phải đạt được là nâng cao năng lực quy mô hoạt động; nâng cao năng lực tài chính; nâng cao năng lực quản trị điều hành.


Thứ ba, Thông tư 02 mục tiêu là triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu các TCTD phải trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý rủi ro, mất an toàn của hoạt động. Phần lợi nhuận để lại để nâng cao năng lực hoạt động.


Sự tồn tại của Nam Á và cổ đông của Nam Á


Theo ông Dũng, cổ đông bỏ tiền ra thì xót xa với đồng tiền là điều tất yếu và ai cũng như vậy. Nam A Bank phải nâng cao năng lực tài chính, vốn, phần chưa chia cổ tức phải tạo nguồn để sau này chẳng may có rủi ro thì còn có nguồn để xử lý. Tùy góc độ nhìn khác nhau, ông Dũng cho rằng các cổ đông phải có cách nhìn hài hòa để ngân hàng phát triển.


Cũng theo đại diện NHNN, hiện rất nhiều TCTD không chia cổ tức, mà chủ trương của NHNN là phải tập trung nội lực. Trên địa bàn TPHCM chỉ có vài tổ chức được chia cổ tức, trong đó Nam Á đứng thứ 2, có những ngân hàng chỉ được chia 1,5% cổ tức.


Nếu so với tỷ lệ tiết kiệm thì không bằng nhưng so mặt bằng chung ngân hàng thì rất cao. Điều quan trọng theo ông Dũng là vì vấn đề an toàn. "Có những ngân hàng không an toàn, mất hết vốn điều lệ, NHNN mua lại giá 0 đồng thì cổ đông mất hết. Với mức 4% cổ tức thì đó là điều đã rất thành công của ngân hàng", ông nói.


Ông Dũng khẳng định Nam Á đã trình cổ đông chia cổ tức 4,8% bình quân (cổ đông lớn trả 4%, cổ đông nhỏ 9%), nhưng NHNN áp dung 4% đã là hợp lý.


Mối quan hệ của nền kinh tế, các doanh nghiệp và các mối quan hệ hài hòa


Đại diện NHNN cho biết, nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngân hàng hoạt động yếu, nhiều ngân hàng không chia cổ tức thì tỷ lệ 4% cổ tức đã là cao và đáng ghi nhận.


Tùng Lâm


Theo Trí thức trẻ




Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên HNX tăng 64%

Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên HNX tăng 64%


Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết năm 2014, có 317 doanh nghiệp niêm yết báo lãi, tăng 3,9% so với năm 2013 với tổng giá trị lãi đạt khoảng 13.020 tỷ đồng (tăng 18,4% so với năm 2013).


Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong năm 2014 đã có tổng cộng 32 doanh nghiệp niêm yết trên HNX báo lỗ với giá trị khoảng 643 tỷ đồng, giảm 81,4% so với năm 2013. Ngược lại, có đến 317 doanh nghiệp báo lãi, tăng 3,9% so với năm 2013. Tổng LNST năm 2014 đạt 12.376 tỷ đồng, tăng mạnh 64% so với năm trước đó.


Công nghiệp, tài chính hồi phục sau khủng hoảng


Trong số các TCNY lỗ, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là ngành Xây dựng (trong đó có CTCP Xây dựng công trình ngầm – mã CTN chiếm 31,1% tổng giá trị lỗ nhóm này), tiếp đến là ngành Khai khoáng - dầu khí và ngành Công nghiệp. Tổng giá trị lỗ của các TCNY trong năm 2014 giảm chủ yếu là do TCTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - mã PVX giảm mạnh khoản lỗ từ -2.228 tỷ đồng trong năm 2013 chuyển thành lãi 10,3 tỷ đồng trong năm 2014.


Trong số các TCNY có kết quả hoạt động kinh doanh lãi năm 2014, chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành Công nghiệp (trong đó lớn nhất là LAS chiếm 12,7% tổng giá trị lãi của nhóm), tiếp đến là ngành Tài chính (trong đó, SHB và ACB lần lượt chiếm 25% và 24,3% tổng giá trị lãi nhóm), và ngành Khai khoáng và dầu khí với PVS chiếm 62% tổng giá trị lãi của nhóm này.


Kinh tế hồi phục thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh


Đạt được kết quả này là do trong năm 2014, kinh tế Việt Nam đã có những điểm khá tích cực. GDP năm 2014 đạt tăng trưởng 5,98% so với cùng kỳ năm 2013 - là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cả năm đạt 7,15% so với năm 2013. Điều kiện sản xuất trong nước cũng được cải thiện hơn năm 2013 khi chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) không ngừng được cải thiện kể từ tháng 9 năm 2013.


Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực khách quan của nền kinh tế vĩ mô, theo công văn giải trình kết quả hoạt động kinh doanh của các TCNY, nguyên nhân chủ quan là do các doanh nghiệp triển khai hiệu quả chính sách tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải .... Chi phí tài chính năm 2014 của các TCNY giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi lãi vay giảm 23%.


Hoàng Anh


Theo InfoNet




Nới room 'qua cửa' thẩm định của Bộ Tư pháp

Nới room 'qua cửa' thẩm định của Bộ Tư pháp


Sau khi qua cửa thẩm định của Bộ Tư pháp, giới đầu tư đang kỳ vọng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung đáng chú ý về nới room cho NĐT nước ngoài, ngay trong quý II này sẽ được trình Chính phủ xem xét ban hành.


Kỳ vọng “chốt hạ” trong quý II/2015


Liên quan đến tiến độ ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012, trong đó có quy định về mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, trao đổi với báo giới ngày 15/4, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, để tháo gỡ các bất cập của quy định hiện hành, cũng như cụ thể hóa các tư tưởng cải cách nhằm thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn, Bộ Tài chính, UBCK đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 chỉ trong 2 - 3 tháng, đây là tốc độ nhanh kỷ lục.


“Ngay sau khi dự thảo được thẩm định xong, Bộ Tài chính, UBCK sẽ hoàn tất những khâu cuối cùng để trình Chính phủ xem xét ban hành, thay vì theo kế hoạch ban đầu sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 10/2015…”, ông Long nói và cho biết thêm, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đang nỗ lực tối đa để chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam sớm được triển khai trên thực tế.


Với tiến độ hoàn thiện dự thảo như hiện tại, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, nếu thuận lợi, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 sẽ được xem xét ban hành trong khoảng thời gian rất sớm của quý II/2015…


Liên quan đến một nội dung lớn tại dự thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo NĐT trong và ngoài nước là quy định về nới room cho NĐT nước ngoài, ông Long cho biết, việc mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam đang được hoàn thiện theo hướng đảm bảo không “vênh” với các quy định mới tại Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, đồng thời đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là theo cam kết WTO.


Theo đó, tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực cụ thể, căn cứ vào mức độ mở cửa các lĩnh vực mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, cũng như căn cứ vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm NĐT nước ngoài kinh doanh, hoặc các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo pháp luật chuyên ngành, chứ không có một mặt bằng chung như quy định hiện hành. Đây là cách làm theo thông lệ quốc tế, qua đó cho phép linh hoạt hơn trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.


Một khi quyết định nới room được Chính phủ chính thức thông qua, giới đầu tư nhìn nhận sẽ tạo đột biến cho TTCK, nhất là trên phương diện thanh khoản. Thông tin từ các CTCK cho thấy, hiện NĐT nước ngoài đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu đối với rất nhiều cổ phiếu đã cạn room như: FPT, VNM, DHG… Do đó, ngay sau khi quyết định nới room có hiệu lực, nhiều khả năng dòng vốn ngoại sẽ tìm đến các cổ phiếu này, cũng như tạo ra các hiệu ứng lan tỏa khác, qua đó làm tăng thanh khoản cho thị trường.


Mong đợi lớn từ thị trường


Trả lời câu hỏi của ĐTCK về dự báo khả năng TTCK tăng thu hút dòng vốn ngoại nếu quy định về nới room được Chính phủ thông qua ngay trong quý II này, ông Long cho biết, việc mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam đang được giới đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. TTCK có thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài hay không, ngoài phụ thuộc vào quyết định mở rộng không gian cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, còn tùy thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như những biến động tại các thị trường trên thế giới mà NĐT nước ngoài đã và đang triển khai các hoạt động đầu tư.


Tuy nhiên, ông Long cho biết thêm, với những gì mà cơ quan quản lý ghi nhận được từ thị trường, thì việc hiện thực hóa chủ trương mở rộng không gian cho khối ngoại tham gia TTCK Việt Nam, sẽ hỗ trợ tích cực không chỉ cho cải thiện thanh khoản của thị trường, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN mà Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện.


Hữu Hòe


Theo Tinnhanhchungkhoan




Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/4


Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/4 của các công ty chứng khoán.


MSN: Khuyến nghị mua vào


CTCK VPB (VPBS)


So với báo cáo CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) lần đầu ngày 25/3/2015 chúng tôi vẫn duy trì dự báo tăng trưởng doanh thu 2015 là 22% đối với CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Tuy nhiên đối với Masan Núi Pháo thì chúng tôi thay đổi dự báo doanh thu điều chỉnh giảm từ 7.762 tỷ xuống còn 6.864 tỷ đồng do giá bán các kim loại đều giảm, trong đó tungsten đã giảm đáng kể 19% từ thời điểm thực hiện báo cáo 320 USD/mtu xuống còn 258 USD/mtu như hiện nay do cầu thấp trong khi tồn kho vẫn còn đang ở mức cao.


Tuy nhiên, theo báo cáo triển vọng Tungsten của Aragus, với triển vọng khôi phục của kinh tế thế giới, nguồn cung trong thời gian tới bị hạn chế do chính sách hạn chế xuất khẩu tungsten Trung Quốc sẽ giúp cải thiện giá bán của khoáng sản này. Cho cả năm 2015, chúng tôi dự báo doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng 40% và đạt mức 22.450 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.736 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau khi trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1326 tỷ, tăng lần lượt 34% và 23% so với 2014, tương ứng EPS 2015 dự kiến đạt 1.768 đồng.


Với triển vọng của MSN, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 94.000 đồng/cổ phiếu trong dài hạn. Sự giảm giá của khoáng sản nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến định giá MSN. Chúng tôi sẽ quan sát biến động giá và cập nhật thay đổi này vào mô hình định giá trong báo cáo cập nhật cổ phiếu theo quý.


Kết thúc ngày 15/4/2015, cổ phiếu MSN giao dịch ở mức 80.500 đồng (+1,3%), tương ứng P/E là 56 lần và P/B là 3,9 lần.


HVG: Khuyến nghị tích cực


CTCK Bảo Việt (BVSC)


Năm 2015 tăng trưởng của CTCP Hùng Vương (HVG – sàn HOSE) chủ yếu đến từ 2 mặt hàng thức ăn chăn nuôi và tôm. Với tiến độ chào mua FMC và Tắc Vân hiện tai, chúng tôi cho rằng đến nửa cuối năm 2015, HVG có thể hợp nhất thêm hai công này. Ước tính doanh thu năm 2015 của Công ty sẽ khoảng 19.770 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ khoảng 481 tỷ đồng, tăng 65,8% so với năm trước.


Chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu HVG ở mức giá mục tiêu 25.300 VND/cổ phiếu dựa trên triển vọng khả quan của doanh nghiệp. CTCP Hùng Vương có lợi thế khi sở hữu chuỗi giá trị có quy mô lớn trong ngành cá và việc phát triển sang ngành tôm thông qua hoạt động M&A đem lại sự tăng trưởng nhanh cho Công ty. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới các hạn chế của HVG do việc mở rộng quy mô khá nhanh và rủi ro tăng thêm khi phát triển sang ngành hàng tôm.


PNJ: Khuyến nghị MUA


CTCK Maybank KimEng (MBKE)


Tổng doanh thu 2014 của PNJ đạt 9.298 tỷ, tăng 4% cùng kỳ. Mặc dù doanh thu từ vàng miếng giảm mạnh (-38% cùng kỳ) nhưng nhờ hoạt động kinh doanh nữ trang tăng trưởng tốt nên giúp cho tổng doanh thu của PNJ có mức tăng trưởng dương.


Cơ cấu doanh thu 2014 cũng thay đổi, tỷ trọng vàng miếng giảm còn 22% trong khi tỷ trọng nữ trang tăng lên 57% (cùng kỳ là 48%). Thêm vào đó, nữ trang cũng là nhóm hàng chủ lực với biên lợi nhuận gộp 2014 tăng lên mức 15%, cao hơn 1 điểm phần trăm (ppt) so với mức 14% của 2013, góp phần làm biên lợi nhuận gộp chung 2014 của tập đoàn PNJ tăng 2 ppt từ mức 7,5% lên 9,6%. Thuế TNDN thấp hơn, LNST đạt 242 tỷ, tăng 49% cùng kỳ.


2014 là năm tái cấu trúc HĐKD của PNJ - tập trung phát triển mạnh kinh doanh trang sức cốt lõi, giảm tỷ trọng vàng miếng đồng thời thoái vốn khỏi kinh doanh ngoài ngành (SFC – CTCP Nhiên liệu Sài Gòn). Trong 2015, PNJ tiếp tục đầu tư mạnh HĐKD cốt lõi nhằm đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững hơn nữa, đồng thời thu hẹp kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, trong năm nay do không còn sự đóng góp từ công ty con SFC nên doanh thu hợp nhất 2015 của Tập đoàn ước sẽ sụt giảm. Với việc tăng tỷ trọng kinh doanh hàng nữ trang có biên lợi nhuận gộp cao sẽ giúp LN 2015 lạc quan hơn.


Trong 2014, PNJ mở rộng mạng lưới tăng thêm 18 cửa hàng, tập trung tại các thành phố cấp 1 và cấp 2. Đến cuối 2014, toàn hệ thống có 169 cửa hàng bao gồm 78 cửa hàng vàng, 83 cửa hàng bạc và 8 cửa hàng Cao Fine Jewellery (cửa hàng trang sức cao cấp). Với vị thế dẫn đầu thị trường nữ trangViệt Nam, việc mở rộng mạng lưới kỳvọng tạo lợi thế về quy mô và góp phần tăng trưởng cho công ty. Trong 2015,PNJ mục tiêu mở thêm 35 cửa hàng và trong Q1/2015 đã mở được 7 cửa hàng mới.


Chúng tôi kỳ vọng doanh thu nữtrang vàng và bạc2015 của PNJ tăng lần lượt 29% cùng kỳ và 15% cùng kỳ (tương đương CARG 2008-2014) và đạt 6.578 tỷ và 175 tỷ. Trong khi đó doanh thu vàng miếng tiếp tục sụt giảm, ước giảm 25% cùng kỳ và đạt 1.531 tỷ. Không có đóng góp từ SFC, doanh thu Tập đoàn PNJ 2015 ước đạt 8.248 tỷ, giảm 11% cùng kỳ.


PNJ hiện đang trở thành thương hiệu nữ trang hàng đầu Việt Nam với hệ thống cửa hàng rộng khắp. Kết quả kinh doanh quý I/2015 của PNJ cũng rất lạc quan với doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước lần lượt đạt 2.161 tỷ, tăng 16% cùng kỳ và 142 tỷ đồng, tăng 48% cùng kỳ. Theo đó, chúng tôi cho rằng, PNJ hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra tại ĐH. EPS 2015 ước 4.136 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 11,6 lần, thấp hơn mức 15 lần trung bình ngành khu vực.


T.Thúy




Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh nếu sửa đổi Nghị định 58?

Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh nếu sửa đổi Nghị định 58?


Khi tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài 49% được dỡ bỏ, dự báo sẽ có động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu đã hết room và hoạt động M&A đối với nhóm cổ phiếu còn room.


Hôm qua, BIDV đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thông. Ngoài việc chia sẻ các vấn đề liên quan đến BIDV, kết quả kinh doanh của Bảo hiểm BIDV, Chứng khoán BSC…, nhiều thông tin liên quan đến sửa đổi Nghị định 58 cũng đã được Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thành Long, lãnh đạo Chứng khoán BSC chia sẻ.


Theo ông Long, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58 hướng tới hoàn thiện khung thể chế chính sách pháp luật để TTCK Việt Nam hoạt động thông thoáng, minh bạch, hiệu quả hơn và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế nên một khi được ban hành sẽ khơi thông được dòng vốn ngoại đổ mạnh vào TTCK, từ đó góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.


Nếu sửa đổi thông tư 58, thanh khoản thị trường, hoạt động M&A sẽ tăng mạnh


Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo BSC cũng cho biết, theo thống kê của Chứng khoán BIDV (BSC), hiện có 34 cổ phiếu đã hết room cho NĐT nước ngoài (29 trên HOSE và 5 trên HNX), tập trung vào những doanh nghiệp lớn, đầu ngành và luôn nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài: Dược (DHG, DMC, JVC), Hàng tiêu dùng (VNM, EVE, KMR, PNJ, TCM, BBC, MWG) và một số cổ phiếu khác FPT, REE, CTD, BMP, VNS, GMD… Do đó, khi tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài 49% được dỡ bỏ, dự báo sẽ có động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu đã hết room này.


Đối với nhóm cổ phiếu vẫn còn room, mặc dù hiện tại nhu cầu của NĐT nước ngoài không lớn với nhóm các công ty này, nhưng khi giới hạn trần sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ sẽ mở đường cho các thương vụ M&A. Đồng thời, động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu đã hết room sẽ đẩy mặt bằng giá giao dịch lên, thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu còn room, dẫn đến TTCK diễn biến tích cực và thanh khoản tăng cao.


VnIndex kỳ vọng cán ngưỡng 650 điểm 2015 nếu Nghị định 58 được sửa đổi


Dự báo về triển vọng thị trường năm 2015, phó Chủ tịch UBCKNN nhận định rằng thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách. Nếu chính sách theo hướng hỗ trợ thị trường chứng khoán thì thị trường sẽ duy trì được tăng trưởng và chỉ số VnIndex vẫn có khả năng đóng cửa năm 2015 với mức điểm 650.


Trong kịch bản tích cực với các kỳ vọng GDP tăng từ 6,2-6,5%, tăng trưởng tín dụng 15-17%, giảm lãi suất cho vay từ 1-5%...đồng thời, thông qua sửa đổi Nghị định 58 với trọng tâm nới room cho nhà đầu tư ngoại, gắn cổ phần hoá với niêm yết, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh..., chỉ số VnIndex dự báo đạt khoảng 650 điểm vào cuối năm 2015.


Trong kịch bản tiêu cực không có các giải pháp mới phát triển thị trường chứng khoán; các chính sách mới tiếp tục hoãn ban hành (Sửa đổi Nghị định 58)..., thị trường chứng khoán dự đoán sẽ bị lùi về điểm số 550 vào cuối 2015.


Phương Chi


Theo InfoNet




Cộng hòa Séc tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam

Cộng hòa Séc tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam


Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc, từ ngày 13-15/4, đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã thăm làm việc tại Cộng hòa Séc.


Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã tiến hành tham vấn chính trị với hai Thứ trưởng Ngoại giao Séc; làm việc với Cố vấn Đối ngoại Tổng thống Séc, Thứ trưởng Bộ Công thương và gặp gỡ thân mật với đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Séc.


Tại các cuộc làm việc, phía Séc đánh giá cao những thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới của Việt Nam, cũng như vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN; khẳng định chính sách nhất quán coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam; nhất trí tăng cường phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ ASEM và hợp tác ASEAN-EU trên các vấn đề cùng quan tâm.


Đáng chú ý, tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Ngoại giao Séc Peter Drulak thông báo Quốc hội Séc vừa hoàn tất các thủ tục nội bộ và sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (PCA), khẳng định chính phủ Séc ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).


Hai bên nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật tại mỗi nước nhằm thiết thực kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2015); phía Séc sẽ hỗ trợ phía Việt Nam tổ chức “Tuần văn hóa Việt Nam tại Séc” sẽ được khai mạc vào ngày 13/5 tại thủ đô Praha.


Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước phát triển rất năng động trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 294 triệu USD, tăng 23% so với năm 2013. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các kết quả đã đạt được tại Khóa họp thứ tư của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Séc diễn ra vào tháng 5/2014 tại Hà Nội.


Về hợp tác phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả và phù hợp với sự phát triển về kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây, phía Cộng hòa Séc thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong các dự án quy mô nhỏ trên các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu bức thiết như bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp…


Bên cạnh đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp bộ, ngành và địa phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trên nhiều lĩnh vực như thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh, môi trường, công nghiệp sản xuất pha lê, dược phẩm, y tế, hợp tác địa phương…


Trong các buổi tiếp xúc, phía Séc đánh giá cao sự đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam tại Séc vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của Séc cũng như cho quan hệ thương mại-đầu tư và giao lưu nhân dân giữa hai nước; khẳng định Cộng đồng người Việt là hình mẫu phát triển cho các dân tộc thiểu số tại Séc.


Về vấn đề Biển Đông, phía Séc đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các liên kết hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.


Theo VIETNAM+




Cổ phiếu Ngân hàng: Xu hướng tăng trưởng có còn tiếp diễn?

Cổ phiếu Ngân hàng: Xu hướng tăng trưởng có còn tiếp diễn?


Ngân hàng là một trong những nhóm ngành tăng trưởng tốt từ đầu năm 2015 cho tới nay. Xu hướng này có còn tiếp tục trong thời gian tới hay nhóm này sẽ chuyển sang giai đoạn điều chỉnh trung hạn?


Phân tích chỉ số VS-Banking và các cổ phiếu nổi bật có thể giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về xu hướng của nhóm cổ phiếu này cũng như chiến lược cho giai đoạn sắp tới.


Chỉ số VS-Banking: Vượt trội


Nếu so sánh đồ thị của chỉ số VS-Banking với đồ thị VN-Index, có thể dễ dàng nhận thấy sự vượt trội (overperform) của chỉ số này với thị trường chung.


Vào thời điểm VN-Index lao dốc trong quý 4/2014 thì ngành Ngân hàng vẫn tăng tốt chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư đã tập trung vào ngành này.



Theo lý thuyết sóng Elliott, xu hướng dài hạn của VS-Banking vẫn là tăng trưởng. Cụ thể, VS-Banking có thể đang ở sóng 3 của chuỗi 5 sóng tăng vì sóng 3 thường là sóng mạnh nhất và có độ dốc nhất.


Nếu đây là sóng 3 thì đợt pullback từ 152 điểm chỉ là điều chỉnh tạm thời. Vùng hỗ trợ mạnh dự kiến là vùng 127-133 điểm. Đây là vùng hội tụ của đáy cũ gần nhất và mức Fibonacci Retacement 38.2%.



Việc đường ADX đang duy trì ở mức thấp cho thấy xu hướng của chỉ số VS-Banking đang khá yếu và có thể điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, VS-Banking vẫn là ngành đáng để đầu tư trong dài hạn khi liên tục duy trì trên SMA100, SMA200...


Phân tích cổ phiếu Ngân hàng nổi bật


BID - Ngân Hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam


Tín hiệu kỹ thuật: BID có giai đoạn tăng trưởng tốt từ tháng 10/2014 cho tới nay. Tuy nhiên, bằng cách đếm sóng thì BID đang ở sóng 5 với mẫu hình rising wedge. Sóng 5 là sóng cuối cùng của một chu kỳ tăng và sẽ theo sau bởi quá trình điều chỉnh.


Đồng thời, phân kỳ giá xuống MACD với giá và đường ADX đã đi xuống mức thấp cho thấy xu hướng tăng đã yếu đi. Hiện tại, kháng cự mạnh của BID là vùng 19,300-19,700. Hỗ trợ cho BID trong dài hạn là vùng giá 16,800-17,500.


Khuyến nghị: Vì BID đang ở giai đoạn cuối của xu hướng tăng nên khó có đột biến. Tuy nhiên về mặt dài hạn, BID rất đáng để đầu tư khi giai đoạn điều chỉnh kết thúc.



CTG – Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam


Tín hiệu kỹ thuật: CTG hiện đang được hỗ trợ ở vùng giá 16,500-17,000. Điểm đáng chú ý là thanh khoản tăng rất mạnh và vượt lên khá cao so với mức trung bình 20 phiên gần nhất chứng tỏ xu hướng tăng đang quay trở lại.


Stochastic Oscillator đã vượt khỏi vùng oversold nên áp lực điều chỉnh không quá lớn trong ngắn hạn.


Đường SMA100 (vùng 15,900 – 16,500) vẫn tiếp tục đi lên và giá CTG đang duy trì trên đường này nên xu hướng tăng trưởng dài hạn tích cực. Nếu có điều chỉnh sâu xảy ra thì SMA100 sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh.


Khuyến nghị: Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua vào nếu giá vẫn duy trì trên SMA100 (vùng 15,900 – 16,500), với quan điểm nhanh chóng thoát ra khi ngưỡng này bị phá vỡ.



EIB - Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN


Tín hiệu kỹ thuật: Ở góc nhìn dài hạn, giai đoạn từ tháng 11/2010 đến 8/2012, EIB tăng khá mạnh mẽ và hình thành 5 sóng tăng rõ ràng.


Giai đoạn từ tháng 8/2012 đến nay là giai đoạn điều chỉnh với sóng C đang phát triển. Sóng C có thể kết thúc tại vùng 10,500-12,000 ứng với mốc 100% của Fibonacci Projection và cận dưới của kênh giá xuống.


Phân kỳ giá lên của MACD cũng là yếu tố ủng hộ khả năng EIB sẽ tạo đáy và tăng mạnh trở lại trong dài hạn sau khi kết thúc sóng điều chỉnh.


Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể mua mạnh ở vùng 10,500-12,000, với quan điểm nhanh chóng cắt lỗ nếu giá xuyên thủng vùng này.



STB – Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín


Tín hiệu kỹ thuật: Shooting Star xuất hiện ngày 13/3/2015 ngay tại đường middle của kênh giá cho thấy đường này đang giữ vai trò kháng cự mạnh đối với giá của STB.


Bên cạnh đó, Stochastic Oscillator giảm mạnh từ mức 70 cho thấy nhiều khả năng STB tiếp tục giằng co trong thời gian tới.


Tuy vậy, kênh giá dài hạn đang đóng vai trò hỗ trợ tốt cho STB nên đối với nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét mua vào khi giá test lại cận kênh dưới của kênh này.


Khuyến nghị: Mua vào khi giá test lại cận kênh dưới của kênh (vùng 15,600 – 17,000) và nhanh chóng thoát ra khi vùng này bị xuyên thủng.



Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Nghiên cứu Vietstock




Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Tỷ giá VND/USD tăng trở lại, sát giá thị trường tự do

Tỷ giá VND/USD tăng trở lại, sát giá thị trường tự do


Sáng nay 16/4, hầu hết các ngân hàng nâng tỷ giá thêm 5 – 20 đồng sau 5 phiên giữ giá liên tiếp.


Vietcombank và BIDV đồng loạt nâng tỷ giá thêm 5 đồng lên 21.575 – 21.635 VND/USD mua vào – bán ra.


Tăng 20 đồng mua vào, 15 đồng bán ra, tỷ giá tại Techcombank lên 21.570 – 21.645 VND/USD. Tăng 10 đồng, tỷ giá Eximbank và ACB lên 21.560 – 21.640 VND/USD


DongABank và VietinBank cùng giữ nguyên tỷ giá lần lượt ở 21.550 – 21.640 VND/USD và 21.570 – 21.640 VND/USD.


Trên thị trường tự do, giá USD tại thị trường Hà Nội là 21.640 – 21.670 VND/USD.


Tỷ giá hạ nhiệt gần 1 tuần nay sau khi Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá, giữ nguyên biên độ điều chỉnh 2% cho cả năm 2015. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đợt tăng tỷ giá từ giữa tháng 3 vừa qua chủ yếu do tâm lý, trong khi giới quan sát không loại trừ khả năng có yếu tố đầu cơ.


Trên thị trường vàng, giá vàng SJC cũng bắt đầu tăng trở lại. Hiện giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 35,14 – 35,24 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng thời gian gần đây vẫn lình xình quanh mức trên 35 triệu đồng/lượng.


Giá vàng thế giới trên Kitco đứng ở 1.204 USD/oz. Nếu tính theo tỷ giá Vietcombank và không bao gồm thuế, phí, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 3,85 triệu đồng/lượng.




Ông Bùi Nguyên Khoa (BSI): Nội lực tốt sẽ giúp thị trường chứng khoán ổn định trong quý 2

Ông Bùi Nguyên Khoa (BSI): Nội lực tốt sẽ giúp thị trường chứng khoán ổn định trong quý 2


Trong trường hợp làn sóng rút vốn của các quỹ đầu tư ngoại vẫn tiếp tục thì các yếu tố nội lực tốt như vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp khả quan sẽ chặn đà giảm sâu và giúp thị trường ổn định trở lại trong quý 2. Đó là chia sẻ của ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường – CTCK BIDV (HOSE: BSI).


Ông Khoa cho rằng yếu tố dòng tiền vẫn là yếu tố quan trọng và tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian tới. Việc tăng lãi suất đồng USD của Fed và triển khai các gói nới lỏng định lượng của ECB sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn quốc tế trong thời gian tới, trong khi dòng tiền nội đang được nắn lại dưới tác động của Thông tư 36.


Nếu làn sóng rút vốn của các quỹ đầu tư ngoại vẫn tiếp tục thì thị trường chứng khoán chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, các tin tức trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tốt như vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp khả quan sẽ thu hút dòng tiền đầu tư giá trị, chặn đà giảm sâu và giúp thị trường ổn định trở lại trong quý 2.


Trong quý 2, nhà đầu tư sẽ tiếp tục kỳ vọng vào câu chuyện thị trường bất động sản ấm lên, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (thép, xi măng, gạch,…) sẽ được hưởng lợi, và tín dụng ngân hàng tăng trưởng do dòng vốn được khơi thông. Do đó, dòng tiền nhiều khả năng hướng vào nhóm hạ tầng, bất động sản, vật liệu xây dựng và ngân hàng.


Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục được khối ngoại mua ròng, kể cả khi thị trường giảm điểm trong suốt tháng 3. Về mặt thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn, do đó tác động đáng kể đến các chỉ số VN-Index và HNX-Index. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ khởi sắc hơn nhờ vào gánh nặng nợ xấu đã được giảm bớt và có triển vọng được hoàn nhập khi doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh lãi suất thấp, hoạt động sản xuất, dịch vụ và bất động sản đang dần cải thiện.


Khối ngoại sẽ còn rút vốn khi lộ trình tăng lãi suất của Fed rõ ràng hơn


Trong quý 1, khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tháng 3 sau khi mua ròng ở hai tháng đầu quý, ông Khoa cho rằng nguyên nhân chính là do Fed đã một lần nữa nhắc đến vấn đề sẽ nâng lãi suất đồng USD trong biên bản cuộc họp FOMC hồi tháng 3 vừa qua khi nền kinh tế Mỹ dần phục hồi, thị trường lao động Mỹ được cải thiện. Điều này sẽ khiến chi phí vốn vay bằng đồng USD của các quỹ đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, cầu về đồng USD tăng lên.


Bên cạnh đó, việc ECB bắt đầu triển khai các gói nới lỏng định lượng cũng khiến đồng USD mạnh lên tương đối so với đồng Euro. Việc lên giá của USD với các đồng tiền khác khiến dòng vốn quốc tế có xu hướng rút khỏi các thị trường biên, trong đó có Việt Nam, để chảy về các tài sản được định giá bằng đồng USD. Thông tin này đã làm đảo chiều dòng vốn nóng từ ETF từ vị thế mua mạnh trong 2 tháng đầu năm chuyển sang bán ròng trong tháng 3.


Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại ngoài ETF theo hướng bán ròng ở nhóm dầu khí và mua vào nhóm ngân hàng và hạ tầng càng khiến cho sự dịch chuyển vốn ngoại đang khá phức tạp. Hoạt động bán ra của khối ngoại do vậy tạm thời dừng lại nhưng sẽ tiếp diễn khi lộ trình tăng lãi suất của Fed rõ ràng hơn ở các kỳ họp sắp tới.


Ngược lại, dự thảo sửa đổi Nghị định 58 đang được xem là bước ngoặt trong việc mở room và thu hút dòng vốn nước ngoài. Trong bối cảnh dòng vốn đang bị co hẹp, Nghị định mới ban hành là thông tin quan trọng mở đường cho dòng vốn ngoại đầu tư giá trị vào cân bằng với dòng vốn rút ra và sẽ tác tích cực lên thị trường. Các cơ quan hữu quan cũng đang nỗ lực xem xét phê duyệt Nghị định này sau nhiều lần lỡ hẹn và thị trường kỳ vọng cuối quý 2, đầu quý 3 thì Nghị định này có thể thông qua.


Mỹ Hà ghi


Theo Vietstock




'Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng'

'Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng'


Đề cập nhiều biện pháp cải cách quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, ông Hugh Borrowman nhấn mạnh: mọi cải cách đều cần thời gian và ý chí chính trị to lớn.




Australia và cá nhân ông rất quan tâm đến tiến trình tái cơ cấu tổng thể kinh tế Việt Nam, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông, chìa khóa cho sự thành công của tiến trình cải cách này là gì?




Gần đây Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng một mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn, ví dụ như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách đầu tư công và cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân.




Việc loại bỏ những can thiệp không cần thiết từ nhà nước, ví dụ như đòi hỏi kế hoạch kinh doanh chi tiết khi cấp phép, cũng là một bước quan trọng để đảm bảo hoạt động hiệu quả của nền kinh tế thị trường.




Chúng ta cũng cần làm cho hệ thống thể chế minh bạch hơn và giảm chi phí tuân thủ để khu vực tư nhân có thể hoạt động tốt và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mọi cải cách đều cần thời gian và ý chí chính trị to lớn. Do đó, cần có mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Nhà nước, khu vực tư nhân và toàn xã hội để thực hiện các sáng kiến cải cách. Chúng tôi tự hào khi hỗ trợ mối quan hệ đối tác này thông qua Dự án Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV).




Các chỉ số và chỉ báo kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế Việt Nam cơ bản đã ổn định trở lại và đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Quan điểm cá nhân ông thế nào về nhận định này?




Tôi nghĩ nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế khác ngày càng đồng thuận rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ cao hơn.




Với lạm phát thấp, lãi suất giảm, nhu cầu nội địa mạnh và môi trường thể chế đang cải thiện thì triển vọng kinh tế Việt Nam 2015 và những năm tới sẽ tươi sáng hơn. Tiếp cận thị trường rộng hơn nhờ Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết cũng sẽ giúp tăng nhu cầu quốc tế và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.




Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ xấu, và cần có sự quan tâm sát sao để những rủi ro này không làm mất ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Hội nhập sâu hơn cũng sẽ đem đến nhiều thách thức mà Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để có thể vượt lên trong cuộc cạnh tranh quốc tế.




Một trong các mục tiêu quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư là làm rõ quan điểm và các bước cải cách cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Theo ông, cải cách nào là quan trọng nhất?




Tôi nghĩ trong tình hình hiện tại, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp cải cách đồng thời và có liên quan đến nhau, do đó khó có thể chỉ ra cải cách nào quan trọng nhất.




Tuy nhiên, một số lĩnh vực cần ưu tiên là: (i) xây dựng nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường hiện đại, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu tốt hơn, thực thi hợp đồng tốt hơn và cạnh tranh lành mạnh; (ii) tinh giản các quy định kinh doanh và củng cố giám sát thi hành pháp luật; và (iii) tiếp tục chống tham nhũng để giảm chi phí và rủi ro kinh doanh ở Việt Nam.




Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 của WB công bố ngày 29/10/2014 chỉ ra Việt Nam xếp thứ 78 trong tổng số 189 nền kinh tế được khảo sát. Theo ông, kết quả xếp hạng này có hấp dẫn các nhà đầu tư Úc vào kinh doanh làm ăn lâu dài ở Việt Nam? Ông có thể chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi nhất liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh mà các nhà đầu tư Úc mong muốn Việt Nam cần sớm cải thiện là gì?




Các chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới là một nguồn thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cân nhắc nhiều chỉ số khác, ví vụ như chi phí lao động, vị trí địa lý, quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng và các thông tin khác.




Tôi tin Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Úc, và thực tế là đầu tư của Úc vào Việt Nam đã tăng liên tục. Đến cuối năm 2014, có hơn 300 dự án đầu tư của Úc ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư là gần 3 tỷ đô la Úc.




Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các nhà đầu tư Úc không có quan ngại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ví dụ, nhiều nhà đầu tư tiếp tục gặp khó khăn khi đối mặt với các thủ tục phiền hà, chính sách và quy định thiếu minh bạch và khó dự báo, và các hành vi tham nhũng. Chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ những vấn đề này và tôi tin rằng cam kết cải cách mạnh mẽ của Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.




An ninh tài chính-tiền tệ là vấn đề rất quan trọng trong tiến trình cải cách kinh tế - một nội dung Australia đang quan tâm hỗ trợ Việt Nam. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc VnEconomy kinh nghiệm của Úc cũng như của quốc tế?




Chúng ta đều biết tầm quan trọng của một hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để nâng cao ổn định và hiệu quả của hệ thống tài chính, ngân hàng trong nước với một số thành công ban đầu.




Các nước khác, trong đó có Úc, cũng đang thực hiện các biện pháp cải cách. Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, Úc và các nước G20 khác đã nhanh chóng củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng của mình bằng cách nâng cao yêu cầu về vốn và thanh khoản, và áp dụng các quy định giám sát và công bố thông tin chặt chẽ hơn.




Gần đây, Úc đã hoàn tất một Báo cáo Điều tra Hệ thống Tài chính để tạo cơ sở cho thảo luận chính sách và cải cách. Báo cáo đề ra những khuyến nghị như: (i) nâng cao yêu cầu về vốn đối với các cơ sở nhận tiền gửi, (ii) củng cố quyền lực, nguồn lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan điều tiết độc lập, (iii) tập trung mạnh hơn vào thúc đẩy cạnh tranh trong hệ thống tài chính.




Chính phủ Úc đang tìm cách thực hiện những khuyến nghị này trong thời gian tới và chúng tôi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của Báo cáo Điều tra Hệ thống Tài chính và các biện pháp cải cách tài chính khác với Việt Nam.



Phải rất cẩn trọng nếu muốn phá giá tiền đồng

Phải rất cẩn trọng nếu muốn phá giá tiền đồng


Theo TS Nguyễn Đức Độ (Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính), thời gian qua với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào lên tới 35 tỉ USD, cán cân thanh toán tổng thể - theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) - năm nay có thể thặng dư 2,8 tỉ USD thì thừa khả năng để kiểm soát tỷ giá.


Các chuyên gia cho rằng về lý thuyết, phá giá đồng nội tệ sẽ thúc đẩy xuất khẩu do hàng hóa xuất khẩu tính theo ngoại tệ rẻ hơn, nước ngoài nhập nhiều hơn. Tăng tỷ giá 1% thúc đẩy xuất khẩu tăng 0,15% trong cùng năm đó. Tuy nhiên theo ThS Vũ Thu Giang (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), sẽ có nhiều rủi ro khi cơ cấu sản xuất trong nước và xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ thì chưa phát triển.


VN trong nhiều năm nhập siêu triền miên, chủ yếu máy móc và các thiết bị nguyên liệu đầu vào chiếm tới 90%, còn xuất khẩu chủ yếu là gia công. Do đó điều chỉnh tỷ giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng mức độ không lớn.


Ngược lại, việc điều chỉnh tỷ giá có thể khiến doanh nghiệp nhập khẩu khó khăn do chi phí sản xuất tính bằng VND tăng do giá nguyên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến cả lạm phát và lãi suất.


Cụ thể, theo tính toán của TS Nguyễn Đức Độ, nếu tăng tỷ giá 1%, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 điểm phần trăm, lãi suất cho vay tăng 0,35-0,4 điểm phần trăm. Mặt khác, tăng tỷ giá gây áp lực nên nợ công rất lớn. Đây là lý do Chính phủ và NHNN rất thận trọng trong điều hành tỷ giá.



Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu ngân sách mất thu 13 ngàn tỷ đồng

Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu ngân sách mất thu 13 ngàn tỷ đồng


Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tăng thuế môi trường có hiệu lực từ 1/5 tới đây sẽ giúp thu ngân sách tăng thêm 10.831 tỷ đồng.


Sáng nay 15/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo về thông tư 48 về điều chỉnh thuế suất ưu đãi với một số mặt hàng xăng dầu mới được ban hành và có hiệu lực từ 14/4/2015.


Tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu được cân nhắc dựa trên 3 yếu tố chính là quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường của UB Thường vụ Quốc hội, các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia và khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước.


"Thời điểm điều chỉnh phù hợp với chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước theo nghị định 83/NĐ-CP"- ông Thi nói.


Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao ngày điều chỉnh giảm thuế sau 1 ngày quyết định giữ giá xăng của liên bộ Tài chính - Công thương, đại diện Bộ Tài chính cho rằng lựa chọn thời điểm đó cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.


Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải dự trữ tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Còn thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/5. Vì vậy, để sắc thuế bảo vệ môi trường không tác động đến giá bán xăng và phù hợp cho chu kỳ điều hành giá sắp tới, thông tư 48 có hiệu lực từ 14/4 vì thuế nhập khẩu thì doanh nghiệp phải nộp ngay khi hàng về. Như vậy, cả doanh nghiệp và nhà nước cùng chia sẻ lợi ích 15 ngày là hợp lý.


Theo tính toán của Bộ tài chính, với quyết định giảm thuế ưu đãi nhập khẩu xăng dầu thì ngân sách sẽ giảm thu 13 ngàn tỷ đồng nhưng khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường thì giúp tăng thu 10.381 tỷ đồng.


Về vấn đề lo ngại của Lọc hóa dầu Dung Quất khi thực hiện hội nhập, các doanh nghiệp chuyển sang mua xăng dầu từ các nước trong Asean để hưởng biểu thuế ưu đãi đặc biệt (ATIGA), ông Thi cho biết với lần điều chỉnh giảm thuế ưu đãi (MFM) này những lo ngại đó cơ bản được xử lý.


Cụ thể, mặt hàng xăng theo biểu thuế MFM cũ được áp dụng cho Lọc dầu Dung Quất chiu thuế suất 35% nay giảm còn 20%, bằng biểu thuế ATIGA. Các mặt hàng dầu chênh lệch cũng điều chỉnh giảm.


"Hơn nữa, qua thống kê của tổng cục hải quan thì từ đầu năm đến 10/3, không có doanh nghiệp nào nhập khẩu xăng dầu hưởng ưu đãi ATIGA do vấn đề liên quan đến thiếu tiêu chuẩn xuất xứ C/O form D. Qua tìm hiểu thì để có được chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí cũng như phải ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp. Đây là rủi ro " - ông Thi cho biết thêm.


Liên quan đến diễn biến giá xăng dầu khi điều chỉnh các sắc thuế, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết lần nguyên tắc khi xây dựng biểu thuế là không làm thay đổi cấu trúc giá của hàng hóa. Vì vậy, giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu sẽ không tăng.




6 bài học đầu tư từ Fed

6 bài học đầu tư từ Fed


Trong nhiều năm qua, nhà đầu tư đã được hưởng lợi khi sống theo phương châm “Đừng chống lại Fed”, vì thế khi ngân hàng trung ương thay đổi ngôn từ của mình tại cuộc họp chính sách mới nhất – ám chỉ cơ quan này có thể nâng lãi suất trong năm nay – nhà đầu tư đã cảm thấy hơi lo lắng.


Điều đó có nghĩa là tốt hơn hết nhà đầu tư nên cố gắng ứng dụng các ngôn từ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo cách hiểu của riêng mình thay vì chú ý đến các hành động của cơ quan này. Cụm “ngôn từ của Fed” (Fedspeak) lần đầu tiên được đưa vào từ điển công khai dưới thời của Chủ tịch Alan Greenspan, người nổi tiếng với các nhận định khó hiểu.


Giáo sư kinh tế học Đại học Princeton, Alan Blinder, cho rằng ngôn từ của Fed là phương ngữ tiếng Anh khoa trương.


Mối quan tâm gần nhất đối với các ngôn từ của Fed xoay quanh một từ “kiên nhẫn”, còn trước đó là các cụm từ như “sự lạc quan hợp lý”, “tương thích”, “cân nhắc kỹ”, và “phụ thuộc vào số liệu”.


Dĩ nhiên, nhà đầu tư cá nhân chính là ngân hàng trung ương của chính mình và tự thiết lập các chính sách cho riêng mình.


Nếu chính sách đó là “đừng chống lại Fed” thì bạn có thể rút khỏi cổ phiếu trong thời điểm hiện tại vì khi Fed nâng lãi suất, cơ quan này sẽ có biện pháp để ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, qua đó có thể châm ngòi cho lạm phát, và thị trường giá xuống cũng như suy thoái thường xuất hiện sau khi lãi suất tăng.


Tuy nhiên, thay vì tập trung vào chiến lược của mình trước sự thay đổi ngôn từ của Fed tại cuộc họp chính sách gần nhất, hãy xem xét các ngôn từ mà Fed nói ra sẽ là nhân tố cốt yếu cho chính sách của riêng mình vì thậm chí khi Fed thay đổi ngôn từ, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng Fed sẽ chưa thực sự nâng lãi suất cho đến năm 2016.


Từ ngân hàng trung ương cho đến tài khoản ngân hàng của bạn, các cụm từ này không thay đổi nhiều, vấn đề là làm cách nào để bạn hiểu rõ và áp dụng chúng. Với ý nghĩ đó, sau đây là 6 ví dụ về các ngôn từ của Fed và cách thức mà bạn có thể áp dụng cho các khoản đầu tư của chính mình.


1. “Kiên nhẫn”


Trên quan điểm của Fed, từ này có nghĩa là “mọi việc vẫn không có gì thay đổi”. Trong lúc Fed đang kiên nhẫn thì lãi suất sẽ không tăng. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng việc loại bỏ từ này không đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương đã “mất kiên nhẫn”.


Vì thế, trên quan điểm của một cá nhân, kiên nhẫn đồng nghĩa với việc kiên trì với một khoản đầu tư thay vì đưa khoản đầu tư này vào “danh sách theo dõi”. Khi lòng kiên nhẫn bắt đầu giảm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần xem xét lại một khoản đầu tư, kiểm soát chặt chẽ một giám đốc danh mục hoặc một cổ phiếu khi kết quả mà vị giám đốc hoặc cổ phiếu này đạt được không như kỳ vọng, và bắt đầu nghĩ đến động thái tiếp theo của mình.


2. “Phụ thuộc vào số liệu”


Theo ngôn ngữ của Fed, cụm từ này có nghĩa là bất kỳ quyết định nào được đưa ra trong ngày hôm nay sẽ được giữ nguyên cho đến khi xuất hiện lý do chính đáng để thay đổi chính sách.


Điều này không có gì khác đối với các nhà đầu tư cá nhân. Chẳng hạn như, nhà đầu tư có thể trả lời câu hỏi đơn giản sau: “Tôi có nên cơ cấu lại danh mục của mình?”


Những ai không đầu tư theo số liệu sẽ cân nhắc tái cân bằng danh mục – tức điều chỉnh các khoản nắm giữ để phân bổ tài sản trong danh mục theo mục tiêu đã đặt ra – một hoạt động định kỳ được thực hiện hàng năm và không phụ thuộc vào các điều kiện thị trường. Trong khi đó, một người đầu tư theo số liệu sẽ cho rằng việc tái cơ cấu là không cần thiết cho đến khi danh mục chênh lệch ít nhất 5% so với mục tiêu và chốt lời lúc này dường như là một hành động khôn ngoan.


Nhà đầu tư phải xác định được cho mình chương trình đầu tư thích hợp cho dù điều kiện thị trường có như thế nào, và động thái nào sẽ phụ thuộc vào số liệu, cho dù đó là các số liệu cá nhân như tỷ suất sinh lời của danh mục, hoặc các số liệu tổng quan như họ sẽ đầu tư như thế nào khi chứng kiến lãi suất tăng.


3. “Thận trọng”


Trở lại thời của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan – khi ông cho biết chính sách lãi suất thấp có thể đảo chiều với tốc độ “thận trọng” – đây là một thuật ngữ, mà đối với các nhà đầu tư cá nhân, mô tả động thái chậm và được cân nhắc kỹ lưỡng.


Chẳng hạn như, một nhà đầu tư đang lo lắng về việc thị trường đã lên sát các mức cao mọi thời đại và chưa hề trải qua một đợt điều chỉnh đáng kể nào trong hơn 6 năm có thể áp dụng biện pháp thận trọng là chốt lời, chọn lọc các cổ phiếu tốt và dần cơ cấu danh mục theo hướng phòng thủ hơn.


Dù nhà đầu tư luôn muốn tin rằng phản ứng của họ trước các điều kiện của thị trường đã được cân nhắc kỹ, nhưng sự thật là nhiều người lại thiếu linh hoạt, lưỡng lự và đầu tư theo cách may rủi. Điều đó có thể tốt – nếu bạn tin rằng các điều kiện thị trường yêu cầu bạn hoàn toàn đứng bên ngoài, thì việc bán ra mọi thứ có thể là một phản ứng “thận trọng” – nhưng hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đều muốn tránh xa các thái cực, vì thế một vị thế thỏa hiệp và thực sự nhất quán thường sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất.


4. “Một thời gian đáng kể”


Trong các lời phát biểu của Fed, cụm từ này được cựu Chủ tịch Ben Bernanke và Chủ tịch hiện nay là Janet Yellen sử dụng để ám chỉ “một tương lai có thể dự báo được”.


Tuy nhiên, đối với các cá nhân, một thời gian đáng kể giống với “đủ thời gian” hơn. Bạn muốn gắn bó với một nhà quản lý quỹ mới trong một khoảng thời gian đủ để chứng minh rằng ông ấy/bà ấy có thể làm tốt như người tiền nhiệm, bạn muốn chắc chắn rằng chiến lược đầu tư của mình không phản ứng thái quá đối với các cơ chế hàng ngày gần như ngẫu nhiên của thị trường.


Lý tưởng nhất, bất cứ khi nào một nhà đầu tư có động thái thay đổi danh mục theo một hướng khác, họ sẽ dành một khoảng thời gian đáng kể để chiến lược cũ phát huy hiệu quả và chuẩn bị đưa ra một chiến lược mới. Tùy thuộc vào chiến lược, số ngày trong cụm từ “đáng kể” là linh hoạt, nhưng các cá nhân nên có định nghĩa riêng cho mình trước.


5. “Sự tương thích”


Đây là chính sách mà ông Greenspan cho là đã làm hài lòng hầu hết mọi người. Nếu là nhà đầu tư cá nhân, đôi khi bạn cũng cần tạo “sự tương thích” cho riêng mình bằng cách áp dụng các biện pháp có thể không hoàn hảo như trong sách vở nhưng lại có hiệu quả cho riêng mình.


Chẳng hạn như, nếu bạn có một danh mục đa dạng nhưng lại cảm thấy không yên tâm đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hay cổ phiếu của các thị trường mới nổi, bạn có thể tránh xa các loại tài sản này. Đúng vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của toàn danh mục và gây ra biến động, nhưng bạn có thể tạo ra “sự tương thích” cho chính mình như đã nói ở trên để có thể ngủ ngon hơn. Càng cảm thấy thoải mái, bạn càng dễ trung thành với một chiến lược mà bạn cho là sẽ mang lại hiệu quả qua thời gian.


6. “Sự lạc quan hợp lý”


Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất từ trước đến nay về ngôn từ của Fed là cách cựu Chủ tịch Greenspan cảnh báo rằng sự hăng hái quá mức đối với một thị trường giá lên đang bùng nổ là thiển cận.


Nếu so sánh, “sự lạc quan hợp lý” là trạng thái tâm lý mà nhà đầu tư nên phấn đấu để đạt được, đó là sự phấn khích mà một người có được nếu áp dụng một chiến lược mà họ thực sự tin tưởng sẽ giúp mình đạt được mục tiêu vào đúng thời điểm cần thiết. Nếu thị trường đang làm bạn choáng váng, bạn nên biết rằng cảm giác này sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng cũng nên phấn chấn khi các kế hoạch của bạn dường như đang phát huy hiệu quả.


Phước Phạm (Theo MarketWatch)


Theo Vietstock




Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

10 câu hỏi trước đại hội cổ đông Hoàng Anh Gia Lai

10 câu hỏi trước đại hội cổ đông Hoàng Anh Gia Lai


Hôm nay, tập đoàn HAGL sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015 tại TP.HCM. Tài liệu được công bố không cung cấp chi tiết các báo cáo của ban lãnh đạo, ngoại trừ một số chỉ tiêu kế hoạch 2015 được tiết lộ trong các tờ trình.


Đây là những câu hỏi mà cổ đông của HAGL cần được giải đáp tại đại hội này:


1. HAGL đặt kế hoạch lãi trước thuế 2.100 tỷ đồng năm 2015. Con số này có bao gồm lãi từ các hoạt động (dự kiến) chuyển nhượng cổ phần công ty con hay không?


2. Mảng mía đường đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh của HAGL 2014. Nhưng việc tiêu phụ đường của HAGL tại thị trường Việt Nam đang “phụ thuộc” vào các văn bản cho phép hàng năm của của cơ quan quản lý. HAGL có xem đây là một rủi ro và giải quyết như thế nào?


3. Mảng xây dựng có tiếp tục đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL như năm 2014 hay không?


4. Năm 2015, dự kiến trồng thêm 13.000 ha cọ, so với diện tích đã trồng 17.000 ha. Công ty đang kỳ vọng giá dầu cọ sẽ tăng trở lại sau khi giảm liên tục trong nhiều năm qua?


5. Mảng chăn nuôi bò quy mô 6.300 tỷ sẽ được cung cấp 70% vốn bởi Eximbank, riêng giai đoạn 1 (2014 – 2015) là 2.150 tỷ. Ngân hàng này cũng cung cấp vốn chủ lực cho dự án HAGL tại Myanmar. Tuy nhiên Eximbank gần đây kinh doanh không hiệu quả và được cho là sẽ bị sáp nhập vào một ngân hàng khác. Nguồn vốn của HAGL có bị ảnh hưởng?


6. Đóng góp của mảng chăn nuôi bò vào kết quả kinh doanh của HAGL năm 2015?


7. Thỏa thuận với Rowsley không được thực hiện có làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án HAGL Myanmar hay không (giai đoạn 2) ?


8. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến mà dự HAGL Myanmar sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh của HAGL năm 2015?


9. Khoản 2.000 tỷ trái phiếu kèm chứng quyền và 50 triệu USD trái phiếu hoán đổi sẽ đáo hạn trong năm 2015. Các điều khoản gia hạn có được thực hiện hay không?


10. Vì sao GEM đã không thực hiện cam kết đầu tư 80 triệu USD vào HAGL (thông qua mua cổ phiếu trên sàn).


An Huy


Theo InfoNet




NỆM LIÊN Á