Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại GPBank và OceanBank với giá 0 đồng?

Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại GPBank và OceanBank với giá 0 đồng?


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết cơ quan này đang xem xét mua lại 2 ngân hàng là GPBank và OceanBank với giá 0 đồng, nếu hai ngân hàng này không thể khắc phục được tình trạng âm vốn và cũng không tìm được đối tác mua lại.


Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng do ngân hàng này bị rơi vào tình trạng âm vốn và không thể tự xử lý được. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ đổi tên cho Ngân hàng Xây dựng và cán bộ của Vietcombank sẽ hỗ trợ ngân hàng này tái cấu trúc lại hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, sau hơn một tháng mua lại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào với ngân hàng này ngoài việc hỗ trợ thanh khoản.


Phó Thống đốc Thanh nhấn mạnh việc mua lại 2 ngân hàng này (nếu có) và ngân hàng Xây dựng là những thương vụ mua bán chứ không phải là quốc hữu hóa. Vì Ngân hàng Nhà nước không dùng tiền ngân sách để xử lý ba ngân hàng, nên không thể nói là quốc hữu hóa.


“Sau khi mua lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấu trúc ngân hàng để hoạt động cho hiệu quả rồi bán lại cho đối tác khác muốn mua, có thể là trong nước, có thể là nước ngoài”, Phó Thống đốc Thanh nhấn mạnh.


Phó Thống đốc Thanh cho biết, hiện GPBank vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng âm vốn của mình. Đối tác nước ngoài đến từ Malaysia cũng không chốt phương án sẽ mua lại ngân hàng này.


Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có gửi công văn đến LienVietPostBank đề nghị ngân hàng này xem xét nhận GPBank vào hệ thống, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này đã từ chối với lý do đang còn phải đầu tư vào hệ thống sau khi sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện.


GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ đầu năm 2012. Đây cũng là thu hút sự quan tâm của thị trường do có thông tin bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là ngân hàng UOB đến từ Singapore. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo là không đi đến hồi kết.


OceanBank là ngân hàng vừa mới bộc lộ yếu kém khi một số lãnh đạo của ngân hàng này bị vướng vào vòng lao lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát rất chặt chẽ ngân hàng này.


Phó Thống đốc Thanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện định giá lại tài sản của OceanBank, nếu bị âm vốn và không tự khắc phục được thì cũng sẽ bị mua lại với giá 0 đồng.


Trước đó, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 17/2/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cho biết cơ quan này sẽ mua lại vài ngân hàng với giá 0 đồng giống như đã mua ngân hàng Xây dựng.


Thực tế, việc mua một ngân hàng với giá rất thấp được coi là một phương pháp tái cơ cấu, đã được nhiều Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới thực hiện.


TRẦN GIANG


Theo Bizlive




WB thông qua khoản tín dụng 100 triệu USD giúp Việt Nam giảm nghèo

WB thông qua khoản tín dụng 100 triệu USD giúp Việt Nam giảm nghèo


Khoản tài chính bổ sung sẽ góp phần vào các nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ thông qua nâng cao năng lực của chính quyền và cộng đồng địa phương, tăng cường tiếp cận với đầu tư, cải thiện năng suất lao động...


Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới đã thông qua một khoản tín dụng bổ sung 100 triệu USD cho Dự án giảm nghèo ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái nhằm hỗ trợ cải thiện mức sống của người dân.


Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: “Vùng dự án là nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước và phần lớn người hưởng lợi là người dân tộc thiểu số nghèo. Chúng tôi chia sẻ mong muốn mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc giảm nghèo thông qua hướng tiếp cận phát triển dựa vào cộng đồng được xây dựng trong dự án này và sẵn sàng cùng làm việc với Chính phủ để mở rộng những thành công của dự án.”


Khoản tài chính bổ sung sẽ góp phần vào các nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ thông qua nâng cao năng lực của chính quyền và cộng đồng địa phương, tăng cường tiếp cận với đầu tư, cải thiện năng suất lao động, nâng cao khả năng lập kế hoạch đầu tư cộng đồng, tăng cường kết nối thị trường, sáng kiến kinh doanh cho các cộng đồng hưởng lợi từ dự án.


Cụ thể, dự án sẽ tập trung mở rộng hỗ trợ giảm nghèo tại 6 tỉnh đã được đầu tư đồng thời mở rộng thêm ở các huyện và cộng đồng mới bổ sung.


Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng vào các chương trình giảm nghèo quốc gia của Chính phủ với trọng tâm là tăng cường quan hệ đối tác giữa các nhóm nông hộ và các doanh nghiệp nông nghiệp./.


TTXVN/Vietnam+




Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Ngày Thần Tài, góc nhìn lạc quan về chứng khoán năm 2015

Ngày Thần Tài, góc nhìn lạc quan về chứng khoán năm 2015


Sẽ có ba kịch bản cho TTCK 2015. Xác suất xảy ra cao nhất 50% là kịch bản trung bình khi VN-Index dự kiến đạt mức cao nhất trong năm từ 610 – 630 điểm.


Công ty chứng khoán MB (MBS) mới đưa ra báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô nói chung và triển vọng về TTCK nói riêng trong năm 2015 thể hiện sự lạc quan nhưng có chọn lọc.


Đối với kinh tế vĩ mô, năm 2015 sẽ là năm kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tích cực, cùng với bước hồi phục của kinh tế thế giới. Theo báo cáo trên, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi từ năm 2014 với GDP tăng 5,98% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra ở mức 5,8%. Lạm phát được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm là 1,84% giúp NHNN có thể duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến mặt bằng lãi suất giảm 1,5% - 2% so với cùng kỳ, kích thích đầu tư và tiêu dùng.


Bước sang năm 2015, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục khả quan khi mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp giúp khu vực tư nhân có dấu hiệu phục hôì. Thêm vào đó tiến trình tái cơ cấu khu vực nhà nước được thúc đẩy làm gia tăng hiệu quả nền kinh tế cũng như đầu tư từ khu vực FDI hứa hẹn sẽ tăng lên khi một loạt các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và các đối tác như EU, Hàn Quốc, Nga được ký kết.


Với những trợ lực trên, MBS kỳ vọng GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn với mức tăng từ 6 - 6,2%, lạm phát giao động quanh mức 4% và thị trường ngoại hối ổn định với biên độ tăng tỷ giá VND/USD không quá 2%.


Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2015 mặc dù tốc độ còn chậm và không đồng đều. Kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng cao và tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới trong năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng chậm của khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kìm hãm đà tăng chung này. Theo dự báo của IMF, GDP toàn cầu năm 2015 – 2016 tăng trưởng lần lượt vào khoảng 3,5% và 3,7%, cao hơn khoảng 0,2% -0,4% so với mức 3,3% trong năm 2014.


Chính triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan là nền tảng củng cố cho sự hồi phục của TTCK. Theo báo cáo của MBS, sẽ có ba kịch bản cho TTCK 2015. Xác suất xảy ra cao nhất 50% là kịch bản trung bình khi VN-Index dự kiến đạt mức cao nhất trong năm từ 610 – 630 điểm. Giá trị giao dịch trung bình cả 2 sàn khoảng 3000 tỷ và số lượng cổ phiếu giao dịch là 210 triệu CP/phiên ở cả hai sàn.


Như vậy, dựa theo kịch bản xảy ra với xác suất lớn nhất, MBS dự báo năm 2015, VN-Index sẽ tăng khoảng 14,6% từ mức cuối năm 2014.


Trên nền tảng phân tích kinh tế vĩ mô và TTCK, MBS cho rằng dòng tiền sẽ tìm đến các ngành cụ thể có yếu tố tạo tiềm năng tăng giá cổ phiếu trong năm 2015 như một số cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng. Bên cạnh các cổ phiếu trên, cổ phiếu của nhóm ngân hàng đầu ngành (VCB, BID, CTG, MBB) đang và sẽ tiếp tục là tâm điểm quan trọng nhất trong năm 2015 sau mấy năm không được thị trường chú ý.


Theo MBS, 2015 là năm đánh dấu sự trở lại của nhóm cổ phiếu “vua” này.


Công ty chứng khoán MBS


Theo Tinnhanhchungkhoan




Xuất siêu hơn 600 triệu USD trong nửa đầu tháng Tết

Xuất siêu hơn 600 triệu USD trong nửa đầu tháng Tết


Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2 năm 2015, cả nước xuất siêu khoảng 630 triệu USD.


Tổng cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu của cả nước nửa đầu tháng 2/2015 (từ 1/2/2015-15/2/2015). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 7,33 tỷ USD; riêng khu vực FDI đạt 4,89 tỷ USD.


Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 2 đã nâng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước từ đầu năm 2015 đến nay đạt 20,72 tỷ USD.


Về hàng hóa xuất khẩu, đến giữa tháng 2, cả nước đã có 5 nhóm hàng xuất khẩu chính đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,75 tỷ USD; hàng dệt may đạt 3,09 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,95 tỷ USD; giày dép các loại đạt 1,63 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,02 tỷ USD.



Top 5 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô từ đầu năm 2015 đến 15/2 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).


Top 5 mặt hàng xuất khẩu "tỷ đô" từ đầu năm 2015 đến 15/2 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).



Ở chiều ngược lại, trong nửa đầu tháng 2/2015, cả nước nhập khẩu 6,7 tỷ USD; trong đó khu vực FDI nhập khẩu 4,15 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 20,43 tỷ USD.


Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu “tỷ đô” bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,93 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,38 tỷ USD; vải các loại đạt 1,12 tỷ USD.



Top 4 mặt hàng nhập khẩu tỷ đô từ đầu năm 2015 đến 15/2 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).



Top 4 mặt hàng nhập khẩu "tỷ đô" từ đầu năm 2015 đến 15/2 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).




Như vậy, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 2, cả nước xuất siêu khoảng hơn 630 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2/2015, cán cân thương mại của cả nước thặng dư 290 triệu USD.


Trước đó, số liệu thống kê tháng 1 của Tổng cục Hải quan cho biết, cả nước nhập siêu 400 triệu USD ngay trong tháng đầu năm 2015.


Nguyệt Quế


Theo Trí thức trẻ




Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng 12,2% so với cuối 2013

Tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng 12,2% so với cuối 2013


Đến 31/12/2014, tổng tài sản của toàn hệ thống là hơn 6,5 triệu tỷ đồng. Hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng được ghi nhận ở mức 12,75%.


Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống ngân hàng đến 31/12/2014.


Theo đó, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đến 31/12/2014 là 6,51 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2013. Trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Nhà nước, bao gồm VietinBank và Vietcombank, tăng 14,82%, của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng 13,1%, của tổ chức tín dụng hợp tác tăng 20,69%...


Riêng tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài lại giảm 0,42% so với cuối năm 2013, xuống còn 701,99 nghìn tỷ đồng.


Vốn tự có và vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng tăng lần lượt 4,36% và 3,29%, ở mức thấp. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống đều có mức tăng vốn tự có cao hơn mức trung bình hệ thống.


Về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), toàn hệ thống có ROE đến 31/12/2014 đạt 5,49%. Trong đó, ROE của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước là 6,92%, của các ngân hàng TMCP là 4,64%, của các ngân hàng liên doanh nước ngoài là 3,79%...


Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của toàn hệ thống là 0,51%. ROA của các ngân hàng thương mại Nhà nước gần bằng mức trung bình của toàn hệ thống với 0,53%, ROA của các ngân hàng TMCP là 0,4%. ROA của các công ty tài chính, cho thuê cao nhất, lên tới 2,33%.


Đến 31/12/2014, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ngân hàng được ghi nhận ở mức 12,75%. Nhóm có hệ số CAR thấp nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước với 9,4%, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có CAR cao nhất với 30,78%. Các ngân hàng TMCP có hệ số CAR ở 12,07%, công ty tài chính và cho thuê ở mức 29,33%.


Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống đến hết năm 2014 là 20,15%. Tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước là 25,02%, các ngân hàng TMCP là 21,35%. Tại các ngân hàng liên doanh, nước ngoài thì tỷ lệ này là -4,45%.


Về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động thị trường 1, cao nhất là các công ty tài chính, cho thuê với mức 220,76%, so với mức trung bình toàn hệ thống là 83,67%. Tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn vay huy động là 94,61%, tại các ngân hàng thương mại cổ phần thì tỷ lệ này là 75,36%.











Một số thống kê chỉ tiêu cơ bản đến 31/12/2014 của hệ thống ngân hàng (Nguồn: NHNN)
Một số thống kê chỉ tiêu cơ bản đến 31/12/2014 của hệ thống ngân hàng (Nguồn: NHNN)



Oceanbank, Eximbank, NamA Bank, GPBank… đã vào chương trình xử lý

Oceanbank, Eximbank, NamA Bank, GPBank… đã vào chương trình xử lý


Trong cuộc trao đổi đầu Xuân với Đầu tư Chứng khoán, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ rất thẳng thắn với phóng viên về các câu chuyện liên quan tới từng ngân hàng đang được cơ cấu. Đáng chú ý, những cái tên như GPBank, Oceanbank, NamA Bank, Eximbank… đều đã có kế hoạch cho tương lai.


Đối với trường hợp của GPBank, sau những thông tin về việc bán lại 100% vốn cho ngân hàng ngoại lắng xuống vào cuối năm 2014, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh khẳng định: “GPBank có thể sẽ là trường hợp được quốc hữu hóa tiếp theo”.


Điều này có nghĩa, bước đi sắp tới cho GPBank sẽ tương tự trường hợp Ngân hàng Xây dựng VNCB vừa được quốc hữu hóa.


Đối với trường hợp của VNCB, hiện NHNN yêu cầu Vietcombank cử cán bộ sang tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao cấp của VNCB và “Vietcombank đã cử xong cán bộ”. Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán thì sẽ có một phó tổng giám đốc đương nhiệm của Vietcombank được cử sang VNCB.


Một trường hợp ngân hàng đang được dư luận chú ý là OceanBank. Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết NHNN đang yêu cầu bên thứ 3 vào kiểm toán tài sản của OceanBank và việc này sẽ mất thời gian cả tháng sau đó sẽ có quyết sách cụ thể.


“Trong trường hợp âm vốn nhiều OceanBank sẽ được xử lý như VNCB”, ông Thanh nói.


“Nếu âm vốn ít, sẽ xử lý theo cách khác. Tất nhiên, âm vốn kể cả nhiều hay ít mà các cổ đông tiếp tục bơm vốn đủ theo quy định thì sẽ không có vấn đề gì còn nếu không bắt buộc NHNN phải xử lý theo hình thức quốc hữu hóa”.


Hiện trên thị trường lại xuất hiện thông tin một cuộc “xe duyên” mới là Eximbank và NamA Bank theo một kịch bản khá bất ngờ là NamA Bank mua lại Eximbank!


Với thông tin này, Phó Thống đốc khẳng định NHNN ủng hộ chủ trương hợp nhất, sáp nhập ngân hàng với nhau. Nếu NamA Bank và Eximbank mà hợp nhất được với nhau là điều rất tốt vì đến năm 2018 hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng.


“Nhưng thông tin tôi được biết là NamA Bank xin nhập vào Eximbank và mất tên NamA Bank luôn. Tất cả mọi kế hoạch được thực hiện theo đúng luật pháp, NHNN sẽ ủng hộ”.


* Toàn bộ nội dung cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh sẽ được Đầu tư Chứng khoán đăng tải trên số báo 26, ra thứ Hai ngày 2/3/2015


Hồng Dung


Theo Tinnhanhchungkhoan




USD lên cao nhất 1 tháng

USD lên cao nhất 1 tháng


Hôm qua 26/2, USD được hỗ trợ lớn nhờ một vài số liệu kinh tế Mỹ tích cực trong khi ECB chuẩn bị thực hiện gói nới lỏng định lượng.


Cụ thể, chỉ số đôla ICE, theo dõi biến động tỷ giá của USD với giỏ 6 đồng tiền mạnh khác, lên cao nhất 1 tháng ở 95.269 điểm, tương đương mức tăng 1,1% trong cả phiên.


Trong đó, USD tăng gần 0,4% so với yên lên 119,385 yên.


Mặt khác, euro giảm 1,4% so với USD xuống thấp nhất 1 tháng ở 1,1184 USD. Euro cũng xuống thấp nhất 3 tuần so với yên ở 133,715 yên, giảm 0,9% trong cả phiên.


Giới đầu tư trên các thị trường dần lấy lại niềm tin vào tình hình kinh tế Mỹ và khả năng Fed nâng lãi suất trong năm nay trước những dấu hiệu khả quan của lạm phát lõi và lĩnh vực sản xuất tại Mỹ. Theo đó, chỉ số CPI lõi và đơn đặt mua hàng hóa bền lâu của Mỹ lần lượt tăng 0,2% và 2,8% trong tháng 1.


Tâm lý đầu tư vào USD càng tăng mạnh khi một số quan chức Fed cho biết, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ nâng lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường.


Mặt khác tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị triển khai gói nới lỏng định lượng quy mô lớn trong tháng 3. Với động thái này, giới đầu tư dự đoán rằng, euro sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong những tháng tới.




Dầu lại ngã nhào gần 6%, chạm đáy 1 tháng

Dầu lại ngã nhào gần 6%, chạm đáy 1 tháng


Giá dầu Brent và WTI phiên 25/2 đều giảm khi dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục tăng, xua tan đồn đoán nhu cầu hồi phục.


Giá dầu Mỹ (WTI ngọt nhẹ) xuống thấp nhất gần 1 tháng khi dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng, gây áp lực lên thị trường.


Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào 20/2 tiếp tục ở mức cao nhất 80 năm, tăng 8,4 triệu thùng lên 434,1 triệu thùng, trong khi đó sản lượng lập đỉnh mới khi đạt 9,3 triệu thùng/ngày.


Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 4/2015 trên sàn Nymex New York giảm 2,82 USD, tương đương 5,5%, xuống 48,17 USD/thùng, thấp nhất kể từ 29/1.


Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 4/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 1,58 USD, tương đương 2,6%, xuống 60,05 USD/thùng.


Chênh lệch giữa giá dầu Brent/WTI hôm thứ năm tăng lên 12,06 USD, cao nhất kể từ tháng 1/2014.


Giá dầu tăng trong phiên thứ Tư 24/2 khi giới thương nhân tập trung vào đồn đoán tiêu thụ tăng, nhất là khi nhu cầu dầu đốt nóng và diesel tại đông bắc Mỹ tăng mạnh do thời tiết giá lạnh. Bên cạnh đó, bình luận của Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi rằng nhu cầu dầu đang hồi phục cũng hỗ trợ giá dầu.


Nhưng lo ngại về nguồn cung dầu giảm tại đông bắc Mỹ đã phần nào lắng dịu và thị trường lại tập trung vào số liệu nguồn cung dầu kỷ lục của Mỹ. Một số nhà máy lọc dầu ở Bờ Đông sẽ tái khởi động trong tuần này, theo Genscape Inc.


Giới thương nhân đặc biệt lo ngại khi nguồn cung dầu tại Cushing, Oklahoma liên tục tăng.


Bên cạnh đó, USD mạnh lên cũng gây áp lực lên giá dầu. Hôm thứ Năm 26/2, USD tăng sau khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ và số đơn hàng lâu bền tích cực hơn dự đoán.


Giá dầu trong tháng 2 tăng chủ yếu khi giới đầu tư đồn đoán sản lượng dầu sẽ giảm trong thời gian tới xét đến sự sụt giảm số giàn khoan của Mỹ đang hoạt động. Số liệu mới nhất về số giàn khoan đang hoạt động sẽ được Baker Hughes Inc công bố vào 13h00 thứ Sáu 27/2 (giờ địa phương).


Theo ước tính của JBC Energy, sự sụt giảm số giàn khoan đến nay sẽ khiến sản lượng dầu thô giảm 200.000-250.000 thùng/ngày trong nữa cuối năm nay.


Giá xăng RBOB giao tháng 3/2015 trên sàn Nymex giảm 0,6% xuống 1,7076 USD/gallon, trong khi giá dầu diesel giao tháng 3/2015 tăng 1,5% lên 2,1358 USD/gallon.




Cổ phiếu vốn hóa không còn đơn độc

Cổ phiếu vốn hóa không còn đơn độc


Có vẻ dòng tiền ngắn hạn đã tranh thủ sự điều chỉnh của chỉ số để giải ngân vào thị trường. Hoạt động của dòng tiền đầu cơ đã giúp cho thị trường giao dịch sôi động hơn với hiệu ứng tăng giá lan tỏa trên nhiều phân khúc cổ phiếu.


Kỳ vọng của thị trường


TTCK Việt Nam đã mở đầu phiên giao dịch đầu xuân Ất Mùi trong không khí hân hoan, hứng khởi của những ngày đầu năm mới. Có lẽ, sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và đánh cồng khai trương phiên giao dịch là một cú hích kích thích tâm lý nhà đầu tư và đưa sắc xanh lan tỏa trên thị trường trong suốt phiên giao dịch. Màu xanh của một mùa xuân mới như là màu xanh của hy vọng phần nào phản ánh những kỳ vọng của thị trường trong năm 2015.


Năm 2014 đã khép lại với những thăng trầm đáng nhớ đọng lại trong tâm trí nhà đầu tư. Tiêu biểu là sự kiện biển Đông, Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành và sự lao dốc của giá dầu thế giới đã khiến các chỉ số chứng khoán chính trải qua nhiều phen chao đảo hiếm thấy. Dù khó có thể lường trước mọi biến động, nhưng trên nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2015, thị trường hứa hẹn sẽ có một năm Ất Mùi khởi sắc với nhiều điểm đáng chú ý.


Là một trong những điểm nóng của thị trường trong giai đoạn đầu năm 2015, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường nhờ triển vọng lạc quan về hệ thống tài chính ngân hàng. Cơ sở của sự lạc quan này chính là báo cáo lợi nhuận quý IV/2014 khả quan của các ngân hàng đang niêm yết, cũng như các thương vụ mua bán, sáp nhập nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2015, giúp nâng cao năng lực và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, việc thị trường bất động sản đang ấm dần lên với những chính sách hỗ trợ cũng là một yếu tố để nhà đầu tư đặt niềm tin vào các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản.


Sự kỳ vọng này đã được thể hiện qua diễn biến thị trường những ngày cận và sau Tết Nguyên đán. Những cổ phiếu như BID, CTG, VCB, VIC, HAG… đã luân phiên tăng giá, giúp chỉ số VN-Index vượt qua vùng kháng cự mạnh của đường trung bình động 200 ngày (MA200) tại 580 - 585 điểm. Đặc biệt, dòng tiền đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong hai phiên giao dịch vừa qua, thể hiện ở sự gia tăng đáng kể thanh khoản trên hai sàn HOSE và HNX so với giai đoạn trước đó. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng đã rục rịch tăng giá cho thấy, các cổ phiếu vốn hóa lớn không còn đơn độc trong việc chèo lái xu hướng thị trường.


VN-Index sẽ kiểm nghiệm vùng kháng cự 605 - 610 điểm


Trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, chỉ số VN-Index đã có phiên tăng điểm khá mạnh, tạo khoảng cách an toàn với ngưỡng kháng cự 580 - 585 điểm của đường MA200 ngày vừa chinh phục được trong những ngày cận Tết. Tuy vậy, đà tăng của chỉ số đã tạm thời bị chững lại bởi ngưỡng kháng cự tâm lý 600 điểm. VN-Index có một phiên điều chỉnh giảm vào ngày 25/2, tuy vậy, sàn HOSE ghi nhận được sự gia tăng thanh khoản lên tới hơn 50% so với khối lượng giao dịch phiên trước đó. Và sau đó, trong phiên giao dịch hôm qua (26/2), VN-Index đã tăng điểm trở lại với mức thanh khoản được duy trì ở mức 90 triệu cổ phiếu/phiên.


Có vẻ dòng tiền ngắn hạn đã tranh thủ sự điều chỉnh của chỉ số để giải ngân vào thị trường. Hoạt động của dòng tiền đầu cơ đã giúp cho thị trường giao dịch sôi động hơn với hiệu ứng tăng giá lan tỏa trên nhiều phân khúc cổ phiếu. Xu hướng tăng của chỉ số đang được hỗ trợ bởi đường trung bình động ngắn hạn MA5 ngày và chúng tôi chưa thấy tín hiệu xấu xuất hiện trên đồ thị VN-Index. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng, chỉ số sàn HOSE có thể tiếp tục đà tăng để kiểm nghiệm vùng kháng cự 605 - 610 điểm trong tuần giao dịch đầu tháng 3 tới.


CTCK VPBS


Theo Tinnhanhchungkhoan




Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp


Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần kết thúc vào 20/2 ghi nhận tuần thứ 7 tăng liên tiếp, trong khi tồn kho sản phẩm lọc dầu giảm kỷ lục.


Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 25/2, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần kết thúc vào 20/2 tăng 8,4 triệu thùng lên 434,1 triệu thùng, cao nhất 80 năm qua và cao hơn so với mức tăng 4 triệu thùng dự đoán của giới chuyên gia.


Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma – trung tâm giao nhận dầu thô của Mỹ - cùng kỳ tăng 2,4 triệu thùng, theo EIA.


John Kildruff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết, báo cáo của EIA có ý nghĩa khá tích cực. Mặc dù dự trữ dầu thô tăng, nhưng tồn kho sản phẩm lọc dầu lại giảm mạnh.


Lượng dầu thô chế biến giảm 199.000 thùng/ngày khi công suất hoạt động lọc dầu giảm 1,3 điểm phần trăm xuống 87,4% tổng công suất.


Tồn kho xăng giảm 3,1 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 1,5 triệu thùng dự báo của giới chuyên gia trong khảo sát Reuters.


Trong khi đó, dự trữ sản phẩm chưng cất, kể cả diesel và dầu đốt nóng, giảm 2,7 triệu thùng so với dự đoán giảm 3,1 triệu thùng.


Giới thương nhân dự đoán dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn tiếp tục tăng sau khi tăng 7 tuần liên tiếp.


Dự trữ dầu thô của Mỹ liên tục tăng trong bối cảnh dư cung toàn cầu, khiến giá dầu giảm 50% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6/2014.




Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một TCTD

Tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một TCTD


Quy định trên được đưa ra tại Dự thảo Thông tư Hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ đang được NHNN Việt Nam lấy ý kiến đóng góp.


Theo đó, Thông tư này quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, bao gồm: Hoạt động làm đại lý chi, trả ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức kinh tế cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác được phép hoạt động ngoại hối; Hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế; Hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép).


Về nguyên tắc cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Tổ chức kinh tế đã được NHNN cấp Giấy phép trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ không được ủy quyền cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức kinh tế khác làm đại lý chi, trả ngoại tệ.


Một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một hoặc nhiều TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép. Tuy nhiên, một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép.


Tổ chức kinh tế đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ không được uỷ quyền lại việc chi, trả cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế khác.


Theo Thời báo ngân hàng




EIU: Lạm phát ở Việt Nam tiếp tục giảm nhờ nỗ lực bình ổn giá

EIU: Lạm phát ở Việt Nam tiếp tục giảm nhờ nỗ lực bình ổn giá


Các biện pháp bình ổn giá tiêu dùng liên quan đến Tết Nguyên đán Ất Mùi mà Chính phủ Việt Nam triển khai vừa qua sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát trung bình của nền kinh tế trong cả năm 2015.


Phóng viên TTXVN tại London dẫn nhận định gần đây của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh) cho biết các biện pháp bình ổn giá tiêu dùng liên quan đến Tết Nguyên đán Ất Mùi mà Chính phủ Việt Nam triển khai vừa qua sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát trung bình của nền kinh tế trong cả năm 2015.


Theo đánh giá của EIU, thông thường, chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.


Các gia đình tích trữ thực phẩm và đồ uống để đãi bè bạn đến chơi trong dịp Tết. Vì vậy, các nhà bán lẻ thường tranh thủ dịp mua sắm hàng năm này để tăng cường và mở rộng hoạt động kinh doanh.


Lương tăng trở lại cộng với niềm tin tiêu dùng được cải thiện đã giúp đẩy mạnh nhu cầu mua sắm hàng hóa vào dịp Tết Ất Mùi 2015.


Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam quyết định triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo giá tiêu dùng vẫn được duy trì ở mức ổn định vào dịp Tết Nguyên đán.


Cũng theo EIU, trong 10 năm qua, giá tiêu dùng của tháng 1 và tháng 2 thường tăng ở mức trung bình 1,6%, cao hơn so với mức 0,6% của những tháng trước và sau đó.


Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chính quyền các địa phương phải đảm bảo nguồn cung để tránh nguy cơ giá tăng đột biến. Như vậy, việc triển khai các biện pháp bình ổn giá tiêu dùng trong dịp Tết sẽ giúp tỷ lệ lạm phát trung bình của cả năm 2015 tiếp tục giảm./.


Theo TTXVN/VIETNAM+




Giảm giá chưa lâu, xăng dầu sắp tăng kỷ lục?

Giảm giá chưa lâu, xăng dầu sắp tăng kỷ lục?


Sau 15 lần liên tiếp giảm giá, 2 lần kìm nén, xăng dầu trong nước đang đứng trước viễn cảnh nhấp nhổm "hồi phục" theo giá dầu thô...


Hai tháng là tiêu hết Quỹ


Khó có thể ngờ rằng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua đã đổi chiều nhanh như vậy. Từ mức dương 1.900 đồng/lít đã chuyển sang âm gần 2.500 đồng/lít ( đối với xăng-so với giá cơ sở) chỉ trong vòng một tháng.


Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức chênh lệch âm giữa giá bán lẻ và giá cơ sở này là minh chứng cho tình trạng bán lỗ.


Theo Bộ Công Thương, xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore bình quân 15 ngày gần đây đã tăng giá tới 11,5 USD/thùng, tương ứng 20,5%. Dầu diezen tăng 10,1 USD/thùng, tỷ lệ tăng là 16,3%. Dầu hoả tăng nhẹ nhất cũng đã là 9,8 USD/thùng, tức khoảng 15,3%. Riêng dầu madut, mức tăng được ghi nhận là cao nhất với tỷ lệ 21,4%, tăng 64,5 USD/tấn.


Trước chiều hướng tăng mạnh này, Bộ Công Thương gánh trọng trách đảm bảo "ổn định tâm lý người tiêu dùng" dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Thủ tướng, nên đã quyết định kìm giá bán lẻ lần thứ 2 bằng công cụ Quỹ bình ổn.


Tuy nhiên, "việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay để giữ giá chỉ là một biện pháp tình thế, mang tính nhất thời", ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định.


Chia sẻ với VietnamNet, ông Năm nhấn mạnh: "Với tốc độ tiêu thụ xăng dầu hiện nay, Quỹ sẽ hết rất nhanh, có thể chỉ được 2 tháng. Chúng ta sẽ không thể sử dụng mãi một công cụ tài chính để bình ổn giá, nhất là khi Quỹ có giới hạn".


Trước đó, Bộ Tài chính công bố, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết năm 2014 có 4.018,711 tỷ đồng. Đây là mức tích luỹ lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi Quỹ này ra đời năm 2009. Hơn 50% số dư này là thuộc về Petrolimex do có thị phần lớn nhất, với con số 2.160 tỷ đồng.


Một đại diện của SaigonPetro tính toán, trung bình hiện nay, cả nước tiêu thụ 45 triệu lít, kg xăng dầu, riêng xăng chiếm khoảng 18 triệu lít/ngày. Nhân với mức sử dụng Quỹ bình ổn 2.448 đồng/lít đối với xăng, chỉ trong vòng 1 tháng, mặt hàng này sẽ ngốn khoảng 1.350 tỷ đồng, tức mất 33% số dư Quỹ trên.


"So với nhiều thời điểm từng phải sử dụng Quỹ trước đây thì các mức trên là mức xả rất lớn. Một lít xăng được bù từ Quỹ gấp 8 lần mức đóng góp, một lít dầu diezen được bù gấp 4 lần mức trích lập Quỹ nên Quỹ sẽ không thể trụ được lâu", vị chuyên gia này đánh giá.


Không tránh khỏi tăng giá


Những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất trên thị trường hiện nay đều dự báo, trong 15 ngày tới, nếu như giá xăng dầu thế giới vẫn đà tăng trở lại, không loại trừ trường hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ phải tăng giá.


Theo lập luận của giới này, Quỹ bình ổn cạn kiệt, Bộ Tài chính lại chưa thể giảm thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp vốn đã lỗ kinh doanh xăng dầu năm 2014 nên không có lý do gì để có thể tiếp tục nén giá xăng dầu.


Barem điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu "ăn" theo giá dầu thô của Bộ Tài chính đã quy định, chỉ khi giá dầu trên 75 USD/thùng thì xăng và dầu hoả mới được giảm thuế từ 35% hiện nay xuống 25%, dầu diezen và madut mới được giảm từ 30% hiện nay xuống 20%.


Trong khi đó, mức đỉnh nhất mới của dầu thô vừa qua chỉ là 53,5 USD/thùng vào ngày 17/2. Mức bình quân dầu thô 15 ngày qua hiện là hơn 51 USD/thùng.


Đại diện SaigonPetro cho rằng, Liên Bộ có thể cần phải cân đối giữa việc tăng giá và sử dụng Quỹ, ví dụ như chỉ tăng khoảng 1.000 đồng/lít, phần còn lại là bù đắp từ Quỹ. Việc này cũng là nhằm tránh tái diễn kịch bản điều hành giật cục như 3 năm về trước.











xăng-dầu, giá-xăng, giá-dầu, dầu-thô, quỹ-bình-ổn, giảm-giá, Bộ-Công-Thương, giá-điện
Quỹ bình ổn bù giá xăng dầu chỉ trụ được 2 tháng (ảnh: Phạm Huyền)

Năm 2011, kịch bản điều hành giá xăng dầu khi đó cũng là một thời gian dài chỉ sử dụng Quỹ để kìm giá rồi sau đó, giá xăng dầu trong nước vẫn tăng và mức tăng rất sốc.


Ví dụ, đầu năm 2011, sau 2 đợt điều chỉnh ngày 24/2 và ngày 28/3, tổng mức tăng của xăng là tới 4.900 đồng/lít, dầu diesel tăng tới 6.155 đồng/lít, dầu hỏa tăng 5.700 đồng/lít, dầu madut tăng 4.110 đồng/kg.


Vị chuyên gia của SaigonPetro chia sẻ: "Đợt tăng giá cao khi đó đã gây ra hiện tượng rối loạn trên thị trường. Ngay cả hiện nay, ngoài thị trường cũng bắt đầu có chuyện đầu cơ rồi".


Ông Trần Ngọc Năm hi vọng: "Tôi tin là Liên Bộ Công Thương-Tài chính bây giờ sẽ điều hành giá khác những năm trước. Nhìn lại diễn biến hơn nửa năm qua, giá được xử lý đều theo quỹ đạo của thị trường, giá thế giới giảm thì trong nước đã giảm. Nên tới đây, nếu thế giới tăng thì giá cũng sẽ tăng".


Tuy nhiên, ông Năm cho biết, thị trường dầu thô diễn biến khó lượng, 15 ngày qua tăng mạnh, nhưng không phải tăng liên tục một mạch mà vẫn cũng có những ngày giảm gần 2 USD/thùng. Sẽ rất khó dự đoán liệu 15 ngày tới giá tiếp tục tăng nữa hay là lại chững lại và giảm.


Ví dụ như ngày 9/2, giá dầu thô WTI hồi phục lên 52 USD/thùng thì 2 ngày sau đó, 11/2, đã lại sụt xuống 48,8 USD/thùng. Hay như phiên giao dịch này 17/2, dầu thô bứt phá lên 53,5 USD/thùng thì đến nay, phiên ngày 23/4 chỉ còn 49,24 USD/thùng.


"Nhưng giá dầu không giảm mãi được, bởi nguyên nhân giảm vừa qua là do yếu tố địa chính trị chứ không phải do chi phí khai thác", ông Năm nhấn mạnh.


Những dự báo trên dường như đã tiên liệu trước đối với người tiêu dùng rằng, xăng dầu trong nước "hồi phục" theo dầu thô là tất yếu.


CPI liên tiếp 4 tháng qua vẫn tăng trưởng âm. So với giá đỉnh ngày 28/7/2014, giá xăng đã giảm tới 9.970 đồng/lít, dầu diezen cũng giảm 7.380 đồng/lít, dầu madut giảm 6.720 đồng/kg và dầu hoả giảm 6.930 đồng/lít. Mặt bằng thị trường xăng dầu đang rẻ nhất trong vòng 4 năm qua, chỉ dưới 16.000 đồng/lít. Riêng madut dưới 12.000 đồng/kg.


Trong một bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp xăng dầu có vẻ đang kỳ vọng sẽ có một quyết định tăng giá dễ dàng, dễ được chấp nhận hơn giai đoạn trước.


Duy chỉ có một điều nếu có còn lấn cấn nhất là liệu việc tăng giá nếu có tới đây có khiến cho ngành vận tải vội vã tăng theo, sau khi bị kiểm soát gắt gao ép phải giảm giá cước dịp Tết vừa qua.




Dự án sân bay Long Thành: 'Đừng để mai sau lịch sử có tội'

Dự án sân bay Long Thành: 'Đừng để mai sau lịch sử có tội'


Liệu Dự án sân bay Long Thành có được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua về mặt chủ trương để trình ra kỳ họp Quốc hội tới sau khi nghe bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình bổ sung Dự án đã sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII?


Sáng 26/2, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ giải trình bổ sung tại kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đất nước ngày càng hội nhập sâu và phát triển thì một càng hàng không như Long Thành là cần thiết.


Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về chủ trương, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng thể Dự án và giai đoạn 1 của Dự án trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.


Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ GTVT đã nỗ lực hết sức để Dự án đầu tư này được thông qua về mặt chủ trương. Nếu Dự án sửa đổi được thông qua chủ trương đầu tư sẽ phải tính đến cả phương án dùng 100% vốn nhà nước.


Tuy nhiên, dự án sẽ xây dựng phương án kêu gọi tối đa nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội hóa đầu tư. Chỉ có những hạng mục không thể kêu gọi được như đường bay… là phải dùng vốn ngân sách hoặc ODA.


“Để có nguồn lực đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, bộ GTVT đã xây dựng phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc cũng như thí điểm bán dứt điểm sảnh E, Nhà ga T1 sân bay Nội Bài”, bộ trưởng Thăng cho biết.


Cụ thể, theo phương án mới của Bộ GTVT, Dự án Cảng hàng không Long Thành được điều chỉnh theo hướng giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm.


Trước đó, theo Tờ trình số 360/TTr-CP (ngày 1/10/2014), giai đoạn 1 đầu tư nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường hạ cất cánh song song có cấu hình đóng với khái toán kinh phí đầu tư 7,837 tỷ USD (164.589 tỷ đồng).


Với sự cắt giảm 1 đường hạ cất cánh và tính toán lại, giai đoạn 1 khi sửa đổi chỉ còn 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng),giảm được 54.618 tỷ đồng.


Cơ cấu nguồn vốn gồm 12.149 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư của dự án. Số tiền này dành cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước. 29.177 tỷ đồng là vốn ODA (chiếm 26,5% tổng mức đầu tư dự án) dự kiến dành cho khu bay.


Vốn huy động ngoài ngân sách ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4% tổng mức đầu tư dự án ) dự kiến đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các công trình thương mại.


Cùng với đó, phương án sử dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng được định hướng sau khi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đó là sẽ khai thác ở giai đoạn 1 theo hướng 90% quốc tế - 20% nội địa ở Long Thành và 10% quốc tế - 80% nội địa ở Tân Sơn Nhất.


Giai đoạn 2 của Dự án là tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm.


Giai đoạn sau cùng sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạtcông suất 100 triệu khách/năm theo mục tiêu quy hoạch.


Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Long Thành giảm còn 15,8 tỷ USD thay vì là 18,7 tỷ đồng như báo cáo trình Quốc hội năm 2014.


Giải trình về tổng mức đầu tư lần này giảm so với lần báo cáo Quốc hội năm 2014, Bộ GTVT cho biết là do điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư từ 5.000 ha với kinh phí 989,04 triệu USD xuống còn 2.750 triệu ha với kinh phí còn lại 454 triệu USD, giảm 535,04 triệu USD.


Cùng với đó là giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư. Theo đó, Nhóm 1 giảm chi phí đầu tư 15 triệu USD; Nhóm 2 giảm 808,8 triệu USD; Nhóm 3 giảm 24 triệu USD; Nhóm 4a giảm 26,3 triệu USD; Nhóm 4b giảm 183,8 triệu USD. Tổng số giảm 1.057,9 triệu USD.


Ngoài ra Dự án sửa đổi cũng không đưa vào các hạng mục đầu tư thuộc Nhóm 5 (426,9 triệu USD) được triển khai theo phương án xã hội hóa và do các doanh nghiệp đầu tư cùng với các chi phí khác (tư vấn, dự phòng, thuế…) giảm tương ứng là 581,4 triệu USD.


Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa 8, các đại biểu Quốc hội đều đồng ý rằng với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì một Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, liệu Dự án đầu tư này có được thông qua hay không còn phụ thuộc vào quyết định sau phiên thảo luận sáng nay của các thành viên trong Thường vụ Quốc hội.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, nếu không cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành một cơ hội, thì có thể mai sau lịch sử sẽ có tội với đất nước.


MINH HUỆ


Theo Bizlive




Giá dầu tăng do đồn đoán nhu cầu hồi phục

Giá dầu tăng do đồn đoán nhu cầu hồi phục


Giá dầu Brent tăng hơn 5% trong khi giá dầu WTI tăng 3,5% sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi tuyên bố nhu cầu dầu thô đang tăng trở lại.


Giá dầu phiên 25/2 tăng trở lại khi giới thương nhân, tạm gác số liệu kỷ lục về dự trữ dầu thô của Mỹ sang một bên, tập trung vào dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục.


Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 4/2015 trên sàn Nymex New York tăng 1,71 USD, tương đương 3,5%, lên 50,99 USD/thùng.


Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 4/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 2,97 USD, tương đương 5,1%, lên 61,63 USD/thùng.


Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 20/2 ghi nhận tuần thứ 7 tăng liên tiếp, tăng 8,4 triệu thùng lên 434,1 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Tư 25/2.


Thời tiết lạnh giá tại phía đông nước Mỹ cũng làm tăng nhu cầu dầu đốt nóng sử dụng cho hệ thống sưởi trong nhà và dầu diesel sử dụng trong các nhà máy điện. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp cũng gây khó khăn cho hoạt động bốc dỡ tại phía đông bắc, gây thiếu cung cục bộ, theo giới thương nhân và các nhà phân tích.


Dự trữ sản phẩm chưng cất, kể cả dầu đốt nóng và diesel, của Mỹ trong tuần kết thúc vào 20/2 giảm 2,7 triệu thùng xuống 124,7 triệu thùng, theo EIA, thấp hơn so với mức giảm 3,3 triệu thùng dự đoán của giới phân tích.


Giá dầu diesel giao tháng 3/2015 tăng 7,47 cent, tương đương 3,68%, lên 2,1036 USD/gallon.


Dự trữ xăng trong tuần kết thúc vào 20/2 giảm 3,1 triệu thùng xuống 240 triệu thùng, theo số liệu của EIA. Trong khi đó, giới phân tích trong khảo sát của Wall Street Journal dự đoán giảm 1,1 triệu thùng.


Giá xăng RBOB giao tháng 3/2015 trên sàn Nymex tăng 9,9 cent, tương đương 6,1%, lên 1,7187 USD/gallon.


Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là chỉ số sản xuất của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, tăng trong tháng 2. Theo số liệu sơ bộ, chỉ số PMI sản xuất HSBC của Trung Quốc trong tháng 2 tăng lên 50,1 điểm so với 49,7 trong tháng 1.


Với vị thế nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, thậm chí biến động nhỏ về nhu cầu của Trung Quốc cũng khiến giá dầu thay đổi.


Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ tháng 12/2014, Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi hôm thứ Tư 25/2 cho rằng nhu cầu dầu thô đang tăng và thị trường dầu đã bình ổn.


Arab Saudi hiện là nước sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC. Năm 2014, OPEC đã quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng trong một nỗ lực giữ thị phần thay vì đẩy giá dầu lên.




Thủ đoạn rút hàng chục tỷ đồng của sàn vàng IG

Thủ đoạn rút hàng chục tỷ đồng của sàn vàng IG


Ngày 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 8 nghi can về hành vi Kinh doanh trái phép tại sàn vàng công ty IG. Người c hủ mưu được xác định là Lưu Công Khánh (33 tuổi, trú Thanh Hóa). Khánh thừa nhận được hưởng lợi 20 tỷ đồng từ việc kinh doanh.


Trước đó, vào đầu tháng 2, Công an quận Đống Đa phối hợp cùng Cục C50 Bộ Công an và công an tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa triệt khám phá nhóm thực hiện hành vi Kinh doanh trái phép vàng tài khoản, vàng miếng xảy ra tại công ty IG (ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa); đồng loạt khám xét các nơi làm việc và nhà ở của lãnh đạo chủ chốt Công ty IG.


Tang vật thu giữ gồm hơn 2 tỷ đồng, 276 lượng vàng miếng SJC, 8 kg vàng trang sức các loại; 35 máy tính xách tay; nhiều giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội…


Cơ quan điều tra làm rõ công ty IG hoạt động từ tháng 10/2013, có chức năng kinh doanh vàng trang sức. Đơn vị này mở 2 chi nhánh tại tỉnh Hải Dương và Thanh Hóa. Bằng cách quảng bá trên website vangquocte…, nhóm này tuyển dụng, đào tạo nhân viên cách gọi điện, chào mời, tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách đặt lệnh mua, bán vàng qua tài khoản. Đồng thời hướng dẫn nhân viên cách đối phó khi bị cơ quan chức năng "đụng" đến.


Lãnh đạo công ty lập ra chi nhánh tại nhiều tỉnh. Ở nơi có số lượng khách hàng bị thua lỗ nhiều, nhóm này làm thủ tục dừng hoạt động để chuyển sang địa bàn khác.


Đặc biệt, nhóm còn yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng môi giới kinh doanh hàng hóa và hợp đồng ủy quyền mua, bán vàng với công ty IG và chi nhánh để che giấu hoạt động phi pháp.


Ngoài ra, các nghi can còn tạo dựng công ty Napming để mua phần mềm MT4 (chuyên để kinh doanh vàng). Đồng thời giải thích với nhân viên, khách hàng công ty IG là đối tác của Napming có trụ sở tại Mỹ, Canada, Úc…


Sau khi ký hợp đồng kinh doanh vàng qua tài khoản, khách hàng sẽ phải nộp 2.500 USD ký quỹ. Nếu thắng với số lượng ít, khách hàng sẽ được rút tiền. Ngược lại, nhóm này sẽ can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng và đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.


Khi hết tiền ký quỹ, khách hàng muốn đầu tư tiếp phải nộp thêm vào nếu không sẽ “cháy” tài khoản. Với số tiền khách hàng nộp vào, nhóm này không hạch toán kế toán, kê khai thuế. Số tiền chiếm được mang đi mua ô tô, nhà ở và chi tiêu cá nhân.


Bước đầu xác định tổng số tiền khách hàng nộp vào công ty IG và các chi nhánh là 180 tỷ đồng, số tiền khách đã rút ra là 120 tỷ đồng, số thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng.


Đây là vụ án được nhận định có dấu hiệu kinh doanh trái phép, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản lớn với thủ đoạn tinh vi, được tổ chức chặt chẽ. Bản thân các nghi can luôn tìm cách đối phó, che giấu, nhiều lần chuyển trụ sở hoạt động. Khi bị bắt giữ, những người này luôn tỏ thái độ ngoan cố, chống đối công an.



NỆM LIÊN Á