Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Dầu giá rẻ 'đốt cháy' 390 tỷ USD của nhà đầu tư

Dầu giá rẻ 'đốt cháy' 390 tỷ USD của nhà đầu tư


Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có một thông điệp gửi tới các công ty khai thác dầu khí của Mỹ: chúng tôi đồng cảm với nỗi đau của các bạn.


5 năm qua, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã bơm hơn 1.400 tỷ USD vào ngành dầu khí với giá dầu ở mức trung bình hơn 91 USD/thùng. Có lẽ nguồn tiền mặt dồi dào cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng dầu thô ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 30 năm.


Tuy nhiên, với giá dầu hiện ở mức dưới 46 USD/thùng, các quỹ đầu tư, tài khoản tiết kiệm và cả bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đều đang bị ảnh hưởng. “Thị trường con gấu” đã “thổi bay” tổng cộng 393 tỷ USD ra khỏi thị trường kể từ tháng 6. Con số trên bao gồm 353 tỷ USD từ giá trị vốn hóa của 76 công ty có cổ phiếu thuộc chỉ số Bloomberg Intelligence North America Exploration & Production và 40 tỷ USD từ trái phiếu được phát hành bởi các công ty khai thác dầu từ đá phiến.


Sean Wheeler, chuyên gia đến từ công ty luật Latham & Watkins, cho rằng điều duy nhất mà mọi người đang chú ý là giá xăng và khí đốt giảm, nhưng họ không để ý rằng danh mục đầu tư của họ cũng đang bị ảnh hưởng.


Nguồn tiền đổ vào các công ty dầu khí trên toàn thế giới trong 5 năm qua đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó 286 tỷ USD huy động từ các dự án liên doanh, 353 tỷ USD từ các vụ IPO và 786 tỷ USD huy động từ trái phiếu và các khoản vay nợ.


Giá dầu sụp đổ trong sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư cũng như các bên cho vay. 8 tháng trước, công ty khai thác dầu Energy XXI Ltd. có trụ sở ở Houston phát hành trái phiếu để huy động 650 triệu USD. Nhu cầu của nhà đầu tư đối với loại tài sản này cao đến mức công ty này đã phải tăng hơn gấp đôi lượng trái phiếu phát hành so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, giờ đây trái phiếu của Energy XXI đã giảm tới 88%.


Đang gánh khoản nợ hơn 3,8 tỷ USD, Energy XXI là một trong số hơn 80 công ty dầu khí có trái phiếu lao dốc mạnh vì nhà đầu tư đặt cược rằng họ sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.


Cổ phiếu và trái phiếu của Energy XXI cũng như các công ty năng lượng khác được mua bởi các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm – bộ phận đóng vai trò quan trọng đối với các tài khoản tiết kiệm của người Mỹ. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 9 năm ngoái, các nhà đầu tư định chế có hơn 963 tỷ USD bị gắn chặt với các cổ phiếu năng lượng.


Cổ đông lớn thứ hai của Energy XXI là một nhóm các quỹ dẫn đầu bởi Vanguard Group Inc. – quỹ tương hỗ lớn thứ hai ở Mỹ. Công ty này cũng sử dụng 974 triệu USD trong tổng số 1,5 tỷ USD hạn mức tín dụng cấp bởi một nhóm các ngân hàng Mỹ. Energy XXI cũng vay tiền từ các ngân hàng ở Anh, Úc, Canada, Tây Ban Nha và Nhật Bản.


Một trong các ngân hàng bị ảnh hưởng khá nhiều là Bancorp với 21% trong tổng số 1,25 tỷ USD số tiền được giải ngân có liên quan đến ngành dầu khí. Tuy nhiên, Rusty Cloutier - CEO của Bancorp cho biết ông không lo lắng bởi danh mục cho vay của ngân hàng bao gồm các công ty dầu khí nhiều kinh nghiệm. “Có nhiều công ty bị tổn hại, nhưng những người chơi chính trên thị trường năng lượng sẽ không đi đâu cả”, ông nói. “Những công ty có tỷ lệ đòn bẩy quá lớn và mới gia nhập thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”.


Hàng trăm các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn ở các bang như Texas, Colorado, Oklahoma và Bắc Dakota đã mở rộng cho vay đối với các công ty năng lượng trong thời kỳ dầu mỏ bùng nổ.


Thu Hương


Theo InfoNet/Bloomberg




Kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi mạnh mẽ

Nhận định hôm 30/1 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "The Economist" (Anh) cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 vẫn tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ.



Theo phóng viên TTXVN tại London, nhận định trên được EIU đưa ra dựa trên số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), trong đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7% trong quý IV/2014, cao hơn mức 6,1% của quý III/2014. Tính cả năm 2014, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 6%, cao hơn mức 5,4% của năm 2013 và là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 2011. Những số liệu khả quan của năm 2014 sẽ tạo ra động lực quan trọng, giúp nền kinh tế Việt Nam bước vào năm mới 2015 với nhiều tín hiệu tích cực.




Vừa qua, Ngân hàng HSBC đã công bố Chỉ số quản lý sức mua (PMI) hồi tháng 12 năm ngoái ở mức 52,7 điểm. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 tháng qua. PMI ở trên mức 50 điểm chứng tỏ các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh. Mặc dù có chững lại vào thời điểm giữa năm, nhưng ngành công nghiệp Việt Nam đã có một năm 2014 thành công. Tốc độ tăng trưởng thực tế trong lĩnh vực công nghiệp đạt 7,1%, tăng đáng kể so với mức 5,4% năm 2013. Ngành nông nghiệp cũng tăng trưởng mạnh trong năm qua, đạt mức 3,5% so với 2,6% của năm 2013. Mặc dù tăng trưởng của khu vực dịch vụ năm 2014 giảm xuống 6%, từ 6,6% năm 2013, song đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực.




EIU dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của Việt Nam. Lạm phát giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát tốt trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp. Cũng theo EIU, năm 2015 sẽ chứng kiến những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế Liên minh châu Âu - 2 thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam.



Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

HNX: 90% doanh nghiệp niêm yết có lãi năm 2014

HNX: 90% doanh nghiệp niêm yết có lãi năm 2014


Quý 4, có 175 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tổng giá trị lãi đạt 1.543,8 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, 28 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ 157,3 tỷ đồng, giảm 69,9% so với cùng kỳ năm trước.


Tính đến ngày 20/1/2015, kỳ hạn công bố báo cáo tài chính quý IV/2014 đối với các doanh nghiệp không phải là công ty mẹ hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc (theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC), đã có 203/206 doanh nghiệp niêm yết trên HNX công bố báo cáo tài chính đúng hạn, đạt tỷ lệ 98,5% (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước).


Riêng quý 4, có 175 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tổng giá trị lãi đạt 1.543,8 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, 28 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ 157,3 tỷ đồng, giảm 69,9% so với cùng kỳ năm trước.


Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất với 62 doanh nghiệp kinh doanh lãi 537 tỷ đồng, chiếm 34,78% tổng giá trị lãi. Tiếp đến là ngành khai khoáng và dầu khí với 16 doanh nghiệp lãi 412 tỷ đồng, chiếm 26,69% tổng giá trị lãi và ngành tài chính có 13 doanh nghiệp lãi 226 tỷ đồng, chiếm 14,64% tổng giá trị lãi.


Ngành xây dựng có 26 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tổng giá trị lãi đạt 75 tỷ đồng, nhưng đây cũng là ngành chiếm tỷ trọng giá trị lỗ lớn nhất với 5 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ 62 tỷ đồng. Ngành kinh doanh bất động sản có 4 doanh nghiệp làm ăn có lãi với giá trị lãi 72 tỷ đồng, đồng thời có 2 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tới 24 tỷ đồng.


Tính cả năm 2014, có 183 doanh nghiệp niêm yết trên HNX có kết quả kinh doanh có lãi với tổng giá trị lãi đạt 3.453 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2013, 20 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, với tổng giá trị lỗ 378 tỷ đồng, giảm 51,48% so với năm 2013.


NGUYỄN QUANG


Theo Bizlive




Ông Lê Xuân Nghĩa: Giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế

Ông Lê Xuân Nghĩa: Giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế


Chính phủ đã bắt đầu “chia lợi ích” từ dầu thông qua việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để đỡ khó khăn cho ngân sách.


Trước những lo ngại về việc giá dầu giảm sẽ tác động mạnh đến tình hình thu ngân sách cũng như phát triển kinh tế năm nay, trao đổi với chúng tôi ông Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: Về mặt nguyên tắc giá dầu giảm sẽ có lợi cho nền kinh tế vì nó giúp phục hồi nhu cầu nội địa của Việt Nam.


Theo ông Nghĩa việc giá dầu giảm không chỉ có Việt Nam, mà toàn thể nền kinh tế thế giới đều được hưởng lợi.


Ông Nghĩa dẫn chứng, “Người ta đã tính toán giá dầu giảm 10% thì GDP tăng xấp xỉ 1%. Điều đó có nghĩa là tác động của giá dầu giảm đối với việc giảm chi phí của nền kinh tế rất lớn. Hay nói một cách khác, giá dầu giảm sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, đó là phục hồi lại tổng cầu của nền kinh tế.”


Một khi tất cả các doanh nghiệp đều phục hồi thì ngân sách thu được thuế, lợi tức, kinh tế ấm nóng trở lại thì thương mại tăng lên, cầu tăng lên còn thu được thuế hàng hóa, thuế giá trị gia tăng.


“Tức là giảm thu trực tiếp từ dầu nhưng lại tăng thu trực tiếp từ nền kinh tế, mà chắc chắn tăng thu từ nền kinh tế bao giờ cũng lớn hơn từ dầu”- Ông Nghĩa kết luận.


Chính phủ đã bắt đầu “chia lợi ích” từ dầu thông qua việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để đỡ khó khăn cho ngân sách.


Nói về dự báo giá dầu trong thời gian tới ông Nghĩa cho rằng, có thể giá dầu sẽ xuống xấp xỉ 40 USD/thùng, rồi sau đó sẽ tăng lên và có thể nằm lâu ở mức 60 USD/thùng, tuy nhiên sẽ khó có khả năng giá dầu lên mức 100 USD/thùng như trước kia. Do đó, về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến quyết định khai thác hay không khai thác của Việt Nam.


Tác động của giá xăng dầu trong trường giá dầu có tăng trở lại trong năm nay theo ông nghĩa hiệu ứng tác động tới việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong năm nay là rất thấp. Bởi lẽ kỳ vọng lạm phát thấp sẽ khiến giá cả hàng hóa không thể tăng vọt như trước (khi giá xăng dầu có biến động tăng).


“Lạm phát của cả năm nay sẽ chỉ dừng ở mức khoảng 4%” – Ông Nghĩa khẳng định.


Khánh Nhi


Theo Trí thức trẻ




Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Những cổ phiếu trong tầm ngắm

Những cổ phiếu trong tầm ngắm


TTCK đang trong giai đoạn “lình xình”, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền lớn, mỗi khi giá cổ phiếu giảm.


Khi giá cổ phiếu giảm, dòng tiền lại đổ vào, khiến giá cổ phiếu bật tăng trở lại. Điều này thấy rõ khi cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM đã 3 - 4 lần chạm giảm xuống dưới 19.000 đồng/CP rồi lại bật lên. Sở dĩ cổ phiếu CII không tăng cao do có một lượng cung giá rẻ do NĐT giữ cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu bán ra. Nhưng cổ phiếu này cũng khó giảm sâu khi CII dự kiến trả cổ tức năm 2014 ở mức 14%.


Các cổ phiếu APC, TCM, SHP, GMD, DPM… của những công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, dòng tiền và chia cổ tức ở mức cao, có mức biến động giá rất thấp.


Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo các công ty trên đều tự tin về triển vọng hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, mức giá cổ phiếu hiện nay là hấp dẫn. Tuy nhiên, NĐT đang chờ đợi những tín hiệu cho thấy cơ hội đầu tư rõ ràng hơn.


Hiện tượng cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín vừa qua là một biểu hiện cho thấy, dòng tiền đang chờ đợi những cơ hội rõ ràng. Hôm thứ Tư (28/1), khối lượng giao dịch cổ phiếu SCR đạt gần 14 triệu đơn vị với mức giá bình quân 7.700 đồng/cổ phiếu và phiên trước đó có 19 triệu đơn vị được chuyển nhượng, nhưng ngày hôm qua (29/1), SCR vẫn tăng giá mạnh, bất chấp những nghi ngờ về tin đồn trước đó (lý do làm cho SRC giảm giá sàn) vẫn chưa được sáng tỏ. Trong lúc nhiều người lo sợ bán ra cổ phiếu SCR, thì những người mua vào có lý do để bắt đáy cổ phiếu này, thậm chí nhiều người bắt đáy sớm một phiên.


Thứ nhất, cổ phiếu bất động sản đang là mục tiêu đầu tư của cả NĐT tổ chức và cá nhân. Sự sôi động của phân khúc nhà bình dân và cả căn hộ cao cấp khu vực Quận 2 đang diễn ra tại TP. HCM khiến giới đầu tư chứng khoán đặc biệt quan tâm đến cổ phiếu bất động sản.


Thứ hai là SCR đã có một sóng tăng giá, thu hút được nhiều NĐT cá nhân tham gia. Trước đó, ở mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, có động thái mua vào của cổ đông nội bộ và cổ đông nội bộ cũng đã bày tỏ quan điểm muốn tăng tỷ lệ sở hữu ở SCR. Vì thế, ở mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu, SCR trở nên hấp dẫn để đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi so sánh với các cổ phiếu cùng ngành.


Thứ ba, sự phản ứng kịp thời của lãnh đạo SCR trước làn sóng bán tháo cổ phiếu giúp giá phục hồi (DN đang hoạt động bình thường, kế hoạch kinh doanh năm 2015 tăng trưởng so với 2014…).


Tất nhiên, việc bắt đáy được coi là hành động mạo hiểm khi mọi thông tin chưa rõ ràng, trường hợp của OGC trước đây là một ví dụ. NĐT không rời bỏ TTCK, nhưng kỳ vọng về lợi nhuận thu được trên thị trường sau 1 năm với những cú sốc lớn như năm 2014 đã giảm nhiều. Nếu các năm trước, mức kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường ở mức cao 30 - 50%/năm, thì hiện nay chỉ khoảng 15 - 20%/năm.


Trong thông điệp đầu năm 2015 của tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn nhấn mạnh, công ty đã chuẩn bị các phương án nhằm đưa ra các sản phẩm hiệu quả để NĐT chuyển thói quen từ gửi tiền tiết kiệm sang tài khoản đầu tư, đây là yếu tố quan trọng nhất để TTCK phát triển lành mạnh và vững chắc.


Điều đó có nghĩa là ngay cả khi đầu tư vào chứng khoán, các NĐT đặt tiêu chí an toàn, bảo toàn vốn lên hàng đầu, thay vì chấp nhận các khoản đầu tư mạo hiểm như trước, sau đó mới đến kỳ vọng một khoản lợi nhuận hợp lý, cao hơn lãi suất ngân hàng, có thể là gấp đôi lãi suất tiền gửi.


Trong khi các NĐT cá nhân chưa chuyển động theo xu hướng đầu tư này, thì các NĐT tổ chức với nguồn vốn lớn, nhất là công ty chứng khoán trong nước đã tìm kiếm doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đầu tư này để rót vốn, trước khi giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tạo tiền trở nên đắt đỏ hơn.


Đó là lý do vì sao cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng tạo tiền như HPG, HSG, TCM… ít có khả năng giảm giá sâu.


Minh Phúc


Theo Tinnhanhchungkhoan




Hôm nay, Chính phủ họp thường kỳ tháng 1/2015

Hôm nay, Chính phủ họp thường kỳ tháng 1/2015


Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, dự toán ngân sách...


Hôm nay 30/1, Chính phủ họp thường kỳ tháng 1/2015.


Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình).


Đồng thời, Chính phủ sẽ cho ý kiến đối với báo cáo chính sách miễn thuế với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới (Bộ Tài chính trình); dự thảo Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Đề án thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2014-2020 (Bộ Nội vụ trình).


Bên cạnh đó, Chính phủ cho ý kiến đối với Báo cáo Đề án thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận (huyện), tuyến phường (xã) tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo điều trị Methadone đối với người nghiện ma túy đang được quản lý tại trại giam (Bộ Y tế trình).


Cũng trong phiên họp, Bộ Tư pháp trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII.




Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/01

Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/01


Sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành là rất cần thiết trong việc củng cố và duy trì xu hướng hồi phục, hay ít nhất là hạn chế đà giảm sâu của thị trường.


I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 30.01.2015


- Các chỉ số thị trường đã quay đầu giảm điểm sau phiên tăng nhẹ trước đó. Trong khi VN-Index giảm nhẹ 0.08% về 583.28 điểm, HNX-Index giảm 0.32% về 86.95 điểm. VS-Mid Cap và VS-Large Cap vẫn giữ được mức tăng lần lượt 0.10% và 0.04% nhưng VS-Small Cap tiếp tục giảm 0.39%, VS-Micro Cap giảm 0.24%.


- Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 15/23 nhóm ngành; trong đó, nhóm SX Cao su giảm mạnh nhất với 1.98%, tiếp theo là SX Tôn thép (-1.47%), Khai khoáng (-1.17%), SX Vật liệu xây dựng (-0.94%)… Các nhóm tăng điểm bao gồm SX Nhựa – Hóa chất tăng 2.10%, Thực phẩm – Đồ uống (1.91%), DV Chuyên môn – KHCN (1.12%), SX Thủy sản (0.76%), Tiện ích công (0.61%)... Trong các nhóm ngành nóng chỉ có nhóm Bất động sản tăng 0.13%, còn lại nhóm Khai khoáng, Ngân hàng, Xây dựng, Chứng khoản giảm lần lượt 1.17%, 0.52%, 0.25% và 0.20%.


- Cổ phiếu ngành Ngân hàng có phiên điều chỉnh mạnh sau những giao dịch sôi động trước đó. Cụ thể, VCB, STB, MBB, BID, ACB đều giảm điểm, tác động khá tiêu cực lên các chỉ số. Duy chỉ có CTGEIB vẫn giữ được sắc xanh nhưng là không đủ để cứu VN-Index thoát khỏi một phiên giảm điểm


- Theo thông tin cập nhật ngày 29/01, giá dầu chìm sâu gần 4% rớt xuống đáy 6 năm sau động thái tăng mạnh của nguồn cung tại Mỹ đã tạo áp lực bán lên nhóm cổ phiếu họ “P”, khiến nhóm này chưa thể đảo chiều bứt phá. Giao dịch trầm lắng ở GAS, PVD, PVS, PVX, PVC, PVB góp phần không nhỏ lên đà giảm của thị trường. Tuy nhiên, nhờ các “ông lớn” như VNM, MWG, HAG xanh giá nên VN-Index giảm không quá sâu. Chỉ riêng VNM hỗ trợ kéo chỉ số này tăng gần 0.4%, VS-Large Cap qua đó thậm chí còn tăng nhẹ 0.04%.


- Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh lên VN-Index bao gồm GAS, VCB, BID, MSN, BVH, HPG, KDC, PVD, STB, HT1 kéo chỉ số này giảm gần 0.70%. Ở chiều ngược lại, chỉ riêng VNM kéo VN-Index tăng 0.39%. Trên HNX, PVS, ACB, PVI, NVB, BTS, PLC, PVX, ITQ, VNF, BCC kéo HNX-Index giảm hơn 0.66%, trong khi SCR, FIT, VIX, VCG, LAS, DGC, NTP, VNT, PVR, PTI kéo chỉ số này giảm 0.28%.


- Diễn biến ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã bớt tiêu cực khi lần lượt FLC, OGC, KLF, HUT, FIT, HUT… đã tăng điểm trở lại. Bất ngờ thuộc về SCR khi giao dịch ở cổ phiếu này đảo chiều, thậm chí nhiều thời điểm chứng kiến giá chạy sát mức trần. Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục đà mua ròng trên HNX, tập trung mạnh nhất ở SCR trong phiên hôm nay.


- Thanh khoản nới rộng đà giảm trên cả hai sàn. Cụ thể, thanh khoản trên HOSE giảm 13.04% đạt 93.4 triệu đơn vị; trong khi trên HNX giảm 22.1% khớp 48.5 triệu đơn vị. Sàn HOSE tiếp tục có phiên giao dịch thỏa thuận sôi động với gần 16.3 triệu đơn vị, nổi bật là HQC khi khối lượng cổ phiếu trao tay đạt 11.5 triệu cp, trong khi EIB được khớp ở mức giá sàn với hơn 2 triệu cổ phiếu.


- Khối ngoại trở lại mua ròng trên HOSE với giá trị 17.7 tỷ đồng, nhưng giá trị mua ròng trên HNX là không đáng kể. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh ở BID (11.6 tỷ đồng), VHC (11.2 tỷ đồng), DXG (11.0 tỷ đồng)... và bán ròng mạnh nhất ở CSM (26.2 tỷ), PVD (12.2 tỷ đồng), KDC (8.9 tỷ đồng). Trên HNX, họ bán ròng chủ yếu ở SHB (1.6 tỷ đồng).


- Cổ phiếu nhóm Ngân hàng bất ngờ điều chỉnh mạnh, cùng đà giảm ở nhóm Dầu khí khiến giao dịch thị trường diễn biến tiêu cực. Tuy nhiên, trụ đỡ VNM cùng một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã hỗ trợ giúp các chỉ số giảm điểm không quá sâu; trong khi dòng tiền có vẻ đang dần chuyển hướng sang cổ phiếu nhóm đầu cơ. Sự luân chuyển giữa các nhóm ngành là rất cần thiết trong việc củng cố và duy trì xu hướng hồi phục, hay ít nhất là hạn chế đà giảm sâu của thị trường.


PHÂN TÍCH KỸ THUẬT


Phân tích Xu hướng và Dao động giá


VN-Index - Tiếp tục giằng co quanh các ngưỡng kháng cự mạnh SMA100, SMA200. Với sự xuất hiện của mẫu hình nến Spinning Top, cho thấy sự giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán, khi VN-Index đang chuyển động quanh các đường kháng cự mạnh SMA100, SMA200.


Thanh khoản đã có sự sụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp và rơi xuống dưới mức bình quân 20 phiên. Cùng với diễn biến tạm thời phát tín hiệu bán ở vùng overbought, sau chuyển động phân kỳ trước đó của Stochastic Oscillator, rủi ro thị trường đã tăng lên.


Bollinger Bands nén rất mạnh cho thây khả năng VN-Index có biến động lớn trong vài phiên tới. Do đó việc có phương án kiểm soát rủi ro và phản ứng với các kịch bản khác nhau của thị trường là cần thiết.


Trong trường hợp điều chỉnh giảm trở lại, vùng 570 - 573 điểm, trùng với đường SMA300, trước mắt sẽ ngưỡng hỗ trợ vững chắc cho VN-Index.



HNX-Index - Xuất hiện mẫu hình nến Hanging Man. Sau tổ hợp nến khá giống với mẫu hình Evening Star xuất hiện trong phiên ngày 27/01/2015, HNX-Index tiếp tục xuất hiện mẫu hình Hanging Man trong phiên 29/01/2015. Mặc dù vẫn cần chờ xác nhận thêm nhưng việc liên tục xuất hiện các mẫu hình nến đảo chiều cũng sẽ mang tính cảnh báo cho khả năng giảm mạnh.


HNX-Index đã có 5 phiên tích lũy nhưng chưa thể vượt lên vùng 87.3 – 87.5 điểm. Thanh khoản cũng có dấu hiệu suy giảm trong 2 phiên gần đây, mặc dù vẫn đạt mức xấp xỉ của bình quân 20 phiên.


Trong trường hợp có diễn biến điều chỉnh trở lại, vùng 83 – 84 điểm, tương ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%, sẽ là ngưỡng có lực hỗ trợ khá tốt cho HNX-Index.



Phân tích Market Strength


VS-Arms VN tiếp tục giảm xuống mức 0.41, cho thấy ưu thế của bên mua được gia tăng. Đường EMA 5 ngày của VS-Arms VN cũng đã quay trở lại xu hướng giảm rõ nét hơn, sau 2 phiên liên tiếp bên mua cải thiện hơn ưu thế của mình.


Trong khi VS-LBR lại cho thấy mức độ tham gia của nhà đầu tư lớn đã giảm trở lại, sau 2 phiên duy trì ở mức khá cao. Chỉ số này cũng đã rơi xuống trở lại dưới đường EMA 5 ngày, cho thấy khả năng đường này sẽ quay trở lại xu hướng giảm, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư lớn có thể tiếp tục hạn chế tham gia thị trường.



Phân tích Dòng tiền


Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ số dòng tiền thông minh VS-NVI VN tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao và giữ vẫn xu hướng tăng khá mạnh trong khoảng 2 tuần qua. Dòng tiền thông minh duy trì mức độ tham gia có thể kỳ vọng sẽ là yếu tố giúp thị trường tránh khỏi những nhịp điều chỉnh mạnh.


Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: NetValForVN cho thấy khối ngoại duy trì mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp. Đường EMA 5 ngày của NetValForVN cũng đã cắt lên đường EMA 20 ngày và đường 0. Tín hiệu này có thể kỳ vọng sự chuyển đổi động thái sang mua ròng ổn định của khối ngoại sẽ là yếu tố tác động tích cực đến thị trường.



II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 29.01.2015







Phòng Nghiên cứu Vietstock


Theo Vietsotck




Những biến số chi phối thị trường thị trường chứng khoán

Những biến số chi phối thị trường thị trường chứng khoán



So với các thị trường trong khu vực, dù không còn được định giá cao nhưng giá trị VN-Index vẫn còn khá hấp dẫn



Một số các biến số chính sẽ tác động khá lớn đối với xu thế được dự báo.


Chính sách: Đầy hỗ trợ


Năm 2015, những xu thế cơ bản của chính sách sẽ là hỗ trợ cho tăng trưởng. Các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay đã khẳng định điều đó.


Cụ thể, GDP được đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%%. CPI là 5% và xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt thương mại so với xuất khẩu 5%. Về lãi suất, tuy Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cho rằng lãi suất cuối năm 2014 đã ở mức đáy và không có khả năng giảm thêm, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và các chuyên gia vẫn dự báo rằng có khả năng NHNN sẽ tiếp tục một đợt cắt giảm lãi suất mới, vào khoảng quý I đầu năm, dựa trên nền tảng CPI vẫn đang ở mức thấp và Chính phủ cần khuyến khích nới lỏng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng và đưa tín dụng thoát khỏi vòng xoáy âm của những tháng đầu năm.


Một số các chủ trương khác về mặt tài khóa như đầu tư công sẽ tập trung vào các dự án đầu tư trọng điểm cấp quốc gia, về thuế thì hỗ trợ VAT, Duy trì thuế doanh nghiệp 22%, gia hạn thời gian nộp thuế;


Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ ưu đãi miễn giảm thuế cho doanh nghiệp FDI cùng những chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản như duy trì lãi suất cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội đối với gói 30 nghìn tỷ đồng, đẩy mạnh tốc độ thực hiện; Nới quy chế BĐS đối với người nước ngoài, cho phép sở hữu nhà riêng;kết hợp các chính sách dự kiến sẽ ổn định tỷ giá, tiếp tục cho phép các NHTM được tiếp tục vay ngoại tệ và thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu… dự báo đều nằm trong một xu thế tạo động lực hỗ trợ cho tăng trưởng.


Về mặt vi mô, là tạo động lực kích thích doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất tốt hơn, tăng sức mua cho thị trường và đóng góp cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.



Như vậy, các chính sách cơ bản “nới lỏng” hơn so với năm 2014 và các động lực hỗ trợ cũng đã rõ ràng hơn. Những chính sách này theo đó đang cho doanh nghiệp quyền hi vọng chỉ số PMI của Việt Nam sẽ không còn “nằm ngang” ở mức 50 điểm như điều đã làm và đã được đánh giá là tích cực ở năm 2014. PMI, chỉ số sản xuất kinh doanh của Việt Nam cần được đẩy lên, tích cực hơn nữa. Cũng chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự cảm nhận sự khởi sắc, có thể có động lực như đóng góp tốt vào sự khởi sắc và trụ vững với áp lực cạnh tranh của thị trường mở rộng cửa.


Về con số, việc tăng chi, hỗ trợ thuế theo chủ trương nêu trên không gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống tài chính (giảm thâm hụt ngân sách: 5,3% - 5,0%). Trong khi đó tiết giảm chi phí hành chính, đẩy mạnh quản lí chi tiêu công, nguồn thu từ thuế gia tăng nhờ kinh tế và lợi nhuận DN sẽ được cải thiện. Và sẽ có nhiều nhà đầu tư giá trị quan tâm yếu tố này để tìm kiếm danh mục mới trên thị trường chứng khoán.


Nguồn cung: Áp lực thấp


Cũng năm 2014, thị trường có một số doanh nghiệp lớn thực hiện IPO. Các doanh nghiệp này tuy chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng qua những đợt đấu giá cổ phần, đã san sẻ một phần dòng vốn trên TTCK thứ cấp. Điển hình như Vietnam Airlines.


Năm nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nằm trong kế hoạch IPO hơn 400 doanh nghiệp tính đến hết 2015, mà việc thực thi mới đạt chưa tới một nửa. Nhưng không có quá nhiều tên tuổi hấp dẫn đã được chờ đón rục rịch từ trước nên các chuyên gia cho rằng khả năng san sẻ dòng vốn từ thứ cấp sang sơ cấp sẽ không nhiều. Cùng với đó, tốc độ thoái vốn ngoài ngành vẫn còn khá chậm sẽ khiến thị trường không chịu áp lực tăng cung.


Trên thực tế, DNNN bắt đầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ 2011, chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Thống kê của chứng khoán KIS cho biết tổng số vốn phải thoái trong 2 năm 2014-2015 là 22,5 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 1-10/2014, các Tập đoàn Tổng công tyđã thoái được 2,4 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ 2013 đạt 0,97 nghìn tỷ).


Năm nay tiến độ thoái vốn có thể nhanh hơn nhưng dự kiến Chính phủ vẫn khó đạt được mục tiêu đề ra, nếu thị trường không có bất kì một sự đột biến nào để các doanh nghiệp có động lực thúc đẩy thoái vốn nhanh hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo không thất thoát vốn đầu tư nhà nước. Đến cuối năm 2014 số vốn cần bán còn lại lên tới 20,1 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.


Việc chờ đợi sự đột biến bất ngờ nào đó của thị trường, với những biến số rõ ràng sẽ khó xảy ra. Do đó nếu không cải thiện các kế hoạch cụ thể về giá bán, điều kiện bán…, thì việc thoái vốn của các DNNN e vẫn sẽ duy trì một tốc độ cũ.


Điều may của thị trường chứng khoán sẽ là không có một nguồn cung ào ạt đổ ra, “đè” lên thị trường. Nhưng cũng cần lưu ý, trong số các danh mục cổ phiếu bắt buộc thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công tyNhà nước, có khá nhiều cổ phiếu hấp dẫn mà yếu tố cản đường cơ bản chỉ là giá và điều kiện bán.


Chẳng hạn nếu SCIC chấp nhận thoái vốn Vinamilk, e là sẽ có hàng loạt nhà đầu tư xếp hàng giữ chỗ. Hay, EVN quyết liệt thoái An Bình Bank, ở mức giá hợp lí, thì tuy không đến mức các nhà đầu tư “tranh nhau” nhưng cơ hội để sở hữu cổ phần ở một ngân hàng – lĩnh vực đặc biệt, không phải không có người sẵn sàng chờ đón.


Mấu chốt vẫn chỉ là giá bán. Nguồn cung không thành vấn đề!


Tựu chung lại, chuyển động của thị trường chứng khoán năm 2015, dự báo sẽ không quá nhiều thay đổi. Nhưng điều đó cũng sẽ không ngăn cản VNIndex tìm lại được những gì đã mất ở năm 2014, với các yếu tố mà thị trường chứng khoán luôn lấy làm cơ sở để tăng điểm đi trước: Lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, kỳ vọng về các chính sách mở cửa thị trường, duy trì các gói hỗ trợ lấy ngân sách làm trọng tâm…










Khối ngoại: Hy vọng mỏng


Năm 2014, vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam có sự suy giảm. Mức suy giảm đạt tới 127 triệu USD khi khối ngoại chỉ mua ròng đạt 136 triệu USD. Tỷ trọng giá trị mua ròng khối ngoại năm 2014/vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối 2013 là 0,34%, thấp hơn so với tỷ trọng này trong năm 2013.


Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cho thấy năm 2015, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể lật ngược kịch bản đã từng diễn ra. Và một trong những yếu tố đó là việc chờ cú hích từ nới room vốn ngoại, đang khá vời xa. Hiện tại, vào thời điểm cuối năm 2014, đề xuất nới room ngoại lên 60% vẫn chưa được thông qua, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp trong năm 2014 đã đại hội cổ đông và sẵn sàng đón vốn từ việc nới room mới.


Trên thực tế thì bên cạnh việc đón vốn đầu tư vốn ngoại, ngoài phụ thuộc chính sách chưa biết bao giờ được thông qua, sự khởi sắc của chứng khoán ít nhiều còn phụ thuộc vào các kế hoạch IPO lớn, của các DNNN lớn và được đánh giá là hấp dẫn, như MobiFone. Tương tự hiện tại, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về những doanh nghiệp đáng được chờ đợi, liệu có tên trong danh sách IPO năm nay. Hay IPO các DNNN sẽ chỉ làm nặng thêm gánh hàng hóa không hấp dẫn đang tồn tại khá nhiều trên thị trường?


Như vậy, ở góc độ chờ đợi cú hích vốn ngoại, cơ hội tuy có nhưng xem ra không nhiều và cũng không chắc chắn. Đặc biệt nếu so với tiềm lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp tại VN, khi môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên, việc hưởng lợi từ TPP, AEU và đón AEC, thì vốn FII xem ra yếu thế.


Những yếu tố không mấy tích cực cho tâm lí chờ đợi cú hích từ vốn ngoại còn bao gồm tác động của các thị trường bên ngoài, khi: Mỹ rút gói QE3 và tăng lãi suất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục thoái vốn tại các thị trường mới nổi do tác động đã nêu của Mỹ và giá dầu thấp khiến các dòng vốn đầu tư co lại để né tránh rủi ro…


Giá dầu thực sự sẽ là một ẩn số đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ như thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mang họ PV hay các doanh nghiệp có liên quan về tài nguyên. Cùng với đó tỷ giá tăng lên đẩy giá nhập khẩu hàng hóa lên cao, xói mòn đi hiệu quả của việc giá cả nguyên vật liệu thế giới giảm, cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận.





Chứng khoán tháng 2, cơ hội tăng hiện hữu

Chứng khoán tháng 2, cơ hội tăng hiện hữu


Kể từ mức đáy 513 điểm được xác lập vào giữa tháng 12/2014, đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng gần 14% và đang là một trong những chỉ số tăng trưởng tốt nhất thế giới, theo đánh giá từ trang indexq. Tín hiệu về việc TTCK lặp lại quy luật tăng trưởng của những tháng đầu năm đang rất rõ ràng.


Sau nhiều năm đi ngang ở đáy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu có sự chuyển mình, giúp thị trường có cú bật tăng trong những phiên vừa qua. Đà tăng của các “cổ phiếu vua” một thời diễn ra trong sự ngờ vực của không ít NĐT, bởi họ cho rằng nội tại của hệ thống tín dụng vẫn còn nhiều vấn đề.


Việc các cổ phiếu ngân hàng khởi sắc trong những phiên vừa qua không đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng đã hoàn toàn trở lại trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, TTCK là thị trường của niềm tin, kỳ vọng câu chuyện “đi tắt đón đầu” rất đáng để lưu tâm và dòng tiền vẫn luôn có những lý lẽ riêng của nó.


Còn nhớ, khi nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn dắt thị trường bay cao trong năm 2014, mấy ai đặt đủ niềm tin vào nhóm cổ phiếu này và mấy ai có thể dự báo được những mức giá mà các cổ phiếu đó đã chinh phục. Vì thế, trước những chỉ đạo có phần quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành ngân hàng từ Ngân hàng Nhà nước, dường như dòng tiền trên TTCK đã chuyển mình và đi trước một bước. Với gần 3 năm suy giảm tại vùng đáy, việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt thị trường cũng nên được nhìn nhận ở chiều hướng tích cực.


Cùng với quyết tâm xử lý nợ xấu, hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản dường như đang mang đến hơi ấm cho khu vực này, và nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng sẽ là nhóm song hành cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Có vẻ như vẫn còn quá sớm để khẳng định sự hồi phục thực sự của thị trường bất động sản, nhưng rõ ràng các DN bất động sản đang có nhiều hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn. Tất nhiên, không thể đánh đồng khả năng hồi sinh của các DN bất động sản như nhau, bởi sau giai đoạn dài thăng trầm, tiềm lực mỗi DN mỗi khác. Nhưng tựu trung, đây cũng sẽ là nhóm ngành có tiềm năng và cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.


Với những dự báo trên, thị trường chứng khoán năm 2015 được nhìn nhận sẽ có thêm một năm tăng trưởng. Những khởi đầu tích cực vừa qua đang mang niềm tin trở lại với NĐT. Tuy nhiên, tháng 2 sẽ khó có thể tiếp bước với thành công của tháng 1, bởi tháng này sẽ có kỳ nghỉ Tết cổ truyền dài và tâm lý NĐT không muốn những đồng tiền của mình nằm lâu một chỗ. Thêm nữa, NĐT vẫn chưa thực sự hết lo lắng với Thông tư 36, khi đầu tháng 2 là thời điểm thông tư này chính thức đi vào thực hiện. Do đó, dòng tiền vào thị trường trong tháng 2 có thể chậm hơn, dù vẫn được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, hoặc có thể sẽ có thêm nhóm ngành xi măng và điện.


Trên đồ thị, chỉ số VN-Index sau cú tăng điểm phiên 22/1 và 23/1 đã vẽ một cách hoàn chỉnh mô hình Vai – Đầu – Vai ngược. Với mô hình này, giới phân tích kỹ thuật đều cho rằng, VN-Index sẽ sớm tiếp cận với vùng 605 điểm. Tuy nhiên, để tiến đến mức đó, VN-Index sẽ có một số phiên rung lắc khi chạm tới đường MA150 và dù chỉ với khoảng cách 20 điểm, nhưng để đạt được mốc này sẽ không hề đơn giản. Kỳ vọng lớn nhất là VN-Index sẽ tiếp cận khu vực 603 - 608 điểm, trước khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch bắt đầu. Và khoảng thời gian ít ỏi cuối tháng 2, khi nhà đầu tư trở lại sau kỳ nghỉ, sẽ là những phiên giao dịch thăm dò trước khi tháng 3 tới.


Với góc nhìn tích cực thì đây là giai đoạn mà NĐT nên thận trọng tích lũy cổ phiếu. Theo đánh giá, dù nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp tăng khá dài, nhưng đó vẫn chưa phải là cái đích cuối cùng trong nhịp tăng này. Ngoài ra, với những dự báo về việc giá điện sẽ tăng hay gói QE của châu Âu khiến đồng Euro mất giá cũng giúp cho một số DN ngành điện và xi măng gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, những nhóm cổ phiếu này chỉ mang tính chất hỗ trợ thị trường trong giai đoạn đầu, đặc biệt là những phiên tới. Để thị trường có sức bật mạnh thì nhóm dẫn dắt tiếp sau ngân hàng phải là nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.


Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có một năm 2014 thực sự tươi đẹp, với kết quả kinh doanh tốt nhất trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, giá của những cổ phiếu này chưa có thêm một nhịp tăng đáng kể nào trong hơn 9 tháng trở lại đây. Năm 2014, cũng sau nghỉ lễ, thị trường đã tăng mạnh nhờ vào sự tăng giá của nhóm này và kịch bản tương tự cho năm 2015 hoàn toàn có thể xảy ra. Tương tự, NĐT cũng đang chờ đợi nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ làm nên chuyện sau kỳ nghỉ Tết.


Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS


Theo Tinnhanhchungkhoan




Giá dầu Mỹ xuống dưới 44 USD/ounce, lần đầu tiên kể từ 2009

Giá dầu Mỹ xuống dưới 44 USD/ounce, lần đầu tiên kể từ 2009


Giá dầu Mỹ biến động mạnh trong phiên giao dịch 29/1 đẩy giá xuống thấp nhất gần 6 năm trước khi tăng nhẹ vào cuối phiên.


Giới đầu tư tỏ ra lo ngại về tình trạng dư cung đang kiểm soát thị trường, khiến giá giảm 60% trong 6 tháng qua. Số liệu cho thấy dư cung dầu tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo.


Phiên 29/1, giá dầu Brent giao tháng 3/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 66 cent, tương đương 1,4%, lên 49,13 USD/thùng.


Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 3/2015 trên sàn Nymex New York tăng 8 cent, tương đương 0,2%, lên 44,53 USD/thùng. Trước đó, giá xuống 43,58 USD/thùng, thấp nhất kể từ 12/3/2009.


Giá dầu WTI và Brent đều giảm sau khi Genscape, dịch vụ số liệu năng lượng, cho biết, khách hàng đã tăng dự trữ dầu tại Oklahoma thêm 1,6 triệu thùng chỉ trong 5 ngày từ 21-27/1, theo nguồn thạo tin. Tuần trước, dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma tăng 2,1 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).


Sản lượng dầu Mỹ tăng mạnh khi công nghệ ép thủy lực và khoan ngang cho phép khai thác trữ lượng lớn dầu đá phiến. Tuần trước, sản lượng dầu Mỹ tăng 15%, bất chất giá giảm, Capital Economics cho biết.




Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Sẽ mất tới 5 năm để giá dầu phục hồi

Sẽ mất tới 5 năm để giá dầu phục hồi


UBS cho biết phải mất ít nhất 60 tháng để giá dầu trở lại mức trước khi nó rơi tự do. Sự phục hồi này chậm hơn nhiều so với lần trước, khi chỉ mất trung bình 17 tháng để giá dầu phục hồi.


Trong khi giá dầu vẫn dao động quanh mức thấp nhất trong 6 năm gần đây, một số nhà phân tích đang đánh cược với nhau xem sẽ phải mất bao lâu để giá dầu hồi phục.


Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã đưa ra câu trả lời là: sẽ phải mất một thời gian dài nữa, đặc biệt theo ước tính xu hướng dầu giảm giá như hiện nay.


UBS cho biết phải mất ít nhất 60 tháng để giá dầu trở lại mức trước khi nó rơi tự do. Sự phục hồi này chậm hơn nhiều so với lần trước, khi chỉ mất trung bình 17 tháng để giá dầu phục hồi.


Hiện nay, giá dầu đang đối mặt với một thực tế khác. Trong khi giá dầu tụt dốc không phanh hồi năm 2008 và vào những năm 1997/1998 chủ yếu do nhu cầu giảm, trùng thời điểm với cuộc suy thoái toàn cầu và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, thì các đợt bán tháo hiện nay có nguồn gốc ở tình trạng thừa nguồn cung dầu trên thế giới.


UBS nhận định, điều này, kết hợp với nhu cầu thấp, cộng thêm gánh nặng của việc không có Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đứng sau hậu thuẫn cho giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng, sẽ khiến giá dầu hồi phục chậm hơn và khó khăn hơn. Hồi tháng 11/2014, OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng vì tổ chức này tìm cách bảo vệ thị phần của mình trước ngành công nghiệp dầu đá phiến (shale oil) bùng nổ của Mỹ.


Hôm thứ Ba (27/1), giá dầu thô ngọt nhẹ Brent được giao dịch quanh mức 48,40 USD/thùng, trong khi WTI bán trao tay ở mức 45,50 USD/thùng, tăng nhẹ trong ngày. Cả hai loại trên đã giảm hơn 55% kể thời kỳ đầu ở mức giá “đỉnh cao” hồi tháng 6/2014.


UBS ước tính rằng nguồn cung dầu hiện đang vượt mức nhu cầu 1,3 triệu thùng một ngày trong tổng số 93 triệu thùng một ngày trên thị trường toàn cầu . Nhưng hiện tại ngành công nghiệp dầu mỏ "tự nhận thức được mình không có mạng lưới an toàn OPEC để quản lý rủi ro giảm giá dầu lần đầu tiên kể từ những năm 80". Điều này cho thấy sự trở lại với mức giá dầu bình thường và ổn định sẽ là một quá trình dài và biến động.


UBS hiện xem xét giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn của giá dầu thế giới, với mức trung bình 52,50 USD/ thùng trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 69,75 USD/thùng. Ngân hàng cũng hạ thấp mức giá dự đoán cho dầu thô WTI ở thị trường Mỹ, từ 64, 75 USD/ thùng xuống 49 USD/thùng.


Với “Quá trình điều chỉnh cắt giảm sản lượng dầu và chi phí đầu tư đáng kể đã được công bố", ngân hàng dự đoán cả hai loại dầu thô đều tăng trở lại mức trên 60 USD /thùng vào năm tới. Cũng theo dự đoán của ngân hàng này, vào năm 2018, khoảng 60 tháng kể từ khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, Brent sẽ có giá 90 USD/thùng – mức giá "ổn định”mới.


Theo Trí Thức Trẻ




HSC: Mục tiêu giảm lãi suất 1-1,5%/năm của NHNN chỉ là hình thức "vỗ về"

HSC: Mục tiêu giảm lãi suất 1-1,5%/năm của NHNN chỉ là hình thức "vỗ về"


HSC ước tính lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm xuống khoảng 9,5% trước khi tăng lên 10,5% đến cuối 2015.


Công ty CP Chứng khoán TPHCM (HSC -) đã đưa ra một số nhận định về Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả năm 2015 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm qua (28/1).


Về mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất trung và dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay, theo HSC chỉ là một hình thức "vỗ về". Hầu hết các doanh nghiệp hiện đang vay với lãi suất 8-10%, HSC ước tính lãi suất cho vay trung bình đối với doanh nghiệp hiện là 9,8%. NHNN không trực tiếp định hướng lãi suất cho vay mà định hướng gián tiếp thông qua lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, hiện gấp đôi lãi suất điều hành của Nhật Bản.


HSC ước tính lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm xuống khoảng 9,5% trước khi tăng lên 10,5% đến cuối 2015.


Mục tiêu của NHNN đặt ra cho cung tiền là tăng khoảng 16-18% và tăng trưởng tín dụng 13-15% thấp hơn một chút so với dự báo của HSC. HSC dự báo tăng trưởng cung tiền M2 đạt từ 18,5% đến 19% và tăng trưởng tín dụng đạt 15,5% trong năm nay. Như vậy, NHNN có vẻ thận trọng hơn một chút.


HSC cho rằng, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13% năm 2014 nghĩa là nếu theo mục tiêu của NHNN thì năm nay tăng trưởng tín dụng tăng tốc một chút. Với sự phục hồi của thị trường bất động sản, xuất khẩu và đầu tư FDI tăng trưởng, HSC cảm thấy tăng trưởng tín dụng và cung tiền cơ sở ở vào ngưỡng trên của mục tiêu mà NHNN đặt ra.




Vì sao đặt mốc 30/6 cho sáp nhập và xử lý nợ xấu ngân hàng?

Vì sao đặt mốc 30/6 cho sáp nhập và xử lý nợ xấu ngân hàng?


Theo HSC, lý do là Thông tư 02 có hiệu lực từ tháng 7 và NHNN có lẽ muốn các ngân hàng giảm bớt áp lực xử lý nợ xấu cuối năm.


Trong 2015, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu đưa nợ xấu về 3% vào cuối năm. Theo Chỉ thị 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) công bố hôm qua (28/1), NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch 2015.


Ngoài ra, nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 theo số liệu lũy kế.


Tại thời điểm cuối 2014, nợ xấu bán cho VAMC là 123.000 tỷ đồng. Và theo chỉ thị 02 thì con số này có thể tăng lên 150.000 tỷ đồng, tăng thêm 27 nghìn tỷ đồng vào 30/6/2015 và 200.000 tỷ đồng cuối năm nay, tăng 77.000 tỷ đồng trong năm, theo mục tiêu đặt ra của VAMC.


Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC -) nhận định, ngày 30/6/2015 sẽ là một mốc quan trọng khi NHNN muốn thực hiện sáp nhập và xử lý nợ xấu đến ngày 30/6/2015. Thông thường các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC thường được các ngân hàng thực hiện không mấy vội vã vào đầu năm. Tuy nhiên, năm nay mọi việc sẽ khác khi các ngân hàng chịu áp lực phải đẩy nhanh mọi việc ngay từ đầu.


Và lý do là Thông tư 02 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 và dự kiến sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu 6 tháng cuối năm tăng lên. Theo HSC, NHNN có lẽ muốn các ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm để giảm bớt áp lực vào cuối năm. Cũng có thể NHNN cho rằng nếu để mọi việc được thực hiện quá muộn thì sẽ có một số ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của quy định mới.


Tốc độ bán nợ xấu năm nay cho VAMC sẽ tương đương 2014, HSC dự báo. Mục tiêu xử lý nợ xấu năm nay là khá quan trọng và có lẽ số liệu nợ xấu trong mục tiêu của NHNN là số liệu do các ngân hàng nộp về NHNN hàng tháng, và số liệu này thường rất thấp nên mục tiêu đề ra ở đây nếu xét theo khía cạnh này lại khá hợp lý, HSC nhận định.


Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3,8% vào cuối tháng 11 so với 4,11% vào tháng 7/2014. Những hạn chế chính trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu là tốc độ trích lập dự phòng của các ngân hàng phụ thuộc vào lợi nhuận trước trích lập dự phòng, đồng thời thiếu khung pháp lý hiệu quả để tạo điều kiện thực thi các đề xuất liên quan.


Theo HSC, sẽ chỉ có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho đến khi lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện và/hoặc chính phủ nới lỏng quy định liên quan đến các đề xuất liên quan đến xử lý nợ xấu.




Chủ tịch Đặng Hồng Anh: 'Sacomreal mua vào CP để bình ổn giá'

Chủ tịch Đặng Hồng Anh: 'Sacomreal mua vào CP để bình ổn giá'


Sacomreal (SCR – HNX) sẽ công bố thông tin vào ngày mai 29-1 và kế hoạch mua vào để bình ổn giá cổ phiếu.


Hai ngày vừa qua cổ phiếu của Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) biến động mạnh với những tin đồn liên quan đến doanh nghiệp. Chỉ trong hai phiên, thanh khoản khớp lệnh của SCR tăng vọt tới 33,6 triệu đơn vị, bằng 22,4% lượng cổ phiếu niêm yết. Chúng tôi đã liên lạc với ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacomreal, để tìm hiểu rõ thông tin.


Ông Đặng Hồng Anh cho biết: Tôi và hội đồng quản trị đang chỉ đạo sát sao hoạt động của công ty. Mặc dù hàng tồn kho vẫn ở mức cao và sự tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn, song thị trường đã có dấu hiệu ấm lên từ sự khởi sắc của nền kinh tế, đặc biệt là phân khúc căn hộ trung bình khá. Sacomreal với thế mạnh các dự án chung cư, trong đó có nhà ở xã hội, sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác lợi thế này ngay từ đầu năm. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ tăng trưởng ít nhất 10% trong năm nay.


Những ngày vừa qua có tin đồn về thay đổi nhân sự của công ty. Ông có thể cho biết cụ thể?


Tôi không biết tin đồn từ đâu nhưng tôi khẳng định đó là tin thất thiệt. Sacomreal có bổ sung nhân sự tổng giám đốc là ông Phạm Nhật Vinh. Chúng tôi ý thức được chuẩn mực quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị không kiêm tổng giám đốc. Đến nay hội đồng quản trị công ty mới tìm được ứng cử viên phù hợp. Ông Vinh đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Sacomreal một thời gian dài và vừa đi tu nghiệp 2 năm ở Mỹ về. Đó là vì sao có sự bổ nhiệm lúc này. Ông Vinh và ban lãnh đạo sẽ bắt tay thực hiện các kế hoạch, mục tiêu của công ty tại hội nghị tổng kết hoạt động Sacomreal ngày 3-2-2015 tới đây.


Tin đồn thất thiệt như ông vừa nói liệu có ảnh hưởng đến hoạt động cũng như cổ đông của công ty?


Tin đồn không ảnh hưởng đến hoạt động công ty, nhưng ở một chừng mực nào đó có tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Bằng chứng là khối lượng và giá trị giao dịch hai ngày qua của Sacomreal tăng đột biến. Là một doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi ý thức được sự minh bạch của việc công bố thông tin. Chúng tôi sẽ có công bố thông tin về tình hình công ty vào ngày 29-1 để nhà đầu tư và cổ đông hiểu rõ. Tôi cũng chia sẻ kế hoạch mua cổ phiếu SCR của cá nhân tôi trong những ngày tới để bình ổn giá cổ phiếu.


Thành Nam


TBKTSG




'Nhà đầu tư nước ngoài khó có thể giải ngân mạnh trong nửa đầu năm'

'Nhà đầu tư nước ngoài khó có thể giải ngân mạnh trong nửa đầu năm'


Việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản và ngân sách chính phủ của các nước dầu mỏ bị thâm hụt nặng khiến cho tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao đã bùng nổ. Do đó, tâm lý đầu tư tại toàn bộ khu vực thị trường mới nổi sẽ trở nên bi quan.


“Năm nay, VN-Index có khả năng tăng trở lại mức cao nhất đạt được trong năm 2014, ở ngưỡng trên dưới 650 điểm. Chỉ số khó có thể vượt qua đỉnh của năm trước do các yếu tố hỗ trợ đã giảm đi”.


Đó là nhận định của ông Hang Jin Yun – Giám đốc khối thị trường mới nổi của CTCP Chứng khoán KIS tại buổi hội thảo về triển vọng thị trường chứng khoán 2015 tổ chức ngày 28/01 tại Hà Nội.


Theo ông Hang Jin Yun, các nhân tố nền tảng như lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, kỳ vọng về các chính sách mở cửa thị trường, duy trì các gói hỗ trợ lấy ngân sách làm trọng tâm… sẽ đẩy thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, những yếu tố tiêu cực như Mỹ tăng lãi suất, cường độ mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài suy yếu, giá dầu duy trì ở mức thấp, các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng cung tiền kém hiệu quả … sẽ làm hạn chế đà tăng của chỉ số.


Cụ thể, theo tổng hợp của KIS, con số tổng kết báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy mức tăng trưởng doanh thu là 14%, cải thiện hơn so với mức 3% của cùng kỳ năm 2013. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ, nhưng ông Hang Jin Yun cho rằng, trong năm 2015, doanh thu vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và lợi nhuận cũng sẽ tăng nhẹ do sức ảnh hưởng lớn của sự phục hồi kinh tế, chi tiêu ngân sách được mở rộng, chi phí đầu vào giảm.


Đánh giá riêng về hoạt động của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại thị trường Việt Nam, chuyên gia của công ty chứng khoán KIS nhận định, NĐT nước ngoài khó có thể giải ngân mạnh trong nửa đầu năm và hiện tại cũng không có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy NĐT nước ngoài sẽ tích cực giải ngân trong nửa đầu năm 2015.


Cơ sở của nhận định này trước hết là từ dữ liệu về giá trị mua ròng của khối ngoại. Năm 2012, khối ngoại mua ròng 154 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau đó đã tăng vọt lên 263 triệu USD trong năm 2013 nhưng trong năm 2014 chỉ có 136 triệu USD.


Bên cạnh đó, ông Hang Jin Yun nêu lên một số tiêu cực như việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt nặng, tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao đã bùng nổ. Do đó, tâm lý đầu tư tại toàn bộ khu vực thị trường mới nổi sẽ trở nên bi quan. Về cơ bản, thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu chung tình trạng này.


Dù vậy, quan điểm đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam vẫn bền vững nhờ các yếu tố hỗ trợ dài hạn. Đồng thời, rủi ro đầu tư giảm xuống nhờ cán cân thương mại cải thiện, tỷ giá ổn định, khả năng trả nợ nước ngoài tốt, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên. Chuyên gia này cũng đánh giá, khả năng nới room khối ngoại (cuối 2014 vẫn là 49%), IPO các Doanh nghiệp lớn cũng là các yếu tố hỗ trợ tích cực.


Mai Linh


Theo Trí thức trẻ




NỆM LIÊN Á